Trong các chuyên ngành khoa học về Trái Đất, đặc biệt khoa học Trắc địa- Bản đồ, Địa chỉnh lượng thông tin cần phải xử lý ngày càng tăng. Tính đa dạng của các nguồn thông tin cùng với sự kết nối mạng máy tính, nhất là truy cập Internet đòi hỏi hình thành các hướng nghiên cứu mới. Món “Tính toán trắc địa và cơ sở dữ liệu” đã được hình thành trong bối cảnh trên và trở thành môn học trong chương trình đào tạo cao học của trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội từ khóa đầu tiên năm 1996. Cơ sở để hình thành cuốn sách là tài liệu bài giảng “Tính toán trắc địa” được in nội bộ tại trường Đại học Mỏ- Địa chất năm 1996.
Sau một số năm giảng dạy môn học “Tính toán trắc địa và cơ sở dữ liệu” cho các học viên cao học đào tạo hệ Thục sĩ và Tiến sĩ trong trường Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội, chúng tôi đã đúc rút được một số kinh nghiệm để hoàn chỉnh tài liệu. Từ năm 2001 môn học này được lựa chọn làm môn thi tuyển nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành “Trắc địa đại cương”, do đó xuất hiện nhu cầu xuất bản cuốn sách để làm tài liệu giảng dạy và tra cứu. Trong cuốn sách phản ánh nội dung kế tiếp những phần đã được trình bày trong các môn học ở hệ đào tạo Đại học như: Xử lý số liệu trắc địa, tin học ứng dụng và thông tin đất đai. Trong những năm vừa qua các tiến bộ của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ đo GPS (Global Positioning System) và GIS (Geographic Information system) đã làm thay đổi bộ mặt của trắc địa, làm cho các bộ môn khoa học chuyên sâu gắn kết hơn. Do đó việc cung cấp những kiến thức về tính toán cũng như lưu trữ các dữ liệu đã góp phần trang bị cho các nhà nghiên cứu và giảng viên những cơ sở để phát triển kiến thức của mình.
Trong thời gian qua, Trắc địa – Bản đồ ở nước ta đã hướng tới hội nhập, định hướng theo sự phát triển của thế giới và khu vực. Một số phần mềm tiên tiến đã được ứng dụng ở Việt Nam làm cho những người làm công tác nghiên cứu phải vươn lên để phát triển các phần mềm có khả năng cạnh tranh. Do đó, cần cung cấp một số kiến thức sâu và cơ bản cho các đối tượng để đáp ứng nhu cầu đó.
Nội dung của cuốn sách bao gồm:
– Cơ sở tính toán bình sai trắc địa.
– Một số vấn đề của phương pháp tính và tối ưu hóa tính toán. – Cơ sở dữ liệu trên nền tảng ứng dụng các hệ thống thông tin địa lý (GIS)
Một số vấn đề trình bày trong cuốn sách đã được lựa chọn từ các vấn đề nghiên cứu lý thuyết cũng như kết quả nghiên cứu trong quá trình tham gia của tác giả trong việc xử lý mạng lưới Thiên văn – Trắc địa – Vệ tinh Quốc gia trong những năm 1992-2000 (thành lập hệ toạ độ Quốc gia VN 2000). Chúng tôi cũng mong muốn định hướng một số vấn đề cần giải quyết trong tương lai.
Tác giả hy vọng cuốn sách sẽ bổ ích cho sinh viên các năm cuối, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Cuốn sách cũng có thể là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu.
Tác giả chân thành cảm ơn học viên cao học các khoá học đã thẳng thắn, cởi mở trong tranh luận khoa học và phát hiện những sai sót in ấn. Chúng tôi đánh giá cao công sức biên tập của bộ phận biên tập Nhà xuất bản Giáo dục. Nhờ sự giúp đỡ này bản thảo đã được hoàn chỉnh thêm. Chúng tôi hy vọng tài liệu này sẽ bổ ích cho những ai làm công tác trắc địa và rất mong sự đóng góp của đồng nghiệp..
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com