Vùng Đất Nam Bộ Tập V: Từ Năm 1859 Đến Năm 1945

Vùng Đất Nam Bộ Tập V: Từ Năm 1859 Đến Năm 1945

Tác giả:
Thể Loại: Lịch Sử - Chính Trị
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Vùng đất Nam Bộ với tư cách là một không gian địa lý và địa bàn hành chính thân thuộc, thiêng liêng của người dân đất Việt đã trải qua một quá trình hình thành, phát triển lâu dài, được bồi tụ chủ yếu bởi hai con sông lớn: sông Đồng Nai và sông Mékong. Nơi đây cũng đã từng tồn tại, phát tích của nền văn hóa Óc Eo và các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp phát triển huy hoàng rồi suy tàn theo năm tháng.

Từ thế kỷ XVII, người Việt từ miền Bắc và miền Trung đã vào đây khai phá, dựng làng, lập ấp cùng với người dân bản địa chinh phục vùng đất hoang vu nhưng rất trù phú này. Đến thế kỷ XVIII, từ tầm nhìn chiến lược và công lao to lớn của các chúa Nguyễn, sau này là vương triều Nguyễn, xác lập, sắp đặt các đơn vị hành chính, vùng đất phương Nam giàu có chính thức thuộc chủ quyền của dân tộc Việt Nam, đến nay đã được hơn 300 năm.

Vùng đất Nam Bộ với cương vực như hiện nay bao gồm cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ – đồng bằng sông Cửu Long, có 17 tỉnh và hai thành phố trực thuộc Trung ương, diện tích tự nhiên hơn 64.000 km, dân số hơn 33 triệu người với nhiều tộc người tụ cư sinh sống, gồm các dân tộc ít người bản địa, các dân tộc thiểu số từ Trường Sơn – Tây Nguyên xuống, từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào, một số ít người từ các nước khác đến, nhưng chủ yếu là địa bàn của người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm.

Về mặt địa lý, nhìn từ Bắc vào Nam, Đông Nam Bộ giáp cực Nam Trung Bộ từ tỉnh Ninh Thuận, giáp Trường Sơn Tây Nguyên từ các tỉnh – Lâm Đồng, Đắk Nông; có đường biên giới trên đất liền với Campuchia từ Bình Phước tới Hà Tiên; có đường bờ biển trải dài từ Ninh Thuận tới đất mũi Cà Mau (Biển Đông) và từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên (biển Tây – vịnh Thái Lan). Nằm ở ngã ba đường giao thông quốc tế, Nam Bộ có vị trí địa – kinh tế, địa – chính trị cực kỳ quan trọng.

Với tư cách một vùng đất giàu trầm tích văn hóa, đa dạng tộc người, đa tôn giáo, giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược trọng yếu, từ lâu Nam Bộ đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài, nhiều hội thảo khoa học về vùng đất này đã được tổ chức, nhiều công trình khoa học trên các lĩnh vực đã được công bố, nhưng cho đến nay vẫn thiếu một công trình có tầm vóc, quy mô lớn nghiên cứu toàn diện, liên ngành để có cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc, nhiều chiều cạnh về vùng đất phương Nam này.

Có thể bạn thích sách  Thường Thức Về Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam Quyển 1: Đảng Cộng Sản Việt Nam Ra Đời

Để đáp ứng yêu cầu đó, chương trình nghiên cứu tổng thể về vùng đất Nam Bộ dưới dạng một đề án khoa học cấp nhà nước do GS. Phan Huy Lê làm chủ nhiệm, gồm 11 đề tài khoa học đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai từ năm 2008. Từ những đề tài khoa học nghiên cứu cơ bản này, Ban Chủ nhiệm đề án đã tổ hợp lại thành báo cáo tổng quan Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ. Sau 4 năm nghiên cứu, toàn bộ đề án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và đánh giá đây là chương trình khoa học – công nghệ xuất sắc năm 2011.

Mặc dù công trình được đánh giá cao, nhưng khi xuất bản thành sách, các tác giả phải tiếp tục bổ sung, sửa chữa, chỉnh lý trong vòng hơn 3 năm – đến giữa năm 2015 mới chuyển giao bản thảo cho Nhà xuất bản. Sau khi tiếp nhận bản thảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã huy động một đội ngũ đông đảo biên tập viên, họa sĩ, nhân viên kỹ thuật, tổ chức biên tập, đọc duyệt, thiết kế makét, trình bày trong hơn một năm để công trình khoa học lớn này lần đầu tiên đến tay bạn đọc vào cuối năm 2016 đầu năm 2017.

Đây là một công trình khoa học nghiên cứu công phu, nghiêm túc, được tiến hành bởi đội ngũ các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó Ban Chủ nhiệm đề án và chủ biên của từng đề tài là các chuyên gia hàng đầu trong từng giai đoạn lịch sử cũng như trong các lĩnh vực nghiên cứu. Tuy vậy, ở một vài chương trong bộ tổng quan hoặc từng đề tài, chất lượng nghiên cứu và hàm lượng khoa học không giống nhau, có chương, có tập chưa được như kỳ vọng hoặc yêu cầu nghiên cứu đặt ra.

Tất nhiên mỗi đề tài khoa học là công trình độc lập, nhưng khi đặt trong một chỉnh thể thì có đề tài không tránh được sơ lược, dàn trải; có đề tài có một số nội dung đã được trình bày ở các đề tài khác. Vì vậy, Nhà xuất bản đã thống nhất với chủ biên đề nghị các tác giả bổ sung, nâng cấp hoặc cắt bỏ những trùng lặp để bộ sách tuân thủ nghiêm ngặt sự thống nhất trong chỉnh thể.

Có thể bạn thích sách  Góc Nhìn Sử Việt: Ngô Vương Quyền PDF EPUB

Bộ sách về vùng đất Nam Bộ gồm bộ tổng quan, rút gọn: Vùng đất Nam Bộ – Quá trình hình thành và phát triển, 2 tập và một bộ chuyên khảo sâu gồm 10 tập, nghiên cứu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của vùng đất phương Nam, từ điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử, dân cư, dân tộc, tôn giáo, thiết chế quản lý xã hội, quá trình Nam Bộ hội nhập với khu vực và quốc tế.

Khi triển khai nghiên cứu, tên đề án và tên từng đề tài khoa học rất cụ thể và thường khá dài, nhưng khi xuất bản, Nhà xuất bản đã trao đổi với chủ biên thống nhất bộ sách có tên chung là Vùng đất Nam Bộ.

Riêng bộ tổng quan Vùng đất Nam Bộ – Quá trình hình thành và phát triển, ngoài Chương mở đầu và Chương kết có 10 chương nội dung, được kết cấu hoàn chỉnh. Nhưng với dung lượng 1.500 trang sách rất khó dung nạp trong một cuốn sách, cho nên chúng tôi chia thành hai tập: tập I gồm Chương mở đầu và sáu chương nội dung, tập II gồm bốn chương nội dung và Chương kết.

Riêng Chương kết, các tác giả dành mục cuối cùng để trình bày đề xuất, kiến nghị của Ban Chủ nhiệm đề án với Đảng, Nhà nước và các cơ quan lãnh đạo, quản lý, chúng tôi tách ra làm thành phần Phụ lục đặt ở cuối sách.

Như vậy kết quả nghiên cứu của đề án được công bố thành các cuốn sách sau đây:
– Vùng đất Nam Bộ – Quá trình hình thành và phát triển, gồm 2 tập, GS. Phan Huy Lê chủ biên.
– Vùng đất Nam Bộ, tập I: Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, TS. Trương Thị Kim Chuyên chủ biên.
– Vùng đất Nam Bộ, tập II: Từ cội nguồn đến thế kỷ VII, GS. TSKH. Vũ Minh Giang – Nguyễn Việt đồng tác giả.
– Vùng đất Nam Bộ, tập III: Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, GS. TS. Nguyễn Văn Kim chủ biên.
– Vùng đất Nam Bộ, tập IV: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên.
– Vùng đất Nam Bộ, tập V: Từ năm 1859 đến năm 1945, PGS. TS. Đoàn Minh Huấn – PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà đồng chủ biên.
– Vùng đất Nam Bộ, tập VI: Từ năm 1945 đến năm 2010, PGS. TS. Trần Đức Cường chủ biên.
– Vùng đất Nam Bộ, tập VII: Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, GS. TS. Ngô Văn Lệ chủ biên.
– Vùng đất Nam Bộ, tập VIII: Thiết chế quản lý xã hội, PGS. TS. Vũ Văn Quân chủ biên.
– Vùng đất Nam Bộ, tập IX: Tộc người và quan hệ tộc người, TS. Võ Công Nguyện chủ biên.
– Vùng đất Nam Bộ, tập X: Tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, PGS. TS. Võ Văn Sen chủ biên.
Về mặt xuất bản, bộ sách được biên tập, thiết kế, trình bày thống nhất trong từng tập và trong cả bộ sách, được in ấn đẹp, trang trọng.

Có thể bạn thích sách  Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành đồng - Tập 1

Xuất bản bộ sách này chúng tôi hy vọng cung cấp cho bạn đọc, các nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên các học viện, nhà trường và các nhà lãnh đạo, quản lý, các địa phương, đơn vị một khối lượng tri thức lớn, khá đầy đủ, toàn diện và chân xác về vùng đất Nam Bộ, phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu và hoạch định chính sách ở khu vực trọng yếu, năng động này của đất nước.

Bộ sách cũng cung cấp cơ sở lịch sử – pháp lý vững chắc phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Các tác giả và Nhà xuất bản đã nỗ lực rất cao trong nghiên cứu, biên soạn và biên tập – xuất bản, nhưng với khối lượng công việc đồ sộ, bộ sách khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, rất mong được bạn đọc góp ý, phê bình.

Xin trân trọng giới thiệu bộ sách quý cùng bạn đọc.

Tháng 4 năm 2017
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT

Nguồn: https://www.thuvienpdf.com