Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cuộc cải biến đáng kể về công nghệ sản xuất, trong đó, sản xuất thông minh đang trở thành một xu thế tất yếu. Sự chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng hàng loạt công nghệ số hóa như Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) hay điện toán đám mây (Cloud Computing)… vào hoạt động sản xuất đã hình thành nên một nền sản xuất đặc biệt, đó là sản xuất thông minh (Smart Manufacturing). Sản xuất thông minh tích hợp các thiết bị sản xuất với các cảm biến dựa trên nền tảng điện toán, truyền thông, mô hình hóa dữ liệu, điều khiển, mô phỏng và kỹ thuật dự đoán… Với các công nghệ hệ thống thực – ảo, IoT, AI, điện toán đám mây…., sản xuất thông minh trở thành trụ cột quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp áp dụng mô hình, công cụ, giải pháp sản xuất thông minh trở thành doanh nghiệp sản xuất thông minh. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quá trình sản xuất, tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng cao hơn, không gian sản xuất được mở rộng, nguồn nhân lực có sự am hiểu về công nghệ…
Sản xuất thông minh có vai trò hết sức quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia đã phát triển các sáng kiến để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai như Đức với chính sách Công nghiệp 4.0 (Industrie 4.0); Hoa Kỳ với Sản xuất Hoa Kỳ (Manufacturing USA); Trung Quốc với chiến lược quảng bá Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025 (Made in China 2025); Hàn Quốc xây dựng Chương trình Đổi mới sản xuất 30 (Manufacturing Innovation 3.0); Pháp với sáng kiến Công nghiệp của tương lai (Industrie du Futur) và Nhật Bản với việc xây dựng kế hoạch phát triển Xã hội siêu thông minh 5.0 (Society 5.0)… Việt Nam hiện nay đang có đầy đủ cơ hội để tiếp cận sản xuất thông minh, tuy nhiên chúng ta cần tiếp tục xây dựng và triển khai mạnh mẽ cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để sớm hình thành các mô hình sản xuất thông minh trong doanh nghiệp, từng bước thực hiện thành công việc chuyển đổi nền kinh tế số, đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có một tài liệu nào đề cập đến vấn đề này một cách toàn diện, cụ thể và hoàn chỉnh. Do đó, trước nhu cầu cấp thiết của việc áp dụng sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp, đồng thời với mục đích mang đến cho các nhà lãnh đạo cấp Trung ương, địa phương, các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp và độc giả có nhu cầu tìm hiểu về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Sản xuất thông minh trong cách mạng công nghiệp 4.0 do TS. Hà Minh Hiệp hiện đang công tác tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) làm chủ biên.
Trong 5 chương đầu của cuốn sách, các tác giả đã trình bày các vấn đề xoay quanh sản xuất thông minh bao gồm: các khái niệm, nguồn gốc hình thành; các tiêu chuẩn với vai trò là nền tảng kết nối trong sản xuất thông minh; các công cụ thiết kế và cải tiến hệ thống sản xuất thông minh; bộ công cụ sản xuất thông minh cho doanh nghiệp. Từ các vấn đề chung đó, nhóm tác giả dành chương cuối để phân tích cụ thể vấn đề sản xuất thông minh ở Việt Nam, nhìn nhận những cơ hội tiếp cận và triển khai sản xuất thông minh thông qua việc phân tích SWOT, khảo sát, đánh giá hiện trạng và nhu cầu áp dụng sản xuất thông minh của các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Mặc dù các tác giả và Ban biên tập đã hết sức cố gắng trong quá trình biên soạn, biên tập, song đây là vấn đề mới nên khó tránh khỏi còn hạn chế, thiếu sót, Nhà xuất bản và các tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để hoàn thiện nội dung cuốn sách trong lần xuất bản sau.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 5 năm 2019
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com