“Hàng trăm người đã đi tìm Dòng Sông Phẳng Lặng. Nước sông êm ả và phẳng lặng như gương. Ai uống nước sông cũng cảm thấy thật yên bình. Những gia đình sống bên cạnh Dòng Sông Phẳng Lặng không bao giờ cãi nhau…”
Ấy là câu chuyện Natalie muốn được nghe trước khi đi ngủ mỗi đêm. Trên thế giới này, đứa trẻ nào cũng mong muốn có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Nhưng người lớn thì lại luôn viện ra lý do để biện minh cho sự đổ vỡ của mong muốn ấy.
Bố Là Bà Giúp Việc, như chính cái tên của nó, là cuốn sách kể về chuyện một ông bố bất đắc dĩ phải trở thành người giúp việc trong ngôi nhà vợ cũ của mình chỉ vì muốn được gần các con nhiều hơn một chút. Không hẳn là những tình huống dở khóc dở cười, không hẳn là những chi tiết hài hước lấy tiếng cười của độc giả, Bố Là Người Giúp Việc mô tả những xung đột giữa bố Daniel và mẹ Miranda cùng ảnh hưởng của những xung đột đó đến ba đứa con của họ: Lydia, Christopher và Natalie.
Vấn đề mà Bố Là Bà Giúp Việc đặt ra không mới nhưng lại có thể bắt gặp ở bất kỳ gia đình nào trên thế giới này. Một ông bố vô trách nhiệm, thất nghiệp và luôn có những hành động bạo lực tưởng tượng kỳ quái. Một bà mẹ không biết lắng nghe, suốt ngày bận rộn và nói về những chuyện không tốt đã là quá khứ. Thật khó để tin rằng họ từng yêu nhau và sống chung suốt mười mấy năm trời, và thật dễ hiểu khi họ ly hôn.
Daniel vẫn là một ông bố thất nghiệp có những hành động bạo lực tưởng tượng kỳ quái và đếm từng phút, tính toán từng giây mỗi khi chờ Miranda đưa các con đến. Nhưng Daniel chưa từng chủ động đến thăm các con (hoặc là có nhưng lại dễ dàng lùi bước trước sự ngăn cản của Miranda).
Miranda vẫn là một bà mẹ bận rộn không biết lắng nghe và chẳng bao giờ đủ thời gian cũng như sức khoẻ để chăm sóc con cái hay để ý đến mấy cái cây trong vườn. Miranda luôn trách cứ quá khứ mà chưa bao giờ nghĩ đến việc cố gắng giúp Daniel trở nên tốt hơn hoặc tìm hiểu xem các con của cô muốn gì.
Và bà Doubtfire xuất hiện như một phép màu trong khi Miranda bận rộn điên cuồng và không muốn ông chồng cũ của mình gặp các con quá nhiều.
Bà Doubtfire cao lớn với khuôn mặt bự phấn trông cực kỳ kém duyên nhưng lại rất được yêu thích. Bà làm món bánh kẹp ngon tuyệt và rất am hiểu chăm sóc cây cối. Bà sắp xếp nhà cửa gọn gàng (dù ba đứa nhóc biết thừa đó không phải là công sức của bà) và uốn nắn lũ trẻ. Bà tâm lý khi trò chuyện và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Cuộc đời của bà Doubtfire thực sự là cuộc đời của một chú lợn hạnh phúc ít phiền muộn.
Nhưng khi gỡ bỏ lớp quần áo của bà Doubtfire, Daniel lại là một ông bố bừa bộn, hay cằn nhằn và khó kiểm soát cảm xúc. Cũng may, vai diễn bà giúp việc Doubtfire khiến mọi thứ bùng nổ, vì không ai có thể diễn trọn một vai trong cả cuộc đời.
Bố Là Bà Giúp Việc không phải là một tác phẩm dành cho thiếu nhi mà dành cho người lớn, dành cho những ông bố bà mẹ để họ nghiêm túc nhìn xem họ đã làm gì với thế giới của mình và thế giới con trẻ. Câu chuyện khép lại không phải với một gia đình trọn vẹn đầm ấm mà chỉ đơn giản là sự lắng nghe mà bố Daniel và mẹ Miranda dành cho nhau, như thế hẳn đã đủ sau tất cả khúc mắc và tranh chấp giữa họ, và cũng đủ để những đứa trẻ sống yên bình và làm chủ chính cuộc sống của mình.
©
Bố Là Bà Giúp Việc được chuyển thể thành bộ phim nằm trong top 100 phim hài hước nhất thế kỷ 20.
Bà giúp việc mới tới người to uỵch, mặt bứ phấn, trông rõ là kém duyên. Vậy mà lũ trẻ đứa nào cũng thích bà, chả là vì chúng biết bà là bố Daniel chứ chẳng ai xa lạ. Chỉ mẹ Miranda là không biết.
Để có thêm thời gian bên các con, Daniel đã phải đóng giả bà Doubtfire tới nhà vợ cũ xin làm giúp việc. Có biết bao tình huống dở khóc dở cười bởi Daniel cứ quên mình đang là bà Doubtfire. Những lần như thế lũ trẻ lại được chứng kiến tài diễn xuất cũng như sự giảo hoạt của bố chúng.
Nhưng lần này, Daniel phải đau đầu không biết xoay xở ra sao, phân thân thế nào, để đồng thời đóng cả hai vai: bà giúp việc Doubtfire kiêm người mẫu khỏa thân cho lớp vẽ của bà hàng xóm.
Đôi nét về tác giả
Anna Fine sinh ngày 7 tháng 12 năm 1947 tại Leicester, Anh. Bà tốt nghiệp ngành Chính trị tại đại học Warwick và hiện đang sống tại hạt Durham. Fine được biết tới với hơn 50 tác phẩm dành cho thiếu nhi trong đó có Ăn bằng xiên và Viết như gà bới đã được Nhã Nam giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Bà là người thứ hai được chỉ định giữ danh hiệu Children’s Laureate – danh hiệu tôn vinh các tác giả hoặc người vẽ minh họa sách thiếu nhi xuất sắc. Fine còn là thành viên của Hội văn học Hoàng gia Anh và năm 2003 được trao Huân chương Hoàng gia Anh.
“Nhà văn này [Anne Fine] có thể mang đến cho bạn tiếng cười nhưng cũng có thể lấy đi của bạn nước mắt. Bà là một báu vật mà nếu giữ riêng cho thiếu nhi thôi thì uổng quá.” – Independent
Nguồn: https://nhasachmienphi.com