Bước vào thế kỷ 21, nhân loại phải đối mặt với những thách thức hết sức gay go, đó là sự thay đổi các chu kỳ hoá địa sinh, sự tổn thất và suy thoái các chức năng hệ sinh thái, sự biến đổi về khí hậu thời tiết theo chiều hướng xấu, biến đổi về thuỷ lực học, bệnh truyền nhiễm lây lan, môi trường ô nhiễm nặng và lạm dụng việc sử dụng tài nguyên. Trong đó sự mất mát về các loài động thực vật – Được gọi chung là sự suy thoái Đa dạng sinh học – Một trong những nguồn tài nguyên quí giá không thể thay thế được. Sự cần thiết để duy trì hay nâng cao đa dạng động thực vật trên bề mặt trái đất cũng như ở dưới bề mặt đất là hết sức cần thiết, đó cũng là sự sống còn và đảm bảo cho phát triển bền vững trên trái đất này.
Tại nhiều Hội nghị trên thế giới đã thảo luận nhiều về các giải pháp giảm thiểu sự suy thoái chức năng các hệ sinh thái và môi trường. Việc nâng cao tính đa dạng sinh học trong hệ thống nông lâm đã được đặt ra cấp thiết, đa dạng sinh học như một hợp phần cần thiết nhất cho sự phát triển hệ thống sinh thái nông lâm tại các nước khu vực Đông Nam châu Á và toàn cầu. Cùng với các hợp phần sử dụng và lựa chọn sử dụng đất, bảo vệ môi trường, quản lý lưu vực các con sông và rừng đầu nguồn, tăng cường tích trữ cacbon, cân bằng giữa môi trường và lợi ích kinh tế. Đó là những thành phần quan trọng của các hệ thống nông lâm kết hợp. Tuy nhiên, mỗi một vấn đề đều có vai trò quan trọng khác nhau của nó, trong khi đó, đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng và quyết định cho sự thành công của việc bảo tồn tài nguyên vùng đồi núi và góp phần nâng cao đời sống của con người, đặc biệt đối với những vùng dân cư vùng núi và trung du.
Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực đang đứng trước những thử thách lớn về vấn đề môi trường ô nhiễm và sinh thái suy thoái. Dân số tăng nhanh, khoảng 80 triệu (2002), trong khi khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách ồ ạt. Trong 20 năm trở lại gần đây, hầu hết rừng bị phá và đốt, tài nguyên ngày càng bị suy thoái và cạn kiệt. Đặc biệt sự đa dạng về động thực vật bị đe dọa nghiêm trọng, tình trạng này đang báo động cho cả nước. Để đảm bảo cho phát triển bền vững và bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quí giá, những tài nguyên vốn có của tự nhiên và đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng người Việt Nam, điều quan trọng là phải sử dụng tối ưu tài nguyên thiên nhiên, tăng cường tái tạo trong quá trình sản xuất, nâng cao đa dạng sinh học là cần thiết và cấp bách.
Việt Nam là một trong những nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao, có khoảng 10% tổng số các sinh vật trên thế giới có mặt ở Việt Nam, có nhiều động vật và thực vật quí hiếm ở rừng Trường Sơn, Tây Nguyên mà nhiều nơi khác trên thế giới không có, trong những năm gần đây, số động vật mới quí được phát hiện như Mang Trường Sơn, Hươu sao, Sáo….. Trong khi, nguy cơ cạn kiệt các động thực vật quí hiếm và suy thoái đa dạng sinh học cũng đang được báo động cho nhiều cấp, ngành và cả chính phủ. Từ Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng Hoà Nam Phi, 2002), sau đó đến các nghị định KYOTO và tiến trình 21, Việt Nam đã hướng các hoạt động sản xuất theo hướng phát triển bền vững, sử dụng và quản lý hợp lý nguồn tài nguyên tự nhiên, tích cực tái tạo tài nguyên. Với ý thức đó, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đã thỏa thuận một tiến trình cho phát triển bền vững ở Việt Nam trong thiên niên kỷ 21 này. Trong đó, bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học được quan tâm đúng mực và đầu tư thích hợp.
Trong hệ thống nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học được coi là vấn đề hàng đầu và trở thành một thành phần quan trọng của các hệ thống nông lâm kết hợp này. Đặc biệt, trong năm 2004, chính phủ đã có Nghị định 153/2004/QĐ-TTg về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), ngày 17 tháng 8 năm 2004.
TÁC GIẢ
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com