Hoá sinh học nghiên cứu thành phần cấu tạo và các quá trình chuyển hoá các chất trong hệ thống sống.
Trong nửa cuối thế kỉ XX, Hoá sinh học là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh nhất của Sinh học. Những thành tựu của Hoá sinh học đã góp phần làm sáng tỏ bản chất của sự sống, của các quá trình sống, cơ sở phân tử của quá trình truyền thông tin di truyền v..
Các giáo trình Hoá sinh học cơ sở dùng cho sinh viên các trường Đại học khoa học cơ bản nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất, làm nền tảng để có thể tiếp tục đi sâu học tập và nghiên cứu về Hoá sinh. Mặt khác, tạo điều kiện cho sinh viên dễ tiếp thu các kiến thức sinh học thực nghiệm khác như : Vi sinh vật học, Di truyền học, Sinh lí học v.v.
Các sách Hoá sinh học cơ sở thường bao gồm hai nội dung chính :
– Cấu trúc, tính chất, chức năng các thành phần cấu tạo chủ yếu của tế bào (Tĩnh hoá sinh học)
– Quá trình chuyển hoá các chất chủ yếu trong hệ thống sống (Động hoá sinh học)
Chương trình Hoá sinh học do Bộ Giáo dục soạn thảo và thông qua năm 1984 cũng sắp xếp các phần theo thứ tự trên. Ngoài ra cũng đã quy định rõ số tiết và số trang tương ứng cho mỗi chương.
Cuốn sách này biên soạn theo đúng tinh thần của chương trình do Bộ Giáo dục ban hành năm 1984 để dùng làm tài liệu học tập chủ yếu cho sinh viên các trường Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, sách cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các trường đại học và các trường cao đẳng khác, cho những người chuẩn bị dự các kì thi tuyển sau và trên đại học, các giáo viên phổ thông, các cán bộ nghiên cứu muốn tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến Hoá sinh học.
Trong quá trình biên soạn, các tác giả cũng đã cố gắng đưa thêm những kiến thức nâng cao và gợi ý cho sinh viên tiếp cận với những vấn đề thời sự, những kiến thức hiện đại trong Hoá sinh học. Tuy nhiên do khuôn khổ sách và giới hạn của chương trình, những vấn đề nâng cao, đi sâu sẽ được in chữ nhỏ, có tính chất để tham khảo thêm.
Sách bao gồm 13 chương, từ chương 1 đến chương VII do Phạm Thị Trân Châu biên soạn ; từ chương VIII đến chương XIII do Trần Thị Áng biên soạn.
Về cách phiên âm các từ hoá học, chúng tôi theo cách phiên âm hiện hành, theo “Từ điển sinh học Nga Việt”. Tuy nhiên, dựa vào những ý kiến đóng góp trong mấy năm qua, chúng tôi có một số thay đổi về tên phiên âm một số xacarit và enzim. Ví dụ : glucoz, xacaroz lipaz, amilaz, v.v. thay cho glucoza, xacaroza…, lipaza, amilaza v.v.
Các tác giả xin chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các hạn bè đồng nghiệp, biên tập viên và những người đã góp phần chuẩn bị để sách được ra mắt bạn đọc.
Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bạn đồng nghiệp, sinh viên và đông đảo bạn đọc.
Các tác giả
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com