Nhiều sách về giáo pháp của Sri Nisargadatta Maharaj đã được xuất bản dưới hình thức hỏi và đáp, đúng theo phong cách giáo pháp được thuyết giảng. Tác phẩm “I AM THAT – TA LÀ CÁI ĐÓ” được Maurice Frydman dịch từ các pháp thoại của Maharaj, cùng những tuyển tập tiếp theo – trong đó có một số tuyển tập do tôi dịch – được xem như những hướng dẫn về triết giáo của Maharaj. Qua nghiên cứu các tuyển tập đó, rất nhiều người Tây phương đã hành theo giáo pháp của ngài. Và bây giờ, thêm một mắt xích bằng vàng nữa thuộc các tuyển tập hướng dẫn được giới thiệu ở đây với tựa đề “Consciousness and the Absolute – Ý thức và Cái Tuyệt Đối”.
Trong quyển sách này độc giả sẽ biết về các thuyết giáo sau cùng của Sri Nisargadatta Maharaj – các đối thoại sau cùng của ngài với những người từ khắp nơi trên thế giới đến nghe thuyết giảng. Những thuyết giáo này được xem là đỉnh cao trí tuệ của Sri Nisargadatta Maharaj, và cũng là giáo pháp tối thượng hy hữu nhất mà ngài đã lưu truyền cho chúng ta.
Khung cảnh của các pháp thoại là một căn gác nhỏ được Maharaj xây cất năm mươi năm trước để hành thiền. Trong suốt thời gian bốn mươi năm không biết bao nhiêu người từ khắp nơi đã đến gặp ngài để xin được chỉ giáo tâm linh. Vào những ngày cuối cùng đầy đau đớn với căn bệnh ung thư, Maharaj đã nói rất ngắn gọn nhưng thật súc tích. Những đau đớn của thân xác hiển nhiên là khủng khiếp, nhưng Maharaj biết rất rõ ngài không phải là thân xác. Chúng tôi biết thân xác của Maharaj trải qua những đau đớn vì ngài cho biết như thế, nhưng không ai nghe một tiếng rên nào thoát ra từ miệng ngài. Chỉ đơn thuần quan sát Maharaj là cả một sự kính sợ.
Maurice Frydman đã mô tả vị Đạo sư vĩ đại là “nhiệt tình, trìu mến, hóm hỉnh, hoàn toàn vô úy và chơn thật; tạo cảm hứng, hướng dẫn và giúp đỡ bất cứ ai tìm đến với ngài”. Nhiều người khác ví Maharaj như cọp. Maharaj là tất cả những gì được cần đến: Tử tế, nhân từ, nhẫn nại, cộc lốc, khắt khe, nôn nóng. Tính khí thoảng qua Maharaj như gió hè, nhưng chẳng chạm đến ngài.
Sức mạnh của thông điệp Maharaj vang dội với một mục đích duy nhất: “Buông bỏ tất cả những gì ngươi đã đọc và đã nghe, và chỉ HIỆN HỮU. Ngươi, cái Tuyệt Đối, không biết cái biết “Ta Hiện Hữu” này, nhưng hiện thời ngươi phải an trú trong cái biết “Ta Hiện Hữu”. Maharaj đã lập đi lập lại những lời này một cách đầy ý nghĩa; chúng ta đã tạo nên một cái vỏ cứng xung quanh cái ta hư giả để bảo vệ nó, vì thế cần phải thường xuyên gõ lên cái vỏ đó để phá vỡ nó. Phong cách lập đi lập lại các thuyết giảng là một phần của trí tuệ và cũng là diệu thuật truyền đạt của ngài.
Maharaj dạy chúng ta phải tìm ra cho chính mình, suy gẫm những lời ngài nói, và tự hỏi “Có thật thế không?” Ngài nói một người phải tìm ra thân xác là gì, nó từ đâu đến; hãy tìm hiểu nó một cách khách quan, và quan sát nó mà không phán xét. Một người sẽ sớm nhận ra nó như một robot hoạt động theo những lập trình của người khác. Chúng ta phải quay vào trong với cái mà nhờ nó chúng ta biết mình hiện hữu, và trở nên một với cái đó.
An trú trong cái biết “Ta Hiện Hữu” (hay Ý thức, tức là tình yêu thuần túy), chính Ý thức đó sẽ cho chúng ta tất cả các câu trả lời. Hiện tại, Ý thức là cái mà chúng ta là, không phải Ý thức có tính cách con người, mà là Ý thức vũ trụ, phi nhân cách. Vào đúng lúc, Ý thức thậm chí sẽ cho chúng ta thấy mình cũng không phải như vậy, mà chúng ta là cái Tuyệt đối Vĩnh cửu, bất sinh bất tử.
Tất cả sắc thái trí tuệ độc nhất vô nhị của Maharaj được phản ảnh trong những đối thoại sâu sắc cuối cùng với những người có phước báu được thân cận ngài.
Ước mong người đọc tìm được ân đức của Maharaj trong những giòng chữ này.
Jean Dunn