BỨC THƯ BÍ MẬT CỦA CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG TRẢ LỜI CỤ KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ NĂM 1943
Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, một bậc chí sĩ cách mạng, vứt cảnh phú quý an nhàn để theo lời kêu gọi của Cụ Phan Sào Nam, băng mình qua Nhật Bản năm 1906, hô hào cách mạng, quốc dân không ai không biết. Tiên Sinh đã du lịch khắp các nước Á-Âu và bỏ mình tại đất người năm 1951.
Nhớ ơn các bậc tiền bối hy sinh vì nước, chính phủ thể theo thiện ý của Ngô Tổng Thống, nên đã cho rước di cốt tiên sinh từ Nhật Bản về Huế ngày 12 tháng Giêng năm 1957, nêu cao tinh thần hy sinh vì dân tộc của Tiên Sinh.
Tiên Sinh nuôi chí bào cừu cho đến ngày cuối cùng mấy chục năm cũng như một ngày, sau khi Cụ Sào Nam bị bắt về nước, Tiên Sinh du lịch qua Âu Châu, rồi quay trở về Đông Kinh, tấm lòng ưu quốc không lúc nào nguôi. Những sự giao thông tin tức bí mật giữa Tiên Sinh với các Cụ Sào Nam, Huỳnh Thúc Kháng, nhờ nơi báo Tiếng Dân làm môi giới, với cái tên Nhật ‘’Minami’’ người ngoài không làm gì được biết.
Năm 1943, nhân tình thế trong ngoài nước biến chuyển, Tiên Sinh từ Nhật gửi về cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng một bức thư bằng Hán Văn (nhờ Tòa Lãnh Sự Nhật ở Huế chuyển giao), nói về việc cứu nguy cho dân tộc, Cụ Huỳnh phúc đáp kể rõ tình hình hiện tại trong nước và trình bày những phương thuốc bổ cứu, nhờ ông Ishida, Phó Lãnh Sự Nhật lúc bấy giờ chuyển đạt (ông Ishida lúc nầy là Cố Vấn Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Đông Kinh). Bức thư ấy, năm 1945 Cụ Huỳnh có dịch ra Quốc Văn và nhà in Tiếng Dân đã trích một đoạn xuất bản, còn toàn bản cảo chúng tôi thu giấu được cho tới ngày nay. Nay nhóm chính phủ Cộng Hòa Việt Nam rước di cốt Kỳ Ngoại Hầu Tiên Sinh về nước, chúng tôi cho ra bức thư này cùng một tài liệu quý báu về lịch trình cách mạng của dân tộc ta trong non nửa thế kỷ thuộc Pháp về trước, đồng thời được biết lòng hoài bảo và chỗ minh đạt của bậc chí sĩ lão thành (67tuổi) cùng sự hoạt động của Kỳ Ngoại Hầu Tiên Sinh không lúc nào ngừng. Còn về lịch sử Tiên Sinh chúng tôi đã cho ra quyển Cường Để năm 1951, và gần đây ông Tráng Liệt (trưởng nam Tiên Sinh), đã cho ra quyển Tự Truyện Tiên Sinh.
Bức thư nầy lúc bấy giờ nếu rủi tiết lọt vào mắt bọn thực dân, độc giả hẳn cũng biết số phận của tác giả đã ra thế nào.
Hạ Đinh Dậu, 1957
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com