Chữ Nôm là một trong ba thứ chữ được sử dụng trong lịch sử của dân tộc ta. Hai thứ chữ kia, chữ Hán và chữ Quốc Ngữ, đều có nguồn gốc rõ ràng, đều được chánh quyền coi trọng và được
sử dụng chính thức trong các văn kiện hành chánh. Riêng chữ Nôm thì nguồn gốc và thời điểm sáng tạo cũng còn là nghi vấn. Ngày nay, chữ Nôm coi như đã mất hẳn vai trò của mình.
Nhưng chữ Nôm đã có mặt với dân tộc ta trong một thời gian dài để làm tròn vai trò của nó là ghi lại tâm tình, tư tưởng của đông đảo người Việt ngoài tầng lớp trí thức thành đạt trong việc học và sử dụng chữ Hán. Các sáng tác văn chương đi sâu vào quảng đại quần chúng hầu hết được viết bằng chữ Nôm. Các câu ca dao, những bài thơ bài văn có tính cách tôn giáo cũng được ghi lại bằng chữ Nôm, ngay cả những tác phẩm viết bằng Hán văn cũng được phổ biến hơn nếu có bản dịch bằng chữ Nôm đi kèm, như trường hợp Chinh Phụ Ngâm, Bích Câu Kỳ Ngộ… Gia tài văn hóa Việt phần lớn nằm trong các tác phẩm chữ Nôm, cho nên khi chữ Quốc Ngữ đã thắng thế thì những người có hằng tâm đối với vấn đề này đã cố gắng tìm lục những bản văn viết bằng chữ Nôm rồi phiên âm ra chữ Quốc Ngữ để bảo tồn và phổ biến. Càng ngày người ta càng nhận chân rằng những sự phiên chuyển nói trên vốn chưa hoàn toàn và chưa hoàn tất. Nhiều trường hợp phiên âm có chỗ đáng đặt thành vấn đề, vì đã khiến cho tác phẩm bị hiểu sai hay được đánh giá sai. Quan trọng hơn hết là còn nhiều tác phẩm chưa từng được phiên âm bao giờ khiến cho học giới tưởng chừng là văn học Việt Nam chỉ ít ỏi có bấy nhiêu thôi. Văn Nôm, vì vậy, như một trầm tích cần khai quật để giới thiệu rộng rãi càng sớm càng tốt.
Sự phiên âm các tác phẩm viết bằng chữ Nôm sang chữ Quốc Ngữ, do đó, là một nhu cầu cấp thiết. Tìm hiểu sự phát âm của ông bà mình ngày xưa, cũng như cấu trúc của chữ Nôm qua từng thời đại, là việc nên làm, để thấy được quá trình chuyển biến của lịch sử ngữ âm tiếng Việt.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com