Ai Cập sinh tử kỳ thư là cẩm nang chỉ dẫn cho linh hồn hướng tới sự bất tử của Ai Cập cổ đại. Trong đó, “Bản thảo của Ani” là cuốn bản thảo ghi chép hoàn chỉnh nhất nội dung của Ai Cập sinh tử kỳ thư. Theo như những gì ghi chép trong cuốn sách, cuộc hành trình mà linh hồn phải trải qua để được bất tử sau khi chết thật ly kỳ và lắm gian nan. Sau khi người ta ta chết đi, linh hồn của họ sẽ trở về cõi âm, sau đó đi qua từng con đường nhỏ âm u dưới sự hướng đạo của thần chỉ dẫn và chiến thắng các loài ma quỷ đáng sợ. Trong quá trình tôi luyện này, chính linh hồn cũng không ngừng trưởng thành, họ dần dần hồi phục được các khả năng như khi còn sống , đồng thời cũng có được các phép màu thần thông…
Ai Cập sinh tử kỳ thư – Đồ giải được biên soạn dựa theo tác phẩm nổi tiếng nói trên của người Ai Cập. Tác giả đã tiến hành giải thích những lời kinh sâu xa, khó hiểu, làm rõ mối quan hệ của từng nội dung, đồng thời xâu chuỗi chúng lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Nét đặc sắc của cuốn sách là đã sử dụng khá nhiều hình minh họa quý giá trong “Bản thảo của Ani”, tiến hành giải thích theo trình tự của lời kinh để ý nghĩa rõ ràng và người đọc có thể nắm bắt các nội dung một cách dễ dàng hơn.
Bố cục cuốn sách bao gồm 4 chương:
Chương 1. Tín ngưỡng bất tử từng bị chôn vùi
Chương 2. Cõi âm và thần linh
Chương 3. Vĩnh biệt trần gian
Chương 4. Linh hồn chuẩn bị về với thế giới địa ngục
***
Người Ai Cập cổ đại tin rằng để trở nên vĩnh hằng sau cái chết, linh hồn trước tiên phải qua được âm phủ – vương quốc của các hang động rộng lớn, hồ lửa, và cổng phép. Hiển nhiên ai cũng cần chuẩn bị trước. Nhưng bằng cách nào?
Tejal Gala đã mô tả “Tử thư” của người Ai Cập – một cuộc giấy ma thuật do người còn sống viết để chặng đường sang thế giới bên kia suôn sẻ hơn.
Bài học thiết kế bởi Tejal Gala, minh họa bởi Silvia Prietov.
***
“Ani đứng trước một cái cân khổng lồ bằng vàng, nơi mà vị thần có cái đầu chó – Anubis – đang cân trái tim của chàng với một cái lông đà điểu thuần khiết”.
Ani là một nhân vật có thật, một người thơ lại ở thành phố Thebes, Ai Cập sống vào khoảng thế kỷ 13 TCN. Và những gì được mô tả ở trên là một cảnh tượng trong cuốn Ai Cập sinh tử kỳ thư (Sách của người chết) của chàng, một cuộn giấy cói dài 24 mét được viết để giúp chàng đạt tới sự bất tử. Loại “điếu văn” này vốn chỉ được viết cho các Pharaoh, nhưng cùng với thời gian, người Ai Cập bắt đầu tin rằng kể cả người thường cũng có thể đến được kiếp sau nếu họ hoàn thành được cuộc hành trình.
Hành trình thần thánh của Ani bắt đầu từ cái chết của chàng. Thân thể chàng được một nhóm tu sĩ đem đi “ướp xác”, bằng cách lấy mọi cơ quan nội tạng ra khỏi cơ thể, chỉ trừ lại trái tim, nơi tập trung cảm xúc, trí nhớ và sự thông thái. Sau đó, cơ thể được nhồi bằng một thứ muối gọi là natron và được gói lại trong 1 tấm vải tẩm nhựa thông. Ngoài ra, tấm vải bọc còn được yểm và bên trên trái tim còn đặt thêm một lá bùa hình con bọ hung, thứ mà sau mày sẽ cần dùng tới. Mục đích của quá trình kéo dài 2 tháng này là để bảo quản thi hài của Ani ở dạng hoàn hảo nhất để linh hồn của chàng về sau có thể nhập trở lại. Nhưng trước hết, linh hồn đó phải qua được “duat”, hay gọi là “âm phủ”.
Đây là một vương quốc với các hang động rộng lớn, hồ lửa và những cánh cổng thần kì, tất cả đều được gác bởi những con quái vật đáng sợ như rắn, cá sấu, và những quái vật nửa người, có tên, ví dụ, như “kẻ tắm máu”. Để khiến mọi thứ kinh khủng hơn, Apep, vị thần hủy diệt hình con rắn khổng lồ, luôn nấp trong bóng tối, chờ cơ hội nuốt linh hồn của Ani. May mắn thay, Ani đã chuẩn bị trước các pháp thuật, ghi trong cuốn sách của mình. Như những người Ai Cập khác, Ani ghi trong cuộn giấy của mình những thần chú, lời kinh và mật mã mà chàng nghĩ rằng linh hồn chàng sẽ cần đến. Với những vũ khí này, người hùng của chúng ta vượt qua mọi trở ngại, đẩy lùi những cuộc tấn công của quái vật và khéo léo tránh được Apep, đến được tới Sảnh của Ma’at, nữ thần của sự thật và công lý. Ở đây, Ani đối mặt với thử thách cuối cùng. Chàng bị phán xét bởi 42 vị thần, những người sẽ phán xét xem liệu chàng đã sống một cuộc đời ngay thẳng hay chưa. Ani tới chỗ từng người, gọi họ bằng tên riêng, và nói ra một tội chàng chưa từng phạm phải. Trong những lời thú nhận hay khẳng định mình vô tội này, chàng tuyên bố rằng chưa từng làm ai khóc, không phải là kẻ rình mò, và chưa từng làm ô uế nguồn nước. Ani thực sự có một cuộc đời hoàn hảo đến như vậy? Không hẳn, nhưng đây là lúc lá bùa bọ hung phát huy tác dụng. Lá bùa có ghi dòng chữ “Đừng làm chứng chống lại ta”, như vậy trái tim chàng sẽ không phản bội lại chàng bằng việc gợi lại lần chàng nghe lỏm người hàng xóm cãi nhau hay rửa chân ở dòng sông Nile. Giờ mới là giây phút quyết định của Ani, cuộc “cân trái tim”. Nếu trái tim chàng nặng hơn chiếc lông vũ, tức là nó đã bị kéo xuống bởi những điều sai trái của Ani, nó sẽ bị cắn xé bởi con quái vật Ammit, nửa cá sấu, nửa báo và nửa hà mã, và Ani sẽ bị biến mất mãi mãi. Nhưng Ani đã gặp may. Trái tim chàng được phán là thuần khiết. Ra, vị thần mặt trời, đưa chàng tới chỗ Osiris, vị thần âm phủ, người cuối cùng sẽ cho phép Ani bước sang thế giới bên kia. Trên cánh đồng lau bất tận và tươi tốt, Ani gặp lại cha mẹ đã chết của mình. Nơi đây, không có nỗi buồn, đau đớn hay giận dữ, chỉ có công việc phải hoàn thành. Như những người khác, Ani phải trồng trọt trên mảnh đất của mình, việc này chàng được trợ giúp bởi con búp bê Shabti đặt trong mộ của chàng.
Ngày nay, cuộn giấy của Ani được trưng bày ở bảo tàng Anh, nơi ở của nó kể từ năm 1888. Chỉ có mình Ani biết được điều gì đã diễn ra sau khi chàng chết. Nhưng nhờ có Cuốn sách của chàng, ta có thể tưởng tượng ra chàng vẫn mãi mãi canh tác trên cánh đồng của mình.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com