🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Nét Văn Hóa Đạo Phật
Ebooks
Nhóm Zalo
Những Nét Văn Hóa Đạo Phật
Mục lục
Lời kính thưa
Chương 1: Thiền chán niệm ứng dụng trong mọi ngành nghề
Chương 2: Hoa đạo
Chương 3: Niệm Phật tụng kinh, trì chú, cầu nguyện để chữa bệnh tật vốn hợp với khoa học Chương 4: Thiền và vườn cảnh
Chương 5: Thiền và Võ đạo
Chương 6: Thiền và Trà Đạo
Chương 7: Sự tu tập của Phật tử Steve Jobs - một nhà công nghệ vĩ đại Chương 8: Thời đại của lòng từ bi với chính mình
Chương 9: Lễ Hằng thuận hay lễ cưới ở chùa
Chương 10: Cầu nguyện cho thân nhân về chốn cực lạc
Chương 11: Bày tỏ lòng thương tiếc
Chương 12: Xuân Di Lặc: mùa xuân vĩnh cửu
Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/
Tham gia cộng đồng chia sẽ sách :
Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google : http://bit.ly/downloadsach
LỜI KÍNH THƯA
Những nét văn hóa Đạo Phật đã được xuất bản trước đây vào năm 1992 tại Hoa Kỳ. Đến năm 1995, sách được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản với tựa đề Những nét văn hóa của Đạo Phật. Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ ngày ấn bản đầu tiên được phát hành. Nhiều sự kiện mới phát sinh và đời sống con người ở khắp nơi đều có những thay đổi nhanh chóng về nhiều phương diện. Do đó, những điều trình bày trong sách trước đây cần được cập nhật hóa cho phù hợp với những phát triển xã hội liên hệ đến nền văn hóa Phật giáo và đời sống con người ở khắp nơi. Những bài viết trong tập sách này chỉ là một cố gắng nhỏ bé nhằm trình bày những đóng góp của Phật giáo vào nền văn hóa chung của nhân loại.
Văn hóa thường được hiểu là lối sống của con người ở mỗi vùng theo trình độ phát triển trong mỗi giai đoạn thời gian trong quá trình tiến hóa của loài người. Văn hóa cũng bao gồm những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Như vậy, văn hóa gồm cả hai phần: vật chất, hay văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Văn hóa phi vật thể là những cách suy tư, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, giá trị xã hội, nguyên tắc đạo đức hay những hiểu biết về văn chương, nghệ thuật và khoa học. Văn hóa vật thể là những sáng tạo hữu hình mà chúng ta có thể thấy biết được rõ ràng như các đền đài, nhà cửa, áo quần, xe cộ, nhạc cụ, máy móc, tượng ảnh hay các vật dụng thường ngày hoặc trong các lễ lạc.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 2002, UNESCO – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc – đã đưa ra định nghĩa văn hóa: “Văn hóa là một tập hợp những đặc trưng về tinh thần, vật chất, tri thức và cảm xúc của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội đó. Ngoài văn chương và nghệ thuật, văn hóa còn chứa đựng cách sống, lề thói sống chung với nhau, hệ thống giá trị, các truyền thống cùng những niềm tin.”
Khi nói đến văn hóa, chúng ta thường nghĩ đến những điều tốt đẹp của mỗi nền văn hóa mang lại cho loài người như nền văn hóa thực dụng của phương Tây hay nền văn hóa tâm linh của phương Đông. Các nền văn hóa đều có những giá trị đặc biệt và biểu lộ thành những cái hay, cái đẹp về vật chất hay tinh thần. Như tại Việt Nam, chúng ta có không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca Quan họ, Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc, đờn ca tài tử Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế hay các đền đài, chùa chiền, di tích lịch sử cùng rất nhiều thứ hay đẹp khác ở khắp ba miền nước Việt.
Trong quyển Những nét văn hóa Đạo Phật, chúng tôi cố gắng trình bày những nét đẹp tinh thần của Đạo Phật biểu lộ qua lời dạy của Đức Phật về sự thấy biết chân thật, hay trí tuệ Bát Nhã và tình thương yêu rộng lớn, hay đại bi tâm cùng các phương pháp thực hành tâm linh của người Phật tử qua suốt một thời gian dài 2500 năm, đã tác động vào các lĩnh vực sinh hoạt văn hóa như văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, giáo dục, thương mại, kỹ nghệ, quân sự, khoa học thực nghiệm trong đó có các bộ môn về tâm lý và thần kinh học liên hệ với sự phát triển hạnh phúc và làm giảm đi khổ đau của con người. Về phương diện sinh hoạt cụ thể, đó là sự nối tiếp của một chuỗi dài sáng tạo văn hóa vật thể và phi vật thể có gốc rễ nơi Phật giáo như trong các lĩnh vực cắm hoa, võ thuật, thi ca, vườn cảnh hay uống trà.
Nhà bác học Einstein đã ca tụng Đạo Phật
Hiện nay tại các nước phương Tây ở Âu châu, Úc châu và Mỹ châu người ta đã bước qua giai đoạn tìm hiểu tư tưởng và sinh hoạt Phật giáo. Nhiều người trước đây đã xem Đạo Phật như một thứ triết lý giải thích toàn diện, thỏa đáng và chân thật về đời sống con người trong mối tương quan hài hòa với loài vật và thiên nhiên cùng sự có mặt của vũ trụ nên đã hăng hái bày tỏ lòng mến mộ, ưa thích và ca ngợi “triết lý Đạo Phật” dù họ không thọ Tam Quy và Ngũ Giới để trở thành Phật tử. Một người nổi bật trong rất nhiều người đó là nhà bác học Einstein đã ca tụng Đạo Phật như sau:
“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo ấy phải vượt lên Thượng đế của cá nhân và tránh giáo điều cùng lý thuyết thần học. Bao trùm cả tự nhiên và tâm linh, nó phải được căn cứ trên cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này. Nếu có một tôn giáo có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó với thượng đế và Phật giáo, sẽ là Đạo Phật.”
(Albert Einstein, Tuệ Uyển dịch)
Bên cạnh những người mến chuộng “triết lý Đạo Phật” ở Tây phương, hiện nay có rất nhiều người đã tham dự vào các chương trình tu tập cùng thưởng thức các nét đẹp tinh thần và vật thể của nền văn hóa Phật giáo qua các sinh hoạt tu học, thiền tập, Hoa Đạo, Trà Đạo, Kiếm Đạo, thi ca, vườn cảnh cùng các sinh hoạt khác mà các dân tộc Á Châu mang đến xã hội Tây phương.
Và đều đáng quý hơn nữa là những người ở phương Tây đã nối tiếp truyền thống sáng tạo văn hóa Phật giáo qua sự ứng dụng thiền chánh niệm vào hầu như tất cả mọi phạm vi sinh hoạt như giáo dục từ mẫu giáo, tiểu học, trung học đến đại học, công nghệ, thương mại, thể thao, y học, quân sự, quản trị hành chính và xí nghiệp hay khoa học một cách cụ thể và hữu hiệu.
Sống tỉnh thức, hạnh phúc và lành mạnh
Khi ứng dụng phương pháp thực hành sống tỉnh thức để phát triển hạnh phúc, sức khỏe và thành công qua thiền chánh niệm – theo lời Đức Phật dạy mà không nói gì đến giáo lý Đạo Phật – trong mọi ngành sinh hoạt nói trên thì nhiều người phương Tây chú trọng đến tính cách thực dụng mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và xã hội của Đạo Phật. Họ cho đó là một lối sống lành mạnh không cần đến niềm tin tôn giáo.
Các chương trình thiền chánh niệm hiện nay đang bùng nổ tại Hoa Kỳ và nhiều nước với các lớp dạy thiền khắp nơi, với các cuộc nghiên cứu khoa học về những lợi ích của thiền cũng như việc ứng dụng thiền vào ngành chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Như vậy, phương pháp thực hành cốt lõi của Đạo Phật, thực hành thiền và sống chánh niệm có mặt nhưng Đạo Phật với giáo lý, nghi lễ và giới luật, không có mặt. Đây cũng là trào lưu sinh hoạt văn hóa rất hứng khởi ở Hoa Kỳ và nhiều nước Âu châu hiện nay.
Ngoài ra, có nhiều người trở thành tín đồ Phật giáo và sinh hoạt thường xuyên tại các ngôi chùa, thiền viện hay với các nhóm Phật tử cùng nhau tu học với mục đích, theo như nhà bác học Einstein phát biểu, để tự mình cảm nhận được “từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa.”
Do đó, Đạo Phật, ngoài việc là một phương pháp thực dụng tốt đẹp trong mọi ngành nghề nói trên, còn
là một tôn giáo có tổ chức. Người Phật tử phương Tây tụng kinh, lễ Phật, cầu nguyện và tu tập tại chùa hay ở nhà cùng tham dự các lễ cầu an hay cầu siêu với hình thức giản dị hơn người Phật tử phương Đông.
Khi nói đến thiền, nhiều người thường nghĩ đến cách thực hành chánh niệm, là một phương pháp thực hành để phát triển hạnh phúc, sức khỏe và thành công không liên hệ đến tôn giáo. Tuy nhiên, không khác gì tại các nước Á châu, đa số các thiền viện ở Hoa Kỳ và một số các nước Âu châu là những trung tâm Phật giáo thuộc các tông phái khác nhau như Nguyên Thủy, Lâm Tế, Tào Động, Thiền Tịnh Song Tu hay Mật Tông. Sinh hoạt ở các thiền viện hay trung tâm tu tập đều có phần tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền, thiền hành, làm việc và ăn cơm trong chánh niệm dù với các hình thức khác nhau.
Ngoài ra, nhiều ngôi chùa và trung tâm tu học có những sinh hoạt tôn giáo đáp ứng nhu cầu của người Phật tử, ví dụ tổ chức các ngày lễ trong Đạo Phật như đại lễ Phật Đản, lễ Vu Lan tưởng nhớ công ơn ông bà cha mẹ, lễ tất niên và lễ đón mừng năm mới trong ba ngày Tết, lễ cưới, lễ cầu an khi gặp chuyện không may, lễ an vị Phật nơi nhà mới, lễ cầu nguyện cho những cơ sở thương mại được điều tốt đẹp, lễ dâng sớ cầu an cuối năm và lễ cầu siêu để người quá vãng có duyên lành sinh về cõi Phật. Những lễ lạc này là một thành phần quan trọng trong sinh hoạt văn hóa Phật giáo. Đó là tính cách khế lý và khế cơ theo lời Phật dạy.
Đạo Phật chỉ rõ bốn sự có mặt trong nền văn hóa
Từ hơn 2000 năm qua, Đạo Phật là một tôn giáo có tổ chức, có niềm tin, có hệ thống giáo hội gồm có quý vị tăng ni và Phật tử, có những nghi lễ cho các sinh hoạt riêng biệt. Những nghi lễ truyền thống này vốn rất cần thiết cho sinh hoạt của người Phật tử đặt trên niềm tin nơi Đức Phật và các vị Bồ tát, nơi giáo lý Phật giáo, nơi các nghi lễ do quý vị tăng ni chủ trì và với sự tham dự thành tâm của quý vị Phật tử.
Như vậy, ngoài việc xem Đạo Phật là một triết lý giải thích toàn diện về đời sống bao gồm con người, loài vật, thiên nhiên và vũ trụ một cách hợp lý và minh bạch phù hợp với nền văn minh hiện đại, là một Minh Triết trong thời đại khoa học kỹ thuật hiện nay, hay ứng dụng cách thực hành chánh niệm theo Đạo Phật để sống đời tỉnh thức nhằm phát triển hạnh phúc, sức khỏe và thành công. Trên thực tế, Phật giáo còn là một tôn giáo có tổ chức quy củ với truyền thống lâu đời để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâmlinh và xã hội của con người. Và đây là yếu tố rất quan trọng trong Phật giáo.
Nhà bác học Einstein nói về kinh nghiệm tâm linh khi thực hành một tôn giáo cần: “Bao trùm cả tự nhiên và tâm linh, nó phải được căn cứ trên cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này.”
Những lời nói trên liên hệ đến bốn sự thấy biết về các hiện tượng và về tâm cùng mối tương quan của hai thứ ấy trong đời sống thường ngày và trong thế giới chân thật của tâm giác ngộ. Đó là Tứ Pháp Giới trong giáo lý Hoa Nghiêm, là bốn lĩnh vực của hiện hữu hay bốn trạng thái nhận thức chân thật về sự có mặt của:
1. Thế giới của các hiện tượng như giọt lệ hay nụ cười, lớn hay nhỏ: Sự pháp giới. 2. Thế giới của bản thế, là tính chân thật của mọi hiện tượng, là cái toàn thể, cái giống nhau, cái không
phân biệt: Lý pháp giới.
3. Thế giới của lý và sự hoàn toàn hòa hợp nhau không ngăn ngại: Lý sự viên dung hay lý sự vô ngại pháp giới.
4. Thế giới trong đó các hiện tượng (sự) hoàn toàn dung thông nhau, hòa hợp với nhau, không có sự chống đối nhau, mâu thuẫn nhau, ngăn trở nhau hay loại trừ nhau: Sự sự vô ngại pháp giới.
Mỗi người chúng ta, ai cũng biết rõ một cách tự nhiên rằng sự là mỗi hiện tượng hay mỗi thứ riêng biệt như cái nhà, con sông, mưa, nắng hay thương hoặc ghét. Sự có tính cách khác biệt như cái nhà khác con chó, cục vàng khác cục đất, nhỏ khác với lớn, thân khác với thù, tốt khác với xấu, trong khác với ngoài hay lửa khác với nước. Đó là điều đương nhiên, là sự thật trong đời sống hàng ngày của thế giới hiện tượng hay sự pháp giới.
Lý là cái toàn thể, cái giống nhau, cái không phân biệt của mọi hiện tượng như lớn nhỏ, trong ngoài, giàu nghèo hay mạnh yếu. Trên mặt lý thuyết thông thường hàng ngày, lý khác hẳn với sự và đối lập với sự. Lý là cái toàn thể, cái không phân biệt và là cái bình đẳng, còn sự là cái riêng biệt, cái khác nhau và là cái không bình đẳng vì mỗi thứ có một giá trị khác nhau do con người đặt ra như kim cương thì quý hơn vàng, vàng hơn bạc, bạc hơn sắt, bạn khác với thù, thân khác với sơ hay yêu khác với ghét. Như thế, trong đời sống thường ngày, lý hoàn toàn khác với sự.
Lý sự viên dung
Tuy nhiên, chính vì sự phân biệt làm khởi lên những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, buồn rầu, giận hờn, sợ hãi hay thù hận tạo nên áp lực, căng thẳng hay khổ đau trong tâm nên người ta muốn tu tập để làmgiảm đi, làm cho êm dịu những đối nghịch trong tâm mình do sự dính mắc vào tâm phân biệt để có được hạnh. Sự thực hành tu tập giúp cho người Phật tử biết rõ sự và lý không phải là hai thứ khác nhau, chống báng hay ngăn trở nhau.
Họ thấy biết các hiện tượng như nhà cửa, cây cối, vàng bạc, cao thấp hay vui buồn rất rõ ràng. Cùng lúc họ học hỏi về tính cách bình đẳng, không khác nhau hay tính không của các hiện tượng theo kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật. Trong kinh nói rõ đức Quan Thế Âm khi quan sát các hiện tượng, nhìn thấu suốt bản chất của ngũ uẩn – năm thứ kết hợp lại làm thành đời sống con người là sắc, thọ, tưởng, hành và thức – là trống rỗng, hay không, mà thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, đạt được tự do hay giải thoát, nên được gọi là bồ tát Quán Tự Tại. Do đó, Thiền sư Hương Hải khuyến khích người học đạo thực hành tâm không hay vô tâm để thấy rõ tính rỗng không hay tính không của các hiện tượng trong đời sống hàng ngày:
“Hãy tự do trong sự thấy, nghe, hay, biết
Trong khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Hãy an trú nơi chính niệm
Như chim trên trời chỉ tự bay
Không lấy, không bỏ, không ưa, không ghét,
Nên giữ thái độ vô tâm trong mọi trường hợp
Thì mới có thể gọi là Quán Tự Tại.”
(Thiền sư Nhất Hạnh dịch)
Thực hành điều nói trên chính là thực hành “tuệ tri” như lời Đức Phật hướng dẫn khi thực hành chánh niệm, là trực nhận, là kinh nghiệm được, hay như nhà bác học Einstein nói, là “cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên (mà Đạo Phật gọi là sự) và tâm linh (mà Đạo Phật gọi là lý) như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa (mà Đạo Phật gọi là lý sự viên dung)” khi trực nhận lý và sự có mặt trong nhau tròn đầy. Đó là sự hiện hữu của lý và sự hoàn toàn dung thông, hòa hợp với nhau không ngăn ngại hay lý sự vô ngại pháp giới.
Đây là cái thấy biết kỳ diệu về đời sống: Sự chân thật, cái tuyệt đối, cái không hay Lý, không bao giờ tách lìa cái tương đối, cái sắc hay Sự. Cái bao la, rỗng không, vô sinh bất diệt lại có mặt ngay trong chốn sinh diệt phù du như trong những đám mây mong manh trên bầu trời, ngọn gió mát thổi qua, những nụ cười sung sướng, những giọt nước mắt khổ đau, lòng bình an của vị Thiền sư hay nơi lưỡi gươmlấp lánh của một kiếm sĩ đang xông pha ngoài chiến trận. Lý và Sự, cái tuyệt đối và cái tương đối – hay tính và tướng – cùng lúc có mặt với nhau, trong nhau, không hề tách rời, không hề ngăn ngại như nước và sóng trong biển cả. Ðó là thế giới chân thật hay trạng thái chân thật của Lý Sự Viên Dung, là sự hòa hợp tròn đầy giữa tuyệt đối và tương đối hay giữa Lý và Sự. Đó là nét đẹp sâu thẳm của nền văn hóa giác ngộ qua sự trực nghiệm tâm linh.
Sự sự vô ngại pháp giới
Ngoài Lý, Sự, Lý Sự Viên Dung, mà nhà bác học Einstein cũng đã nói đến theo ngôn ngữ của ông về “một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa”, khi người Phật tử tham dự các buổi tu tập thì họ sẽ cảm nhận thêmmột điều kỳ diệu hơn nữa là trong thế giới thường ngày, trong đó có mặt của mọi màu sắc, dáng vóc, âm thanh, mùi, vị, cảm xúc cùng các ý tưởng, tâm tư, hoạt động khác nhau, tất cả đều trong sáng, rỗng không, yên ổn và không gây chướng ngại cho nhau trong các thay đổi, tác động, chuyển biến thuận nghịch vô cùng vô tận. Ðó là thế giới của Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới, là thế giới của mọi thứ cùng có mặt bên nhau mà không ngăn ngại nhau, không đối chọi nhau hay không loại trừ nhau mà lại an ổn bên nhau như trong lời Thiền sư Hương Hải hướng dẫn cho vua Dụ Tông khi nhà vua hỏi về ý nghĩa của sự thâm sâu trong Đạo Phật:
“Nhạn bay ngang trời
Bóng chìm đầm lạnh
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Nước không có ý lưu bóng hình.”
(Thiền sư Nhất Hạnh dịch)
Mức độ nhận thức thứ tư từ trực giác tâm linh vượt lên các sự đối đãi này đã được Thiền sư Huyền Quang trình bày một cách thơ mộng trong bài thơ Đầu thu:
“Hương đêm mát dịu, bình phong lạnh
Xào xạc thu sang lá động cành
Trúc đường thong thả, hương vừa đốt
Cành cây chăng lưới lọt trăng thanh.”
(Hương Hải Thiền sư ngũ lục, Thiền sư Nhất Hạnh dịch)
Chính nơi đó mà cái đẹp của thiên thu vĩnh cửu biểu lộ trong một sát na thoáng hiện, ngắn hơn một tích tắc thời gian. Cái đẹp đó không chống lại với cái xấu vì trong thế giới chân thật không có cái đẹp đối lại cái xấu, chỉ có sự biểu hiện tự nhiên của các hiện tượng do duyên hợp nương nhau mà xuất hiện.
Điều này cũng biểu lộ trong đời sống cụ thể như trong một gia đình mỗi người mỗi tính tình, mỗi sở thích hay có những sinh hoạt khác nhau nhưng mọi người đều tôn trọng nhau, quý mến nhau và cùng thoải mái sống hạnh phúc bên nhau. Trong những cộng đồng khác nhau của một nước, có những vùng có cơ sở kỹ nghệ sản xuất máy móc tân kỳ, có vùng chuyên về sản xuất thực phẩm, có vùng chuyên về trình diễn âm nhạc và nghệ thuật cổ truyền cho du khách hay có vùng có rất nhiều cơ sở giáo dục nổi tiếng. Những cộng đồng với những sinh hoạt hoàn toàn khác biệt đó không gây trở ngại cho nhau mà còn hỗ trợ mật thiết cho nhau để cùng phát triển, làm cho dân giàu nước mạnh.
Cũng như thế, dân chúng trong những nước ở gần hay xa nhau, nước lớn hay nhỏ, nước giàu hay nghèo, nước mạnh hay yếu, ai cũng có lòng thương yêu quê hương mình, đất nước mình hay dân tộc mình. Đó là tình cảm tự nhiên phát sinh từ cuộc tiến hóa hàng triệu năm của loài người. Mình yêu quê hương, đất nước và dân tộc mình thì người khác cũng yêu quê hương, đất nước và dân tộc họ. Hai điều này chẳng có gì ngăn trở hay chống đối nhau cả mà còn có khả năng phát huy sự tìm hiểu, cảm thông, học hỏi và hiểu biết những cái hay và đẹp của những dân tộc gần xa. Dân tộc nào, xứ sở nào cũng có những nét đẹp của nền văn hóa riêng biệt mà những dân tộc khác cần học hỏi để làm cho nước mình tốt đẹp hơn. Nền văn minh nhân loại phát triển là nhờ sự học hỏi lẫn nhau của các dân tộc. Qua sự học hỏi đó mà các dân tộc và các quốc gia lớn nhỏ, mạnh yếu hay giàu nghèo tuy khác nhưng cùng nhau sống yên ổn bên nhau và phát triển mối tương quan lành mạnh và quý trọng lẫn nhau để nhân loại duy trì được hòa bình và thịnh vượng lâu dài.
Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị hô hào thế kỷ XXI phải là thế kỷ của phát triển và trách nhiệm, khác với thế kỷ XX là gia tăng quyền lực, xâm lấn đất đai, chiếm đoạt tài nguyên, bắt người khác làm nô lệ và tàn phá môi trường. Khác với thế kỷ đã qua, đa số người dân các nước đều đồng ý về quan niệm một nước càng hùng cường thì càng có nhiều trách nhiệm với dân chúng trong nước và với người dân ở những nước gần và xa trong cộng đồng thế giới để đóng góp vào việc xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc và hòa bình trên quả địa cầu. Đó là sự phát triển chung tốt đẹp mà mọi dân tộc cần thực hành trong ánh sáng của sự hài hòa không chướng ngại của tinh thần Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới. Trong ánh sáng tuệ giác ấy, các cộng đồng chủng tộc lớn quan tâm nâng đỡ các nhóm dân tộc thiểu số để cùng nhau phát triển tốt đẹp, các quốc gia giàu có, hùng cường tôn trọng các nước láng giềng nhỏ bé hơn mình qua mối tương quan hỗ tương hài hòa để cùng nhau duy trì hòa bình và thịnh vượng lâu dài. Đó là nghĩa vụ chung của nhân loại trong mọi thời đại.
Trong bài kệ dâng hương người Phật tử thường đọc hàng ngày:
“Phật chúng sinh tính thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới Đế Châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thề nguyện quy y.”
Lưới Đế Châu là thế giới chân thật của vũ trụ rộng lớn vô lượng vô biên – tam thiên đại thiên thế giới – mà mỗi mắc lưới là mỗi viên ngọc tỏa chiếu ánh sáng của mình, đồng thời cũng phản chiếu ánh sáng của những viên ngọc khác, tạo thành một thế giới rực rỡ, bao la, hòa hợp, đẹp đẽ và an vui kỳ diệu. Mỗi con người giàu hay nghèo, sang hay hèn là một viên ngọc sáng lấp lánh đó. Mỗi hiện tượng lớn hay nhỏ, quý hay tiện là một viên ngọc sáng lấp lánh đó. Khi trực nhận tính rỗng không, tính như thị hay tính không của vạn pháp thì chúng ta thấu suốt lý sự viên dung để bước vào thực tại mầu nhiệmcủa sự sự vô ngại pháp giới biểu lộ thành lưới Đế Châu bao la kỳ diệu trong đời sống bình thường và cụ thể hàng ngày. Trong mối liên hệ giữa các nước, qua tuệ giác ấy, thì mỗi nước dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, đã phát triển hay đang phát triển, cũng đều là một viên ngọc quý chiếu sáng tốt đẹp cùng phản chiếu ánh sáng qua lại lẫn nhau trong cộng đồng các quốc gia trên Trái đất.
Và để thực hành điều trên cho thật tốt đẹp, người Phật tử chúng ta cần tìm hiểu và học hỏi thêm về những sinh hoạt văn hóa của Đạo Phật hiện nay để thưởng thức và chia sẻ với những người khác những điều đẹp hay của truyền thống văn hóa tâm linh nơi nước mình và tại nhiều quốc gia khác, cũng như học hỏi những điều hay đẹp của các nền văn hóa khác. Chính qua sự học hỏi và tu tập này mà chúng ta thấy rõ những nét đẹp của nền Văn hóa Phật giáo sáng rực trong cái Lý, trong cái Sự, trong Lý Sự Viên Dung và trong Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới.
Và với tâm tĩnh lặng, hài hòa, cảm thông và thấy biết chân thật của một viên ngọc tỏa sáng trong tấmlưới Đế Châu rực rỡ bao la trong vũ trụ rộng lớn vô lượng vô biên và không sinh bất diệt, chúng ta thấy rõ cái đẹp kỳ diệu ấy không giới hạn trong một nền văn hóa của một dân tộc hay nhiều chủng tộc, trong một nền văn hóa Đông hay Tây hay trong một tôn giáo như Phật giáo. Cái đẹp đẽ kỳ diệu bao la ấy ở mọi nơi, mọi chốn khi tâm con người buông xả, rỗng lặng, tỉnh thức, linh động và thấy biết rõ ràng hay “tuệ tri” các hiện tượng trong đời sống thường ngày và vượt thoát giới hạn của thói quen phân biệt tạo thành sự đối nghịch làm phát sinh những khổ đau cho mình và cho người khác.
Thấy được cái thiên thu vĩnh cửu nơi chiếc lá ngô đồng rực rỡ vừa rụng xuống trên bãi cỏ xanh, nhìn những cánh bướm yên lặng bất động nơi các con bướm bay lượn chập chờn quanh những đóa hoa xuân tươi thắm vừa chớm nở, bắt gặp được nét mặt an bình và nụ cười thầm lặng sâu thẳm như nét mặt và nụ cười của một tượng Phật cổ trong một ngôi chùa tĩnh mịch, xa cách trần gian nơi khuôn mặt của một thanh niên đang hoạt động náo nhiệt giữa chốn phố phường, nghe được cái yên lặng vô cùng trong những âm thanh vang dội, an ngự trong niềm bình an tỏa chiếu giữa mọi sự quay cuồng, náo nhiệt, chuyển biến, thân thiết hay hận thù. Với tình thương yêu ấm áp, tỏa sáng và rộng lớn bao la của tâm đại bi, cầm đóa hoa tỏa đầy hương thơm và màu sắc rực rỡ tặng người yêu trong phút giây ngắn ngủi lúc chia tay bồi hồi mà lòng an trú trong niềm tĩnh lặng vĩnh hằng hay uống một chén trà với tâm thanh tịnh nơi quán ăn ở trong khu phố chen chúc, ồn ào và náo nhiệt.
Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) đã diễn tả những điều ấy trong vài lời ngắn ngủi với nhiều đạo vị như sau:
“Giác ngộ giống như trăng soi trên nước
Trăng không bị ướt dù nước có vỡ tan
Dù ánh sáng trăng là rộng lớn vô cùng
Trăng vẫn soi dù trên ao tù nước đọng
Cả mặt trăng và cả bầu trời diệu vợi
Soi trên từng hạt sương ngủ yên trên tán cỏ im lìm.”
(Đồng Tâm dịch)
Ðó là sự tự do cao vút nhất, cũng là sâu thẳm nhất, đó là niềm hạnh phúc bao gồm cả đất trời mênh mông vô tận, không có bắt đầu và tận cùng, đó là sự chân thật diễn ra từng giây phút nơi đây và ở mọi chốn. So với chân lý ngàn đời ấy, những điều trình bày trong tập sách nhỏ bé này chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ mênh mông.
Trong hạt bụi nhỏ bé đó tràn đầy sự biết ơn bao la như bầu trời rộng lớn đối với cuộc đời, với Đức Phật, bậc Như Lai, Người đã đến với cuộc đời, đã có mặt trong cuộc đời với lòng thương yêu trong sáng ấm áp kỳ diệu của mặt trời ban mai và sự thấy biết chân thật của đời sống an bình và tỉnh thức, để hướng dẫn cho nhân loại thực hành đời sống hạnh phúc nồng ấm thâm sâu. Ngài đến với mỗi con người để chỉ cho họ thấy rõ Như Lai có mặt trọn vẹn trong mỗi con người khi họ thực hành sống đời tỉnh thức với con tim ấm áp của tình thương trong sáng bao la. Rồi từ kinh nghiệm tâm linh cao vút đó mà họ có sự tương giao tốt đẹp với vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu, những người thân thiết hay thờ ơ, những người đã gặp gỡ hay chưa từng biết mặt trong chiều rộng bao la của không gian và chiều dài vô tận của thời gian.
Như thế, Đạo Phật là một tôn giáo hoàn toàn nhân bản, một tôn giáo từ loài người, của loài người, cho loài người và vì loài người để họ thực hành sống đời an vui hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên, trong đó có quả đất và các loài thú vật khác, chứ không phải để làm vui lòng một thần linh nào.
Tính cách nhân bản này đã biểu lộ qua cách cha mẹ mang con cái đến chùa xin tiếp nhận ba viên ngọc quý là Phật, Pháp và Tăng hay thọ Tam Quy sau khi sinh, sau này các em lớn lên xin tình nguyện thọ Tam Quy và Ngũ Giới, những người lớn tùy hoàn cảnh sinh hoạt có thể xin thọ dần dần từ một đến nămgiới là không sát hại, tà dâm, nói dối, trộm cắp và sử dụng các chất làm mê mờ. Các lớp dạy giáo lý Đạo Phật nói rõ mọi người đều có Phật tính và ai cũng có khả năng thành Phật hay sống đời giác ngộ. Tất cả các nghi lễ tại chùa, tại nhà, lễ cầu an hay cầu siêu cũng đều có mục đích làm “sáng danh” Phật tính nơi mỗi con người, để người Phật tử nhớ lại tính thấy biết chân thật không sinh bất diệt của mình với những khả năng đem lại cho bản thân và mọi người niềm an vui, lành mạnh và hạnh phúc vững bền. Các chương trình tu tập ở các chùa dù thuộc tông phái Thiền, Tịnh hay Mật Tông, Nguyên Thủy hay Đại Thừa đều hướng vào mục đích huấn luyện người Phật tử phát triển khả năng sống tỉnh thức, có sự chú ý và thấy biết rõ ràng, hay chánh niệm, qua mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý. Ở bình diện sinh hoạt nghệ thuật, chính sự huấn luyện đó giúp con người gia tăng khả năng chú ý và cảm nhận tinh tế về màu sắc, âm thanh, mùi, vị, cùng cảm giác và xúc cảm nên giúp cho các sinh hoạt văn hóa như Trà Đạo, Hoa Đạo, Thi Đạo, Võ Đạo hay Vườn Thiền đạt đến phẩm chất tinh tế thanh cao kỳ diệu. Đó là
sự huấn luyện toàn diện cho sự phát triển khả năng thể chất và tinh thần của con người và vì con người. Ngay trong lễ cưới hỏi tại chùa, được gọi là lễ Hằng thuận cũng biểu lộ ước mong tốt đẹp của con người và vì con người:
“Theo tên gọi, ’Hằng’ là thường xuyên, luôn luôn, còn ’Thuận’ là hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống. Ý nghĩa của lễ Hằng thuận là để vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.”
(Tỳ kheo Thích Quảng Kiến)
Chân lý Đạo Phật không thay đổi nhưng sinh hoạt Phật giáo thay đổi vì những tổ chức xã hội mỗi thời một khác, mỗi nơi một khác như nhận xét của một nhà tu Phật giáo:
“Các yếu tố tạo nên những sinh hoạt xã hội như văn hóa, kinh tế, chính trị, nhân chủng không phải ở đâu cũng như ở đâu, thời nào cũng như thời nào. Mà các cơ cấu xã hội đã biến chuyển thì những hình thức sinh hoạt cũng phải biến chuyển. Một xã hội mới cần có những tương quan sinh hoạt mới. Giữ mãi những hình thức sinh hoạt không còn đáp ứng được với nhu cầu sinh hoạt mới tức là làm một công việc vụng dại. Những hình thức sinh hoạt của đạo pháp là để thực hiện bản chất của đạo pháp. Xã hội đã thay đổi vì những hình thức sinh hoạt cũ không phù hợp với xã hội nữa, do đó không thể thực hiện được bản chất của đạo pháp nữa. Phải có những hình thức sinh hoạt mới, một mặt đáp ứng với nhu cầu của xã hội mới, một mặt thể hiện được những nguyên lý căn bản của đạo pháp.”
(Đạo Phật ngày nay, Đức Phật và con người, Thiền sư Nhất Hạnh)
Điều này đã được dân chúng nhiều nước phương Tây đi tiên phong khi họ phát động phong trào sống tỉnh thức (mindful living), hay sống chánh niệm, ở khắp mọi ngành nghề và trong mọi phạm vi sinh hoạt đời sống hàng ngày. Đây là sự ứng dụng thực hành cốt lõi lời Đức Phật dạy mà không nói đến Đạo Phật. Dù vậy, chính sự thực hành này tạo ra sinh khí mới cho đời sống con người:
“Bởi vậy, người nào muốn hiểu được đạo pháp một cách thấm thiết thì người ấy phải thể nhập đạo pháp, phải tiếp nhận cho được sinh khí đạo pháp, phải thực hiện đạo pháp. Tam Tạng giáo điển chỉ là những phương tiện giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ là những công án cần thiết cho sự suy tư và thể nhập.”
(Đạo Phật ngày nay, Đức Phật và con người, Thiền sư Nhất Hạnh)
Người phương Tây hiện nay đa số không theo Đạo Phật nhưng ở nhiều nước họ đang thể nhập một cách quy mô và vững chãi vào tinh hoa giáo pháp Đạo Phật qua phong trào sống chánh niệm và thực hành thiền trong mọi ngành nghề và sinh hoạt xã hội. Đã đến lúc những dân tộc phương Đông, trong các nước theo Đạo Phật, trước sự kiện tâm linh đột phát lịch sử này ở Tây phương, cần nhắc lại câu hỏi:
“Đã đến lúc chúng ta, những người con dân của đất nước có truyền thống Phật giáo quý báu hàng ngàn năm qua, cần thể nhập Phật pháp, cần tiếp nhận cho được sinh khí đạo pháp, cần phải thực hiện đạo pháp chưa?”
Trong ước mong cung ứng một phần nhỏ tài liệu cụ thể cho phần trả lời, chúng tôi xin được trân trọng
kính gởi đến quý vị Những nét văn hóa Đạo Phật, trong đó ghi lại đời sống của những người đã thể nhập vào đạo pháp, mà qua đó, nền văn hóa Phật giáo tiếp tục cống hiến cho nhân loại trên 2500 nămqua những sinh hoạt đầy sinh khí của đạo pháp và đã sáng tạo những sản phẩm văn hóa tinh thần và vật thể hay đẹp cho nhân loại.
Chúng tôi xin kính cảm tạ các tác giả những ảnh chụp những bức cổ họa Trung Hoa và Nhật Bản, các hình được in trên những tạp chí hay trên các báo Phật giáo có hay không có ghi tên tác giả. Chúng tôi cũng xin thành tâm cám ơn các nhà nghiên cứu văn chương, tôn giáo, nghệ thuật và khoa học cùng chư Tôn Đức tăng ni, mà chúng tôi đã mạn phép trích dẫn và có phần liệt kê trong phần tài liệu thamcứu[1], cho chúng tôi có cơ hội học hỏi thêm. Chúng tôi cũng xin thành tâm cảm tạ tác giả những bức ảnh không đề tên trên các mạng nên chúng tôi không ghi tên quý vị được dưới các tấm ảnh.
[1] Trong các bài liên hệ đến các cuộc nghiên cứu khoa học, chúng tôi xin liệt kê đầy đủ các tài liệu nghiên cứu nơi các cước chú để quý vị độc giả tiện tham khảo. Nơi các bài khác, chúng tôi xin liệt kê các tài liệu tham cứu một cách tổng quát để quý vị tiện đọc qua – để làm phát sinh nhiều hoa trái đẹp đẽ và tốt lành qua nỗ lực thực hành cùng truyền bá lời dạy của Đức Phật về con đường an vui chân thật cho mọi người để làm gia tăng hạnh phúc, sức khỏe và thành công cho những người có duyên lành cũng như làm cho quả địa cầu được thêm phần xanh tươi trong ánh sáng tuệ giác của đấng Giác Ngộ.
Trong các bài viết, chúng tôi thỉnh thoảng có thêm một vài chữ tiếng Anh để các bạn trẻ không quen nhiều với tiếng Việt dễ dàng đối chiếu theo lời đề nghị của quý vị phụ huynh hay chính các bạn trẻ đó.
Chúng tôi thành kính tri ân quý vị Tăng Ni và quý vị Cư Sĩ, không nề hà khó nhọc trong bao năm qua, đã vun trồng cây Văn Hóa Phật giáo qua ba hình thái khác nhau – là một Minh Triết hợp thời đại khoa học tiến bộ, là một phương pháp thực hành lối sống an vui lành mạnh được phổ biến khắp nơi trên quả địa cầu từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam và cũng là một tôn giáo có tổ chức và có truyền thống trên hai ngàn năm.
Chúng tôi xin kính tri ân Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books), bà Phạm Thị Thủy – Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh – Đối ngoại và Truyền thông, ông Phó Tổng Giám đốc phụ trách xuất bản Vũ Trọng Đại, bà Nguyễn Thị Tú Oanh, bà Nguyễn Thị Thanh Minh và bà Ma Hoàng Mỹ Hạnh trong Ban biên tập, ông Trần Ngọc Thắng thiết kế bìa, bà Vũ Thị Thủy phụ trách về bản quyền sách cùng tất cả vị khác trong Thái Hà Books đã tạo duyên lành cho cuốn sách này được xuất bản trong hình thức tốt đẹp nhất. Chúng tôi rất cảm mến toàn thể các vị trong Thái Hà Books trong lần gặp gỡ ba năm về trước, trong đó có bà Lê Mai đã hướng dẫn chúng tôi và vị Tỳ kheo tiến sĩ Thích Hạnh Tuệ đến thăm cơ sở và các nơi sinh hoạt tu học. Những nụ cười vui vẻ, những nét mặt tươi sáng và hiền hòa, những lời nói chân thành và nhiều đạo vị của các vị lớn và trẻ tuổi là món quà quý báu mà tâm chúng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp khi nghĩ đến Công ty Cổ phần Sách Thái Hà.
Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn đạo hữu Xuân Chi đã bỏ nhiều thời gian để đọc và sửa lại giúp những lỗi chính tả và đạo hữu Khôi Cát đã chuyển sách thành dạng PDF để chuyển đến các nhóm tu học ở Hoa Kỳ. Thể theo tinh thần đóng góp không vị lợi của quý vị Phật tử, chúng tôi xin mạn phép không nhận nhuận bút dù dưới hình thức sách tặng. Chúng tôi xin kính nhờ Thái Hà Books chuyển sách tặng đến các cô nhi viện để làm quà tặng cho các em học sinh lớn tuổi theo như tinh thần sinh hoạt xã hội của quý vị.
Thành kính cảm tạ, Thích Phụng Sơn Mùa xuân năm 2015
Chương 1THIỀN CHÁN NIỆM ỨNG DỤNG TRONG MỌI NGÀNH NGHỀ
The Huf ington Post – một báo điện tử lớn có uy tín tại Hoa Kỳ và thế giới, vào ngày đầu năm 2014, đã thông báo “năm 2014 là năm của sống chánh niệm” vì các lý do sau:
Số lượng người tìm kiếm tin tức trên mạng về thiền chánh niệm, sống chánh niệm cũng như các lớp dạy thiền rất cao.
Các đại công ty Hoa Kỳ và nhiều nơi khác nhập cuộc thiền vì thiền đem lại nhiều lợi ích cho công ty. Các giám đốc điều hành nổi tiếng thực hành thiền trong đời sống hàng ngày.
Khoa học xác nhận giá trị của thiền làm cho bộ não phát triển tốt hơn, gia tăng trí nhớ, ngủ ngon, giảmhuyết áp, giảm viêm, tăng hạnh phúc, tăng khả năng tập trung chú ý, sáng tạo và sức khỏe nói chung.
Điều quan trọng hơn nữa là cơ quan tiếp thị thế giới JWT (James Walter Thompson) nêu ra 100 xu hướng của năm 2014 và nhắc nhở các công ty về 10 xu hướng quan trọng nhất cần phải lưu ý trong thương mại là sự gia tăng ưa chuộng của giới tiêu thụ về các loại máy móc kỹ thuật và thiền chánh niệm cùng các lớp dạy về chánh niệm.
Người tiêu thụ muốn có nhiều sản phẩm tân kỳ cùng lúc với thiền chánh niệm
Khi cơ quan tiếp thị thế giới JWT cố vấn thì các đại công ty sẽ nghe theo. Cơ quan tiếp thị thế giới JWT (nghiên cứu khuynh hướng tiêu thụ, quảng bá tin tức hàng hóa để bán hàng hay dịch vụ) đứng vào hàng thứ tư trên thế giới với 10000 nhân viên, 200 văn phòng trên 90 nước, cung cấp dịch vụ cho 1200 khách hàng trong đó có những công ty hay tổ chức rất quan trọng như:
- Bayer
- Ford
- HSBC
- Johnson & Johnson
- Kellogg’s
- Kimberly-Clark
- Macy’s
- Nestlé
- Nokia
- Rolex
- Schick
- Shell
- Unilever
- United States Marine Corps
- Vodafone, v.v…
JWT cho biết lúc nào người tiêu thụ cũng muốn có những loại đồ dùng đẹp đẽ, tiện lợi và tinh xảo. Do đó, các hàng hóa kỹ thuật công nghệ tinh xảo sẽ được nhiều người ưa chuộng. Điện thoại di dộng sẽ được phổ biến hơn nữa cho những tầng lớp nghèo và giúp nhiều người tiếp cận với những hệ thống tài chính, cách thức mua bán mới mẻ, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giáo dục tốt hơn cùng nhiều thứ khác nữa.
Tuy nhiên, các máy móc kỹ thuật công nghệ cũng sẽ tạo ra những khó khăn khác trong đời sống vì làmcho sự đãng trí gia tăng và khiến con người giảm khả năng làm việc, học hành và biết về đời sống của chính mình. Nói khác đi, con người đánh mất mình trong các trò chơi giải trí do sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật mang lại làm cho hạnh phúc và sức khỏe xuống cấp.
Do đó, chánh niệm là một trong 10 xu hướng hàng đầu hiện nay để chống trả với sự tiêu cực càng lúc càng gia tăng này ở khắp nơi trên thế giới. Bà Ann Mack – giám đốc nghiên cứu khuynh hướng thị trường của JWT giải thích2:
“Đây là một phản ứng chống lại cách sống có quá nhiều kích thích, làm phát sinh sự quên lãng và
tràn ngập kỹ thuật của nền văn hóa trong thập niên vừa qua. Ban đầu chánh niệm là một thành phần thực hành tâm linh, giờ đây chánh niệm trở thành cách thực hành thông dụng khi càng có nhiều người bị lôi cuốn bởi ý tưởng cần phải ngăn chận sự đãng trí và tăng sự chú ý vào hiện tại.”
Bà Mack nói rõ chánh niệm là sự thực hành quan trọng và sống chánh niệm là một phương pháp sống giúp con người giải thoát khỏi sự nô lệ vào máy móc:
“Sống chánh niệm có sức mạnh tồn tại vì thế giới chúng ta đang sống ngày càng tràn ngập các loại máy móc công nghệ. Do đó, con người phải tìm ra một phương cách đối phó. Chúng ta đang đánh giá lại mối tương quan với khoa học kỹ thuật. Trong thập niên vừa qua, chúng ta đã để cho khoa học kỹ thuật cai trị chúng ta. Giờ đây chúng ta cố gắng có nhiều chánh niệm hơn để sử dụng khoa học kỹ thuật và làm cho đời sống thăng bằng hơn.”
Chánh niệm là gì?
Chánh niệm là chú ý và thấy biết rõ ràng. Thực hành chánh niệm làm gia tăng kinh nghiệm về khả năng thấy biết về ba phương diện:
- Các cảm giác từ năm giác quan (là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân)
- Các ý tưởng, và
- Các cảm xúc.
Chánh niệm là phương pháp thực hành căn bản về chú ý và thấy biết rõ ràng toàn diện đời sống được Đức Phật dạy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở và cách thực hành được gọi là thiền chánh niệm(mindfulness meditation). Khi thực hành thiền chánh niệm, chúng ta thấy biết rõ ràng về hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi, vị và cảm giác thân thể mà không dính mắc vào các ý tưởng và các cảm xúc khởi lên do phản ứng với những điều thấy biết đó.
Sau nhiều lần thực hành thiền chánh niệm, chúng ta phát triển khả năng thấy biết rõ ràng mọi thứ mà không bị các phản ứng ưa ghét lôi kéo nên tâm càng lúc càng trong sáng, uyển chuyển, linh động và tỉnh thức trong đời sống hàng ngày. Đó là sống chánh niệm. Các nhà nghiên cứu khoa học phân biệt hai thứ thực hành thiền chánh niệm và sống có chánh niệm rất rõ ràng, còn giới truyền thông đại chúng thường gọi chung hai thứ này là chánh niệm (mindfulness).
Ảnh chụp lại bìa báo Time, số phát hành ngày 3 tháng 2 năm 2014, có các bài viết về cuộc cách mạng của thiền chánh niệm ở Hoa Kỳ
Báo Time – tuần san phát hành ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới, trong số báo ngày 3 tháng 2 năm2014, nói về cuộc cách mạng của thiền chánh niệm tại Hoa Kỳ. Chuyên gia biên soạn về sức khỏe Kate Pickert cho rằng tại nhiều nơi, nhiều người đang bị cuốn hút vào một phong trào “chánh niệm là điều bí mật của sức khỏe và hạnh phúc – và với sự gia tăng các chứng cứ cho thấy chánh niệm có những lợi ích rất rõ ràng.”
Những lợi ích thiền chánh niệm mang lại có nền tảng khoa học thực nghiệm. Trên hai thập niên qua, rất nhiều cuộc nghiên cứu khoa học đã chứng minh thực hành thiền vốn rất quan trọng cho mỗi người vì thiền đem lại nhiều lợi ích lớn lao trong nhiều lãnh vực:
Thiền gia tăng độ dày của vùng não chú ý3.
Thiền làm cho khả năng tập trung và chú ý gia tăng4.
Thiền làm tăng khả năng người quân nhân khi hành quân và giúp họ gia tăng khả năng chịu đựng5. Thiền giúp gia tăng trí nhớ6.
Thiền giúp gia tăng khả năng nội quán để giảm lo âu và gia tăng sức khỏe7.
Thiền làm cho chất xám trong não dày hơn8.
Thiền làm cho hệ miễn nhiễm hoạt động tốt hơn9.
Thiền làm giảm đau nhức10.
Thiền làm giảm viêm ở trong tế bào con người11,12.
Thiền làm giảm hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý – ADHD13.
Thiền giúp gia tăng sự gần gũi, chấp nhận lẫn nhau cùng sự độc lập trong mối tương quan giữa vợ chồng14.
Thiền giúp giảm cảm giác cô đơn15,16.
Thiền làm cho những cuộc nói chuyện và trao đổi tin tức giữa những người đang yêu nhau gia tăng phẩm chất17.
Thiền làm gia tăng sự hài lòng của cha mẹ có con cái bị khuyết tật và giúp họ giảm căng thẳng18. Thiền làm giảm hội chứng lo âu nơi trẻ em19.
Thiền làm gia tăng các cảm xúc tích cực20.
Thiền giúp cho con người điều hành cảm xúc mình tốt đẹp hơn nên có đời sống thoải mái hơn21. Thiền làm giảm căng thẳng nên giúp giải trừ được nhiều bệnh tật22,23.
Thiền làm cho con người gia tăng tình thương đối với tha nhân, làm gia tăng sự cảm thông trong xã hội, v.v…24
Riêng trong ngành giáo dục, bà Pickert trình bày về những trường học có chương trình thiền chánh niệm cho học sinh như sau:
“Các nhà giáo dục đã quay về thiền chánh niệm với mức độ gia tăng nhanh chóng – có thể đó là điều tốt, vì kỹ thuật số đang làm tiêu hao khả năng chú ý của các em học sinh. Trung bình các thanh thiếu nhi (teen) Mỹ gởi và nhận 3000 tin nhắn với bạn bè qua điện thoại mỗi tháng.
Một chương trình vùng vịnh là Trường Học Chánh Niệm (Mindful Schools) cung hiến chương trình huấn luyện chánh niệm trên mạng cho các thầy/cô giáo, hướng dẫn họ các phương pháp giúp cho học sinh thực hành chú ý trong lớp học và cách đối phó với những căng thẳng. Chương trình khởi đầu từ năm 2010 và nhóm thực hiện chương trình đã kết nối với 30000 học sinh. Các nhà giáo dục ở 43 quốc gia và 48 bang tại Hoa Kỳ đã ghi tên học thiền chánh niệm trên mạng điện tử.”
Thiền chánh niệm: thiền chỉ và thiền quán
Bên cạnh hàng trăm mạng điện tử có chương trình hướng dẫn thiền miễn phí hay có đóng lệ phí, hiện nay có hàng ngàn các lớp dạy thiền ở khắp các bang Hoa Kỳ và nhiều nước ở Âu Châu với hàng trămtên gọi khác nhau. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học kết luận chỉ có hai loại thiền căn bản là thiền chỉ và thiền quán do Đức Phật Thích Ca chỉ dạy.
Ngay từ thời Đức Phật, ước muốn được nghe lời giảng về Phật pháp giống nhau và sự thực hành giống nhau đã được nói đến trong kinh Đồng Pháp thuộc bộ kinh Tạp A Hàm. Kinh nói khi Đức Phật ở tại nước Câu Diêm Di, ngài A Nan đến đảnh lễ một bậc thầy tên là Thượng tọa và hỏi nếu có Tỳ kheo ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây hay ở trong phòng tu tập thì nên dùng phương pháp nào. Ngài Thượng tọa trả lời:
“Này tôn giả A Nan, nếu người nào ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh, nên dùng hai pháp này để chuyên tinh tư duy, đó là chỉ và quán.”
Ngài A Nan lại hỏi sau khi thực hành tu chỉ và quán nhiều thì kết quả thành tựu ra sao. Ngài Thượng tọa đáp:
“Tu tập chỉ, cuối cùng thành tựu được quán. Tu tập quán, cũng thành tựu được chỉ. Nghĩa là, Thánh đệ tử tu tập gồm cả chỉ và quán, chứng đắc giải thoát giới.”
Ngài A Nan hỏi về ý nghĩa giải thoát giới thì được đáp giải thoát giới là đoạn giới, vô dục giới, diệt giới. Ngài A Nan hỏi thêm thế nào là đoạn giới cho đến diệt giới và được trả lời là đoạn tất cả hành. Tất cả hành diệt, đó là diệt giới. Nói theo ngôn ngữ thời nay là người tu tập có khả năng điều hành được tâm mình nên không bị những ý tưởng, ham muốn và cảm xúc tiêu cực làm cho khổ đau và sống đời hạnh phúc chân thật.
Ngài A Nan rất vui mừng, sau đó ngài đi đến chỗ năm trăm vị Tỳ kheo và lặp lại những câu hỏi trên thì các vị Tỳ kheo cũng trả lời giống y như ngài Thượng tọa. Ngài A Nan lại rất vui mừng, ngài tìm đến Đức Phật và cũng lặp lại các câu hỏi nói trên và Đức Phật trả lời cũng y như ngài Thượng tọa và nămtrăm vị Tỳ kheo nói trên. Ngài A Nan thấy lòng tràn đầy hoan hỷ và bạch với Đức Phật như sau:
“Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, Bậc Đạo Sư và các đệ tử, tất cả đều đồng một pháp, đồng một văn cú, đồng một nghĩa, đồng một vị… Cho nên biết rằng, Thầy và đệ tử, tất cả đều đồng một pháp, đồng một văn cú, đồng một nghĩa, đồng một vị.”
(Kinh Tạp A Hàm, Đồng Pháp, kinh số 464, Thượng tọa Thích Đức Thắng dịch)
Như vậy, chúng ta thấy các bậc thánh tăng thời Đức Phật đã theo lời dạy của Ngài thực hành phương pháp giống nhau khi thiền và có kết quả tu tập giống nhau. Đó là thiền chỉ và thiền quán.
Thực hành thiền chỉ hay thiền quán đều là thực hành sự chú tâm. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thấy thực hành sự chú tâm không phải là dễ dàng vì tâm hay bị các ý tưởng và cảm xúc khác nhau xuất hiện và lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Thông thường, các cảm giác sướng hay khổ, vui hay buồn tác động vào tâm con người rất mạnh mẽ. Khi nghe một lời khen hay tiếng chê, khi nhận được món quà quý hay bị mất một vật gì có giá trị, khi được người khác ca tụng hay chê bai trên báo chí, truyền hình hay trước đám đông, khi được vui sướng như ăn ngon hay khổ vì bị đói, thì những niềm vui hay nỗi khổ xuất hiện trong tâm chúng ta và chúng thu hút sự chú ý của chúng ta vô cùng mạnh mẽ. Chú ý càng mạnh thì cảm xúc càng tăng và càng có mặt lâu dài. Nếu chúng ta muốn hướng sự chú ý đến thứ khác thì những cảm xúc này lôi kéo sự chú ý của chúng ta trở về lại với chúng. Nhà tâm lý học Daniel Goleman, trong cuốn sách về thông minh cảm xúc25, gọi đó là chúng ta bị cảm xúc bắt cóc, không trốn thoát được và Đạo Phật gọi đó là bị tám ngọn gió sướng-khổ, khen-chê, đề cao-hũy nhục và được-mất làm cho tâm mình chao động, mất khả năng làm chủ. Lúc đó, các hoạt động thần kinh trong bộ não cũng
có sự thay đổi.
Khoa học đi sâu vào thiền chỉ và thiền quán
Các nhà khoa học thần kinh học Jha26 và Lutz27 cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thiền và bộ não cho thấy khi chúng ta thực hành sự chú ý lâu dài vào một thứ, còn gọi là thực hành chánh niệm như khi ngồi thiền, thì hoạt động này ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến bộ não và làm thay đổi các hoạt động trong bộ não, giúp gia tăng sự chú ý và điều hành cảm xúc tốt đẹp, không những ngay trong lúc ngồi thiền mà còn lâu dài về sau. Những cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy điều quan trọng nhất là chúng ta có thể huấn luyện làm khả năng chú ý của mình gia tăng qua sự thực hành thiền.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về thiền Marlatt và Kristeller28, một cách tổng quát, thiền có hai loại là thiền chỉ và thiền quán. Thiền chỉ là chú ý tập trung (Focus Attention hay FA) vào một thứ như hơi thở vào hơi thở ra, lời niệm Phật hay một chữ hay một câu thần chú. Còn thiền quán là chú ý mở rộng (Open Monitoring Meditation hay OM), thấy biết trong một phạm vi lớn hơn, những gì đang xảy ra từ giây phút này qua giây phút khác, trong thân hay tâm khi ở một mình hay đối diện với cảnh bên ngoài. Khi thực hành thiền quán thì năm giác quan là tai, mắt, mũi, miệng và thân buông xả nhưng rất tinh tế. Trong khi thực hành thiền quán, tiến sĩ Kabat-Zinn29 nhấn mạnh, thì sự chú tâm đó làm phát sinh sự thấy biết trực tiếp mà không có ý tưởng phê phán – như cho là xấu hay tốt, hay dính mắc vào cảm xúc – như ưa hay ghét, sướng hay khổ, khi thấy biết hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, cảm giác hay cảm xúc. Chúng ta đã biết, thực hành như thế được Phật gọi là “tuệ tri”, là trực tiếp thấy biết rõ ràng các hiện tượng thực sự như chúng đang có mặt.
Ngoài ra, một loại thiền hiện có ở Hoa Kỳ là thiền niệm chú gọi là thiền siêu vượt (Transcendental Meditation, hay TM do một giáo sĩ Ấn Độ Giáo Maharashi thành lập30. Những người thực hành thiền TM niệm một chữ mà nhóm TM nói chỉ có âm thanh thôi chứ không có ý nghĩa gì cả. Thực ra, đây là tên của những vị thánh trong Ấn Độ Giáo như Ram, Shiriram hay một câu dài như Shrishri Shri Aing Aing Namah Namah31. Người thực hành thiền niệm chú TM ngồi thiền 20 phút mỗi lần và ngồi hai lần trong một ngày. Họ để thân và tâm buông xả và niệm thầm chữ hay câu chú.
Như vậy, về phương diện thực hành cụ thể, thiền TM chính là thiền niệm chú và cũng tương tự như cách ngồi thiền buông xả thân tâm và niệm danh hiệu “A Di Đà Phật”. Và để cho dễ hiểu và dễ nhớ, chúng ta gọi thiền siêu niệm TM là thiền niệm chú.
Nhiều thiền viện, tu viện Phật giáo hay các trung tâm hướng dẫn thực hành gia tăng khả năng chú ý thường nhấn mạnh đến ngồi thiền. Những người thực hành được hướng dẫn ngồi thẳng lưng nhưng buông xả thân thể thoải mái và chú tâm vào hơi thở vào và hơi thở ra, đừng để bị các ý tưởng và cảmxúc xuất hiện lôi kéo làm mất chú tâm hay chánh niệm.
Để tìm hiểu chi tiết hơn, chuyên gia nghiên cứu về thiền như Valentine, Sweet32 và Wallace33 cho thấy các trung tâm thực hành thiền tập thường hướng dẫn một trong hai cách thiền mà cách thứ nhất là thiền chỉ hay chú tâm vào một thứ như chú tâm vào hơi thở vào và hơi thở ra hay phối hợp với lời niệm một chữ hay một câu. Như vậy thiền niệm chú hay niệm A Di Đà Phật là thiền chỉ. Cách thứ hai là thiền quán.
Kết quả sự thực hành thiền chánh niệm Phật giáo
Chú ý và thấy biết rõ ràng trong đời sống là sống tỉnh thức (mindful living). Thực hành sống tỉnh thức là do năng lực có được khi thực hành thiền chánh niệm (mindfulness meditation). Về huấn luyện thực hành thiền chánh niệm, tất cả các tông phái Phật giáo đều có hai cách thực hành chính mà chúng ta đã biết là chú ý tập trung hay chỉ và chú ý mở rộng hay quán. Cả hai cách thực hành đều nhắm đến sự duy trì trạng thái thấy biết rõ ràng từ lúc này đến lúc khác trong một thời gian lâu dài. Có chú ý và thấy biết rõ ràng là có thiền chánh niệm (mindfulness meditation) – một danh từ được nhiều chương trình hướng dẫn thiền ở Hoa Kỳ sử dụng34,35. Các nhà nghiên cứu như Lutz36 và Cahn37 cùng các đồng nghiệp thì chú trọng đến các hoạt động thần kinh làm gia tăng khả năng nhận thức và khả năng điều hành sự chú ý khi thực hành thiền.
Khi ngồi thiền và thực hành chú ý tập trung (hướng đến một thứ và chỉ một thứ thôi) là thiền chỉ, người thực hành tập trung sự chú ý vào một thứ như hơi thở vào và hơi thở ra. Tuy nói tập trung sự chú ý vào một thứ như hơi thở vào và hơi thở ra, nhưng trên thực tế, người thực hành thiền cùng lúc cảm nhận bụng phồng lên và xẹp xuống (thở đan điền). Trong trường hợp cảm giác thích thú do sự chú ý vào hơi thở này mang lại dù họ không chủ ý cảm nhận các thứ đó. Mục đích thực hành thiền chỉ là ngưng lại mọi sự suy nghĩ liên miên cũng như dính vào các cảm xúc vui buồn để chú ý vào một thứ trong hiện tại.
Các cuộc nghiên cứu nói trên cho thấy trong các chương trình tu tập, thực hành thiền chỉ một thời gian với sự siêng năng, người thực hành phát triển ba khả năng về điều hành chú ý:
1. Khả năng tập trung sự chú ý và tiếp tục duy trì sự chú ý chính xác vào đối tượng mình đang chú ý vào như hơi thở vào và hơi thở ra hay như khi ngồi niệm Phật, hoàn toàn chú ý vào lời niệm Phật phối hợp với hơi thở, không suy nghĩ đến chuyện khác.
2. Khả năng nhận biết những thứ làm cho mình xao lãng (suy nghĩ hay chạy theo các cảm xúc, hình ảnh hay cảm giác) và trở về tiếp tục chú ý đến đối tượng mình đang hướng sự chú ý đến (hơi thở vào và ra cùng lời niệm Phật).
3. Khả năng chấm dứt sự dính mắc vào những thứ làm cho mình xao lãng. Như đang đếm số hay niệm Phật lại suy nghĩ hay chú ý đến tiếng nhạc, lời nói hay hình ảnh xuất hiện thì nhanh chóng biết điều đó và trở về chú ý vào hơi thở và lời niệm hay số đếm.
Lúc mới thực hành chú ý khi ngồi thiền, người thực hành chú ý tập trung (chỉ) tiêu phí nhiều năng lượng vì phải nỗ lực nhiều nên khả năng tiếp tục thực hành chú ý tập trung thường giảm dần. Vì vậy, các ý tưởng hay hình ảnh xuất hiện tăng lên làm mất đi sự chú ý. Đó là bị vọng tưởng làm mất chánh niệm.
Người thực hành thiền nhận biết và trở về với sự chú ý nơi hơi thở. Nhiều lúc người thực hành thiền mơ màng (day dream), để tâm chạy lang thang, nghĩ tưởng hết điều này đến điều kia và quên mất thực hành chú ý hay chánh niệm. Điều này có thể tiếp tục xảy ra cho đến lúc hết giờ ngồi thiền.
Trong hai trường hợp nói trên, người thực hành thiền không có đủ khả năng điều hành sự chú ý: không có khả năng tập trung sự chú ý và duy trì sự chú ý lâu dài, không có khả năng nhận biết những thứ làmmình bị xao lãng sự chú ý và không có khả năng chấm dứt sự dính mắc vào các thứ lôi kéo tâm mình đi lang thang. Do đó, trong Đạo Phật, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông khuyến khích cách thực
hành ngồi thiền theo dõi hơi thở, niệm Phật hay tụng chú giúp cho người tu tập bớt bị xao lãng và gia tăng sự chú tâm dễ dàng.
Khi thực hành siêng năng một thời gian thì người thực hành thiền sẽ có tiến bộ. Và sự tiến bộ được căn cứ vào sự thực hành ba điều nói trên là khả năng tập trung sự chú ý và tiếp tục duy trì sự chú ý, khả năng nhận biết và khả năng chấm dứt sự dính mắc vào các ý tưởng, hình ảnh hay cảm xúc.
Các cuộc nghiên cứu nói trên cũng cho thấy những người mới thực hành thiền thường có nhiều cố gắng và tiêu phí nhiều năng lượng để thực hành ba điều nói trên và dẫn đến sự mệt mỏi. Tuy nhiên, những người thực hành thiền lâu hơn thì phát triển khả năng tỉnh thức (mindfulness) và có thể nhận biết lúc nào tâm có sự xao lãng (chạy theo các ý tưởng hay cảm xúc xuất hiện) và tiếp tục thực hành chú ý tập trung vào đối tượng một cách thoải mái. Những người này ít dụng công (cố gắng) hơn, họ không tiêu phí nhiều năng lượng thực hành ba khả năng điều hành chú ý nói trên nên tâm họ ở trong trạng thái trong sáng, vững chãi và thảnh thơi hơn.
Các chuyên viên nghiên cứu thiền nói trên cho thấy những người thực hành thiền chỉ (chú ý tập trung) thành tựu thì khả năng chú ý của họ nhanh chóng trở nên ổn định và kéo dài khi họ hướng sự chú ý đến nơi nào. Khả năng kéo dài sự thực hành chú ý tập trung giúp họ ở yên được trong trạng thái chú ý, tâmhọ vững chãi và cảm giác thoải mái gia tăng.
Dần dần khả năng chú ý này trở thành tự nhiên và kéo dài hơn nên họ thực hành thiền quán một cách dễ dàng và bền vững. Lúc đó, họ thực hành thiền không cần cố gắng nhiều, hay ít dụng công, và đồng thời ít còn bị những cảm xúc tác động tạo ra những phản ứng tiêu cực nên niềm an vui gia tăng. Ngoài giờ ngồi thiền, họ ứng dụng thiền quán là chú ý mở rộng trong các sinh hoạt hàng ngày như làm vườn, tưới nước, rửa chén bát, làm việc hay lái xe. Khi họ thực hành sự thấy biết rõ ràng với tâm tỉnh thức và linh động trong đời sống là họ sống thiền (mindful living).
Thiền và sáng tạo
Các chuyên gia nghiên cứu Colzado và các đồng nghiệp38thuộc viện nghiên cứu tâm lý và não bộ thuộc viện đại học Leiden University, Hà Lan, đã tìm hiểu thiền chỉ và thiền quán liên quan đến vấn đề sáng tạo như thế nào. Những người tham dự cuộc nghiên cứu thực hành hai loại thiền:
- Thiền chỉ: Chú ý từ giây phút này đến giây phút kế vào hơi thở, một ý tưởng hay một đồ vật.
- Thiền quán: Thấy biết mọi thứ ý tưởng hay cảm giác khi chúng xuất hiện mà không đặc biệt chú ý vào một ý tưởng hay đồ vật gì cả và duy trì sự không phê phán khi có những ý tưởng hay cảm xúc xuất hiện.
Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy thiền quán giúp người tham dự suy nghĩ với nhiều ý tưởng khác nhau và có nhiều ý tưởng mới hơn trước đây, còn thiền chỉ không làm cho phát sinh nhiều ý tưởng khác nhau để giải quyết vấn đề và không làm phát sinh tinh thần sáng tạo. Thiền quán làm cho khả năng sáng tạo gia tăng. Như vậy, thiền chỉ và thiền quán có những tác dụng khác nhau. Dù thiền quán giúp gia tăng khả năng sáng tạo nhưng nếu không thực hành thiền chỉ thì không có khả năng thực hành thiền quán. Do đó, Đạo Phật hướng dẫn thực hành Chỉ Quán Song Hành.
Loại thiền nào tốt nhất?
Chúng ta ai cũng nghe nói về nhiều loại thiền khác nhau và nhiều người đã đặt câu hỏi: Loại thiền nào tốt và hợp với mình nhất? Để trả lời câu hỏi này, các chuyên gia nghiên cứu về các phương pháp thực hành thiền, thuộc viện nghiên cứu sức khỏe thân tâm Institute for Holistic Health Studies thuộc đại học San Francisco State University, tìm hiểu loại thiền nào thích hợp cho mỗi người để khi thực hành thì họ không bỏ dở nửa chừng và cảm thấy thích thú để thực hành thiền lâu dài.
Hiện nay có nhiều loại thiền nổi tiếng như Thiền Chánh Niệm, Thiền Tổ Sư, Thiền Niệm Chú và Thiền Quán Tưởng Khí Công hấp dẫn nhiều người thực hành. Tuy nhiên, có nhiều người nghe có một loại thiền nổi tiếng, họ thực hành theo một thời gian rồi bỏ vì thấy không thoải mái.
Giáo sư Adam Burke39, chuyên gia nghiên cứu và cũng là giám đốc viện nghiên cứu sức khỏe thân tâm, cho rằng có người vừa mới thực hành thiền không bao lâu đã nghĩ đến chuyện bỏ thiền vì thấy không thích hợp. Lý do là vì họ đã chọn phương pháp thiền không phù hợp với mình.
Giáo sư Burke nhắc nhở rằng thiền mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như chữa trị các bệnh tật nên đừng bỏ thực hành thiền và muốn thực hành thiền lâu dài thì cần chọn loại thiền thích hợp với mình. Vì có rất ít cuộc nghiên cứu về các loại thiền thích hợp với những người thuộc các căn cơ khác nhau nên giáo sư Burke40thực hành cuộc nghiên cứu về bốn loại thiền đang được nhiều người thực hành:
- Thiền chánh niệm còn được gọi là Thiền Tứ Niệm Xứ (Vipassana, cũng còn được gọi là Thiền Minh sát). Đây là thiền truyền thống trong Phật giáo Nam Truyền khởi đầu từ sự thực hành của Đức Phật Thích Ca và được nói rõ trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Đức Phật dạy thực hành chú ý và thấy biết rõ ràng hơi thở (thân), cảm giác (thọ), các ý tưởng và cảm xúc (tâm) và các điều mình thấy biết (pháp).
- Thiền tổ sư (Zen), thuộc hai tông Lâm Tế và Tào Động, hướng dẫn thiền sinh thực hành thiền quán, chú ý mở rộng, các sinh hoạt bình thường trong đời sống sau những thời khóa ngồi thiền. Khi ngồi thiền, các thiền sinh ngồi thẳng lưng nhưng thư thái, mở mắt nhìn xuống phía trước độ một thước, chú ý vào hơi thở vào ra, nếu có các ý tưởng khởi dậy thì nhận biết và quay trở về sự chú ý. Họ thực hành không suy nghĩ hay “tâm không” và ứng dụng trong đời sống hàng ngày để sống tỉnh thức với tâm linh động.
- Thiền niệm chú (Mantra) thuộc Mật Tông. Trong cuộc nghiên cứu, các sinh viên được hướng dẫn thực hành đọc một chữ, một câu hay một âm thanh như Om (đọc là UM kéo dài).
- Thiền Quán Tưởng theo khí công. Đây là cách thực hành quán tưởng (tưởng tượng) thấy các hình ảnh để phục hồi sức khỏe và quân bình năng lượng (khí) trong cơ thể. Các môn sinh được hướng dẫn thực hành Nội tại Cười (inner smile) và tưởng tượng thấy năng lượng cười thấm vào các cơ quan bên trong, quán Trăng Trên Hồ, tưởng tượng thấy mặt trăng phản chiếu trên mặt hồ và Cầm Thiên Hà Trong Lòng Bàn Tay, tưởng tượng thấy năng lượng của thiên hà trong lòng bàn tay hay tưởng tượng thấy ánh sáng chạy theo cột sống.
Có 247 sinh viên tham dự cuộc nghiên cứu. Họ được hướng dẫn thực hành bốn phương pháp thiền khác nhau nói trên rồi về nhà thực hành mỗi thứ một tuần. Sau sáu tuần lễ, các sinh viên đánh giá các cách thực hành các loại thiền khác nhau theo thứ tự mình ưa chuộng.
Tùy theo nhu cầu mà chọn cách thiền
Kết quả cho thấy không có một phương pháp thiền nào là tốt nhất cho mọi người thực hành và có những phương pháp tuy không được nhiều người biết đến mà cũng có người ưa thực hành:
- Thiền Chánh Niệm và Thiền Niệm Chú, hai cách thiền giản dị, được 31% sinh viên tham dự cuộc nghiên cứu ưa chuộng,
- Thiền Tổ Sư có 22% người tham dự ưa chuộng, và
- Thiền Quán Tưởng Khí Công có 14,8% người tham dự ưa chuộng.
Các chuyên gia nghiên cứu giải thích:
- Phương pháp thiền dễ dàng thực hành thì được nhiều người ưa chuộng.
- Mỗi người tùy theo căn cơ chọn phương pháp thực hành thiền họ ưa thích. Ví dụ người đã học qua Thiền Tổ Sư thì dù khó khăn hơn loại thiền khác họ vẫn chọn thực hành loại thiền này.
- Do đó, điều quan trọng nhất là cần biết mình thích hợp với loại thiền nào để thực hành chứ không phải nghe loại thiền nào nổi tiếng là chạy theo.
- Nếu một người không ưa thích loại thiền mình đang thực hành thì họ sẽ chóng chán và không thực hành được lâu dài. Như vậy, họ sẽ mất đi cơ hội để được hưởng những lợi ích do thiền mang lại.
Điều quan trọng mà những người hướng dẫn thiền ở Việt Nam hay các nước Tây phương cho người Việt cần nhớ qua cuộc nghiên cứu này:
Thiền Chánh Niệm và Thiền Niệm Phật là hai hình thức thiền được người mới thực hành thiền ưa chuộng vì chúng giản dị và dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, với những người lớn tuổi, nếu họ đã quen thuộc với thiền tổ sư (Zen), như Lâm Tế hay Tào Động hiện đang được truyền bá nhiều, thì họ ưa chuộng loại thiền này. Nói khác đi, trăm hay không bằng tay quen.
Trăm hay là Thiền Chánh Niệm. Thiền Chánh Niệm hiện nay nổi tiếng khắp nơi và thường là phương pháp thực hành quen thuộc của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Do đó, những người trẻ tham dự cuộc nghiên cứu này ưa chuộng loại thiền này nhất. Giáo sư Burke41 giải thích:
“Điều thú vị là Thiền Niệm Chú và Thiền Chánh Niệm có sức thu hút người tham dự cuộc nghiên cứu như nhau dù hai phương pháp thực hành thiền này hoàn toàn khác nhau.
Nếu một người được trình bày một loại thiền qua các phương tiện truyền thông hay qua chuyên gia chăm sóc sức khỏe thì có thể họ cho đây là phương pháp thực hành tốt nhất cho mọi người vì nó nổi tiếng nhất. Nó không khác gì với chuyện năm nay áo màu hồng hay áo thể thao màu tím nổi tiếng nên ai mặc vào cũng thấy đẹp.”
Nhiều người Việt tu theo pháp môn Tịnh Độ nên khi ngồi thiền thường phối hợp với niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Dù Thiền Chánh Niệm hiện nay rất nổi tiếng trên thế giới nhưng cuộc nghiên cứu khoa học nói trên cho thấy cần chú trọng đến sự thực hành thiền thích hợp cho mỗi người. Đó là tay
quen – một yếu tố giúp cho thực hành thiền lâu dài để hưởng những kết quả do thiền mang lại như phát triển sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Tóm lại, nếu ứng dụng vào cộng đồng Việt Nam thì chúng ta thấy có hai loại thiền thích hợp là Thiền Chánh Niệm và Thiền Niệm Phật.
Thực hành thiền còn có phần đi bộ trong chánh niệm hay thiền hành và ăn uống trong chánh niệm. Thiền hoạt động
Thiền hoạt động là ứng dụng thiền vào các hoạt động hàng ngày trong đó có phần đi bộ trong chánh niệm, ăn uống trong chánh niệm, làm việc trong chánh niệm, học hành trong chánh niệm hay lãnh đạo công ty trong chánh niệm.
Cơ thể chúng ta cần vận động. Do đó, những vị nào làm việc hay học hành ngồi lâu cần vận động thể lực bằng cách đi bộ trong chánh niệm hay thiền hành. Thiền hành có hai loại là đi chậm và đi vừa hay nhanh.
Đi chậm: 5 phút
Bước chân phải (hay trái): Hít vào đồng thời đưa gót chân lên chậm rãi, đưa bàn chân tới trước rồi thở ra và hạ bàn chân xuống. Chân bên kia tiếp theo như vậy. Bước di rất chậm và chỉ chú ý đến bàn chân đang bước đi. Đó là thiền chỉ. Do đó, chỉ thực hành bước thật chậm trong nhà hay trong thiền đường để được an toàn.
Đi vừa hay nhanh: 10 đến 20 phút hay nhiều hơn
Để sự chú ý vào bước đi được dễ dàng, khi hít vào bằng mũi, chúng ta đếm 1, 2, 3 theo mỗi bước chân bước tới và lúc thở ra bằng mũi chúng ta đếm 1, 2, 3, 4 (hay 5 tùy theo hơi thở mỗi người) bước chân. Như vậy, khi hít hơi vào bước ba bước, khi thở ra bước 4 hay 5 bước.
Khi thiền hành nhanh hay bình thường ngoài trời, chúng ta cảm nhận về hơi thở, cảm giác nơi bàn chân và thân thể cùng thấy biết các thứ chung quanh rõ ràng nhưng không chú ý tập trung vào một thứ gì cả. Đó là thiền quán.
Đi bộ trong chánh niệm làm phát sinh hạnh phúc và sức khỏe.
Tập thưởng thức niềm vui ưa thích khi ăn uống để làm gia tăng tài nguyên hạnh phúc cho bản thân:
Theo các nhà thần kinh học, ăn uống mỗi ngày kích thích niềm vui trong bộ não. Ăn uống có chú tâmhay ăn trong chánh niệm như Đức Phật dạy cho vua Pasanedi làm cho hạnh phúc phát sinh, khỏe mạnh và trẻ lâu. Để kiểm nhận kết quả tốt đẹp này ở mức độ nào nơi chính bản thân mình, xin quý vị chọn một hay nhiều cách thực hành như sau:
Buổi sáng khi mới thức dậy, chúng ta ngồi thoải mái, thở đan điền khi uống ly nước trà ấm và cảmnhận cảm giác thích thú. Cảm giác này kích hoạt vùng não phát sinh niềm vui ưa thích và từ đó chúng ta cảm nhận niềm hạnh phúc xuất hiện mạnh mẽ.
Những vị nào uống sô cô la hay cà phê xin chọn cách như sau: Bỏ vào tách một muỗng bột sô cô la
(cacao) và một muỗng nhỏ cà phê. Đổ ít nước sôi rồi trộn cho tan. Tiếp đó cho thêm sữa đậu nành cho đầy tách. Hâm cho vừa độ nóng. Ngồi trên ghế thoải mái, thở đan điền và thưởng thức mùi vị ba thứ này trộn lại. Vị ngọt sẽ kích hoạt vùng não phát sinh cảm giác ưa thích rất nhanh và mạnh. Chúng ta thở đan điền, buông xả và cảm nhận hạnh phúc cụ thể khi uống và thưởng thức từng hớp một.
Những vị nào khả năng tài chính ít hơn thì ăn xôi đậu xanh với dừa nạo và đậu phộng trộn đường cũng tốt. Khi ăn xôi hoặc ăn cơm, chúng ta ngồi thoải mái, tâm thư giãn, thở đan điền khi nhai và cảm nhận mùi vị. Hít vào, nhai ba lần, thở ra nhai năm lần. Sau ba hơi thở vào và ra thì nuốt, như vậy là nhai được 24 lần trong chánh niệm. Ăn uống trong chánh niệm làm cho niềm vui ưa thích phát sinh và kéo dài suốt buổi ăn. Dù nghèo hay giàu, mọi người đều bình đẳng trong việc xây dựng, phát triển và thưởng thức hạnh phúc.
Theo định luật phát triển bộ não do giáo sư thần kinh học Merzenich nêu ra “các tế bào thần kinh cùng hoạt động thì cùng quấn vào nhau”. Do đó, sau khi thực hành một thời gian và các tế bào nơi hai vùng não khác nhau quấn lại với nhau đưa đến kết quả là khi một thứ xuất hiện thì thứ kia cũng xuất hiện như theo luật duyên khởi Đức Phật dạy: “Cái này có thì cái kia có… Cái này sinh thì cái kia sinh…”. Do đó, chúng ta tập thở đan điền và cảm giác hạnh phúc để chúng dần dần nối kết mạnh mẽ với nhau. Khi chúng ta thực hành nhiều lần sự nối kết này thì chúng trở thành bền chắc trong bộ não không khác gì phần cứng trong máy vi tính, chỉ cần nháy chuột (thở đan điền) là niềm vui ưa thích xuất hiện ngay tức thì.
Ngày hôm nay, những công nhân làm việc ở các hãng xưởng cần được hướng dẫn phương pháp cảmnhận ăn ngon khi họ ăn sáng, trưa và chiều để phát triển niềm hạnh phúc vì hạnh phúc làm giảm căng thẳng và nhất là giúp họ có ít nhất là ba cơ hội trong một ngày, tự mình thấy rõ trong cuộc đời lao động vất vả họ vẫn có thể có khả năng thắp sáng ý nghĩa đời sống của mình, hiện hữu hay hiện sinh tích cực trong hạnh phúc, qua thở đan điền, ăn uống và cảm nhận niềm vui ưa thích dù với các loại thức ăn khác nhau cũng như thực hành sự vui sống trong các sinh hoạt bình thường mỗi ngày.
Qua sự thực hành phát triển hạnh phúc trong sinh hoạt bình thường hàng ngày mà họ có cơ hội thấy rõ tính thấy biết chân thật nơi mình, thấy rõ sự mầu nhiệm và lợi ích của lời Phật dạy để ứng dụng vào các sinh hoạt và nhất là khi làm việc để có niềm vui. Các cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy khi biết rõ ý nghĩa và mục đích của đời sống mình thì đời sống con người có thêm nhiều phẩm chất như có niềm vui trong đời sống, làm việc có nhiều chú ý và chăm chỉ hơn nên năng suất gia tăng và nhờ đó mà có thêm lương tiền, họ giao tiếp vui vẻ với các bạn đồng nghiệp, giảm bớt căng thẳng trong các mối tương quan, vui sống với vợ chồng con cái và đóng góp những điều tốt đẹp nhất cho xã hội và cho tương lai con cháu mình.
Người chủ công ty biết chăm sóc cho nhân viên là người biết cách xây dựng nền móng vững chắc cho tài sản của mình càng lúc càng phát triển vì – như các cuộc nghiên cứu khoa học đã chứng minh – công nhân, nhân viên hay người làm hạnh phúc thì mang đến nhiều lợi ích cho công ty.
Các đại công ty Tây phương cần có thiền
Từ lâu, các đại công ty đã biết có sự liên hệ giữa thiền, sức khỏe và năng suất của nhân viên. Các cuộc nghiên cứu cho thấy thiền giúp con người giảm căng thẳng và làm gia tăng sức bền bỉ. Căng thẳng làm cho các công ty hao tốn rất nhiều tiền bạc. Viện nghiên cứu căng thẳng American Institute of Stress
(www.stress.org) dự đoán mỗi năm căng thẳng làm cho các công ty Hoa Kỳ mất từ 50 đến 150 tỷ đô Mỹ.
Các nhà nghiên cứu Sauter, Murphy và Hurrell43, vào năm 1990, đã đưa ra bằng chứng về những thiệt hại căng thẳng gây ra cho các xí nghiệp:
- 42% nhân viên cho biết căng thẳng làm gia tăng sai lầm trong công việc.
- 32% nhân viên cho rằng căng thẳng làm gia tăng mâu thuẫn giữa các đồng nghiệp. - 28% nhân viên bị bệnh vì căng thẳng.
- 26% nhân viên cho rằng căng thẳng gây ra sự vắng mặt nơi sở làm.
- 63% nhân viên cho biết đời sống cá nhân họ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng trong công việc.
- 60% nhân viên cho rằng công việc của họ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
14 năm sau, năm 2004, có đến 75% nhân viên tin rằng những người đi làm việc bị căng thẳng nhiều hơn thế hệ nhân viên trước đây (12 năm trước). Đến năm 2014, với nền kinh tế toàn cầu tăng giảm thất thường như hiện nay, mức độ căng thẳng từ chủ nhân đến công nhân lại càng tăng hơn nữa.
Thiền là viên thuốc thần chữa chứng căng thẳng
Do đó, các đại công ty nhiều nơi trên thế giới đã đem thiền vào chỗ làm việc. Để biết rõ sinh hoạt thiền của các đại công ty Hoa Kỳ ra sao, chúng ta thử tìm hiểu chương trình thiền ở Công ty General Mills, được xem như một tổ chức thực hành tâm linh tập thể, là một trong các công ty có chương trình thực hành chánh niệm tinh vi nhất với các chương trình nghiên cứu công phu. Một chương trình là lãnh đạo chánh niệm (Mindful Leadership), trong đó có sự phối hợp thiền Phật giáo và yoga nhẹ cùng với thảo luận, để làm cho tâm lắng dịu nhằm đưa đến kết quả là giúp cho tâm những công nhân lắng dịu hơn. Nhờ đó họ ít bị căng thẳng hơn nên năng suất công việc cao hơn và khả năng lãnh đạo tốt hơn. Tóm lại, công ty thu nhiều lợi hơn, lãnh đạo thành công hơn và công nhân gia tăng hạnh phúc và tiền lương.
Công ty General Mills – sản xuất các thực phẩm nổi tiếng là ngũ cốc Cheerios ăn sáng, kem lạnh Häagen-Dazs – có 3000 nhân viên làm việc trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất, chào hàng, phân phối ra thị trường, kiện tụng, điều hành và sáp nhập các công ty. Những nhân viên nơi đây đa số là người Mỹ da trắng, trung lưu, ăn bận xuề xòa và chăm chỉ làm việc. Công ty General Mills có một văn hóa xí nghiệp đặc biệt:
Sáng thứ ba, vài chục nhân viên cấp cao của công ty ngồi thiền chung yên lặng trên gối thiền để hun đúc quyết tâm cho công việc trong tuần.
Buổi chiều hôm đó có độ 50 nhân viên cấp cao đứng trên một chân theo thế tập yoga.
Mỗi tòa nhà trong khu vực công ty đều có phòng ngồi thiền với các gối thiền và thảm tập yoga để cho các nhân viên ngồi thiền vài phút cho tâm lắng dịu lại sau các phiên họp.
Biên tập viên David Gelles của tờ Finance nói trên cho biết đây không phải là một sinh hoạt cho có
hay thời thượng. Nhân viên công ty General Mills đã thực hành thiền và yoga trong bảy năm qua, mà theo bà Marturano, Phó giám đốc chuyên trách về Nhân sự và Phó giám đốc điều hành văn phòng luật sư của công ty, người đã khai sinh chương trình thiền này, nhấn mạnh mục đích chương trình hướng đến:
“Hoạt động này nhằm huấn luyện tâm bạn gia tăng khả năng tập trung, thấy biết rõ ràng, tâm có khoảng trống cho sự sáng tạo và để cảm nhận sự kết hợp với người khác. Lòng từ bi cho chính mình, cho mọi người xung quanh mình – bạn đồng nghiệp, khách hàng – đó là mục đích của sự huấn luyện.”
Các nhân viên lãnh đạo General Mills được tạp chí Leadership Excellence đánh giá là số 1 vào năm2011, vượt lên 13 bậc so với năm 2010 ở vào vị trí thứ 14. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy hiện nay có đến 25% các đại công ty Hoa Kỳ có các chương trình thiền chánh niệm giảm căng thẳng.
Đạo Phật đang giúp ích cho nhiều nước
Như vậy, thiền không chỉ chữa trị hữu hiệu chứng căng thẳng, vốn là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế các nước tư bản mà còn đóng góp vào việc làm gia tăng lợi nhuận của các công ty. Nhà biên soạn Schumpeter, trong tuần san kinh tế - chính trị The Economist phát hành khắp thế giới, số ngày 16 tháng 11 năm 2013, trình bày đó là nguyên nhân sâu xa tại sao tư bản Tây phương cần đến thiền huyền bí Đông phương. Ông nêu ra một sự kiện quan trọng ở các nước tư bản hiện nay:
“Hiện nay hình như đạo Đức Phật giáo giúp cho nền tư bản tiếp tục đi tới. Những người theo đạo Tin Lành nhấn mạnh đến sự tính toán duy lý và sự tự chế. Những người Phật tử nhấn mạnh đến sự quan trọng của ‘chánh niệm’ – rút ra khỏi cảnh ồn ào huyên náo để dành thì giờ thư giãn và thực hành thiền. Trong thế giới của các công ty hiện nay, bạn sẽ nghe nói nhiều về chánh niệm hơn là về tự chế.”
Thiền chánh niệm nổi bật trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2014 qua sự cổ vũ thực hành thiền của nữ minh tinh màn bạc nổi tiếng Goldie Hawn, những lời đúc kết của giáo sư thần kinh học Richard Davidson về những lợi ích do thiền mang lại như giúp phát triển bộ não và làm hạnh phúc gia tăng cùng những buổi thực hành ngồi thiền của đông đảo những nhà lãnh đạo chính trị, hành chính, thương mại và học giả qua sự hướng dẫn thiền của Thiền sư Ricard Matthieu.
Tuy nhiên, không phải chờ đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2014 mà mọi người mới biết đến thiền. Thiền đã mọc thành cây vững chắc tại những nước Tây phương trên chục năm qua và đã đơmhoa kết trái thành các chương trình thực hành thiền trong các ngành giáo dục, quân sự hay thương mại. Các nhà lãnh đạo các đại công ty đã biết về lợi ích của thiền cho bản thân họ và cho công ty từ lâu. Biên tập viên David Gelles44trong tờ báo về tài chính Financial Times vào năm 2012 đã liệt kê các đại công ty hàng đầu tại Hoa Kỳ có chương trình thực hành Thiền chánh niệm cho nhân viên của họ:
- Công ty Google lập ra chương trình hướng về nội tâm “Search Inside Yourself” để hướng dẫn thực hành chánh niệm cho 1000 nhân viên của mình.
- Vùng thung lũng điện tử Silicon Valley ở bang California là cái nôi của thực hành thiền. Hàng nămnơi đây có hội nghị trí tuệ Wisdom 2.0 quy tụ hàng ngàn chuyên viên vi tính đến tham dự từ các đại công ty có tầm mức quốc tế như Facebook, Twister và Linkedln.
- Hãng bảo hiểm sức khỏe Aetna Hoa Kỳ đã có chương trình thiền chánh niệm và yoga cho các nhân viên của mình. Giám đốc điều hành là ông Mark Bertoloni cũng là một thiền giả. Sau khi thu hút 3500 nhân viên của hãng vào chương trình thực hành thiền, năm nay Aetna bắt đầu cung cấp các dịch vụ thiền và yoga cho khách hàng tại nơi họ làm việc. Các công ty thấy họ có lời khi cho nhân viên thực hành thiền chánh niệm giúp giảm phí tổn y tế.
- Các nhân viên điều hành cao cấp General Mills tham dự huấn luyện chánh niệm và thấy kết quả rất tốt cho họ.
- Hệ thống bán lẻ Target trên toàn nước Mỹ ở bang Minneapolis thành lập nhóm “người buôn bán thực hành thiền” vào năm 2010 và quy tụ 500 hội viên sinh hoạt thiền một lần mỗi tuần vào giờ ăn trưa. Họ ngồi thiền với mục đích làm phát sinh “hạnh phúc, khỏe mạnh, dấn thân để tạo nên môi trường thật tốt đẹp cho công việc”.
- Công ty xay cà phê Green Mountain Coffee Roasters có chương trình thiền nguyên một ngày trong mỗi tháng cho các nhân viên và gia đình của họ cùng với thân hữu và những người trong cộng đồng. Chương trình này được một Thiền sư Phật giáo Mỹ là Shinzen Young – đệ tử của vị Hòa thượng Thiên Ân đến từ Việt Nam – hướng dẫn.
- Ở Anh Quốc, ông James Muthana quản trị chương trình YogaAt.com ở Luân Đôn dạy yoga và thiền cho các công ty khách hàng gồm có First Direct, Taj Hotels và câu lạc bộ bóng đá West Ham United. Lý do là các công ty này là muốn giữ nhân viên làm việc cho họ. Bởi vì: “Thế giới hiện nay có nhiều bất ổn. Các công ty nhận biết mình không đủ sức hấp dẫn những tài năng mới đến với họ nên họ phải lưu lại người tài và chăm sóc những người tài.”
Số lượng các cuộc nghiên cứu về thực hành thiền chánh niệm gia tăng gấp bội từ năm 1980 đến năm201245.
Hiện nay có rất nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu về thiền chánh niệm cùng cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu thực hành thiền chánh niệm cho dân chúng Hoa Kỳ, trong đó có các trường đại học nổi tiếng như Harvard hay Yale cũng như các bệnh viện lớn như Mayo Clinic hay bệnh viện toàn khoa Massachussetts46:
- Association for Mindfulness in Education
- Atlanta Mindfulness Institute
- Brown University Britton Lab & Contemplative Studies Initiative
- Center for Contemplative Mind in Society
- Center for Mindful Eating
- Center for Mindfulness Research and Practice at Bangor University
- Contemplative Science Lab an Metro Area Research Group on Awareness and Meditation - Duke Integrative Medicine & Mindfulness, Stress, and Health Lab
- eMindful Evidence-Based Mind Body Wellness
- Empower Shakti International
- Emory University Collaborative for Contemplative Studies
- Exeter Mindfulness Network
- Garrison Institute CARE for Teachers
- George Mason University
- The Hawn Foundation MindUp Program
- Harvard Medical School Osher Research Center
- Harvard Medical School Cognitive, Affective, and Contemplative Neurosciences Lab - The Inner Resilience Program
- InsightLA
- Institute for Meditation and Psychotherapy
- Institute for Mindfulness-Based Approaches
- Jefferson University Hospitals Mindfulness Institute
- Kent State University Self, Health, and Emotion Lab
- Lifespan Learning Institute
- Massachusetts General Hospital Benson-Henry Institute for Mind Body Medicine & Center for Anxiety and Traumatic Stress
- Disorders
- Massachusetts Institute of Technology Medical
- Mayo Clinic
- Meditation in Action
- MiCBT Institute
- Mind and Life Institute
- Mind Body Awareness Project
- Mind Fitness Training Institute
- Mindful Living Center
- Mindful Schools
- Mindfulness Based Relapse Prevention
- Mindfulness Center for Healthy Living
- Mindfulness in Schools Project
- Mindfulness Practice Center at the University of Missouri
- University of Vermont Mind-Body Wellness Program
- Mindfulness Training Institute of Washington
- Mindsight Institute
- National Center for Complimentary & Alternative Medicine
- NYU Contemplative Sciences Lab on Awareness and Meditation
- Oregon Health and Science University
- Oxford Mindfulness Centre
- Palo Alto University
- Penn Program for Mindfulness
- Penn State Prevention Research Center PEACE program and CARE program - Roosevelt University
- Santa Barbara Institute for Consciousness Studies
- Seattle Pacific University Lustyk Lab
- Society for Clinical Mindfulness and Meditation
- Stanford Center for Integrative Medicine & Stanford School of Medicine Project Compassion & Stanford Center on Stress and
- Health
- Still Quiet Place
- The Insight Center, P.C.
- The Mindfulness Center
- University of California, Davis Center for Mind and Brain
- University of California, Los Angeles Mindful Awareness Research Center (MARC)link & Cousins Center for Psychoneuroimmunology
- University of California, San Diego Center for Mindfulness
- University of California, San Francisco Osher Center for Integrative Medicinelink and Department of Psychiatry
- University of Massachusetts Medical School Center for Mindfulnesslink & the Stress Reduction Program & OASIS &
- Roemer Lab
- University of Miami Mind-Body Research Consortium & Jha Lab
- University of Minnesota Center for Spirituality and Healing
- University of North Carolina at Chapel Hill Integrative Medicine
- University of Virginia’s Contemplative Sciences Center
- Vanderbilt Center for Integrative Health
- Virtual Mindfulness Center
- Waisman Laboratory for Brain Imaging and Behavior & Center for Investigating Healthy Minds & Lab for Affective
- Neuroscience
- Weill Cornell Department of Psychiatry
- Yale School of Medicine Therapeutic Neuroscience Clinic.
Cần xây dựng trung tâm nghiên cứu và phổ biến thiền.
Tại Hoa Kỳ, một quốc gia ưa chuộng tính cách thực dụng của thiền, ngoài các ngành kinh doanh và quản trị xí nghiệp, thiền hầu như đi vào trong tất cả mọi ngành sinh hoạt nên có các chương trình thiền cho học sinh mẫu giáo, học sinh tiểu học, trung học và sinh viên đại học. Các thầy dạy các lớp tiểu học, trung học, đại học cũng đi học thiền và hướng dẫn thiền cho học trò mình. Các chương trình thiền hướng dẫn cho doanh nhân, những người điều hành công ty, xí nghiệp hay các cơ sở thương mại trở thành những chương trình thường xuyên, có định kỳ trên tầm mức quốc gia. Thiền có mặt trong các chương trình chữa trị bệnh tật về thể chất cũng như tinh thần. Thiền cũng được hướng dẫn cho một số các binh sĩ và sĩ quan thuộc các binh chủng hải, lục, không quân và tình báo quân đội thực hành trước khi họ xuất quân và sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Để cung ứng cho nhu cầu lớn lao về thực hành thiền này, các tổ chức dạy thiền xuất hiện khắp nơi và quan trọng hơn hết là các đại học nổi tiếng tại Hoa Kỳ và các chuyên viên nghiên cứu nhận được hàng trăm triệu đô trong các thập niên qua để thực hành những cuộc nghiên cứu về thiền, ứng dụng thiền trong các lĩnh vực tâm lý học, thần kinh học và cả giảng dạy về lý thuyết cùng hướng dẫn thiền tập. Đặc biệt rất nhiều bệnh viện đã có các chương trình thiền để giúp cho bệnh nhân gia tăng phẩm chất đời sống, giảm các hội chứng bệnh tật và chóng phục hồi như đã trình bày ở trên.
Nhiều viện đại học tầm mức quốc gia và quốc tế cũng có chương trình nghiên cứu về thiền, ứng dụng thiền trong việc chữa trị bệnh tật và phát triển toàn diện đời sống con người. Chúng ta có thể lấy ví dụ chương trình dạy thiền trong đại học UCLA ở thuộc Los Angeles, California. Trường có một trung tâmnghiên cứu về thiền chánh niệm Mindful Awareness Research Center với mục đích hướng dẫn mọi người thực hành thiền suốt đời để phát triển hạnh phúc và sức khỏe cùng xây dựng một xã hội có tình
thương25.
Nhận thấy xã hội Hoa Kỳ có rất nhiều tiến bộ về khoa học và kỹ thuật nhưng chính những sự phát triển này lại làm phát sinh vô số phức tạp trong đời sống và số lượng thông tin quá tải làm cho đời sống người dân bị quá căng thẳng, mà hậu quả là sự phát sinh nhiều thứ bệnh thể chất và tinh thần, nên trung tâm nghiên cứu và thực hành thiền chánh niệm (Mindful Awareness Research Center) đã có những chương trình:
- Các lớp dạy thiền chánh niệm và những buổi hội thảo học tập về thiền để hướng dẫn cho quần chúng phương pháp thực hành thiền chánh niệm thuộc các lứa tuổi khác nhau.
- Thực hành nhiều cuộc nghiên cứu khoa học về thiền chánh niệm và quảng bá kết quả nghiên cứu rộng rãi để mọi người biết và ủng hộ chương trình hướng dẫn và thực hành thiền.
- Đem thiền chánh niệm đến cho những nhà chuyên môn qua chương trình dạy thiền chánh niệm ở viện đại học y khoa UCLA bao gồm các bác sỹ, sinh viên y khoa, những giáo sư, những người trong ban giảng huấn và các nhân viên khác của trường.
- Cung cấp các lớp hướng dẫn thiền chánh niệm và các phương pháp khoa học để hỗ trợ cho các chuyên viên chữa trị các bệnh tâm thần.
- Mang thiền chánh niệm đến các lớp mẫu giáo, tiểu học đến trung học từ lớp 1 đến lớp 12 qua sự đào tạo các thầy và cô giáo thực hành thiền chánh niệm.
Bác sĩ Daniel Siegel – vị đồng giám đốc sáng lập trung tâm thiền chánh niệm tại viện đại học UCLA, là giáo sư môn phân tâm học lâm sàng, giám đốc điều hành trung tâm phát triển con người Center for Human Development, và cũng là chủ biên của tập san chuyên nghiệp về thần kinh sinh vật của trung tâm văn hóa, não bộ và phát triển Center for Culture, Brain & Development của viện đại học UCLA. Những điều nói trên cho chúng ta thấy ngành đại học Hoa Kỳ đã đánh giá rất cao về khả năng thiền chánh niệm giúp con người giải quyết được rất nhiều vấn đề do căng thẳng làm phát sinh.
Chúng ta có thể tự hỏi đến lúc nào thì tại các nước có số lượng tín đồ Phật giáo đông đảo có được vài trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thiền chánh niệm để phát triển hạnh phúc, sức khỏe, thành công và hỗ trợ cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội hữu hiệu như tại các nước kỹ nghệ tân tiến đang ứng dụng quy mô rộng lớn với chiều sâu như hiện nay.
Thiền đang và sẽ được nhiều người cần đến tại Việt Nam, vì ngoài những điều nói trên, các cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy thiền là một yếu tố rất quan trọng đóng góp vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Biên tập viên James Ritchie47 của báo thương mại The Business Journals, số ngày 9 tháng 9 năm 2013, thấy rõ xu hướng nhiều công ty Tây phương và Á châu sẽ đến Việt Nam để mở các xưởng sản xuất công nghệ. Như vậy nhu cầu thiền cho doanh nhân, những người lãnh đạo và điều hành doanh nghiệp cùng nhân viên và công nhân sẽ gia tăng.
Riêng tại Việt Nam, ngoài một số quý vị tăng ni và cư sĩ thực hành thiền Tứ Niệm Xứ, thiền Tào Động và thiền khán công án, đa số thực hành phương pháp tu tập Tịnh Độ Tông mà nhiều người nghĩ rằng chỉ là pháp môn niệm Phật chứ không phải thiền. Tuy nhiên, căn cứ vào các cuộc nghiên cứu khoa học về thiền nói trên, thiền niệm Phật chính là thiền chỉ: Hoàn toàn tập trung chú ý vào lời niệm Phật, phối
hợp với hơi thở và lần hạt bồ đề. Các vị tăng ni thuộc Tịnh Độ Tông Việt Nam tụng Kinh Lăng Nghiêmtrên một tiếng đồng hồ vào buổi sáng với các bài chú thật dài và khó nhớ thì đó là loại thiền chỉ khó khăn bậc nhất và hữu hiệu nhất để huấn luyện chú ý tập trung và phát triển trí nhớ. Do đó, sức mạnh chú ý của các vị tăng ni Tịnh Độ Tông phát triển rất vững chắc và trí nhớ của các vị rất bền vững. Nếu thêm phần ngồi thiền và thực hành thiền quán 15 đến 20 phút sau giờ tụng kinh thì đó là một sự phối hợp tuyệt hảo về huấn luyện thực hành Chỉ và Quán mỗi ngày.
Như vậy, Phật giáo Việt Nam hiện có đủ tiềm năng để xây dựng các trung tâm nghiên cứu thiền, thực hành thiền và phổ biến thiền như theo mô thức của trung tâm nghiên cứu và thực hành thiền chánh niệmMindful Awareness Research Center thuộc viện đại học UCLA nói trên hoặc với tầm mức rộng lớn hơn nữa.
Đó là hướng đóng góp tích cực và tốt đẹp của Đạo Phật cho đời sống và nhất là đáp ứng cụ thể, hữu hiệu và nhanh chóng cho nhu cầu phát triển hạnh phúc, sức khỏe cùng kinh tế xã hội để cho dân giàu, nước mạnh.
Tài liệu tham khảo:
1. Carolyn Gregoire (2014). Why 2014 Will Be The Year Of Mindful Living. The Huffington Post . www.huffingtonpost.com. January 2, 2014.
2. Như trên. Ibid.
3. Lazar SW, Kerr CE, Wasserman RH, Gray JR, Greve DN, Treadway MT, McGarvey M, Quinn BT, Dusek JA, Benson H, Rauch SL, Moore CI, Fischl B. (2005) Meditation experience is associated with increased cortical thickness. Neuroreport. Nov 28;16(17):1893-7.
4. Luders E, Toga AW, Lepore N, Gaser C. (2009). The underlying anatomical correlates of long-termmeditation: larger hippocampal and frontal volumes of gray matter. Neuroimage. Apr 15;45(3):672-8.
5. Stanley, E. A. & Jha, A. P. (2009). Mind fitness: Improving operational effectiveness and building warrior resilience. Joint Force Quarterly, 55, 144-151.
6. Zeidan F, Johnson SK, Diamond BJ, David Z, Goolkasian P. (2010). Mindfulness meditation improves cognition: evidence of brief mental training. Conscious Cogn. Jun;19(2):597-605. doi: 10.1016/j.concog.2010.03.014. Epub 2010 Apr 3.
7. Sze, J. A., Gyurak, A., Yuan, J. W., & Levenson, R. W. (2010). Coherence Between Emotional Experience and Physiology: Does Body Awareness Training Have an Impact?. Emotion. Advance online publication. November 8, doi: 10.1037/a0020146.
8. Luders E, Toga AW, Lepore N, Gaser C. (2009). The underlying anatomical correlates of long-termmeditation: larger hippocampal and frontal volumes of gray matter. Neuroimage. Apr 15;45(3):672-8.
9. Davidson, R. J., Kabat-Zinn, J., Schumacher, J., Rosenkranz, M. A., Muller, D., Santorelli, S. F., Urbanowski, F., Harrington, A., Bonus, K., & Sheridan, J. F. (2003). Alterations in brain and immune function produced by mindfulness meditation. Psychosomatic Medicine, 6: 564-570.
10. Zeidan, F. , Martucc, K.T. i, Kraft, R.A. , Gordon, N.S. , J.G. McHaffie,and Coghill. R.C. (2011).
Brain Mechanism Supporting Modulation of Pain by Mindfulness Meditation. The Journal of Neuroscience, 6 April, 31(14): 5540-5548;
11. Malarkey WB, Jarjoura D, Klatt M. (2013). Workplace based mindfulness practice and inflammation: a randomized trial. Brain Behav Immun. Jan;27(1):145-54.
12. Rosenkranz, M., Davidson, R., MacCoon, D., Sheridan, J., Kalin, N., & Lutz, A. (2013). A comparison of mindfulness-based stress reduction and an active control in modulation of neurogenic inflammation. Brain, behavior, and immunity, 27: 174-184.
13. Zylowksa, L., et al. (2008). Mindfulness Meditation Training in Adolescents and Adults with ADHD: A Feasibility Study. Journal of Attention Disorders, 11(6): 737-746.
14. Carson, J., et al. (2004). Mindfulness-Based Relationship Enhancement. Behavior Therapy, 35: 471-494.
15. Hutcherson, C. A.; Seppala, E. M.; Gross, J. J. (2008). Loving-kindness meditation increases social connectedness. Emotion, Oct, 8(5):720-724.
16. Fredrickson, B. L.; Cohn, M. A.; Coffey, K. A.; Pek, J.; Finkel, S. M. . (2008). Open hearts build lives: Positive emotions, induced through loving-kindness meditation, build consequential personal resources. Journal of Personality and Social Psychology, Nov, 95(5): 1045-1062.
17. Barnes, S., et al. (2007). The role of mindfulness in romantic relationship satisfaction and response to relationship stress. Journal of Marital and Family Therapy, 33(4): 482-500.
18. Singh, N., et al. (2007). Mindful Parenting Decreases Aggression and Increases Social Behavior inChildren with Developmental Disabiltiies. Behavior Modification, 31(6): 749-771.
19. Semple, R., Reid, E., & Miller, L. (2005). Treating Anxiety with Mindfulness: An Open Trial of Mindfulness Training for Anxious Children. Journal of Cognitive Psychotherapy, 19(4): 379-392.
20. Ramel, W. 1, Goldi, P. R., Carmona, P.E., McQuaidJ.R.. The Effects of Mindfulness Meditation on Cognitive Processes and Affect in Patients with Past Depression. Cognitive Therapy and Research , (2004), August, 28 (4): 433-455
21. Hooria Jazaieri, Kelly McGonigal, Thupten Jinpa, James R Doty, James J Gross, Philippe R Goldin . (06/2013). A randomized controlled trial of compassion cultivation training: Effects on mindfulness, affect, and emotion regulation. Motivation and Emotion (Impact Factor: 1.23).
22. Shapiro, S. L.; Astin, J. A.; Bishop, S. R.; Cordova, M. (1992). Effectiveness of a meditation based stress reduction program in the treatment of anxiety disorders . Am J Psychiatry;149:936-943.
23. Speca M, Carlson LE, Goodey E, Angen M. (2000). A randomized, wait-list controlled clinical trial: the effect of a mindfulness meditation-based stress reduction program on mood and symptoms of stress in cancer outpatients. Psychosom Med. Sep-Oct; 62(5):613-22.
24. Weng, H. Y., Fox, A. S., Shackman, A. J., Stodola, D. E., Caldwell, J. Z. K., Olson, M. C., Rogers, G. M., & Davidson R. J. (2013). Compassion training alters altruism and neural responses to
suffering. Psychological science, 24(7): 1171-80.
25. Goleman, D. (1995). Emotional Intelligence: Why It can Matter More Than IQ. New York: Bantam Books, tr. 13, 14.
26. Jha AP, Krompinger J, Baime MJ. (2007). Mindfulness training modifies subsystems of attention. Cogn Affect Behav Neurosci. Jun;7(2):109-19.
27. A. Lutz, H. A. Slagter, N. B. Rawlings, A. D. Francis, L. L. Greischar, And R. J. Davidson. Mental Training Enhances Attentional Stability: Neural and Behavioral Evidence. J Neurosci. 2009 Oct 21;29(42):13418-27.
28. Marlatt, G. A., & Kristeller, J. L. (1999). Mindfulness and meditation. In W. R. Miller (Ed.), Integrating spirituality into treatment: Resources for practitioners (pp. 67-84). Washington, DC: American Psychological Association.
29. Kabat-Zinn, J. (1994). Mindfulness meditation for everyday life. New York: Hyperion.
30. Phelan, Michael (1979). “Transcendental Meditation. A Revitalization of the American Civil Religion”. Archives des sciences sociales des religions, 48 (48-1): 5–20.
31. Religious meaning of the mantra.
http:// www.behind-the-tm-facade.org/transcendental_meditation-religion.htm.
32. Valentine, E. R., & Sweet, P. L. G. (1999). Meditation and attention: A comparison of the effects of concentrative and mindfulness meditation on sustained attention. Mental Health, Religion, & Culture, 2, 59-70.
33. Wallace, B. A. (1999). The Buddhist tradition of Samatha: Methods for refining and examining consciousness. Journal of Consciousness Studies, 6, 175-187.
34. Bishop, S.R. et al. (2004) Mindfulness: a proposed operational definition. Clin. Psychol. Sci. Pract. 11, 230–241.
35. Kabat-Zinn, J. et al. (1985) The clinical use of mindfulness meditation for the self-regulation of chronic pain. J. Behav. Med. 8, 163–190.
36. Lutz, A. et al. (2006) Meditation and the neuroscience of consciousness: an introduction. In The Cambridge Handbook of Consciousness (Zelazo, P.D. and Thompson, E., eds), Cambridge University Press.
37. Cahn, B.R. and Polich, J. (2006) Meditation states and traits: EEG, ERP, and neuroimaging studies. Psychol. Bull. 132, 180–211.
38. Colzato LS, Ozturk A, Hommel B. (2012). Meditate to Create: The Impact of Focused-Attention and Open-Monitoring Training on Convergent and Divergent Thinking. Frontiers in Psychology, 3: 116.
39. Adam Burke (2012). Comparing Individual Preferences for Four Meditation Techniques: Zen,
Vipassana (Mindfulness), Qigong, and Mantra. EXPLORE: The Journal of Science and Healing, 8 (4): 237.
40. Như trên. Ibid.
41. San Francisco State University (2012). Finding right meditation technique key to user satisfaction. ScienceDaily, 6 July. http://www.sciencedaily.com/releases/2012/07/120706165500.htm.
42. Merzenich, M. and Keep, L. (2008). The Brain Fitness Program, PBS Home Video, DVD Special Feature.
43. Sauter SL, Murphy LR, Hurrell JJ Jr. (1990). Prevention of work-related psychological disorders. A national strategy proposed by the National Institute for Occupational Safety and Health (NIOSH). Am Psychol. Oct;45(10):1146-58.
44. David Gelles. (2012) The mind business - FT.com - Financial Times.
http://www.ft.com/cms/s/2/d9cb7940-ebea-11e1-985a-00144feab49a.html. Retrieved on Jan. 26, 2014.
45. Mindfulness Research and Treatment Centers.
http://www.themindfulword.org/?attachment_id=6157, posted on January 20, 2014.
46. Black, D.S. (2010). Mindfulness research guide: A new paradigm for managing empirical health information. Mindfulness, 1(3),174.
47. Ritchie, J. (2013). Vietnam: An alternative to China for manufacturing? The Business Journals, 9 December 2013.
Chương 2HOA ĐẠO
Trước hết, chúng tôi xin trình bày về tinh thần bảo tồn văn hóa của người Nhật đã giúp cho ngành Hoa Đạo tồn tại và phát triển. Nhật Bản trở thành một cường quốc về nhiều phương diện cũng chính do khả năng bảo tồn và truyền đạt lại cho các thế hệ kế tiếp nền văn hóa truyền thống của họ.
Tinh thần bảo tồn văn hóa của người Nhật
Tất cả mọi thứ người Nhật học hỏi đều được ghi chép cẩn thận để những người đi sau nghiên cứu, học hỏi và bổ sung thêm. Nhờ tinh thần học hỏi và bảo tồn văn hóa cùng sự tiếp nối truyền thống qua hàng nghìn năm bằng tiếng nói và chữ viết của họ mà người Nhật không bao giờ bị mất gốc.
Người Nhật đã học hỏi rất nhiều từ người Hoa về tư tưởng, chữ viết, y phục, các bộ môn văn chương, tôn giáo và nghệ thuật. Chữ viết của người Nhật được xem là một thứ thuộc hạng khó nhất thế giới vì bao gồm ba cách viết khác nhau là chữ Hán (hay Kanji 漢字) và hai thứ chữ Nhật là chữ dạng mềm(hay Hiragana ひらがな) và chữ dạng cứng (hay Katakana カタカナ). Còn mẫu tự a, b, c từ tiếng La Tinh (hay Romaji ローマ字) tuy dễ viết nhưng không thông dụng, chỉ dùng cho một số tên hiệu thương mại như Toyota, Sony hay Honda cũng như viết trên một số bảng chỉ dẫn tên vùng để hướng dẫn cho du khách nước ngoài.
Chữ viết của người Nhật có rất nhiều chữ Hán. Người Nhật thường tự hào mình là học trò xuất sắc vì họ đã trở thành bậc thầy về nhiều phương diện. Họ quý trọng và học chữ Hán như một thành phần văn hóa quan trọng của họ, như kể từ năm 1981 số chữ Hán thông dụng trong tiếng Nhật có khoảng 1945 chữ trong đó có trên 400 chữ dùng để đặt tên người. Do đó, khi đọc tên họ người Nhật theo cách phát âm Hán-Việt, chúng ta nghe như tên họ trong tiểu thuyết thời xưa. Đó là một nét văn hóa truyền thống của người Nhật.
Nhớ hai ngàn chữ Hán để viết không phải là chuyện dễ dàng, lại phải học thêm hai lối viết chữ Nhật
khác cũng không phải dễ. Tuy nhiên, chính nhờ phải nhớ cùng lúc ba cách viết rất khó khác nhau nên họ luyện được trí nhớ và khả năng phân tích rất tốt ngay khi còn là học sinh tiểu học. Điều này góp phần rất quan trọng cho sự phát triển của nước Nhật. Do đó, họ không bao giờ đặt vấn đề Hán tự trong ngôn ngữ Nhật Bản – dù hai nước trước đây và ngày nay có những cuộc tranh chấp – mà chỉ cố gắng khiến ba lối viết hòa hợp thêm để giúp cho ngôn ngữ diễn tả các bộ môn học thuật thêm phong phú để đất nước họ thêm phú cường. Lịch sử oai hùng của con cháu Thái Dương Thần Nữ được viết bằng hai thứ chữ với rất nhiều chữ Hán và chữ Nhật mà họ không chút mặc cảm. Và cũng như vậy, chữ Hán cũng được dùng rất nhiều trong ngành Hoa Đạo với một truyền thống phát triển lâu dài bắt đầu từ sự học hỏi khiêm nhường của một người học trò. Ngày hôm nay người Nhật có những trường dạy chưng hoa với các giáo sư Hoa Đạo người Nhật và người bản xứ tài giỏi khắp thế giới.
Không những Hoa Đạo mà cả các bộ môn văn chương, nghệ thuật, tư tưởng, chính trị hay tôn giáo như Trà Đạo, Kiếm Đạo, Võ Đạo, Thi Đạo, Khổng Đạo, thiền Đạo, Phật Đạo cùng kiến trúc như các ngôi chùa hay đền thờ đều được họ học hỏi một cách tinh tường từ người Hoa. Sau đó, họ phát triển những điều học hỏi được thành những bộ môn sinh hoạt văn hóa có bản sắc Nhật Bản.
Các thiền viện Nhật Bản mái cong, nhẹ và thanh thoát, các ngôi chùa lớn cũng vĩ đại như chùa Trung Hoa nhưng được xây cất đặc biệt để có khả năng tồn tại qua nhiều cơn động đất, tiếng tụng các lời kinh bằng chữ Hán cùng lời dạy của các vị tổ bằng tiếng Nhật trầm hùng hòa điệu với nhịp chuông và tiếng mõ theo cung cách thiền môn. Trong tương quan xã hội, các danh xưng bằng chữ Hán viết rất trang trọng và lịch sự trong các tấm thiệp, lối chào hỏi lễ phép và cung kính với đầu cúi xuống thấp và lâu, cách uống trà trong tỉnh thức với sự hòa hợp các yếu tố tĩnh lặng, tinh khiết, đơn sơ, an bình và khiêmtốn. Trong ngành võ thuật, nhiều thế kiếm phức tạp được bỏ đi để chỉ còn lại bảy thế chính mà các môn sinh Kiếm Đạo cần phải tập luyện cho thuần thục để xuất chiêu chớp nhoáng với “tâm không”, Cung Đạo thì trở thành một phương pháp huấn luyện thân tâm hòa hợp đưa đến sự hợp nhất chủ thể và đối tượng trong trạng thái vô ngã để khi buông dây cung thì mũi tên tự nó bay đến đích. Trong thi đạo thì sự xuất hiện của thể Haiku, một loại thơ rất ngắn với 17 âm tiết, là sự sáng tạo độc đáo về lối thơ biểu lộ cảm xúc tự phát khi đối diện với con người, loài vật hay thiên nhiên. Còn cách hành xử của họ thì mọi dân tộc trên thế giới đều khâm phục khi chứng kiến sự can trường, lịch sự, tự trọng, hy sinh, nhẫn nại cùng tình tương thân tương ái của các em bé, thanh niên cũng như những người trung niên và cao niên nam nữ Nhật Bản khi họ bị nạn sóng thần dâng tràn vào tháng Ba năm 2011, tàn phá vùng phía Bắc nước Nhật và làm hư hại các lò nguyên tử ở Fukushima. Hậu quả là trên 15.000 người chết, hàng ngàn người bị thương và mất tích, hàng triệu người không có điện nước để dùng và phải đối diện với mức phóng xạ rò rỉ từ các nhà máy điện sử dụng các lò nguyên tử trong nhiều năm.
Nhiều người hỏi tại sao họ biểu lộ được những đức tính ấy trong cơn biến động thình lình tàn phá đời sống và môi trường như vậy? Do đâu nước Nhật có được nhiều điều hay tốt như thế mà nhiều nước có ít hay không có được?
Sau khi tìm hiểu, người ta đã thấy câu trả lời rất giản dị: Là do sự huấn luyện của họ trong đời sống hàng ngày trong mọi môn văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và nghề nghiệp. Gia đình, học đường và cộng đồng luôn luôn đề cao đức hạnh và sự đóng góp cá nhân vào việc bảo vệ và phát triển xã hội. Nhờ có một nền văn hóa truyền thống thật sự có gốc rễ rất vững chắc qua hàng ngàn năm và được nhiều người thực hành nên người Nhật và nước Nhật luôn luôn mạnh mẽ, hùng cường. Sau những cơn tai biến hay thảm bại, họ lại trỗi dậy và phục hồi nhanh chóng.
Do đó, họ đã bảo vệ, giữ gìn, truyền đạt và phát huy truyền thống văn hóa quý báu của mình qua các thế hệ tiếp nối. Chính phủ Nhật Bản thấy rõ tác dụng hữu ích thực sự của các vốn liếng di sản văn hóa giúp cho dân giàu, nước mạnh, đặc biệt là trong mối tương quan xã hội, đạo đức và giáo dục. Họ quyết tâm bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong các viện bảo tàng, liên tục tổ chức các cuộc tham quan tìm hiểu di tích lịch sử để giúp dân chúng hiểu rõ về lịch sử cũng như giá trị của nền văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của nước họ. Các em học sinh từ nhỏ đã được cha mẹ và trường học huấn luyện các đức tính tốt đẹp căn bản thuộc văn hóa truyền thống để sau này trở thành những công dân tốt cho xứ sở.
Như thế, những giá trị văn hóa truyền thống tồn tại và phát triển trong nước là do chính người dân mỗi nước thực hiện cách bảo tồn và truyền đạt để mang lại nhiều lợi ích chung. Khi có được sự hỗ trợ của chính phủ thì điều này sẽ được thực hiện tốt đẹp, quy mô và có đường hướng hơn. Ví dụ như ở Nhật Bản, để gia tăng mức độ ý thức toàn dân trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, người Nhật nói rõ các di sản văn hóa truyền thống là “Tài sản văn hóa”. Những người trình bày cái hay cái đẹp của nền văn hóa đó là những nghệ nhân đều được gọi là những “Quốc bảo dân gian”, vì chính họ là nền văn hóa sống động thật sự, trong đó có ngành Hoa Đạo. Nhiều nước trên thế giới hiện nay như Hoa Kỳ, Pháp hay Anh cũng thực hành những điều nói trên một cách quy mô và tốt đẹp.
Hoa và con người
Hoa đã xuất hiện hàng triệu năm trước khi có loài người, tô điểm cho cảnh vật với muôn ngàn màu sắc. Và cũng từ lâu, hoa có mặt trong cuộc sống loài người: hoa ngoài đồng nội, hoa chưng trên bàn, hoa trong lễ cưới, hoa dâng cúng trên bàn thờ, hoa ngoài nghĩa trang khi ta thăm viếng người quá cố…Khi vui lúc buồn, khi yêu lúc giận, ăn uống tiệc tùng, lễ lạc tiếp đón, lúc sống cũng như khi qua đời, con người lúc nào cũng thấy mình gắn liền với các đóa hoa tươi thắm.
Tuy vậy, đã biết bao lần chúng ta hững hờ quên lãng, không nhìn thấy vẻ rực rỡ hay sự tinh khiết của đóa hoa chưng trong nhà hay vừa hé nở ngoài vườn. Cuộc sống quanh ta chứa đựng rất nhiều điều kỳ diệu: Một đóa hoa hồng trong ánh sáng ban mai rực rỡ, bãi lau sậy im lặng soi mình trên mặt nước hồ thu, những bông tuyết trắng rơi nhẹ nhàng phủ lên cảnh vật. Qua sự ngắm nhìn thiên nhiên tâm chúng ta lắng dịu và ta có thể hạ bút viết bài thơ Haiku như một vị thiền sư trong ngày tuyết đổ ngập trời:
“Hàng vạn hạt tuyết rơi
Nhưng mỗi hạt tuyết
Ðều có nơi an trú.”
(Trúc Thiên dịch)
Hàng muôn triệu cánh hoa với dáng vóc, màu sắc, hương thơm, thời gian hiện hữu khác nhau đã xuất hiện nơi chốn đồng bằng, trong rừng rậm, ven sông, trên những cành cây cao hay nơi mặt ao hồ. Mỗi cành hoa hiện hữu tự nó đầy đủ, thoải mái, an nhiên, tự tại, tỏa ánh sáng những màu sắc kỳ diệu. Ðó là Pháp Giới, thế giới chân thật mà kinh Hoa Nghiêm đã mô tả: Hàng muôn triệu thứ hiện hữu trong vũ trụ bao la mà mỗi loại, dù nhỏ như hạt nguyên tử hay lớn hơn như dải Ngân Hà gồm triệu triệu ngôi sao đều sinh động, chuyển biến qua các giai đoạn sinh (nhiều thứ hợp lại thành ra một vật hay một hiện tượng), trụ (tồn tại và phát triển), dị (chuyển biến, hư hoại), rồi cuối cùng đi đến diệt (tan rã). Những
thứ tan rã này lại kết hợp với những thứ khác mà thành các loại khác, mãi mãi tiếp nối không cùng mà Đạo Phật gọi là trùng trùng duyên khởi. Muôn triệu thứ – trong đó có hàng tỷ con người – cùng hiện hữu bên nhau như một chiếc lưới vĩ đại mà mỗi thứ là một viên ngọc tự mình tỏa sáng lấp lánh và cùng lúc phản chiếu ánh sáng và hình ảnh của tất cả viên ngọc khác chung quanh mà không chút ngăn ngại nhau. Muôn triệu thứ trong vũ trụ luôn luôn ảnh hưởng lẫn nhau, tác động lẫn nhau, phản chiếu lẫn nhau, trộn lẫn vào nhau mà đồng thời vẫn riêng biệt, vẫn an nhiên tự tại, vẫn hiện hữu tràn đầy riêng biệt giữa muôn sự ồn ào, náo nhiệt, chuyển biến, đổi thay mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới. Đó là thế giới chân thật của tâm giác ngộ vốn tự do, tự tại, thấy biết chân thật, an vui kỳ diệu và hòa hợp vô ngại.
Lịch sử chưng hoa
Nhân loại từ lâu đã dùng hoa trong các cuộc lễ lạc để tăng phần đẹp đẽ và long trọng. Trong Phật giáo, lịch sử chưng hoa khởi đầu bởi các vị Thánh Tăng. Những bậc đệ tử của Ðức Phật, khi nhìn thấy những cánh hoa rơi rụng trong cơn bão tố, động lòng trắc ẩn, đi góp nhặt chúng lại và bỏ vào chậu nước để hoa sống được lâu hơn. Sau đó, các vị tăng sĩ thường dâng hoa cúng Phật vào các lễ tiết vì hoa vốn tinh khiết, đẹp đẽ, trong sáng, tự nhiên, rực rỡ như tâm của những người giác ngộ.
“Ðạo vốn không nhan sắc
Mà ngày thêm gấm hoa
Trong ba ngàn cõi ấy
Ðâu chẳng phải là nhà.”
(Tâm thống thị chúng, Thiền sư Thường Chiếu)
Thật ra, dâng hoa cúng dường đã xảy ra ngay khi Ðức Phật còn tại thế. Ðức Phật nhận một cánh hoa dâng cho ngài và đưa lên trước mặt đại chúng. Mọi người đều im lặng duy chỉ có ngài Ca Diếp – vị đại đệ tử của Đức Phật – mỉm cười. Ðức Phật thấy rõ tâm ngài Ca Diếp tỏa chiếu sự thấy biết chân thật, trong sáng, rỗng lặng và an vui kỳ diệu nên Ngài xác nhận cái thấy biết của ngài Ca Diếp: “Ta có pháp môn vi diệu không thể dùng lời mà diễn tả được. Nay ta trao cho ông Ca Diếp”. Cái vi diệu mà Ðức Phật trao cho ngài Ca Diếp vốn đã sẵn có nơi ông và nơi mỗi chúng ta và sự tích nói trên được gọi là “Niêm hoa vi tiếu”: Ðức Phật đưa một cành hoa lên và ông Ca Diếp mỉm cười. Đóa hoa này vốn có sẵn nơi mỗi chúng ta cũng như nơi Đức Phật.
Các chùa chiền ở Việt Nam, Trung Hoa, Hàn Quốc hay Nhật Bản đã có tập quán chưng hoa trên bàn Phật cả ngàn năm nay. Nghệ thuật chưng hoa và chế tạo các bình hoa phát triển cao độ vào thời kỳ nhà Ðường và nhà Tống ở Trung Hoa. Sau đó, người Mông Cổ chiếm nước này và lập nên nhà Nguyên. Nhiều hoa trái của nền văn hóa Trung Hoa được bảo tồn và phát triển tại Nhật Bản.
Vào thế kỷ thứ VII, Thánh Ðức Thái Tử, nhiếp chánh cho Suy Cổ Thiên Hoàng, cử một phái bộ ngoại giao Nhật Bản sang Trung Hoa. Trưởng phái bộ ngoại giao này là Ono-no Komoto đến Trung Hoa học được rất nhiều kiến thức về đồ sành, đồ sứ, đồ đồng và các bộ môn nghệ thuật cùng thiền Phật giáo. Thiền Phật giáo sau này được người dân Nhật đón tiếp nồng hậu và phát triển nhanh chóng nhờ các vị Thiền sư Trung Hoa đến Nhật Bản giảng dạy và tổ chức tu tập, sau đó được nhiều Thiền sư Nhật Bản
học hỏi thêm và phát triển sinh hoạt tu tập thiền cho phù hợp với văn hóa và truyền thống địa phương.
Người dân Nhật vốn ưa thích thiên nhiên, đắm mình trong sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ. Phật giáo, qua giáo lý về sự không khác biệt, hay bất nhị, giữa bản thể vũ trụ và tự tính con người (Phật tính) và qua sự tu tập của người Phật tử, giúp họ trực tiếp sống với sự mầu nhiệm của tính thấy biết chân thật, của tâm giác ngộ và biểu lộ Phật tính qua các sinh hoạt hàng ngày như thiền sư Lâm Tế dạy những vị thầy tu học đạo:
“Quý ông cầu chân lý! Tâm pháp không hình tướng,
xâu suốt hết mười phương:
Tại mắt gọi là thấy,
Tại tai gọi là nghe,
Tại mũi ngửi mùi,
Tại miệng nói bàn,
Tại tay nắm giữ,
Tại chân đi đứng.
Gốc là một tinh minh chia ra làm sáu phần hòa hợp. Một Tâm đã không nên tùy chỗ mà giải thoát. Được như vậy là chốn chốn chẳng trệ, xâu suốt mười phương, ba cõi tự tại, vào trong tất cả các cảnh giới sai biệt; trong khoảng một búng tay, vào suốt pháp giới, gặp Phật nói Phật, gặp Tổ nói Tổ, gặp La Hán nói La Hán, gặp ngạ quỉ nói ngạ quỉ, dạo mát khắp quốc độ, giáo hóa khắp chúng sinh mà không hề lìa một niệm.”
(Thiền luận, Trúc Thiên dịch)
“Tinh minh” ấy là Phật tính mỗi chúng ta biểu lộ nơi cái thấy, nghe, nói năng hay hoạt động trong đời sống hàng ngày. Khi tâm chúng ta trở về với trạng bình an và thấy biết rõ ràng là Phật tính hiện tiền.
Đóa hoa mầu nhiệm
Mỗi con người là một đóa hoa có hương thơm, màu sắc, dáng vóc, tâm tư, ước muốn, nhận biết riêng biệt nhưng luôn hòa mình với hàng triệu triệu đời sống khác trên quả đất này. Thế giới rộng lớn chuyển động như một bản hòa tấu với những vận chuyển, sản xuất, tiêu thụ qua muôn ngàn hình thái như xe cộ, nhà cửa, ăn uống, nghỉ ngơi, du lịch, chiến tranh, xây dựng, tàn phá, thương yêu, giết chóc… Không một lúc nào trên quả đất này không có hàng triệu người đang làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi, đọc sách, phá hoại hay xây dựng. Nếu nhìn quả đất từ xa khi nửa phần quả đất từ từ chìm vào bóng tối thì ánh đèn trong nhà và ngoài đường tỏa sáng hết lớp này đến lớp khác theo sự vần xoay của mặt địa cầu hướng về phương Đông, cảnh vật lại tràn ngập trong ánh sáng ban mai, sự sống trỗi dậy ồn ào náo nhiệt. Và cùng với muôn loài đón mừng bình minh, hàng triệu triệu đóa hoa đón nhận nguồn sống từ ánh thái dương.
Chúng ta thích ngắm hoa vì hoa tỏa ra sự mầu nhiệm của dòng sống. Mỗi đóa hoa tự nó vốn thanh tịnh, rỗng lặng, tỏa chiếu, trong sáng và tươi mát, dù đóa hoa ấy mọc riêng rẽ trên cánh đồng cỏ xanh, trong
một khu rừng rậm rạp hay trên một cánh đồng tràn ngập những cánh hoa rực rỡ. Trong nhân loại hàng tỷ người hiện nay, đời sống của mỗi chúng ta cũng vậy. Khi chúng ta trở về với thế giới chân thật của sự sự vô ngại thì đời sống mỗi con người tự nó là trong sáng, an vui, rỗng rang, thoải mái, tươi mát, tràn đầy tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật, tràn đầy nguồn hạnh phúc trong lành. Niềm an vui đó tự nó hiện hữu, không có bắt đầu và tận cùng như vũ trụ bao la quanh ta. Như một đóa tươi thắmtrong một khóm hoa dày đặc, mỗi người chúng ta hiện hữu tràn đầy, riêng biệt, tự tại dù đang hòa lẫn với muôn ngàn đời sống khác trong một xã hội luôn luôn biến đổi và trong một bối cảnh thế giới có nhiều khác biệt.
Chưng một bình hoa với tâm tĩnh lặng, với lòng an vui giúp cho chúng ta tiếp xúc được, sống với sự mầu nhiệm của cuộc đời. Sự mầu nhiệm của cuộc đời chính là sự mầu nhiệm nơi tâm ta: Một thế giới rộng lớn, an vui, trong sáng, rực rỡ kỳ diệu, nồng ấm và hạnh phúc vô cùng:
“Đóa hoa mai hé nở
Cả thế giới bừng dậy
Một tiếng nhạc ngân lên
Rung chuyển cõi ba ngàn
Đôi cánh hạc vỗ nhẹ
Kết hợp không thời gian
Nơi khuôn mặt nghìn đời
Nụ cười thoáng hiện
Một thân thể nhỏ bé
Tràn ngập không thời gian.”
Sự mầu nhiệm an vui, rỗng lặng, trong sáng vốn luôn luôn hiện hữu nơi mỗi chúng ta, đã giúp cho ta buông xả cái tôi nhỏ bé để hòavào với vũ trụ bao la, rỗng lặng, bất biến, nhưng đồng thời luôn luôn chuyển động, muôn màu muôn sắc, linh động và thay đổi không cùng. Phật giáo chú trọng đến niềm an bình nội tâm. Khi tâm an bình thì tự nó thành trong sáng như tấm gương rộng lớn phản chiếu mọi hoa lá, cỏ cây, người và vật. Tâm trong sáng, rỗng lặng đó được gọi là đất sạch hay Tịnh Ðộ. Chốn tịnh độ ấy được mô tả đầy cả hương hoa rực rỡ, chim thú kỳ diệu, cảnh vật đẹp đẽ. Các bộ kinh lớn của Phật giáo như Diệu Pháp Liên Hoa, Hoa Nghiêm cũng lấy tên loài hoa quý như hoa sen (Liên Hoa) và tràng hoa đẹp (Hoa Nghiêm) để chỉ cho cái tâm mầu nhiệm không sinh bất diệt, rỗng lặng, rộng lớn, trong sạch có sẵn nơi mỗi chúng ta.
Dâng hoa cúng Phật
Phật giáo ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân châu Á. Nhiều chùa chiền được xây dựng và trở thành các trung tâm tôn giáo và nghệ thuật. Có những ngành nghệ thuật xuất phát từ Trung Hoa nhưng sau đó các cuộc chiến tranh, ngoại xâm và nội loạn làm mai một các ngành nghệ thuật này. Tuy nhiên, vẫn còn may mắn là một số các ngành nghệ thuật ấy được tiếp đón, nuôi dưỡng và phát triển ở
Nhật Bản, trong đó có nghệ thuật chưng các đóa hoa hay Ikebana.
Danh từ Ikebana, (tiếng Nhật viết hai cách, theo lối chữ Hán: 生け花 hay theo lối chữ Nhật: いけばな), hay Hoa Đạo (Kadō, 華道) xuất phát từ Nhật Bản. Ikebana là nghệ thuật chưng các đóa hoa qua sự sắp xếp các hoa, lá và cành nơi bình hoa để biểu lộ cái đẹp tự nhiên và thân thiết trong đời sống con người như dâng hoa cúng Phật ở chùa hay trang trí nhà cửa cho đẹp. Dù tục lệ chưng hoa có từ hàng ngàn năm nhưng vào thuở ban đầu chưa ai nghĩ ra quy tắc chưng hoa. Trong các lễ ở chùa, quý vị tăng ni thường dâng hoa cúng Phật. Ban đầu bình hoa được chưng theo nguyên tắc cân xứng: Nhiều cành hoa có độ dài bằng nhau, cùng màu sắc và ở vị trí đối xứng nhau. Một nhánh hoa màu vàng bên phải thì có một nhánh hoa màu vàng bên trái, một nhánh hoa màu đỏ phía trước thì có một nhánh hoa màu đỏ phía sau. Cách chưng hoa này hiện vẫn còn thông dụng tại nhiều nơi.
Sau đó, các vị thầy chưng hoa nhận thấy lối chưng hoa đối xứng như thế không phản ánh vẻ đẹp tự nhiên. Nét đẹp của vạn vật biểu lộ một cách tự nhiên và không theo sự cân xứng nhân tạo. Từ đó họ thay đổi cách chưng qua cách đặt một cành lớn ở giữa bình và các cành nhỏ chung quanh. Dần dần, qua nhiều năm tháng, các vị tu sĩ Phật giáo, qua trực giác thẩm mỹ của tính không trong Thiền Tông, đã “tuệ tri” nét đẹp của sự không cân xứng trong hình dáng và khoảng trống nơi bình hoa. Từ đó nghệ thuật chưng hoa tiến một bước dài để trở thành Hoa Đạo.
Trường phái chưng hoa xưa nhất ở Nhật là Trì Phường hay Ikenobo, có nghĩa căn nhà bên cạnh chiếc ao. Vào cuối thế kỷ thứ VI và đầu thế kỷ thứ VII, sứ giả Ono no Imoko tuân lệnh Nhật Hoàng đến Trung Hoa để học hỏi những cái hay đẹp của nước này. Ông học hỏi được nhiều thứ trong đó có thuật chưng hoa dâng cúng trong các lễ lạc.
Sau đó, khi trở về quê hương, ông xuất gia trở thành một vị tăng sĩ Phật giáo ở chùa Lục Giác Đường – Rokkakudō, trong vùng sau này được gọi là Đông Kinh. Ở ngôi chùa này, ông đã tiếp tục phát triển ngành chưng hoa đã học hỏi trước đây và tạo ra quy luật cho cách chưng hoa ban đầu. Nhiều thế kỷ trôi qua, những nguyên tắc này được các môn đệ nối tiếp sau này phát triển thành những quy luật chưng lập hoa và sinh hoa – hai cách chưng hoa điêu luyện của trường phái Trì Phường.
Ba cành chính của bình hoa
Khi chưng một bình hoa, chúng ta chọn ba cành chính và những cành phụ. Khi lựa những loại hoa hợp với sở thích, chúng ta xem độ cong của nhánh hoa diễn tả phương hướng, sức mạnh của cành, hình dáng các chiếc lá và màu sắc của mỗi đóa hoa.
Một bình hoa có được sự thăng bằng và sinh động nhờ các yếu tố hòa hợp. Trong thế giới mê vọng, mọi thứ đều phân chia thành hai trạng thái đối nghịch như mạnh yếu, cao thấp, già trẻ, sống chết hay thân thù mà Ðông Phương đã dùng hai điểm Âm Dương trong hình thái cực để tượng trưng cho hai sức mạnh đối nghịch ấy. Âm và Dương là hai sức mạnh chống đối nhau nhưng lại thu hút, hấp dẫn lẫn nhau tạo nên một trong các sức mạnh làm chuyển động bộ máy vũ trụ.
Trong ngành chưng hoa, thiên là dương, là bầu trời rộng lớn, là tính tự do, là khả năng sáng tạo cùng tưởng tượng của chúng ta. Như thế, thiên không phải là ông trời theo nghĩa thông thường. Địa là âm, là nền tảng, là quy luật, là những nguyên tắc cần phải tuân theo. Nói khác đi, tự do, tưởng tượng và sáng tạo cũng cần có những quy luật, những luật lệ điều hướng mới làm phát sinh những kết quả tốt đẹp. Do
đó mà sự có mặt của con người, nhân, trong vũ trụ trở nên quan trọng để tạo ra sự quân bình giữa sáng tạo (thiên) và quy luật phải tuân theo (địa). Trên nền tảng đó mà trong bình hoa thường có ba nhánh chính:
- Nhánh thứ nhất là Chân chính (Shin, mà có người gọi là cành thiên) là nhánh chính của bình hoa, thường là nhánh mạnh nhất.
- Nhánh thứ nhì là nhánh Điểm tựa (Soe, mà có người gọi là cành nhân), là cành thứ, hỗ trợ cho cành chính, tượng trưng cho con người (Nhân).
- Nhánh thứ ba là nhánh Điều hợp (Hikae, mà có người gọi là nhánh địa), tượng trưng cho nền tảng, cho quy luật cần phải tôn trọng.
Ngoài ba cành chính nhiều cành phụ với hoa lá được thêm vào trong bình hoa để tạo ra nét quân bình và hòa hợp.
Tùy theo trường phái, ba cành chính có các tên khác nhau để biểu lộ sự liên hệ trong vũ tru như Chính, Phó, Phụ, hay Đất, Không Khí và Nước hay Cha, Mẹ và Con hoặc Thiên, Địa và Nhân. Dù tên gọi là gì thì người ta cũng đồng ý Thiên ở đây không phải là ông trời ban mệnh lệnh mà là tính tự do, là khả năng tưởng tượng hay sáng tạo khi chưng bình hoa. Địa là nền tảng, là quy tắc, là những luật cần phải tuân theo khi chưng bình hoa. Do đó mà cần có Nhân, là con người với sự tự do, khả năng tưởng tượng và năng lực sáng tạo nhưng đồng thời duy trì được hòa hợp qua việc tuân theo các nguyên tắc, các quy luật trong khi chưng bình hoa để có được những bình hoa thật sự có mỹ thuật.
Như thế, trong một bình hoa thường có thành phần chính là Thiên (Dương), Nhân (Người) và Ðịa (Âm) để diễn bày khả năng sáng tạo của con người không có giới hạn nhưng đồng thời phù hợp với những quy tắc cần thiết để sự sáng tạo của mình thật sự có giá trị. Mỗi cành hoa có chiều cao, độ lớn, sức mạnh và hướng mọc khác nhau, nhưng nhờ được chưng theo các nguyên tắc thẩm mỹ nên chúng biểu lộ sự hòa hợp trong một bình hoa do nhiều thứ kết hợp lại.
Các vị thầy khai sáng và truyền dạy ngành Hoa Đạo đầu tiên là các vị thầy tu Phật giáo. Nguyên tắc ba điểm hòa hợp ấy rất gần gũi với giáo lý Phật giáo nói về Tam Thân. Ba thân là Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Thân của chư Phật tuy ba nhưng lại là một.
- Pháp Thân là thân rộng lớn, không sinh bất diệt và không bị ngăn ngại.
- Báo thân là thân tướng đẹp đẽ, cực kỳ an vui do sống với trí tuệ và từ bi.
- Ứng thân là thân biểu hiện thành con người sống nơi cõi thế gian này, thế giới của loài người, hay nơi một hành tinh khác.
Ba Thân này vốn là một, luôn luôn hòa hợp và cùng hiện hữu nơi một vị Phật. Còn mỗi chúng sinh như chúng ta khi sống có chánh niệm thì cảm nhận được chúng ta vừa là con người nhỏ bé, vừa là vũ trụ bao la, vừa đang sống nơi chốn trần ai đầy náo loạn mà lại vừa có thể hưởng được niềm hạnh phúc trong sáng vô biên ngay chính trong cuộc đời này. Đó là Niết Bàn tại thế gian.
Nói một cách giản dị hơn, khi tâm ta trong trạng thái buông xả, thoải mái và có sự thấy biết rõ ràng thì các ý tưởng, các cảm xúc vui buồn dần dần lắng dịu. Cái tôi hay ngã chỉ là sự tiếp nối liên tục của các
ý tưởng và tâm tư cũng dần dần dịu xuống và tan biến. Khi bức tường cái tôi tan biến thì mình và vũ trụ không còn bị chia cách mà trở thành cái rộng lớn bao la không có trong và ngoài. Lúc đó ta trực tiếp có kinh nghiệm về Phật tính không sinh bất diệt nơi chính mình: tỏa chiếu trong yên tĩnh và thấy biết rõ ràng. Trong chốn không gian rộng lớn ấy, tình thương yêu tỏa sáng và sự hiểu biết chân thật hiển bày, đưa ta về với nguồn hạnh phúc uyên nguyên tràn đầy. Nguồn an vui hạnh phúc ấy không nương tựa, không lệ thuộc vào gì cả, nó chính là con suối trong mát hiện hữu ngay từ đầu nguồn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn dẫm chân trên mặt đất đầy bụi bặm này mà làm các công việc hàng ngày: nấu cơm, rửa chén, chùi nhà, làm việc, học hành, chăm sóc gia đình, phát triển nghề nghiệp. Đó là những hoạt động của mỗi chúng ta trong đời sống bình thường.
Trong Hoa Đạo, họa sĩ Yoshitoshi đã diễn tả về tổ Bồ Đề Đạt Ma khác với hình ảnh của ngài mà chúng ta thường thấy trong tranh thiền với dáng người dũng mãnh và đôi mắt quắc lên nhìn thẳng vào thực tại. Nơi đây, vị tổ Thiền Tông tọa thiền trong tư thế buông xả và hòa hợp với cảnh đẹp thiên nhiên cùng với vầng trăng sáng lơ lửng trên bầu trời trong chiếc tăng bào với màu sắc đẹp như cánh hoa.
Tsukioka Yoshitoshi (1839-1892) vẽ hình vị tổ Thiền Tông Bồ Đề Đạt Ma như một đóa hoa hòa lẫn vào cảnh vật thiên nhiên khi thiền tọa
Vài nét lịch sử Hoa Đạo
Nhật Bản có nhiều trường phái chưng hoa khác nhau mà cách chưng xưa nhất là trường phái Ikenobo – Trì Phường, được thành lập vào năm 607, giảng dạy những nguyên tắc chưng hoa mà chúng ta đã biết
vị tổ là vị tăng sĩ Ono no Imoko (554-639). Ông rất thiết tha tu học và ưa thích mỹ thuật sáng tạo nên sau khi mãn nhiệm chức vụ sứ thần Nhật Bản tại Trung Hoa đời nhà Tùy, ông xuất gia đi tu và trở thành vị thầy ngành chưng hoa được nhiều người kính phục. Nơi ông cư ngụ là một căn nhà bên chiếc ao, một cái hồ rất nhỏ, nên gọi là Trì Phường hay Ikenobo.
Từ các cuộc lễ theo truyền thống dâng hoa cúng Phật, nghệ thuật chưng hoa dần dần phát triển và trở thành một bộ môn nghệ thuật của giới quý tộc rồi lan truyền đến dân gian. Cuộc triển lãm các bình hoa để công chúng thưởng ngoạn được tổ chức đầu tiên vào năm 1425. Từ năm 1445, các cuộc trưng bày được tổ chức có quy củ hơn để những người trong ngành này có thể học hỏi lẫn nhau.
Vào lúc bấy giờ, cách dạy chưng hoa thường giới hạn trong mỗi nhóm riêng biệt, với những kỹ thuật và kinh nghiệm trong ngành, cách giữ hoa lâu tàn, sự phối hợp màu sắc và hình dáng cây cành. Việc tổ chức triển lãm quy mô các bình hoa thuộc nhiều trường phái khác nhau, đã đem lại sinh khí cho Hoa Ðạo. Từ đó thêm nhiều trường phái chưng hoa được khai sinh và tiếp tục phát triển. Vào giữa thế kỷ XVII, đã có đến hơn một trăm trường phái chưng hoa. Ðến nay con số này còn tăng lên nhiều hơn nữa. Tuy vậy, tất cả trường phái trên đều quy về một trong hai nguyên tắc chính: nguyên tắc chú trọng Hình dáng hay Đường nét và nguyên tắc chú trọng Tự nhiên hay Thiên nhiên.
Bình hoa chưng theo lối chú trọng đến Đường Nét (Hình vẽ bình Lập Hoa trong cổ thư Hoa Đạo năm 1673)
Trường phái Hình dáng chú trọng nhiều đến vẻ đẹp của các đường nét sáng tạo. Họ đề cao các nguyên tắc về sự phối hợp lý tưởng các đường nét như trong các bức tranh cổ vẽ núi đồi, cây cảnh, dòng sông, đường mòn lên dốc núi, ao hồ cùng các đám mây lơ lửng.
Trường phái Tự nhiên thì ngược lại, cho rằng khi chưng một bình hoa theo hình ảnh tự nhiên của những cành hoa mọc ngoài thiên nhiên, nghệ thuật chưng hoa sẽ làm gia tăng vẻ đẹp và sự hòa hợp của hoa lá. Trên thực tế, hầu như mọi trường phái đều sử dụng hai nguyên tắc chính trên trong các lối chưng khác nhau.
Các bình chưng theo lối Thiên Nhiên (Hình vẽ từ cổ thư trên trăm năm trước) Trên các bàn thờ Phật ở mọi nơi, chúng ta thường thấy có ba thứ trang trí chính: - Lư hương ở trước,
- Bình hoa, và
- Hai chân đèn (chân nến) hai bên.
Những bình hoa ban đầu thường có một nhánh lớn ở trung tâm và các cành hoa hay cây phụ ở chung quanh. Nhiều thế kỷ sau đó, vào thế kỷ thứ XV, trường phái Trì Phường bắt đầu cách chưng Lập Hoa (Rikka), tiếp đến là chưng theo cách Tự Nhiên (còn gọi là thêm vào) hay Nageire rồi đến cách chưng hoa tự do.
Ba cách chưng hoa chính của trường phái Trì Phường:
Các bình chưng theo lối Lập Hoa cổ điển (Hình vẽ từ cổ thư trên trăm năm trước)
1. Rikka (Lập hoa): Chưng nơi các bàn thờ Phật ở các chùa vào thế kỷ thứ XII. Sau đó vào năm1462, vị thầy chưng hoa Sengyô tạo ra thêm những quy luật chặt chẽ quy định cách chưng Lập Hoa. Hoa chưng có hình dáng tổng quát như một bức họa cổ, có bảy cành chính hay chín cành chính cộng thêm với các cành hoa lá nhỏ phụ. Lập hoa cổ điển rất trang trọng mà tinh tế. Lập hoa tân thời tinh tế mà rất giản dị.
2. Nageire hay Heira (Thêm Hoa hay Tự Nhiên): Cách chưng theo Lập Hoa rất đẹp nhưng quá công phu và quá nhiều cành lá nên cách chưng Tự Nhiên bỏ bớt những cành thẳng để bố cục bình hoa biểu lộ sự tự nhiên như ở ngoài trời. Từ đó, cách chưng Sinh Hoa hay Sôka là cách chưng theo tự nhiên thành hình và phát triển.
Bình hoa với năm chiếc lá chưng theo Sinh Hoa (Hình vẽ trong cổ thư Hoa Đạo trên một trăm năm)
3. Moribana (Hợp Hoa): Vào thế kỷ thứ XIX, do sự giao lưu với văn hóa phương Tây, hoa sư Ushin Ohara (1861-1914) sáng tạo cách chưng hoa dễ dàng và tiện lợi gọi là Hợp Hoa, chưng trong các bình nông và rộng. Trường phái này dùng hoa bản xứ cùng với hoa Tây phương.
Hiện nay, cách chưng hoa tự do hay Jijuka được nhiều người thực hành vì phù hợp với đời sống bận rộn, ít thì giờ nhưng vẫn có sự sáng tạo trong mối giao cảm với thiên nhiên của những người sống ở các đô thị lớn.
Và để duy trì phẩm chất của nghệ thuật chính thống, các môn sinh học cách chưng hoa theo trường phái Ikenobo phải để ra ít nhất là 10 năm học tập chuyên cần với lòng thiết tha mới có thể trở thành một giáo sư Hoa Đạo. Trung bình, học viên mất ba năm để học căn bản cách chưng Lập Hoa. Sau đó, họ phải trải qua thêm bốn năm để học Lập Hoa trung cấp. Tiếp đến họ còn phải học thêm nhiều năm nữa để hoàn tất lớp cao cấp. Trên thế giới, chỉ có độ hơn trăm người đang theo học lớp cao cấp này.
Chabana (Trà Hoa) là cách chưng hoa thật giản dị trong các buổi thưởng trà theo cung cách Trà Đạo (Hình vẽ từ cuối năm 1500 trong cổ thư Trà Đạo)
Tài năng của họ được xác nhận qua các bằng cấp từ thấp lên cao, cấp bởi những vị giáo sư Hoa Đạo giảng dạy khắp nơi trên thế giới, và với sự chứng nhận của trường dạy trung ương Ikenobo tại Tokyo. Đó là một sức mạnh nghệ thuật của nước Nhật mà ngày nay rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới đều ưa thích học hỏi và thực hành.
Ba bình chưng theo lối Lập Hoa cổ điển (Hình vẽ trên một trăm năm)
Bức tranh xưa và bình hoa đẹp
Khi nhìn vào một bức cổ họa, chúng ta thường thấy ở giữa là một hòn núi lớn, mây che mờ ảo, tượng trưng cho Ðạo, cho sự chân thật tuyệt đối hay cho Chân Tâm, Phật Tính luôn luôn hiện hữu mà mắt trần không thấy được, hai bên là hai ngọn núi Đông và Tây. Dưới đó là một ngọn núi nhỏ hơn với đường nét rõ rệt. Bên sườn núi là một ngọn thác đổ xuống.
Bức cổ họa
Nếu nhìn bức tranh xưa này chúng ta thấy:
1. Ngọn núi lớn nhất
2. Hai ngọn núi Đông và Tây
3. Ngọn núi chính gần nhất trong tranh
4. Dòng thác chảy
5. Ngọn đồi
6. Khu rừng trong đó thấp thoáng một thiền thất hay ngôi chùa
7. Một con sông
8. Một con đường đất
9. Vùng gần nhất (cận ảnh) của bức tranh có các tảng đá cùng hình ảnh các căn nhà rải rác
Bình hoa
Nếu nhìn vào hình bình hoa này chúng ta thấy:
1. Một cành cây, có thể với lá hay hoa lớn nhất
2. Hai nhánh cây, bên phải và trái
3. Một đóa hoa lớn, thật đẹp
4. Hoa và lá
5. Các chiếc lá, một nhánh cây
6. Một nhánh cây cong
7. Một cành dài uyển chuyển
8. Chùm hoa nhỏ, hay lá hướng về phía trước
Tổng cộng từ 7 đến 9 nhánh hoa và cành với lá
Dưới đó là đồi, thung lũng, khu rừng nhỏ trong đó thấp thoáng là ngôi chùa của vị Thiền sư hay căn lều của vị ẩn sĩ. Vùng gần nhất hay cận ảnh thường vẽ các cành lá hay các bụi hoa mọc trên phiến đá cùng các ngôi nhà rải rác phía xa và một dòng sông uốn khúc. Trường phái Trì Phường (Ikenobo) chú trọng hình thể đã phối hợp chín nét chính nơi bức cổ họa nêu trên.
Và từ những nguyên tắc đó mà các hoa sư chưng bình Lập Hoa. Tất cả các cành hoa được chưng thẳng
đứng từ miệng bình, cách mặt nước độ hai ngón tay trỏ và giữa để lên nhau. Đến vị trí ấn định, các cành được uốn và hướng ra phía ngoài thành chín vị trí khác nhau diễn tả ngọn núi lớn nhất ở trung tâm, hai ngọn núi Đông và Tây, dòng thác chảy, ngọn đồi, khu rừng trong đó thấp thoáng một thiền thất hay ngôi chùa, một con sông và con đường đất đi lên vùng đồi núi.
Các bình Lập Hoa cổ điển với chín nét hay chín cành chính (Hình vẽ trong cổ thư trên trăm năm trước)
Bình Lập Hoa cổ điển
(Hình từ Thiền và Hoa Đạo của tác giả Huỳnh Bá Huệ Dương)
Những bình Lập Hoa có chín cành như sau:
1. Chân (Shin): Cành chính, có nghĩa là sự thật.
2. Phó (Shoe): Cành phụ, hỗ trợ cho cành chính.
3. Thọ (Uke): Cành Nhân, đối diện với cành Phó.
4. Chân chính (Soshin): Chân thật vững chắc, thường là khóm hoa hay cành lá ở vị trí trung ương bình hoa.
5. Lưu (Nagashi): Cành uyển chuyển diễn tả dòng sông.
6. Chiết (Hikae): Cành dưới cành Phó, nghiêng về phía sau 45 độ.
7. Tiền trí (Maeoki): Một khóm hoa nhỏ phía trước bình hoa, ở trên đường mặt nước hay thủy tế. 8. Thân (Do): Phần thân của bình hoa, có thể là hoa hay cành lá làm tăng độ dày.
9. Kiến việt hay kiến vượt (Mikoshi): Một cành dài chuyển ra phía sau tạo nét buông thư và chiều sâu cho bình hoa.
Phần đường mặt nước hay thủy tế (Mizugiwa, đường tưởng tượng) ngay trên miệng bình. Từ đường mặt nước trở lên với chiều cao bằng hai ngón tay giữa và trỏ để chồng lên nhau là phần dưới của các cành cây và cành hoa hay lá, tuyệt đối không có hoa hay lá, kết thành một bó tròn.
Cách chưng hoa trên thật trang trọng và rất chú tâm đến hình thể thích hợp cho các trang thờ và các buổi lễ lạc. Từ mặt nước trở lên với chiều cao của ngón tay trỏ để trên ngọn giữa, gốc tất cả các cành và hoa chính và phụ đều thẳng đứng để bày tỏ sự cung kính trước hình hay tượng Đức Phật. Chưng một bình hoa như thế đòi hỏi rất nhiều công phu cũng như tài năng của người chưng hoa. Do đó, sau này nhiều trường dạy chưng hoa chú trọng hơn đến sự giản dị, tự nhiên và tính cách sáng tạo của môn nghệ thuật này. Các hoa lá chưng trong bình phô bày nét đẹp thiên nhiên biểu lộ sự sống đang có mặt mầu nhiệm. Ðó là nét đẹp của sát na hiện hữu, của bây giờ và nơi đây trong dòng thời gian vô tận và không gian vô cùng.
Ngày nay, ngoài cách chưng Lập Hoa, trường phái Ikenobo có cách chưng Sinh Hoa (Sôka) và chưng tự do. Chưng theo lối hoa lá mọc tự nhiên là Sinh Hoa. Đây là hậu thân của cách chưng gọi là thảy vào hay ném vào (Nageire).
Vào cuối thế kỷ XVI, vị tướng Hideyoshi sau này có danh hiệu là Phong-thần Tú-cát (Toyotomi Hideyoshi 豊臣 秀吉 ), đã thống nhất nước Nhật và trở thành người thực sự cai trị nước này. Khi tham dự một cuộc chiến đẫm máu vào mùa đông giá buốt, để làm vơi bớt nỗi thê lương của chết chóc và trận mạc, ông ra lệnh trà sư Lợi Hưu tổ chức lễ uống trà trong doanh trại. Vị trà sư đi tìm vật liệu để chưng bình hoa cho buổi lễ nhưng chỉ thấy có các cành trơ lá cùng vài thứ cỏ dại. Ông cắt mang về và chưng các cành trơ trụi với vài cánh hoa dại mọc vào mùa đông trên một lưỡi dao bén rồi để tất cả vào một chén nước đóng băng. Cách chưng này thật tự nhiên như thảy cành lá vào bình hoa. Khi nhìn bình hoa, vị tướng quân xúc động và rơi lệ vì bình hoa bày tỏ sự lạnh lẽo, thê lương của một cuộc chiến hung bạo vào tiết đông giá buốt.
Cách chưng hoa tự nhiên này dần dần được phát triển thành những cách chưng các bình cao, chưng theo các mùa với các loại cây và hoa khác nhau, những độ ấm lạnh theo thời gian cùng với các lễ lạc xuất hiện trong năm. Các nụ hoa tượng trưng cho tương lai đẹp đẽ sẽ đến, hoa vừa nở tươi tắn là hiện tại đang phô bày, còn hoa đã nở rộ là thời gian đã qua đi. Mùa xuân các bình hoa có nhiều nụ hoa và lá non với những đường nét cong mạnh mẽ đầy sức sống.
Các bình hoa chưng vào mùa xuân (Hình vẽ trên trăm năm trong cổ thư Hoa Đạo Nhật Bản)
Chưng hoa mùa xuân: Các đóa hoa riêng biệt (không dính chùm) và các cành cong với dáng mạnh mẽ và khi gió thổi qua thì phất phơ với những nụ hoa hàm tiếu hay chồi lá non.
Hình chụp của họa sĩ Văn Mộc
Mùa hạ thì cành lá xum xê, tràn ra với nhiều màu sắc. Mùa thu thì cành lá thưa thớt, phất phơ nhẹ nhàng. Mùa đông thì cành khô và hoa lá giới hạn bày tỏ mùa lạnh và sự yên lặng.
Dù thuộc trường phái nào, nghệ thuật chưng hoa chú trọng đến nét đẹp của hoa, lá và cành cùng các loại cây cỏ. Trong một bình hoa, các hoa lá và cành bày tỏ sự sống riêng biệt của mình với vẻ đẹp riêng tư cùng sức mạnh vươn lên trong một sự hòa hợp chung của mọi thứ trong bình hoa.
BìnhhoacúcvàomùathuchưngtheoSinhHoa(HìnhvẽtrêntrămnămtrongcổthưHoaĐạo NhậtBản)
Tác giả sách tỏ bày lòng kính phục trước tác phẩm chưng hoa rất đặc biệt do giáo sư Hoa Đạo Sadako Oehler chưng. Bà là giáo sư Hoa Đạo thâm niên đáng kính và cũng là giám đốc trường dạy chưng hoa Ikenobo School of Ikebana ở San Diego, bang California.
Trường phái Ohara xuất hiện vào thời cận đại có lối chưng cải cách cùng với chưng hoa bình miệng rộng và thấp theo cách hợp hoa hay Moribana. Nhật Bản có rất nhiều trường phái chưng hoa. Chúng ta có thể nhìn theo mốc thời gian một cách giản lược từ Ikenobo qua Ohara đến Sogetsu.
Ba cái nhìn khác nhau về nét đẹp của hoa
Ngoài các trường phái Hoa Đạo chính nói trên, hiện nay có trên vài trăm trường phái chưng hoa khác nhau tại Nhật Bản. Mỗi trường phái có những kỹ thuật chưng hoa, bố cục bình hoa và hướng dẫn môn sinh nhìn thấy những khía cạnh khác nhau về nét đẹp thiên nhiên của hoa lá.
Hiện nay có ba trường phái lớn dạy chưng hoa là Ikenobo, Ohara và Sogetsu. Ikenobo có lịch sử lâu đời nhất và có tính cách truyền thống nhất. Ohara là cách chưng diễn tả tình cảm hay cảm xúc của người chưng. Những người chưng hoa thuộc trường phái Ohara thường chú trọng đến bốn yếu tố khi chưng hoa như phối hợp màu sắc, đường nét, hiệu quả tổng hợp và biểu lộ trừu tượng. Moribana (Hợp Hoa) là cách chưng hoa nơi bình thấp, phẳng và rộng miệng được dạy cả trong trường Ikenobo và Ohara vì hợp với thời đại văn hóa quần chúng.
Moribana do hoa sư Ushin Ohara sáng tạo vào thế kỷ XIX để đáp ứng với sự thay đổi đời sống của người dân Nhật. Cách chưng dễ dàng và phối hợp những hoa lá địa phương với những loại hoa từ phương Tây nhập vào. Và vào giai đoạn nước Nhật đang tiếp xúc với văn hóa Tây Phương, ông đã kết hợp các đóa hoa rực rỡ đến từ phương xa vào trong các bình hoa. Từ đó cách chưng Hợp Hoa hay Moribana xuất hiện.
Bình hoa chưng theo bình miệng rộng của họa sĩ Văn Mộc
Vị khai sáng phái Ohara là Unshin Ohara (1861-1916) chú trọng đến nét đẹp của hoa lá, sự quân bình, chiều sâu của mọi thứ hợp lại trong thời gian thực sự đang có mặt.
Khi nhìn bình hoa, người xem có cảm giác đang ngắm một cây anh đào ven sông vào mùa xuân hay các đóa hoa trong hồ nước vào mùa hạ khi ngắm các bình hoa chưng theo phái Ohara.
Ngoài ra, Unshin Ohara đã tìm hiểu nhiều về cảnh núi đồi và đồng bằng và cảm nhận nét đẹp của chúng. Từ đó, ông sáng tạo lối chưng hoa trình bày phong cảnh diễn tả núi đồi, cây cảnh và hoa lá trong một phối trí to lớn hơn nhiều so với các bình hoa nhỏ trước đây. Nơi chưng hoa không còn là chiếc bình hoa mà là mặt phẳng sàn nhà, trên mặt bàn lớn hay nơi góc nhà.
Trăng và cỏ
Từ lâu, mọi người chấp nhận khi chưng hoa là phải tuân theo những quy luật của các trường phái khác nhau. Tuy nhiên, vào năm 1927, Hoa sư Sofu Teshigahara đề cao tính cách sáng tạo trong việc chưng hoa và cho rằng không nhất thiết phải bị ràng buộc vào kỹ thuật. Bất cứ người nào có khả năng nhận biết đường nét và màu sắc là có thể chưng các bình hoa mỹ thuật bất cứ lúc nào họ muốn, ở bất cứ nơi nào và với bất cứ loại nguyên liệu nào họ đang có trong tay. Sofu đã sáng tạo cách chưng hoa theo Sogetsu, hay “Trăng và cỏ“, chú trọng nhiều đến màu sắc và đường nét mới mẻ, đến việc biểu lộ sự có mặt riêng biệt của mỗi hoa, cành và lá cùng với bất cứ vật liệu nào trong phối cảnh thật nhỏ hay thật
lớn hòa hợp chung với nhau để làm cho vẻ đẹp xuất hiện.
Trăng và cỏ (Hình từ Pixabay)
Cách chưng hoa theo lối Sogetsu tạo ra sự hấp dẫn vì bao gồm được các đặc tính tiện lợi, dễ dàng lại vừa có sự sáng tạo riêng biệt của người chưng hoa khi họ sử dụng các thứ vật liệu rộng rãi hơn là chỉ có hoa, lá và cành. Họ có thể lấy một cái chai và chưng hoa vào hay sử dụng nguyên cả căn phòng thật lớn với nhiều vật liệu thật lớn để chưng hoa.
Dù theo trường phái nào, người chưng hoa cũng cần cảm nhận được sự biểu lộ ý nghĩa của các màu sắc như sau:
- Trắng biểu lộ sự đơn sơ, tinh khiết và trong sáng.
- Xanh lá cây biểu lộ sự êm dịu và hòa hợp với thiên nhiên...
- Vàng biểu lộ sự ấm áp, tươi vui và sống động.
- Hồng biểu lộ sự trẻ trung, sự bắt đầu chớm nở.
- Đỏ biểu lộ sự sinh động, tình cảm mãnh liệt.
- Tím biểu lộ sự thâm sâu, huyền nhiệm.
Các màu sắc hoa lá trong bình cũng có thể được phối hợp để biểu lộ cảm xúc mà người ngắm bình hoa có thể cảm nhận được như sau:
- Màu đỏ, hồng: đậm đà, vui tươi, náo nhiệt và hào hứng.
- Vàng, trắng, ngà: trang nhã, trang trọng, quý phái.
- Xanh, tím, đen: trầm lặng, sâu thẳm, huyền bí.
Do đó, nhiều lúc người ta tặng hoa hay chưng hoa để bày tỏ ý nghĩa của sự tương quan hay cảm xúc của mình đối với người khác.
Khi chưng hoa theo cách này thì chỉ có sự e ngại nơi chúng ta là giới hạn của sáng tạo. Xin quý vị chưng thử một bình hoa
Qua những điều chúng ta đọc ở trên, chưng hoa quả thật là một điều dễ dàng. Xin quý vị chọn một bình hoa có miệng rộng và thấp, để đế ghim hoa vào và chưng cho mình một bình hoa qua ba bước theo một vị giáo sư hoa đạo:
Dáng tổng quát một bình hoa thấp và miệng rộng với nhánh hoa chính (Shin), nhánh phó hay điểm tựa (Soe) và nhánh thứ ba là nhánh điều hợp (Hikae). Có thể gọi giản dị là thiên, nhân và địa.
Hình đế ghim (kenzan) bằng đồng để trong bình hoa
(Hình từ Thiền và Hoa Đạo, tác giả Huỳnh Bá Huệ Dương)
1. Cắm cành lớn nhất (Shin, chân chính hay thiên) vào đế ghim. Tiếp theo là cành phó (hay cành nhân độ cao bằng 2/3 cành shin).
2. Thêm đóa hoa vào phía đối diện
3. Thêm vài hoa lá để tạo quân bình cho bình hoa. Như vậy là chưng hoa hoàn tất.
Nếu ở thôn quê, không có nhiều vật liệu để chưng hoa, xin quý vị ra ngoài vườn, cắt một cành chuối và chưng vào một cái đĩa lớn. Sau đó, để một hòn đá phía trước gốc chuối và vài hòn nhỏ phía hai bên (chưa có trong hình) là hoàn tất chưng bình hoa chuối.
Hình từ tác giả
Hình từ tác giả
Trong khi chờ đợi quý vị kiếm vật liệu để chưng hoa, chúng tôi xin mạn phép chưng một bình hoa để kính tặng quý vị.
Tài liệu tham khảo:
- Herrigel, Gusty L. et al. (1999). Zen in the Art of Flower Arrangement: The Classic Account of the Meaning and Symbolism of the Japanese Art of Ikebana”; London: Gustie.
- Huỳnh Bá Huệ Dương (1995). Thiền và Hoa Đạo thành phố Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.
- Norman, Diane and Cornell, Michelle (2007). Ikebana London: Conran Octopus Ltd.
- Sato, Shozo and Yoshimura, Kasen (2008). Ikebana: The Art of Arranging Flowers. USA: Tuttle Shokai Inc.
- Shimbo, Shoso. The Ten Virtues of Ikebana. Zen and the Way of the Flower. http://www.shoso.com.au.pdf. Retrieved on 11/12/2011.
- Các bài giảng, thực tập và tài liệu phát cho môn sinh trong các buổi học chưng hoa Ikenobo.
Chương 3NIỆM PHẬT TỤNG KINH, TRÌ CHÚ, CẦU NGUYỆN ĐỂ CHỮA BỆNH TẬT VỐN HỢP VỚI KHOA HỌC
Ngày nay, bên cạnh sự chăm sóc của bác sĩ, khoa học chứng minh niềm tin và cầu nguyện là một yếu tố rất quan trọng đóng góp vào việc chữa trị bệnh tật1. Trong đời sống thực tế, có nhiều người Phật tử khi bị bệnh đến chùa cầu nguyện được lành bệnh2. Đa số các ngôi chùa ở Việt Nam đều có tượng Đức Quán Thế Âm để đáp ứng nhu cầu cầu nguyện được hết bệnh, được sinh nở bình an, con sinh ra đẹp đẽ và thông minh, được may mắn, thi đậu hay tai qua nạn khỏi. Để có được những kết quả tốt đẹp nói trên, quý vị tăng ni hướng dẫn quý vị Phật tử tu tập, làm các điều phước thiện, dinh dưỡng tốt, sống đời lành mạnh hay thực hành chánh mạng.
Lý và Sự trong việc cầu nguyện
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phổ Môn, Đức Phật nói về sự mầu nhiệm của việc niệm danh hiệu Đức Bồ Tát Quán Thế Âm để vượt qua các hiểm nguy, tai nạn và đạt được điều như ý, có đoạn như sau:
“Chúng sinh bị khổ ách
Vô lượng khổ bức thân
Quan Âm sức diệu trí
Hay cứu khổ thế gian
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không cõi nào chẳng hiện.
Các loài trong đường dữ:
Địa ngục, quỷ súc sinh
Sinh, già, bệnh, chết khổ
Lần đều khiến dứt sạch.”
Lời dạy của Đức Phật bao gồm hai phần là Lý và Sự. Lý là sự chân thật tuyệt đối của tâm giác ngộ và Sự là các hiện tượng trong thế giới hàng ngày. Khi người Phật tử tu tập, buông xả các dính mắc vào những ý tưởng, cảm xúc hay những ưa ghét xuất hiện trong tâm thì tâm dần dần lắng dịu. Khi tâm trở nên vắng lặng thì tâm tự mở rộng đến vô cùng, trong tâm đó chỉ thuần có sự thấy biết rõ ràng chân thật
hay thấy biết bằng trí tuệ, không có một cái ngã hay cái tôi thấy biết hay trải nghiệm một cái gì đối lập với cái tôi. Trong trạng thái rỗng lặng, rộng lớn và linh động đó, chủ thể thấy biết và trải nghiệm cùng đối tượng được thấy biết và được trải nghiệm không phải là hai thứ khác nhau. Như khi tâm chúng ta ở trong trạng thái tỉnh thức, rỗng lặng và có sự chú ý và nhận biết rõ ràng, hay chánh niệm, nếu có cơn đau nhức xuất hiện thì không có cái tôi bị đau nhức mà chỉ có trạng thái đau nhức có mặt trong cái rỗng lặng rộng lớn. Điều này đã được ngài Phật Âm (Buddhagosa) – một vị luận sư vĩ đại – giải thích về cảm nhận cảm xúc khổ đau mà không có người cảm nhận hay vô ngã như sau:
“Chỉ khổ đau có mặt
Không tìm được người khổ.
Các nghiệp có hiện hữu
Không tìm được người làm.”3
Khi tâm ở trong trạng thái rỗng lặng hay vô ngã thì các thứ tiêu cực như cảm xúc lo lắng, buồn rầu sợ hãi hay cơn nhức nhối không thể tác động vào trạng thái vô ngã đó được, không khác gì một lưỡi kiếmchém vào không khí, không làm cho không khí bị tổn thương. Do đó, khi thực hành tu tập và sống với tâm không hay tâm rỗng lặng thì những khổ đau do địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, sinh, già bệnh và chết, tự chúng lắng dịu dần và tan biến trong trạng thái tâm không hay vô ngã như lời Phật dạy:
“Địa ngục, quỷ súc sinh
Sinh, già, bệnh, chết khổ
Lần đều khiến dứt sạch.”
Kẻ xuất gia học đạo hay người Phật tử sống đời bình thường ai cũng muốn được an tâm. Trong tác phẩm thiền học Vô môn quan, tắc thứ 41, có ghi lại lời nhị tổ Huệ Khả xin ngài Bồ-đề-đạt-ma chỉ dạy cho cách làm cho tâm mình được an:
“Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con.”
Tổ Đạt-Ma bảo: “Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.”
Sư đáp: “Con không thấy tâm đâu cả.”
Đạt-ma đáp: “Ta đã an tâm cho con rồi.”
Mỗi người chúng ta đều có Phật tính, tính thấy biết chân thật khác với các ý tưởng hay các cảm xúc lo lắng bất an mà chúng ta thường nhầm tưởng đó là mình. Khi chúng ta thực hành tâm tỉnh thức, thực hành chú ý và nhận biết những ý tưởng và cảm xúc khi chúng có mặt, mà trong nhà thiền gọi là “hồi quang phản chiếu”, là quay ánh sáng của tính thấy biết chân thật soi chiếu vào nơi chính ý tưởng và cảm xúc của mình đang làm cho mình khổ, thì thấu suốt mình chính là tính thấy biết chân thật và an nhiên tự tại chứ không phải là các ý tưởng đến đi hay các cảm xúc vui buồn làm cho mình sướng khổ như các con sóng dâng lên rồi hạ xuống bất tận. Cái mà chúng ta gọi là mình hay ngã hay là tâm của mình – như ngài Huệ Khả nói tâm không được an – chỉ là các ý tưởng hay cảm xúc vui buồn xuất hiện rồi tan biến theo những hoàn cảnh mình đối diện. Thấy được điều ấy là tâm tự nhiên trở về với trạng
thái tĩnh lặng, bình an và rộng lớn ban đầu của chính nó. Đó là sự chân thật tự biểu lộ, là thế giới của Lý.
Tuy nhiên, Đức Bồ Tát Quán Thế Âm thấu rõ không phải ai cũng có khả năng đạt được sự an tâm hay giải thoát nói trên, do đó, Ngài dùng phương tiện lành và khéo mà Đạo Phật gọi là thiện xảo, chỉ dạy cho mọi người cách niệm danh hiệu của chư Phật hay của Ngài và cầu nguyện để đạt được những thành tựu như ý:
“Quan Âm sức diệu trí
Hay cứu khổ thế gian
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện”
Đó là cách thực hành trong đời sống bình thường của người Phật tử khi họ đối diện với những điều không may xảy ra như bị bệnh tật, tai nạn hay cầu mong có được những điều tốt đẹp xảy đến với mình. Đó là thế giới của Sự, của các hiện tượng có mặt trong đời sống.
Chúng ta đều biết cầu nguyện để mong được lành bệnh tật, để phục hồi sức khỏe, để sinh nở tốt đẹp, để có con thừa tự hay để có sự may mắn là điều thường xảy ra ở mọi xã hội. Ở đây, chúng ta tìm hiểu khoa học ngày nay nghiên cứu sự đáp ứng của niềm tin và sự cầu nguyện trong phạm vi y khoa. Những điều này được các nhà khoa học tìm thấy càng lúc càng nhiều và họ gọi đó là sự đáp ứng của cơ thể do niềm tin làm phát sinh. Nói theo Phật giáo, đó là Sự, là những tác động qua lại của các hiện tượng cụ thể có thể quan sát được trong việc cầu nguyện.
Niềm tin có tác dụng chữa trị bệnh tật
Các cuộc nghiên cứu của các chuyên gia Petrovic, Fuente-Fernandez, Colloca và Benedetti cùng các đồng nghiệp cũng như các chuyên gia thần kinh miễn nhiễm học cho thấy khi chúng ta có niềm tin thì niềm tin này có tác dụng chữa trị bệnh tật giống như thuốc men uống vào để trị bệnh.
Mỏ trước bó khuy (rostral anterior cingulate cortex, phía trước có phần cong xuống như mỏ chim, nơi đầu mũi tên trong hình) bên trong bộ não gia tăng hoạt động thuận với niềm tin giúp giảm đau (ảnh của Tác giả. Geof B. Hall)
Khoa học hiện nay xem niềm tin là một yếu tố quan trọng trong việc chữa trị bệnh tật. Giáo sư Petrovic4trong cuộc nghiên cứu tìm hiểu vùng não nào gia tăng hoạt động, khi có nhiều kết quả trong việc làm giảm đau theo niềm tin, thì thấy mỏ trước bó khuy (anterior cingular cortex) trong bộ não hoạt động nhiều.
Còn hai giáo sư chuyên gia về tác động của niềm tin chữa trị bệnh tật là Colloca và Benedetti5thực hành các cuộc nghiên cứu về chữa trị theo niềm tin thì tìm thấy các vùng thần kinh có nhiệm vụ chuyển tín hiệu đau nhức như vùng đồi thị và thùy đảo trong bộ não hoạt động chậm lại. Do đó mà những bệnh nhân tham gia cuộc nghiên cứu thấy giảm đau nhức.
Nói khác đi, khi chúng ta có niềm tin thì niềm tin này có tác động chữa trị giống như thuốc men uống vào để trị bệnh. Sự liên hệ giữa hệ thần kinh và hệ miễn nhiễm được khảo cứu trong môn học mà nhà miễn nhiễm học được giải thưởng Nobel y khoa Niels Kaj Jerne gọi là khoa thần kinh miễn nhiễm học (neuro-physico-immunology). Các cuộc nghiện cứu trong khoa này càng ngày càng phong phú. Ngay cả những người bị chứng run tay Parkinson tin thuốc mình uống là thuốc để trị bệnh, trong khi họ chỉ được các bác sĩ trong cuộc nghiên cứu về tác dụng của niềm tin cho uống viên thuốc giả không có dược liệu, mà họ vẫn hết bị chứng run tay6.
Qua các cuộc thử nghiệm, niềm tin được khoa học xác nhận là một yếu tố quan trọng đóng góp vào việc chữa trị bệnh tật. Do đó, trong sinh hoạt tôn giáo có niềm tin của Phật giáo, sự thực hành cầu nguyện với niềm tin để chữa trị bệnh tật, làm cho hết đau nhức và phối hợp thực hành cùng với sự chăm sóc của bác sĩ trong tiến trình chữa trị bệnh tật và phục hồi sức khỏe là điều cần thực hiện ở các
khóa lễ và trong những lễ cầu an riêng biệt cho người Phật tử có nhu cầu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết các cuộc nghiên cứu cho thấy có những thứ bệnh mà thuốc men và cầu nguyện không làm hết được như chứng liệt kháng (AIDS/SIDA) nhưng cũng làm giảm bớt các hội chứng như đau nhức, mệt mỏi, căng thẳng hay làm vi khuẩn HIV chậm phát triển lại nên bệnh nhân sống lâu hơn và đời sống có phẩmchất hơn. Chúng ta có thể lấy ví dụ từ một cuộc nghiên cứu về tụng kinh niệm Phật làm gia tăng số lượng bạch cầu chống vi khuẩn HIV trong một cuộc nghiên cứu tinh vi kéo dài trong sáu tháng tại Việt Nam do giáo sư tiến sĩ Phạm Thị Phi Phi7thuộc trường Đại Học Y Khoa Hà Nội thực hiện với sự tham dự của 28 bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn HIV. Theo giáo sư Phi, khi vi khuẩn HIV vào cơ thể thì số lượng bạch cầu CD4T bị giảm sút nhanh chóng và khó có thể trở lại mức bình thường trước đây. Cùng với bạch cầu này, tổng lượng cầu lympô giảm, nhất là bạch cầu CD3T. Các bệnh nhân tham dự cuộc nghiên cứu này được hướng dẫn thực hành tụng kinh Phật trong sáu tháng, họ tụng hàng ngày hay hàng tuần tại nhà và một tháng một lần tại chùa. Cuộc nghiên cứu cho thấy các chỉ số tế bào miễn dịch chống vi khuẩn HIV đều tăng trong sáu tháng. Đây là một cuộc nghiên cứu rất đặc biệt về tác dụng của tụng kinh niệm Phật trong sự hỗ trợ trị liệu chứng bị nhiễm vi khuẩn HIV và bệnh liệt kháng, vì các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Âu Châu chỉ cho các bệnh nhân thực hành thiền trong các cuộc nghiên cứu mà thôi. Kết quả nói trên cho thấy hai phương pháp tụng kinh niệm Phật và ngồi thiền đều có hiệu quả tích cực trong sự hỗ trợ điều trị chứng nan y này để giúp gia tăng phẩm chất đời sống người bệnh.
Cần thực hành cầu nguyện khi chữa trị bệnh tật
Khi bị bệnh, chúng ta cần tìm đến các bác sĩ hay đông y sĩ để được chăm sóc và chữa trị cho chóng lành bệnh. Bên cạnh đó, như các cuộc nghiên cứu đã cho thấy, niềm tin vốn rất quan trọng trong việc chữa trị bệnh tật, chúng ta cần thực hành thêm việc cầu nguyện để được chóng phục hồi sức khỏe. Cách thực hành khá đơn giản: Sau phần tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật (nếu yếu sức chỉ lạy ba lạy theo cách thường là được, nếu không đứng được thì chấp tay xá ba lần lúc nằm trên giường cũng được).
Người bệnh cầu nguyện với tất cả lòng thành. Như khi cầu nguyện Đức Quán Thế Âm thì quán tưởng (tưởng thấy) hình ảnh đẹp đẽ của Ngài tỏa chiếu hào quang trong sáng đến khắp thân thể của chính mình, đến nơi vùng bị đau và quán tưởng ánh sáng càng tỏa chiếu đến vùng bị đau thì vùng này càng nhỏ đi và tiêu mất. Sau đó cầu nguyện:
“Nam mô đại từ đại bi linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.
Con nguyện cầu Ngài từ bi gia hộ cho con sức khỏe mỗi ngày một gia tăng và mọi điều an lành tốt đẹp.
Nam mô đại từ đại bi linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.”
Hoặc nói thành tiếng hay nói thầm một lời cầu nguyện nào mà người bệnh thấy hợp với mình nhất và làm cho mình phấn khởi nhất. Ngoài hình ảnh Đức Quán Thế Âm, nhiều vị Phật tử có duyên với hình ảnh Đức Phật A Di Đà hay Đức Phật Thích Ca thì họ có thể quán tưởng hình các vị Phật đó và niệmdanh hiệu các Ngài. Ngoài ra, người nhà lên chùa xin khóa lễ cầu an, tụng kinh Dược Sư cùng mời quý vị tăng ni về nhà làm lễ cầu an cho người bệnh cũng rất tốt cho sự phát triển sức khỏe vì làm cho niềmtin vào sự phục hồi sức khỏe nơi người bệnh gia tăng, đóng góp tích cực vào việc chữa trị bệnh tật.
Bác sĩ Benson, cựu giáo sư trường đại học y khoa Harvard, chuyên gia về thiền thư giãn, xác nhận
thiền thư giãn phối hợp cầu nguyện giúp giảm đau nơi các chứng đau lưng và đau thần kinh tọa8. Không những vậy, ông cũng như rất nhiều chuyên gia khoa học đã chứng minh niềm tin là yếu tố quan trọng trong việc chữa trị bệnh tật và phục hồi sức khỏe.
Trong khi khoa học nói nhiều về sự phối hợp niềm tin và chữa trị bệnh tật, Phật giáo là một tôn giáo trong đó có niềm tin vào năng lực của chư Phật và chư Bồ Tát gia hộ cho người Phật tử được lành bệnh khi họ cầu nguyện với lòng thành. Và như chúng ta đã biết, trong Đạo Phật có Lý của sự cầu nguyện và Sự của sự cầu nguyện. Cả hai thứ cầu nguyện này đều rất quan trọng trong đời sống người Phật tử theo tác động của luật nhân quả.
Ngày nay, nhiều cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy niềm tin và cầu nguyện – thuộc thế giới hiện tượng hay sự pháp giới – là một yếu tố rất quan trọng trong việc chữa trị bệnh tật9. Điều này đã xảy ra trên thực tế, nhiều người Phật tử khi bị bệnh đến chùa cầu nguyện hay cầu nguyện ở nhà được lành bệnh10. Đa số các ngôi chùa ở Việt Nam đều có tượng Đức Quán Thế Âm để đáp ứng nhu cầu cầu nguyện được hết bệnh, được sinh con tốt đẹp, con sinh ra đẹp đẽ và thông minh, được may mắn, thi đậu hay tai qua nạn khỏi. Khi họ có niềm tin nơi chư Phật và chư Bồ tát và đến cầu nguyện thì đó là bước đầu để họ tiếp xúc với thế giới mầu nhiệm tâm linh, để trở về với tâm thanh tịnh lúc dâng hương và cầu nguyện với lòng thành và có hy vọng những điều tốt đẹp xuất hiện trong đời sống của mình. Các vị tăng ni hướng dẫn họ cách tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật 108 lạy trong chánh niệm, dinh dưỡng lành mạnh, làm chuyện phước đức, chú tâm nhiều vào sự học hành và sống đời đạo hạnh thì những điều tốt đẹp sẽ xảy ra theo luật nhân quả một cách tự nhiên.
Quá trình những cuộc nghiên cứu về niềm tin góp phần chữa trị bệnh tật
Khoa học thế kỷ XXI nói đến sự đáp ứng của cầu nguyện trong phạm vi y khoa càng lúc càng nhiều và các nhà nghiên cứu khoa học gọi đó là sự đáp ứng của cơ thể do niềm tin làm phát sinh. Điều này đã được các chuyên viên y khoa thực sự biết đến cách đây trên 70 năm. Tác dụng của niềm tin làm giảmđau đã được ghi nhận là có thật vào lúc chiến trận xảy ra trong Thế chiến thứ hai tại Âu Châu. Lúc đó thuốc morphine làm giảm đau cung cấp cho các quân nhân Hoa Kỳ và đồng minh bị thương rất thiếu thốn. Những quân nhân bị thương ngoài chiến trường hay được mang về nhà thương chỉ được chích nước biển nhưng được thông báo rằng đây là thuốc làm giảm đau morphine thì họ thấy hết đau thật sự. Tuy nhiên, nếu có ai nói với họ đây chỉ là nước biển thì họ thấy bị đau nhức trở lại. Để biết rõ hiện tượng niềm tin làm hết đau này, vào năm 1980 các chuyên gia Hashish, Hai và các đồng nghiệp11đã thực hiện cuộc nghiên cứu và xác định điều này là có thực.
Những người tham dự là những người vừa được nhổ răng và họ được các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ nhận được những làn sóng siêu âm từ một máy phát ra. Sóng siêu âm sẽ làm họ hết đau. Những người này được chia thành ba nhóm: (1) nhóm có nhận sóng siêu âm phát ra, (2) nhóm không nhận sóng siêu âm phát ra (nhưng tưởng rằng mình có nhận sóng siêu âm vì chuyên viên thí nghiệm tắt máy mà họ không biết) và (3) nhóm không nhận được sự chữa trị nào cả. Kết quả là nhóm nhận được sự chữa trị siêu âm, dù máy mở hay tắt, thì mức độ giảm đau của họ cao hơn nhiều nhóm thứ ba không nhận được sự chữa trị.
Chuyên gia nghiên cứu Leuchter và các đồng nghiệp12tìm thấy các cuộc chữa trị do niềm tin này rất thành công từ 60 đến 70 phần trăm với các chứng trầm cảm, lo âu, mụn cóc, loét bao tử hay một số
bệnh khác. Phương pháp này cũng hữu hiệu trong việc làm cho mức huyết áp hạ xuống, cholesterol hạ xuống, mạch đập giảm và hoạt động hệ miễn dịch gia tăng. Nơi những người bị trầm cảm thì lối chữa trị theo niềm tin giúp cho não gia tăng hoạt động tốt trong vòng hai tuần lễ. Trong cuộc nghiên cứu khác về bệnh nhân bị chứng run tay Parkinson vì cơ thể thiếu chất dopamine, chuyên gia nghiên cứu Fernandez và các đồng nghiệp13thấy niềm tin có tác dụng làm cơ thể gia tăng dopamine trong thời gian ngắn. Ngoài ra, cuộc nghiên cứu của bác sĩ Benson và các đồng nghiệp14 cho thấy niềm tin có thể làm bớt nhiều các thứ bệnh như đau thắt ngực vì tim thiếu dưỡng khí, suyễn, mụn rộp và loét tá tràng. Chúng ta thường thấy chứng đau nhức là chứng bệnh phổ thông ở mọi nơi trên thế giới như nhức lưng, tay, chân, vai hay đầu. Chữa trị theo niềm tin là cách hữu hiệu và không tốn kém để làm giảm đau.
Tại sao niềm tin làm giảm bệnh tật?
Nhiều người bị bệnh đã cầu nguyện chư Phật, Đức Quán Thế Âm, rồi được lành bệnh, thì họ không cần lời giải thích cho câu hỏi nói trên. Họ thực hành cầu nguyện và tin tưởng sẽ lành bệnh và họ lành bệnh thật sự. Ở đây chúng ta không bàn đến năng lực của chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ như thế nào để chúng ta lành bệnh và sống khỏe mạnh vì đó là vấn đề ‘bất khả tư nghị’, không thể suy nghĩ, phân tích và thảo luận được. Tuy nhiên, trên phạm vi khoa học, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu điều gì xảy ra trong hệ thần kinh và hệ miễn dịch của chúng ta khi chúng ta có niềm tin vào sự chữa trị.
Bác sĩ Benson15 qua kết quả của các cuộc nghiên cứu khoa học của nhiều đồng nghiệp, nhắc lại nguyên tắc chữa bệnh theo niềm tin có ba thứ cần thiết:
1. Niềm tin của người bệnh hay người muốn được chữa trị vào khả năng của người chữa trị (như bác sỹ, đông y sỹ),
2. Niềm tin của bác sỹ hay người phụ trách chữa trị vào khả năng hay phương pháp chữa trị của mình, 3. Sự tương quan tích cực và tin tưởng giữa người muốn được chữa trị và người chữa trị.
Khi ba yếu tố trên càng nhiều thì người bệnh càng có khả năng lành bệnh vì trong cơ thể sẽ làm phát sinh những chất hóa học tốt thuận duyên cho sự chữa trị bệnh tật và gia tăng sức khỏe như chất nitric oxide cùng các chất thần kinh dẫn truyền khác. Để làm cho điều đó xảy ra, bác sĩ Benson mô tả một diễn tiến các việc cần phải làm là thực hành lời cầu nguyện nhiều lần theo niềm tin của mình, tham dự vào hoạt động lặp đi lặp lại đều đều như đi bộ hay lặp lại lời niệm nhiều lần. Khi một người thực hành những điều trên thì thân tâm họ được thư giãn.
Và như theo luật duyên khởi, mọi hiện tượng có mặt là do những thành phần khác nhau kết hợp lại làmcho xuất hiện, nên khi chúng ta thực hành thiền, lặp đi lặp lại một cử động thân thể hay lời cầu nguyện thì trạng thái thư giãn xuất hiện làm cho cơ thể con người tiết ra chất nitơ ôxít (NO) như các đám hơi nhỏ li ti và NO lại tạo duyên cho các thần kinh dẫn truyền endorphines và dopamine xuất hiện. Các chất endorphines làm phát sinh ra những cảm giác an vui lành mạnh. Còn chất thần kinh dẫn truyền dopamine, liên hệ tới những cảm xúc tích cực, lành mạnh và hạnh phúc cũng như năng lực động viên, kích thích hoạt động, có tác dụng làm giảm một số bệnh tật trong đó có chứng run tay Parkinson.
Trong cuộc nghiên cứu của chuyên gia Fernandez và các đồng nghiệp nói trên cho thấy tác dụng của niềm tin vào sự chữa trị đem lại kết quả tốt đẹp (placebo effect), như bệnh nhân uống viên thuốc với niềm tin thuốc này làm cho họ lành bệnh, mà trên thực tế đây chỉ là viên đường bọc lại như hình dáng
viên thuốc thật, nhưng họ lành bệnh thật. Từ đó, các chuyên gia nghiên cứu đi đến kết luận là với một số bệnh nhân thì thuốc men (thứ thiệt) có tác dụng chữa trị các thứ bệnh là do ảnh hưởng của niềm tin. Tác dụng của niềm tin này làm cho cơ thể tiết ra nhiều chất hóa học thần kinh dopamine, một thứ tác dụng rất mạnh mẽ trong việc chữa trị bệnh tật như trường hợp người bị bệnh Parkinson trong cuộc nghiên cứu này.
Những cuộc nghiên cứu kế tiếp cũng cho thấy chất thần kinh dẫn truyền enkelytin được cơ thể tiết ra khi trạng thái buông thư cùng với niềm tin có mặt. Chất này liên hệ mật thiết với trạng thái tính khí vui tươi, hệ miễn dịch gia tăng hoạt động và khả năng chống vi khuẩn gia tăng. Có nhiều lúc, chúng ta thấy cùng ở trong một xóm mà có gia đình bị cảm cúm quanh năm, có gia đình khác lại khỏe mạnh thường xuyên. Có hỏi nhờ đâu mà họ được khỏe mạnh như vậy thì họ trả lời “Chúng em may mắn được khỏe mạnh là do chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ.”
Trên thực tế, đó là sự khác biệt của hệ miễn dịch hoạt động nhiều hay ít nơi những người ấy qua lối sống khác nhau như có ít hay nhiều căng thẳng, mức độ dinh dưỡng lành mạnh cao hay thấp cũng như có niềm tin nhiều hay ít. Do đó, đối với những chứng bệnh dịch gây bệnh tật chết chóc chưa có thuốc chủng ngừa, cách hay nhất để phòng bệnh là làm cho hệ miễn dịch gia tăng hoạt động qua sự thư giãn thân tâm và tập luyện.
Trong Phật giáo, có nhiều phương pháp thực hành gọi là tu tập để làm phát sinh ra trạng thái thư giãn thân và tâm như dâng hương, tụng kinh, trì chú, lễ Phật 108 lạy, ngồi thiền, thiền hành và cầu nguyện. Người Phật tử có thể tham dự các khóa tu tập ở chùa cũng như tự thực hành ở nhà. Trong trường hợp bệnh quá, không ngồi dậy được, họ vẫn có thể thực hành thiền phối hợp hơi thở và lời niệm Phật để tạo ra sự thư giãn thân tâm và sau đó cầu nguyện với lòng thành để được chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho được chóng lành bệnh và phục hồi sức khỏe. Thực hành điều này hỗ trợ rất tốt cho việc chữa trị bệnh tật.
Qua những cuộc nghiên cứu khoa học công phu nói trên về trạng thái thân tâm thư giãn khi thực hành các phương pháp buông thư cũng như khi có niềm tin, bác sĩ Benson16 kết luận là khi trạng thái thư giãn thân tâm xuất hiện thì cơ thể con người tiết ra chất nitric oxide đưa đến hàng loạt sự tốt đẹp xuất hiện trong cơ thể của chúng ta:
Cơ thể chúng ta có khả năng phòng chống rất nhiều bệnh tật
Chúng ta gia tăng việc tự cảm nhận niềm vui và sự lành mạnh, các hội chứng bệnh thân thể hay tinh thần do căng thẳng làm phát sinh sẽ giảm đi nhanh chóng hay hoàn toàn hết hẳn, những điều trên tiếp tục xuất hiện trong tiến trình thực hành sự thư giãn và trạng thái tốt đẹp này sẽ càng ngày càng gia tăng mức độ tốt đẹp khi chúng ta tiếp tục thực hành làm phát sinh thư giãn.
Bác sĩ Benson cũng nhắc nhở niềm tin ảnh hưởng đến các chứng bệnh một cách tích cực hay tiêu cực. Khi bị bệnh, chúng ta tin vào sự chữa trị của bác sĩ, sự hiệu nghiệm của thuốc men cũng như sự đáp ứng lời cầu nguyện thì cơ hội lành bệnh sẽ gia tăng. Ngược lại, nếu chúng ta có tinh thần yếm thế, tiêu cực, nghĩ rằng bệnh mình hết thuốc chữa, mạng mình đến lúc tiêu và không có ai có thể cứu giúp mình được thì cơ hội lành bệnh sẽ giảm nhiều. Nếu tin rằng mình bị thư ếm, bùa ngải làm hại (điều này thật sự không có thật, thường do bị hăm dọa hay tưởng tượng mà có) hoặc tin bị trời, thần hay ma quỷ hại thì niềm tin tiêu cực này được các nhà khoa học gọi là Nocebo, tác động ngược với niềm tin tích cực,
có thể làm cho mình bệnh tật hay thậm chí là chết nữa. Do đó, trong đời sống hàng ngày, chúng ta cần thực hành đời sống tâm linh tốt đẹp và có niềm tin nơi tôn giáo của mình để luôn luôn hướng đến sự tích cực, an vui và lành mạnh.
Trong Đạo Phật, điều quan trọng cần nhớ là chư Phật và chư Bồ Tát không bao giờ trừng phạt ai cả vì tất cả đều theo luật nhân quả. Chư Phật, chư Bồ Tát có đại nguyện cứu độ tất cả mọi người hết khổ. Do đó, khi bị đau ốm, người Phật tử thực hành cầu nguyện như niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà hay Đức Quán Thế Âm. Họ cầm xâu chuỗi và niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” hay “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” rồi lần một hạt chuỗi. Sau phần niệm danh hiệu chư Phật từ 108 lần đến trên ngàn lần với tâmbuông thư, họ thành tâm đọc lên những lời cầu nguyện. Sự thực hành nói trên tạo ra trạng thái thư giãn thân tâm rất tốt đẹp không khác gì lúc ngồi thiền tạo ra trạng thái buông thư. Sự thực hành này rất phù hợp với các cuộc nghiên cứu khoa học về niềm tin đóng góp tích cực vào việc chữa trị bệnh tật.
Thêm nhiều bằng chứng về thiền và cầu nguyện làm giảm bệnh tật
Các nhà nghiên cứu khoa học Asmar, Safar và Queneau vào năm 200117 cũng như các bác sĩ ở viện University of Kentucky vào năm 200818 đã chứng minh thực hành thiền và cầu nguyện làm cho cơ thể tiết ra chất nitơ ôxít (NO) làm cho mạch máu nở ra và huyết áp hạ xuống. Thiền trong các cuộc nghiên cứu khoa học bao gồm nhiều hoạt động như ngồi thiền và chú ý vào hơi thở, chú ý với tâm và thân buông xả khi lặp đi lặp lại một câu hay một cử động. Những hoạt động này tạo ra trạng thái thân và tâmthư giãn. Thực hành chú ý thoải mái vào hơi thở hay vào một hoạt động thì đó là thiền. Thiền làm cho hệ thần kinh êm dịu nên có khả năng làm giảm tác động tiêu cực của căng thẳng.
Căng thẳng là một áp lực làm phát sinh cao huyết áp, thiền làm giảm căng thẳng hữu hiệu nên giúp hạ huyết áp rất tốt. Điều này cũng phù hợp với các cuộc nghiên cứu trước đây vào năm 1989 được loan báo trên tập san nghiên cứu về phục hồi bệnh tim phổi (Journal of Cardiopulmonary Rehabilitation18)cho biết khi thực hành thiền, 80% những bệnh nhân cao huyết áp giảm bớt huyết áp và bớt thuốc men, 16% có khả năng chấm dứt hoàn toàn việc uống thuốc. Kết quả này kéo dài trong ba năm.
Viện University of Pennsylvania19 qua cuộc nghiên cứu về thiền chữa trị bệnh tim cho thấy thiền niệmchú có thể làm giảm chứng suy tim và giúp gia tăng phẩm chất đời sống của người bệnh trong dài hạn. Thực hành thiền làm giảm bớt các nguyên nhân làm phát sinh bệnh suy tim như huyết áp cao, căng thẳng, biến dưỡng năng lượng không tốt, tim bị lớn, và sự xơ cứng động mạch. Các nhà nghiên cứu về thiền và bệnh tim Anderson và các đồng nghiệp20 vào năm 2008 tìm thấy thực hành thiền niệm chú làmgiảm gần 5 điểm áp suất khi tim bóp và 3, 2 điểm khi tim thả. Đây là một kết quả tốt cho việc trị liệu chứng cao huyết áp.
Ngoài ra, khi vận động thể lực thì theo cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Calvert và các đồng nghiệp21thuộc trường đại học y khoa Emory University School Hoa Kỳ nói trong phần trên cho thấy, nitơ ôxít xuất hiện trong máu làm cho mạch máu nở ra và áp huyết hạ xuống.
Trong các cuộc nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học đã tìm thấy cơ thể chúng ta tiết ra chất nitơ ôxít khi vận động thể lực hay khi thiền. Bác sĩ Herbert Benson nhấn mạnh đến tính cách tích cực, tốt đẹp và kỳ diệu mà chất ôxít nitric tạo ra.
Điều quan trọng nhất của chất này là những hoạt động của nó trong bộ não và cơ thể con người. Đây là một phân tử rất nhỏ nên không bị giới hạn bởi các định luật chi phối các phản ứng sinh hóa trong cơ thể con người. Chất nitơ ôxít giống như những đám hơi li ti chạy khắp thân thể và trong hệ thần kinh trung ương, hay bộ não, và giữa hai đầu mút sợi thần kinh của tế bào thần kinh, những tín hiệu, những tin tức truyền đi, có thể được chuyển qua chuyển lại nhiều lần trong những đám hơi li ti đó. Chất nitơ ôxít xuất hiện khi chúng ta thực hành thư giãn. Nhiều bác sỹ đã thực hiện các cuộc nghiên cứu về những lợi ích của nitơ ôxít trong một phạm vi rộng lớn liên quan đến sức khỏe của chúng ta và đưa đến những tác dụng tích cực có thể tóm lại như sau22:
- Điều hòa máu huyết chạy đến mọi nơi trong cơ thể.
- Chữa trị chứng não bộ thiếu dưỡng khí do hậu quả của tai biến não.
- Làm cho các mạch máu dãn lớn ra để máu chạy nhiều hơn về tim, rất quan trọng cho những bệnh nhân tim mạch sau khi giải phẫu thay động mạch vành tim.
- Mạch máu giãn làm huyết áp hạ xuống.
- Mang đến sự thư giãn và tạo duyên tốt cho việc chữa lành bệnh tật qua sự cầu nguyện.
Một cuộc nghiên cứu y khoa khác cho thấy niềm tin chữa lành bệnh viêm xương khớp đầu gối. Chứng viêm xương khớp đầu gối (osteoarthritis) là chứng bệnh xương khớp bị hư hại nơi đầu gối, làm cho người bị bệnh thấy đau nơi đầu gối khi đi hay đứng. Mổ đầu gối là phương pháp thường được thực hiện để chữa trị bệnh này khi quá nặng. Tuy nhiên, để tìm hiểu giải phẫu đầu gối có thực sự cần thiết hay không, bác sĩ Mosley và các đồng nghiệp24 đã nghiên cứu và cho thấy niềm tin có thể chữa lành chứng đau viêm xương khớp đầu gối không khác gì giải phẫu cả.
Trong cuộc thí nghiệm chữa trị 180 bệnh nhân bị bệnh viêm xương khớp đầu gối, các bác sĩ thuộc trường đại học y khoa Baylor College đã phân chia các bệnh thành ba nhóm:
- Nhóm thứ nhất được mổ đầu gối và lấy hết tất cả các vùng thịt chết ra.
- Nhóm thứ hai được mổ và rửa sạch vùng khớp đầu gối.
- Nhóm thứ ba được thực hành cuộc mổ giả đầu gối (mổ đầu gối nhưng không làm gì).
Kết quả làm các bác sĩ ngạc nhiên vô cùng: Các bệnh nhân thuộc ba nhóm (trong đó có cả nhóm mổ giả) đều có sự bình phục giống nhau. Từ đó các chuyên viên y tế kết luận là chính niềm tin vào giải phẫu (dù mổ giả) đã khiến lành bệnh viêm khớp nơi đầu gối nên làm cho bệnh nhân hết thấy đau. Điều này rất quan trọng vì mỗi năm ở Hoa Kỳ người ta đã tốn hàng tỷ đô để mổ đầu gối và khoa học đã chứng minh người bệnh tin mình được mổ chữa bệnh (mổ giả) cũng lành bệnh như mổ thật. Qua kết quả nghiên cứu kỳ diệu này mà bác sỹ Benson đề nghị phương pháp chữa đau đầu gối viêm khớp hữu hiệu theo cách tạo ra trạng thái thư giãn và cầu nguyện. Người Phật tử chúng ta có thể ứng dụng một cách hữu hiệu vào ngay chương trình mình đang tu tập như dâng hương, lễ Phật, tụng kinh, trì chú, ngồi thiền, niệm Phật, lạy 108 lạy và cầu nguyện với lòng thành.
Cách thực hành cầu nguyện cụ thể trong đời sống hàng ngày
Trên nền tảng vững chãi truyền thống tâm linh của sự thực hành Đạo Phật trên hai ngàn năm và từ các