Từ đầu năm 1996, tôi hợp tác thường xuyên với nguyệt san Quốc Dân do anh Nguyên Vũ chủ trương, Phan Nhật Nam chủ bút. Hai anh và tôi đã một thời cùng học tại trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Dạo ấy tôi làm thơ, viết tạp bút. Nghĩ giản dị lấy viết làm vui. Anh Kim Âu đọc tôi, đề nghị nên tái hiện lịch sử qua hình thức truyện.
Chợt nhớ chuyện cũ. Năm 1965, khi học khóa Hành Chánh tại Trường Quân Y Sài gòn. Anh bạn cùng khóa Tạ Chỉ Đại Trường cũng có lần đề cập đến chuyện này. Thời gian ấy Tạ Chí Đại Trường viết sử, chuyên nghiên cứu về văn hóa Tây Sơn. Tôi viết được đôi bài rồi ngừng. Giữa cảnh chiến tranh, người Việt đang đi vào cuộc hành trình khổ nạn bất trắc, đời lính lênh đênh khó kiên nhẫn.
Mười bốn năm sau. Năm 1979, khi bị giam tại K1 trại Tân Lập Vĩnh Phú, tôi lại gặp sử gia Phạm Văn Sơn. Con người đáng trân trọng đã dành cả đời nghiên cứu sưu tầm và viết sử. Ông Sơn khuyên các bạn trẻ đã đọc sử nên hiểu lẽ thịnh suy. Kinh nghiệm lịch sử vực con người vươn lên từ nỗi đau từ ngục, lạc quan và tin tưởng ở tương lai.
Đầu năm 1993 đến định cư tại liên bang Mỹ. Tôi cố dành nhiều thời gian đọc lại sử Việt. Nhận ra nhiều điều băn khoăn ngờ vực. Lĩnh ý bằng hữu tập viết truyện sử, tôi kịp nhận ra mình đang đi vào con đường chông vênh trắc trở. Rất cần suy tư cẩn trọng trong sáng, không phông túng đến độ vẽ rắn thành rồng.
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong lửa đạn, từng chứng kiến cảnh núi xương sông máu, từng chịu cay đắng xử nhục phải hiểu hơn ai hết, bao xương máu các thế hệ người Việt đã đổ trên quê hương cần phải được suy nghiệm. Suy nghiệm để nỗi đau không trở thành vô nghĩa. Lịch sử không thể sửa nhưng kinh nghiệm lịch sử sửa được tương lai. Tôi quyết định chọn thời điểm nhà Lê mạt vận. Khi những thế lực thù nghịch tranh ngôi vương bả. Cuộc chiến tương tàn dần đến sự chia cắt đất nước.
Niềm vui của người viết là sự gần gũi trân trọng. Chìm đầm trong thời đại và nhân vật lịch sử, những con người trăm năm qua đi nhưng mãi mãi đi vào lòng dân. Cùng là gửi chút tâm tư, hy vọng vào tương lai dân tộc.
Sau bài đầu viết về “Trường hợp Mạc Đăng Dung”. Bài viết một phần dựa vào quan điểm của sử gia Phạm Văn Sơn nhận định về triều đại nhà Mạc. Anh Phạm Tủ, Tổng Thư Ký Hội Đồng Tông họ Mạc tại San Jose gửi tặng tài liệu trên năm trăm trang đánh máy viết về triều đại nhà Mạc. Kèm theo là quyền gia phả Mạc Phạm tộc do giòng họ đẩy công sưu tầm. Được khích lệ, tôi viết tiếp giai đoạn họ Trịnh làm chúa tể Bắc Hà,
Chuyến đi Houston năm 1997, Nguyên Vũ đọc truyện cho thêm nhiều ý kiến xác đáng. Nguyên Vũ ngoài viết văn còn là một sử gia uyên bác. Anh Trịnh Bả Hoa, hậu duệ chúa Trịnh bổ túc thêm chi tiết về giòng họ. Sau này, Võ Sư Sáu Kiệt lại kể cho nghe nhiều giai thoại kỳ thú về đất võ Bình Định và anh em Tây Sơn.
Hơn ba năm sau, nhờ tài liệu bằng hữu tặng cộng với nhiều sử liệu khác. Tập truyện Mộng Bá Vương hoàn thành.
Ghi lại những nét đặc sắc trong giai đoạn lịch sử ba trăm năm, kể từ khi Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê đến lúc Tây Sơn mạt vận.
Cảm ơn bằng hữu quỷ mến khích lệ. Quý anh chị Bùi Công Nguyên, Dung Krall, Đức Phổ, Lâm Chương, Hoàng Đình Ngoạn, Phạm Thế Truyền, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Thảo Trường, Trần Vân Nga….
Cảm ơn quý anh Nguyễn Trọng Khôi, Lâm Chương lo phần kỹ thuật.
Cảm ơn quý vị độc giả độ lượng với những thiếu sót.
Cuối năm Canh Thìn 2000
Tác giả kính bút