Hẳn là như vậy, bởi theo tác giả Kira Tenisheva, cuốn sách này chính là “câu chuyện về tình yêu, trong hình dung của tôi…” nhưng tại sao lại là “trong hình dung của tôi” – một lời nói mang tính nước đôi như vậy? Đây có lẽ là một “bí mật” khác mà cuốn sách dành riêng cho từng người đọc (!). Còn bây giờ xin mời bạn trở lại câu chuyện của “A.”.
Cuốn sách nhỏ nhắn với số trang rất khiêm tốn, chỉ lấy duy nhất một chữ “A.” làm tựa, có lẽ cũng khơi dậy trong bạn đọc một chút ham muốn được khám phá. “A.” hoàn toàn không phải là một cuốn sách dễ đọc, nó “đánh đố” chúng ta ngay từ cái tựa. “A.” là ai? Là “chiếc khăn tay từ lâu đã phai mùi nước hoa của em có chữ “A.” thêu nổi ở góc? Hay “A.” chính là tên gọi của nữ thần sắc đẹp và tình yêu trong thần thoại Hy Lạp: Aphorodite? Cũng có thể “A.” chính là cô gái hoang dã Amazon?… Hình như đấy không phải là một con người cụ thể mà là biểu tượng của tình yêu đẹp mà chàng trai đi tìm. Một chuyến đi mãi mãi, bỏ lại sau lưng thành phố quen thuộc, địa vị và sự nổi danh nhất định. Chàng trai đi tìm ánh rực rỡ của tình yêu ở quảng trường, trên bãi biển, trên những con đường lộng gió. Chàng mãi đi tìm người ấy, cho dù người ấy đã già hoặc chết đi trong một làng ở vùng miền núi Alpes hẻo lánh, thậm chí đấy là một con người chưa bao giờ tồn tại (!)…
Nếu so với những cuốn tiểu thuyết Trung Quốc đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường sách Việt Nam hiện nay, có lẽ “A.” không phải là cuốn sách được ưa chuộng, bởi nó không có những “chuyện ầm ĩ” để bàn, để tán. “A.” là câu chuyện phi thời gian, vượt thoát không gian cụ thể; đấy cũng chẳng phải là câu chuyện của quá khứ hay tương lai. Song, nếu nói rằng “A.” là câu chuyện thời hiện tại thì cũng không phải. Tóm lại, điều mà “A.” muốn đề cập chính là sự vĩnh hằng với những mẫu sống, tình yêu huyền thoại luôn lưu chuyển âm thầm trong vũ trụ.
Những nhân vật gần như không có thật, những cảnh trí không có trong đời thường, những thành phố vĩ đại nhưng không có tên, được đánh dấu bằng các chữ cái… Và, có một chút gì đó của văn học hậu hiện đại, khi tên của các nhân vật nổi tiếng, những niên đại, các biểu tượng… được “cài đặt” đây đó trong tác phẩm, bắt buộc người đọc phải vận dụng “trí học” của mình. Tuy nhiên, nếu bạn không phải là người “chịu khó” thì cũng không sao bởi “A.” là một câu chuyện tình yêu giản dị!
Hãy dành vài giờ nhẹ nhõm, tạm quên những vấn đề của bản thân để dành cho cuốn sách này – đấy là lời gợi ý mà Kira Tenisheva gửi đến bạn đọc Việt Nam. Tôi đã làm theo cách ấy và tôi đã có được sự nhẹ nhõm kéo dài, để hiểu thêm những vấn đề của bản thân mình cùng cuộc sống mà mình đang tham dự…
“A.” – tác giả: KIRA TENISHEVA; bản dịch: KIỀU VÂN, NXB HỘI NHÀ VĂN – TRUNG TÂM VĂN HÓA – NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY ấn hành năm 2005.
TRẦN NHÃ THỤY
Gửi bạn đọc Việt Nam!
Một lần cầm bút lên, tôi hiểu mình không muốn viết về những chuyện đang xảy ra hàng ngày. Khi xung quanh có quá nhiều vấn đề, khi trên các trang sách vẫn là những máu me, nhơ nhớp, bạo lực, là sự vô liêm sỉ và tăm tối như những gì vẫn phô bày ra trên màn ảnh truyền hình, có cảm giác chỉ muốn bứt mình khỏi cái vòng đó và dù không lâu, được thoát ra ngoài thời gian và không gian này. Không phải quá khứ, cũng chẳng phải tương lai khiến tôi quan tâm, điều cuốn hút tôi là cái phi thời gian. Cái Vĩnh hằng. Ví dụ như tình yêu – điều đã luôn khiến cảm động và sẽ mãi làm cảm động nhân loại. Mà thực ra, đâu có gì đáng ngạc nhiên trong chuyện một phụ nữ quyết định viết về tình yêu?
Nhưng việc viết cuốn sách này, một cách nghịch lý, đối với tôi hóa ra lại không là sự rời bỏ hiện thực, mà là tiếp cận nó từ một hướng khác. Không là sự lìa bỏ đời sống, mà hoàn toàn ngược lại, chính là sự quay về nơi đó xuyên qua một vùng huyền thoại vẫn còn lưu dấu trong mình nguyên mẫu của thế giới.
Điều mô tả trong cuốn truyện không mấy gợi nhắc đến đời thường. Những cảnh trí quá rực rỡ, những nhân vật quá rực rỡ, có phần được cách điệu hóa, giống các nhân vật đeo mặt nạ trên sân khấu; họ không có tên và du hành qua những thành phố vĩ đại, nhưng không được gọi tên, chỉ được đánh dấu bằng các chữ cái như những ẩn số trong phương trình. Sự bí ẩn đó để làm gì ư? Đơn giản chỉ vì không gian diễn ra câu chuyện và không gian mà các nhân vật thuộc về không chỉ là châu Âu của thế kỷ 20, mà là một không gian ước lệ nào đó của cõi huyền thoại tình yêu. Mà trước tình yêu thì tất cả mọi người đều ngang nhau, và vô số những nhân vật vô danh của nó – những người khổng lồ hay nhỏ bé, những con người xinh đẹp hay quặt quẹo, quý tộc hoặc là thường dân – đời này sang đời khác, nhân danh tình yêu đang lặp lại cùng một những chiến công hay điều tội lỗi như nhau. Nhưng nếu như vậy, nếu chúng ta, những con người đã quần tụ lại bởi dù ta có là ai và ở đâu đi nữa, tất cả chúng ta đều yêu, đau khổ và hướng đến hạnh phúc, thì những tên người và địa danh ở đây đã chẳng còn có ý nghĩa quan trọng gì.
Nói tóm lại, A là câu chuyện về tình yêu. Trong hình dung của tôi là vậy, nhưng bạn đọc hoàn toàn có thể nhìn thấy trong nó một điều gì đó không giống vậy.
Còn về khuynh hướng văn chương, tôi cảm thấy thật khó xác định. Tôi không quy bản thân thuộc về một trào lưu văn học hiện đại nào cả, mà nếu cần bằng một cách nào đó làm sáng tỏ sự lựa chọn của tôi, thì tôi xin nói: điều quan trọng nhất đối với tôi là ngôn ngữ, phong cách, và với tư cách một người đọc tôi rất yêu sáng tác của các bậc thầy ngôn ngữ như Boris Pasternak và Vladimir Nabokov.
Còn phải nói thêm điều gì nữa nhỉ? Tôi ước giá như có ai đó trong số các bạn sẽ dành ra vài giờ đồng hồ nhẹ nhõm để đọc cuốn sách này, tạm quên đi những vấn đề của bản thân. Và cùng với tôi thán phục vẻ đẹp của thế giới chúng ta đang sống.
Tôi hạnh phúc với cuộc gặp gỡ này cùng bạn đọc Việt Nam và vui vì có dịp chúc cho dân tộc yêu lao động, dũng cảm và thiện tâm của các bạn được hạnh phúc và bình yên.
Xin gửi tới các bạn lời chào thân ái!
Mời các bạn đón đọc A của tác giả Kira Tenisheva.