Huế – thủ đô của Việt Nam dưới thời phong kiến – là trung tâm văn hóa và ẩm thực của khu vực miền Trung Việt Nam, nơi mà lịch sử phức tạp và truyền thống phong phú đã tạo ra các món ăn vừa đơn giản vừa cầu kỳ. Theo nhà nghiên cứu Trương Đình Gián, ẩm thực Việt Nam có 1.700 món khác nhau, trong số đó 1.400 món có xuất xứ ở Huế. Cũng có một số ý kiến cho rằng Việt Nam có 3.000 món.
Huế nằm bên bờ sông Hương trong một thung lũng hẹp, phì nhiêu, nằm giữa các dãy núi có rừng bao phủ về phía tây và các đầm lầy và biển về phía đông. Người Huế kết hợp các sản phẩm từ những nguồn địa lý đặc trưng này để tạo nên một nghệ thuật ẩm thực phong phú và đa dạng không thấy có ở nơi nào khác trên đất nước Việt Nam. Các học giả cho rằng ẩm thực Huế có thể đã chịu ảnh hưởng của cách nấu ăn của người Chăm, đặc biệt là trong cách làm mắm tôm và mắm cá. Ngoài ra, theo nhà dân tộc học Từ Chi, thói quen ăn nhiều rau sống của người dân xứ Huế có lẽ bắt nguồn từ dân tộc thiểu số người Mường, dân tộc mà theo một số học giả, là nguồn gốc của văn hóa của người Kinh (dân tộc đa số ở Việt Nam).