I. ÔNG QUAN VÀ KẺ SĨ
Một hôm Albert Camus đưa ra nhận xét rằng hòa bình thế giới có thể bảo vệ, nếu những người có thiện chí ở các nước thành lập được một thứ hội đoàn quốc tế theo kiểu các sĩ phu nho học và dựa trên cơ sở học thuyết của Khổng Tử. Tôi hỏi lại ông dựa trên cơ sở nào để nghĩ rằng học thuyết nho giáo hiện nay có thể phục vụ cho thiết lập nền hòa bình thế giới.
Dựa trên các văn bản của Khổng Tử mà tôi đọc được, Camus trả lời.
Tôi nói: – Nho giáo là một bộ phận cấu thành của một xã hội nhất định. Có thật ông nghĩ rằng có thể tách nó ra khỏi bối cảnh lịch sử và xã hội nhất định. Có thật ông nghĩ rằng có thể tách nó ra khỏi bối cảnh lịch sử và xã hội để phục vụ lại thời đại chúng ta chăng?
Camus giơ hai tay lên trời đáp: – Biết sao được, tôi chỉ biết nho giáo qua sách vở, vả lại tôi không theo chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Đối với Albert Camus, nho giáo là một học thuyết như mọi học thuyết khác, đọc được một cách tình cờ và giống như mọi học thuyết lớn khác, người ta có thể tìm thấy ở đây một căn cứ để mở tầm nhìn rộng lớn đối với con người và đối với vũ trụ. Đối với người Việt Nam, nho giáo còn hơn là một thứ học thuyết ghi chép trong sách của thánh hiền; đó là một di sản của lịch sử, một di sản cơ bản để tiếp thu, để chống lại, để vượt qua trong quá trình chuyển biến lịch sử mà đất nước đang phải trải qua trong thời đại hiện nay.
Tôi thuộc thế hệ những nhà trí thức Việt Nam, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tiểu học, học lịch sử qua sách giáo khoa của Ernest Lavisse rằng “Tổ tiên chúng ta là người Gô-loa”. Ở trường, người ta không dạy chúng tôi học thuyết nho giáo nữa, nhưng các bậc cha chú và anh chúng tôi, người thì làm quan, kẻ thì là nhà nho, tất cả đều thấm nhuần tư tưởng nho giáo. Cả áp lực chính thống của nho giáo đè nặng lên tuổi trẻ của chúng tôi: Người ta nhân danh Khổng Tử để ngăn cấm chúng tôi nhiều điều, cũng như buộc chúng tôi phải tuân theo nhiều thứ kỷ luật. Trước hết nho giáo đã tồn tại trên những cột nhà, trên các bia đá,trên các cổng đền chùa với những dòng chữ Hán nhắc nhở từng bước đi của chúng tôi cho đúng truyền thống nho giáo. Trong ngôn ngữ hàng ngày và trong văn học đầy rẫy những thành ngữ và những câu trích dẫn của nho giáo..
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com