Đến đại lộ Cộng Hòa lúc nào cũng không hay, Hiệp theo thói quen cho xe chạy chậm lại. Đây là một trong những con đường còn xứng danh là một đại lộ của Đô thành, có đường rộng cho xe lớn lướt vội vàng, có lối thênh thang cho xe hai bánh chạy ung dung, có lề lót gạch phẳng phiu và nhất là có bóng mát, thật nhiều bóng mát cho người đi bộ.
Ở đây, mỗi người cất bước là một vì vương tiến giữa hai hàng cây sừng sững như những tên lính khổng lồ đứng thẳng tắp giương lên thật cao những chiếc lọng thiên nhiên lợp bằng lá cây xanh ngắt.
Dù bận đến đâu, Hiệp cũng không nỡ cho xe chạy nhanh trong cái khung cảnh êm đềm ấy. Nó gợi lại trong đầu chàng bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào của thời thơ ấu. Bao nhiêu buổi sáng mát rượi, bao nhiêu buổi chiều dìu dịu, chàng đã được cùng các bạn nô đùa thỏa thích nơi đây trong khi ở đàng kia, không xa, trời nắng như đổ lửa.
Hiệp mỉm cười ôn lại những trận đấu sức cùng các bạn ngày nào trong bóng cây râm mát.
Bỗng chàng giật mình thấy một toán sáu bẩy cậu học sinh trạc 14, 15 tuổi đang sắp sửa dánh nhau. Đánh nhau thật sự chứ không phải giả ngộ như ngày xưa chàng nô giỡn cùng chúng bạn.
Một bên hai cậu, một bên đông gấp đôi, bốn cậu, đã quăng cặp xuống đường, sắp xông vào đấm đá.
Hiệp ngừng xe, chưa kịp chạy lại can thiệp đã thấy từ đâu phóng tới một cậu học sinh thứ bẩy cũng trạc tuổi sáu cậu kia.
Cậu này giang hai tay tách sáu người ra làm hai toán.
– Thôi – cậu ôn tồn nói – cho tôi xin đi, anh em cả mà, đánh nhau chi cho mệt, kỳ lắm!
Hiệp ngạc nhiên, bụng bảo dạ tiếng ai nghe quen quen như tiếng thằng Thuận. Vẫn ngồi yên trên xe lúc này đã đậu sát lề, chàng gỡ cặp kính râm ra coi, thấy quả là cháu mình, lại đeo kính lên, lặng yên thử xem nó hòa giải các bạn của nó ra sao.
Thuận, một tay cầm cặp, vẫn tươi cười giang rộng hai tay như một đôi cánh xòe ra giữa hai toán đứng ngó nhau gườm gườm.
Quay sang bên phải, nó bảo hai cậu vốn là bạn cũ ở gần nhà:
– Thiết, Thực, hai bác đang trông ở nhà kìa! Nghỉ hai giờ cuối, sao còn lạng quạng ở đây? Về nhà lẹ đi kẻo hai bác la cho đó!
Rồi quay sang bên trái, nó ngạc nhiên nhận được một người quen:
– Ủa! Lợi hả? – nó hỏi – Giờ này chưa đi học sao? Hà hà, anh phải mách anh Lộc trị tội cậu này mới được!
– Giáo sư bệnh – Lợi vội bào chữa – chúng em cũng được nghỉ hai giờ chót mà.
– Ờ, thôi được – Thuận nói – Lợi về đi. Cả ba anh nữa. Học trò với nhau cả mà, ai lại nói chuyện phải trái với nhau bằng đấm đá bao giờ!
Thằng Lực, to con và vẻ mặt ba trợn nhất trong đám bạn thằng Lợi, định sừng sộ. Thằng Lợi vội gạt đi, cướp lời:
– Vâng, vâng, chúng em về… Dĩ hòa vi quý mà anh!
Trong khi hai anh em thằng Thiết dắt nhau đi vô hướng đường Lý Thái Tổ thì Thuận rảo bước đi còn ngoái lại bảo Lợi:
– Lợi vô nói với anh Lộc tối nay ghé chơi anh Thuận nghe!
– Dạ, anh Thuận nhớ đừng mách anh em đấy nhé.
– Ờ!
Hiệp mỉm cười, sắp nổ máy cho xe chạy, bỗng ngưng lại lắng tai nghe.
– Lợi, thằng nào đó? – Lực hậm hực hỏi bạn – Thằng Thuận nào mà mày có vẻ ngán dữ vậy?
– Anh Thuận bạn thân của anh Lộc tao đó. Khỏe lắm mày ơi! Mày đánh không lại đâu!
– Nhưng tao không thích nó can cái kiểu đàn anh ấy – Lực vẫn ấm ức nói – Đánh không lại, tao cũng không ngán.
Thằng Lợi cười cười:
– Biết rồi. tao thấy bộ dạng mày muốn ăn đòn nên phải cướp lời không để cho mày gây sự. Bộ mày chưa nghe tiếng Thuận đầu bò sao?
– Chưa, nó ghê gớm như thế nào, nói tao nghe đi.
– Oai hùng không thể tả! – Lợi ba hoa kể – Chẳng những một mình thằng Lực chả đi đến đâu, cho luôn cả ba thằng chúng mày xúm vào, ảnh cũng đá bay trong nháy mắt. Đến anh Lộc tao sừng nhất trường, muốn hạ tụi du đãng choai choai xóm Sáu Lèo để cho các em lớp Sáu khỏi phải nạp tiền mãi lộ, còn phải nhờ anh Thuận giúp một tay mới xong. Chúng mày biết không, năm sáu thằng đen chùi chũi và đô thật là đô, có cả dao con chó nữa, thế mà hai anh ấy tay không đánh cho một trận bò lê bò càng, cạch không dám bắt nạt và làm tiền các em nhỏ nữa…
Thằng Chi nãy giờ đứng im, lên tiếng hỏi:
– Thằng chả cùng học với anh mày ở Chu văn An hả, Lợi?
– Đâu có!
– Nhưng chắc cũng trên chúng mình vài lớp? – Chi hỏi gặng.
…
Mời các bạn đón đọc Ánh Nắng Nhiệm Màu của tác giả Chân Phương.