Ngày nay, khoa học là một quá trình lô-gíc và liên tục. Xuất phát từ một ý kiến hay một giả thuyết nào đó, quá trình này đòi hỏi người ta tiến hành các thí nghiệm, thử đi thử lại nhiều lần, đo đạc và ghi chép các kết quả để cuối cùng xem nó có đúng với giả thuyết hay không. Như vậy là sự hiểu biết của con người đã dựa vào thực nghiệm khoa học. Khoa học còn mang tính “thực tế” nữa. Biết bao các ứng dụng của nó đã được đưa vào cuộc sống con người, từ chiếc đòn bảy đơn giản, chiếc bánh xe đến đồng hồ, máy tính, xe hơi và ti vi…
Tuy nhiên, ở một thời xa xưa, khoa học không phải là thứ được quan tâm vì các ứng dụng của nó trong cuộc sống thường ngày, Đối với người Hy Lạp cổ đại, khoa học chỉ là một thành phần, một yếu tố của nghiên cứu triết học – tức là một môn học nghiên cứu xem loài người nhận thức thế giới thế nào, suy nghĩ và tìm tòi chân lý ra sao? A-ri-xtốt là một trong số các nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Ông sống cách chúng ta ngày nay hơn 2300 năm. Tư tưởng và tác phẩm của ông, đặc biệt là về khoa học, đi từ nghiên cứu thiên nhiên đến vật lý, đã lưu lại dấu ấn rất sâu sắc đối với tư duy khoa học của các thế kỷ sau. Tuy rằng ngày nay, phần lớn các ý tưởng của ông đã lỗi thời, nhưng A-ri-xtốt vẫn luôn luôn được coi là một trong những ông tổ của khoa học.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com