Nghề nuôi tôm sú ở nước ta đã có từ những năm 90 của thế kỷ XX, song chủ yếu phát triển ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh ở miền Trung, nuôi dưới hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, nguồn tôm giống và thức ăn còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Từ năm 1995 trở lại đây, thực hiện Chương trình Khuyến ngư Nuôi tôm sú xuất khẩu và triển khai Quyết định 224 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phát triển nuôi trồng thuỷ sản thời kỳ 1999 – 2010, trong đó phát triển nuôi tôm sú với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 nuôi 260.000 ha, trong đó có 60.000 ha nuôi công nghiệp, 100.000 ha nuôi bán thâm canh và thâm canh, 100.000 ha nuôi theo hướng sinh thái. Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia đã phối hợp với các tổ chức khuyến ngư địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật về nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh,… Kết quả, đến nay phong trào nuôi tôm sú đã phát triển rộng ở cả 3 vùng miền Trung, Nam, Bắc trong cả nước. Trình độ kỹ thuật nuôi tôm sú theo hướng thâm canh, công nghiệp trong nhân dân tăng lên, diện tích nuôi cũng được mở rộng, năng suất, sản lượng ngày càng tăng nhanh.
Để giúp bạn đọc và những người nuôi tôm có những thông tin về kết quả nuôi, áp dụng kỹ thuật vào thực tế nhằm phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao hơn. Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia phối hợp với các viện, trường, trung tâm khuyến ngư địa phương tiến hành tổng kết các kết quả nuôi tôm sú bán thâm canh, biên soạn cuốn sách “Kỹ thuật nuôi tôm sú thâm canh”.
Với nội dung trình bày trong cuốn sách, hy vọng phần nào sẽ giúp ích cho bạn đọc là cán bộ kỹ thuật, cán bộ làm công tác khuyến ngư và những người nuôi tôm nắm bắt được kỹ thuật, vận dụng vào sản xuất ở địa phương, nhằm đẩy mạnh phong trào nuôi tôm sú thâm canh, góp phần tăng năng suất sản lượng và hiệu quả.
Cuốn sách chắc còn nhiều thiếu sót, mong bạn đọc góp ý, bổ sung để cuốn sách “Kỹ thuật nuôi tôm sú thâm canh” tái bản lần sau hoàn thiện hơn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia
TRẦN VĂN QUỲNH
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com