Nghiên cứu kinh doanh ra đời từ lâu, nhưng mãi cho đến những năm 70 – 80 của thế kỷ XX, môn học này mới được các tác giả biên soạn có tính hệ thống và tính khoa học. Nghiên cứu kinh doanh là một môn học quan trọng của ngành quản trị kinh doanh, nhằm trang bị cho sinh viên bậc đại học và sau đại học những kiến thức lý luận cơ bản, hiện đại, những phương pháp, công cụ, nghiệp vụ, kỹ năng cũng như những kiến thức thực tiễn về nghiên cứu kinh doanh. Những kiến thức của môn học còn là cơ sở khoa học quan trọng giúp sinh viên trong thực tập, kiến tập, khảo sát, nghiên cứu các vấn đề về quản trị kinh doanh. Nghiên cứu kinh doanh có quan hệ chặt chẽ và có tác động tương hỗ các môn học khác như: Quản trị chiến lược, Quản trị tác nghiệp, Quản trị hậu cần, Quản trị marketing, Quản trị nhân sự, Quản trị tài chính, Quản trị công nghệ, Quản trị chất lượng… Đồng thời, nghiên cứu kinh doanh kết hợp với các môn học này tạo thành một hệ thống kiến thức nền tảng cơ bản cho sinh viên thuộc ngành Quản trị kinh doanh.
Nội dung cơ bản của môn học đề cập đến các vấn đề về phương pháp, công cụ, nghiệp vụ và kỹ năng nghiên cứu như: quá trình nghiên cứu kinh doanh, đạo đức trong nghiên cứu kinh doanh, đề xuất nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu thứ cấp, thu thập dữ liệu sơ cấp, phân tích định tính và định lượng, kiểm định giả thiết, viết báo cáo và trình bày kết quả nghiên cứu.
Nghiên cứu kinh doanh có nhiệm vụ tạo ra những thông tin chính xác cho việc ra quyết định kinh doanh. Trọng tâm của nghiên cứu kinh doanh là chuyển việc ra quyết định vốn dựa vào những thông tin mang tính trực giác, chủ quan đến việc ra quyết định dựa vào những thông tin có được từ việc điều tra, nghiên cứu mang tính khách quan, khoa học và có tính hệ thống cao. Điều đó có nghĩa nghiên cứu kinh doanh như là một quá trình khách quan và có tính hệ thống của việc tập hợp và phân tích dữ liệu phục vụ cho việc ra quyết định kinh doanh.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com