Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thực vật theo hướng phát triển lâu bền, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong giai đoạn hiện nay của nước ta. Muốn vậy, trước hết phải nắm vững một số đặc trưng cơ bản của hệ thực vật như: cấu trúc hệ thống, phổ dạng sống, phổ các yếu tố địa lý. Ngoài ra, còn phải biết về nơi sống, giá trị sử dụng, và các hiện tượng vật hậu học như: thời gian ra hoa, quả; thời gian rụng lá, xuất hiện lá non…
Hệ thực vật Việt Nam theo dự đoán có khoảng 12000 loài thực vật bậc cao có mạch, hiện đã được Phạm Hoàng Hộ (1993) thống kê và mô tả 10500 loài.
Theo đánh giá của Phạm Hoàng Họ thì đây là một trong những hệ thực vật có số lượng loài phong phú của thế giới. Để khẳng định cho nhận xét này, có thể so sánh với hệ thực vật một số nước. Ví dụ: Canada diện tích lớn hơn nước ta đến 30 lần mà chỉ có 4500 loài thực vật bậc cao có mạch (kể cả các loài nhập nội). Cả Bắc Mỹ rộng hơn nước ta tới 65 lần mới có hơn 14000 loài. Nằm trong khu vực Đông Nam Á, cả Malaixia và Indonexia nhập lại, diện tích gấp 6 lần nước ta, nhưng số loài dự đoán có khoảng 25000 loài, tức là chỉ gấp 2 lần số loài của Việt Nam.
Sự phong phú của hệ thực vật Việt Nam do nhiều nguyên nhân. Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa: nắng nhiều, mưa nhiều, độ ẩm cao là những nhân tố rất thuận lợi đối với sự tồn tại và phát triển của nhiều loài thực vật nhiệt đới.
Mặt khác, do điều kiện địa hình phức tạp, độ cao tối đa so với mặt biển đạt tới 3143 m (đỉnh Phanxipang), hệ thực vật Việt Nam còn có nhiều đại diện đặc trưng cho vành đai khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới.
Về cấu trúc địa chất, Việt Nam nằm trong khối Indoxinian của Trái đất, bền vững từ mấy trăm triệu năm nay, không bị băng hà che phủ, hệ thực vật Việt Nam có nhiều loài được thừa nhận là có nguồn gốc tại chỗ. Đồng thời, Việt Nam cũng là nơi tiếp giáp của 3 luồng giao lưu thực vật: luồng thứ nhất từ phía nam đi lên gọi là nhân tố Malaixia-Indonexia, trong đó tiêu biểu là họ Dầu (Dipterocarpaceae) có trung tâm phát sinh là Bocneo; luồng thứ hai từ tây và tây nam sang gọi là nhân tố Ấn Độ-Miến Điện gồm các loài đặc trưng cho vùng khí hậu khô hạn; luồng thứ ba từ tây bắc xuống, chủ yếu gồm các loài thuộc vĩ độ ôn đới của vùng nam Trung Quốc.
Cho đến nay, số lượng các công trình nghiên cứu về phân loại hệ thực vật Việt Nam đã khá nhiều, tiêu biểu là bộ Thực vật chí đại cương Đông Dương gồm 7 tập (1907-1951) do H.Lecomte chủ biên. Trong khi đó, các công trình nghiên cứu về địa lý học thực vật còn rất ít. Đặc biệt, một số khái niệm về địa lý học thực vật như: đặc hữu, di cư, bản địa,… tuy đã được nhiều tác giả đề cập đến, song còn có sự khác biệt rất lớn giữa các tác giả về cách hiểu cũng như khi xác định các loài đặc hữu, bản địa, di cư của Việt Nam.
Với mong muốn góp phần làm rõ những vấn đề đã trình bày, đồng thời phân tích, đánh giá một số đặc trưng cơ bản của hệ thực vật Việt Nam như đã nêu, chúng tôi mạnh dạn công bố những kết quả nghiên cứu bước đầu thuộc lĩnh vực địa lý học thực vật ở Việt Nam.
Mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng khiếm khuyết là điều khó tránh khỏi do sự bất cập về tư liệu. Vì vậy, chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp quý báu của các đồng nghiệp để kịp thời bổ sung, sửa chữa.
Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến Lãnh đạo Viện Địa lý, đặc biệt là GS.TS. Lê Đức An, nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, đã quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Nhân dịp này, chúng tôi xin được tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến GS.TS. Đặng Vũ Minh, Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, người đã hỗ trợ tài chính để cuốn sách sớm được xuất bản.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com