Kinh tế học & Sex
MORE SEX IS SAFER SEX
Sau cuốn Ăn trưa với nhà kinh tế, Công ty Sách Alpha tiếp tục ra mắt bạn đọc ấn phẩm Kinh tế học và Sex của chính tác giả Steven L. Landsburg, Giáo sư kinh tế trường Đại học Rochester.
Cách đặt vấn đề và những câu chuyện của Giáo sư Landsburg trong Kinh tế học và Sex có gì đó khêu gợi, thậm chí sốc và khiêu khích, song cũng rất thú vị, hài hước và đầy lý trí. Đây thực sư lại là một cuốn sách về “những điều thông thái khác thường của kinh tế học”.
Nền tảng của kinh tế học là lý giải hành vi dựa trên tính toán chi phí – lợi ích nhằm tối đa hóa mục tiêu của chủ thể trong điều kiện các nguồn lực có hạn. Cái hay, cái đẹp của thị trường cạnh tranh hoàn hảo chính là nỗ lực để tối đa sự thỏa dụng của từng cá thể hay lợi nhuận của từng công ty lại mang lại kết cục có lợi cho cả xã hội. Tôi vẫn nhớ một ý mà Adam Smith, cha đẻ học thuyết “bàn tay vô hình” của thị trường đã viết: Người ta được ăn ngon tại nhà hàng không phải do “lòng hảo tâm của chủ nhà hàng mà chính là nhờ cạnh tranh”.
Thế nhưng thế giới chúng ta đang sống muôn màu muôn vẻ và năng động hơn rất nhiều môi trường cạnh tranh hoàn hảo với những giả định ngặt nghèo của nó.
Cũng chính vì vậy, mà ngay cả các nhà khoa học tài năng vẫn có thể mắc sai lầm trong giải thích thế giới. Thomas Malthus, một nhà kinh tế lớn, đầu thế kỷ XIX đã cảnh báo về kết cục tồi tệ do tăng trưởng dân số liên tục sẽ dẫn đến cảnh tăm tối, đói khổ của loài người. Tuy nhiên, Giáo sư Landsburg đã cho thấy, cảnh báo của Malthus mắc không chỉ một, mà hai sai lầm lớn: Malthus tính toán sai cả lợi ích và cả chí phí của tăng trưởng dân số.
Kinh tế học và Sex đưa chúng ta vào những lý giải sâu sắc, logic đối với nhiều vấn đề đang diễn ra trong một thế giới như vậy, từ quan hệ tình dục và AIDS, sắc đẹp và giới, con gái và ly dị, cái giỏ hàng trong siêu thị, cho đến hệ thống chính trị, tư pháp, sáng tạo và bản quyền, tội phạm, hoạt động từ thiện, những quyết định kiềm chế hành vi hợp lý,… Qua đó, chúng ta học được bản chất của các nguyên lý kinh tế học liên quan đến “tác động tràn” (hay ngoại ứng) tích cực và tiêu cực trong hành vi mỗi chủ thể, độc quyền, cách thức xử lý thông qua động lực/kích thích, thể chế/hợp đồng tạo dựng lòng tin.
Điều lý thú là với không quá nhiều nguyên lý kinh tế, chúng ta có thể có những lý giải đầy bất ngờ về các hiện tượng cuộc sống cũng như có thể nhận ra sự “tương đồng” của không ít hành vi tưởng như chẳng có gì chung ẩn chứa đằng sau. Chúng ta sẽ hiểu vì sao tránh quan hệ tình dục thường xuyên có thể lại khuyến khích sự lây lan của bệnh tật. Tôi cũng hết sức thích thú khi Giáo sư Landsburg so sánh “tác động tràn” tiêu cực của sự sinh sôi nảy nở các cơ quan hành chính quan liêu với vấn đề ô nhiễm do sử dụng chung dòng suối. Ông lưu ý: “Chính phủ thiếu hiệu quả cũng giống như ô nhiễm – thủ phạm gặt hái các lợi ích mà không tính toán hết mọi chi phí”.
Tất nhiên, kinh tế học nhiều khi không đưa ra được câu trả lời rõ ràng, đúng hay sai. Có quá nhiều nhân tố có thể tác động tới hành vi của mỗi chủ thể. Hành vi chủ thể cũng có thể không chỉ “thuần lý” và không tối ưu; chủ thể có thể hành động quá mức hoặc quá ít. Quan niệm về đạo đức càng gây khó cho việc đi tìm những lời giải thích hợp lý nhất.
Dù thế nào, điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể học được từ ấn phẩm Kinh tế học và Sex, thiết nghĩ, chính là đừng vội “áp đặt” đúng sai, ngay cả đối với những kết luận hay mệnh đề “khác thường” nhất và thậm chí là mâu thuẫn nhất. Điều quan trọng là biết lắng nghe những lập luận và qua đó ta có thể nhận thức tốt hơn về thế giới và cả những hành động (vốn) được xem là hợp lý của chúng ta.
Hy vọng đây tiếp tục là một cuốn sách kinh tế học thú vị, hữu ích cho tất cả những ai muốn quan sát, suy nghĩ, và lý giải về cách thức vận hành của xã hội, nền kinh tế và thế giới.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com