Những Nét Văn Hóa Đạo Phật

Những Nét Văn Hóa Đạo Phật

Tác giả:
Thể Loại: Huyền bí - Giả Tưởng
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Những nét văn hóa Đạo Phật đã được xuất bản trước đây vào năm 1992 tại Hoa Kỳ. Đến năm 1995, sách được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản với tựa đề Những nét văn hóa của Đạo Phật. Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ ngày ấn bản đầu tiên được phát hành. Nhiều sự kiện mới phát sinh và đời sống con người ở khắp nơi đều có những thay đổi nhanh chóng về nhiều phương diện. Do đó, những điều trình bày trong sách trước đây cần được cập nhật hóa cho phù hợp với những phát triển xã hội liên hệ đến nền văn hóa Phật giáo và đời sống con người ở khắp nơi. Những bài viết trong tập sách này chỉ là một cố gắng nhỏ bé nhằm trình bày những đóng góp của Phật giáo vào nền văn hóa chung của nhân loại.
Văn hóa thường được hiểu là lối sống của con người ở mỗi vùng theo trình độ phát triển trong mỗi giai đoạn thời gian trong quá trình tiến hóa của loài người. Văn hóa cũng bao gồm những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Như vậy, văn hóa gồm cả hai phần: vật chất, hay văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Văn hóa phi vật thể là những cách suy tư, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, giá trị xã hội, nguyên tắc đạo đức hay những hiểu biết về văn chương, nghệ thuật và khoa học. Văn hóa vật thể là những sáng tạo hữu hình mà chúng ta có thể thấy biết được rõ ràng như các đền đài, nhà cửa, áo quần, xe cộ, nhạc cụ, máy móc, tượng ảnh hay các vật dụng thường ngày hoặc trong các lễ lạc.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 2002, UNESCO – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc – đã đưa ra định nghĩa văn hóa: “Văn hóa là một tập hợp những đặc trưng về tinh thần, vật chất, tri thức và cảm xúc của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội đó. Ngoài văn chương và nghệ thuật, văn hóa còn chứa đựng cách sống, lề thói sống chung với nhau, hệ thống giá trị, các truyền thống cùng những niềm tin.”
Khi nói đến văn hóa, chúng ta thường nghĩ đến những điều tốt đẹp của mỗi nền văn hóa mang lại cho loài người như nền văn hóa thực dụng của phương Tây hay nền văn hóa tâm linh của phương Đông. Các nền văn hóa đều có những giá trị đặc biệt và biểu lộ thành những cái hay, cái đẹp về vật chất hay tinh thần. Như tại Việt Nam, chúng ta có không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca Quan họ, Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc, đờn ca tài tử Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế hay các đền đài, chùa chiền, di tích lịch sử cùng rất nhiều thứ hay đẹp khác ở khắp ba miền nước Việt.
Trong quyển Những nét văn hóa Đạo Phật, chúng tôi cố gắng trình bày những nét đẹp tinh thần của Đạo Phật biểu lộ qua lời dạy của Đức Phật về sự thấy biết chân thật, hay trí tuệ Bát Nhã và tình thương yêu rộng lớn, hay đại bi tâm cùng các phương pháp thực hành tâm linh của người Phật tử qua suốt một thời gian dài 2500 năm, đã tác động vào các lĩnh vực sinh hoạt văn hóa như văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, giáo dục, thương mại, kỹ nghệ, quân sự, khoa học thực nghiệm trong đó có các bộ môn về tâm lý và thần kinh học liên hệ với sự phát triển hạnh phúc và làm giảm đi khổ đau của con người. Về phương diện sinh hoạt cụ thể, đó là sự nối tiếp của một chuỗi dài sáng tạo văn hóa vật thể và phi vật thể có gốc rễ nơi Phật giáo như trong các lĩnh vực cắm hoa, võ thuật, thi ca, vườn cảnh hay uống trà.
Nhà bác học Einstein đã ca tụng Đạo Phật
Hiện nay tại các nước phương Tây ở Âu châu, Úc châu và Mỹ châu người ta đã bước qua giai đoạn tìm hiểu tư tưởng và sinh hoạt Phật giáo. Nhiều người trước đây đã xem Đạo Phật như một thứ triết lý giải thích toàn diện, thỏa đáng và chân thật về đời sống con người trong mối tương quan hài hòa với loài vật và thiên nhiên cùng sự có mặt của vũ trụ nên đã hăng hái bày tỏ lòng mến mộ, ưa thích và ca ngợi “triết lý Đạo Phật” dù họ không thọ Tam Quy và Ngũ Giới để trở thành Phật tử. Một người nổi bật trong rất nhiều người đó là nhà bác học Einstein đã ca tụng Đạo Phật như sau:
“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo ấy phải vượt lên Thượng đế của cá nhân và tránh giáo điều cùng lý thuyết thần học. Bao trùm cả tự nhiên và tâm linh, nó phải được căn cứ trên cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này. Nếu có một tôn giáo có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó với thượng đế và Phật giáo, sẽ là Đạo Phật.”
(Albert Einstein, Tuệ Uyển dịch)
Bên cạnh những người mến chuộng “triết lý Đạo Phật” ở Tây phương, hiện nay có rất nhiều người đã tham dự vào các chương trình tu tập cùng thưởng thức các nét đẹp tinh thần và vật thể của nền văn hóa Phật giáo qua các sinh hoạt tu học, thiền tập, Hoa Đạo, Trà Đạo, Kiếm Đạo, thi ca, vườn cảnh cùng các sinh hoạt khác mà các dân tộc Á Châu mang đến xã hội Tây phương.
Và đều đáng quý hơn nữa là những người ở phương Tây đã nối tiếp truyền thống sáng tạo văn hóa Phật giáo qua sự ứng dụng thiền chánh niệm vào hầu như tất cả mọi phạm vi sinh hoạt như giáo dục từ mẫu giáo, tiểu học, trung học đến đại học, công nghệ, thương mại, thể thao, y học, quân sự, quản trị hành chính và xí nghiệp hay khoa học một cách cụ thể và hữu hiệu.
Sống tỉnh thức, hạnh phúc và lành mạnh
Khi ứng dụng phương pháp thực hành sống tỉnh thức để phát triển hạnh phúc, sức khỏe và thành công qua thiền chánh niệm – theo lời Đức Phật dạy mà không nói gì đến giáo lý Đạo Phật – trong mọi ngành sinh hoạt nói trên thì nhiều người phương Tây chú trọng đến tính cách thực dụng mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và xã hội của Đạo Phật. Họ cho đó là một lối sống lành mạnh không cần đến niềm tin tôn giáo.
Các chương trình thiền chánh niệm hiện nay đang bùng nổ tại Hoa Kỳ và nhiều nước với các lớp dạy thiền khắp nơi, với các cuộc nghiên cứu khoa học về những lợi ích của thiền cũng như việc ứng dụng thiền vào ngành chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Như vậy, phương pháp thực hành cốt lõi của Đạo Phật, thực hành thiền và sống chánh niệm có mặt nhưng Đạo Phật với giáo lý, nghi lễ và giới luật, không có mặt. Đây cũng là trào lưu sinh hoạt văn hóa rất hứng khởi ở Hoa Kỳ và nhiều nước Âu châu hiện nay.
Ngoài ra, có nhiều người trở thành tín đồ Phật giáo và sinh hoạt thường xuyên tại các ngôi chùa, thiền viện hay với các nhóm Phật tử cùng nhau tu học với mục đích, theo như nhà bác học Einstein phát biểu, để tự mình cảm nhận được “từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa.”
Do đó, Đạo Phật, ngoài việc là một phương pháp thực dụng tốt đẹp trong mọi ngành nghề nói trên, còn là một tôn giáo có tổ chức. Người Phật tử phương Tây tụng kinh, lễ Phật, cầu nguyện và tu tập tại chùa hay ở nhà cùng tham dự các lễ cầu an hay cầu siêu với hình thức giản dị hơn người Phật tử phương Đông.
Khi nói đến thiền, nhiều người thường nghĩ đến cách thực hành chánh niệm, là một phương pháp thực hành để phát triển hạnh phúc, sức khỏe và thành công không liên hệ đến tôn giáo. Tuy nhiên, không khác gì tại các nước Á châu, đa số các thiền viện ở Hoa Kỳ và một số các nước Âu châu là những trung tâm Phật giáo thuộc các tông phái khác nhau như Nguyên Thủy, Lâm Tế, Tào Động, Thiền Tịnh Song Tu hay Mật Tông. Sinh hoạt ở các thiền viện hay trung tâm tu tập đều có phần tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền, thiền hành, làm việc và ăn cơm trong chánh niệm dù với các hình thức khác nhau.
Ngoài ra, nhiều ngôi chùa và trung tâm tu học có những sinh hoạt tôn giáo đáp ứng nhu cầu của người Phật tử, ví dụ tổ chức các ngày lễ trong Đạo Phật như đại lễ Phật Đản, lễ Vu Lan tưởng nhớ công ơn ông bà cha mẹ, lễ tất niên và lễ đón mừng năm mới trong ba ngày Tết, lễ cưới, lễ cầu an khi gặp chuyện không may, lễ an vị Phật nơi nhà mới, lễ cầu nguyện cho những cơ sở thương mại được điều tốt đẹp, lễ dâng sớ cầu an cuối năm và lễ cầu siêu để người quá vãng có duyên lành sinh về cõi Phật. Những lễ lạc này là một thành phần quan trọng trong sinh hoạt văn hóa Phật giáo. Đó là tính cách khế lý và khế cơ theo lời Phật dạy.

Nguồn: https://www.thuvienpdf.com