Cuốn sách Sóng Ở Đáy Sông thuộc thể loại truyện ngắn có nội dung kể về Núi sinh ra trong xã hội thời bao cấp. Từ một gia đình giàu có đã phá sản, một người cha khắc nghiệt đã thất thế. Cha hắn là một người đàn ông được pha trộn giữa cái gia trưởng của xã hội cũ với sự lý trí của người Pháp, thành ra ở ông cái gì cũng dở dang, và khiến cho đời con ông – là Núi – cũng dở dang.
Mẹ hắn vốn là con ở cho cha hắn, hai người vụng trộm sợ mang tiếng nên ông lấy về, nhưng ông chỉ coi mẹ con hắn như đồ “loại 2”, tức là cái ngữ chả hy vọng gì được. Đây là bi kịch đầu tiên, và cũng là mầm mống cho các bi kịch sau này của đời hắn. Chỉ có điều, đứa con hư hỏng như hắn thì bị pháp luật trừng trị, nhưng người làm cha mẹ vô trách nhiệm và độc ác như cha hắn thì có pháp luật nào trị không?
Mẹ mất sớm, vì phải sinh quá nhiều con cho cha hắn, 4 anh em hắn cố nhiên thành mồ côi. Đến người vợ cha hắn cũng chỉ coi như máy đẻ và cạn tình sau khi qua đời, thì 4 anh em hắn cũng cố nhiên bị lơ là, và đói khát. Là anh cả, hắn phải nuôi em, chỉ còn cách đi làm ăn phi pháp. Và quãng đời sau này nuôi con gái cũng bằng những đồng tiền phi pháp khác. Nhưng cũng nhờ đứa con gái, và cả một đứa con trai rơi mà hắn tu chí, hoàn lương. Làm lại cuộc đời bên người tình thời trai trẻ.
Cuốn sách Sóng Ở Đáy Sông đã được dựng thành phim cùng tên. Nhìn chung cả phim và sách có lẽ chỉ thỏa mãn cho nhu cầu thiếu thốn văn hóa phẩm thời thơ bé. Nay, mình đọc sách thì thấy nó cũng thường thường, không có gì nổi bật cho lắm. Nhưng dù sao cũng đáng đọc.
► Các sách này cũng hay lắm nè:
***********
Sóng ở đáy sông mở đầu bằng những lát cắt trong suy nghĩ của tù nhân Phạm Quang Núi, về lý do vì sao anh lại ra tù vào trại chẳng nhớ rõ bao nhiêu lần, về lý do vì sao bố anh lại đối xử với anh như thế, vì sao anh lại lựa chọn làm những việc này. Cuộc đời lên xuống của một Phạm Quang Núi dựa vào đây bắt đầu được mở ra với vô vàn thăng trầm và vô vàn tình yêu vây quanh. Câu chuyện của Núi thật buồn và chua xót khi anh có một người bố, mà như anh nói, “nếu không học trường Tây, trường ta” có lẽ đã yêu thương và bao dung với anh hơn. Có lẽ anh đã có một cuộc đời khác và các em anh, là anh Sông, chị Biển, anh Cả không phải vật lộn, bôn ba đến thế này. Có thể vì chẳng có được tình yêu của bố mà anh Núi dễ yêu, dễ quyến luyến và luôn cố gắng có trách nghiệm với tất cả những người phụ nữ nấn ná lại cuộc đời anh. Có lẽ anh nhớ tới mẹ, người mẹ có một cuộc đời vất vả và ra đi trong đau đớn mà bên tai còn văng vẳng lời kể công của bố anh khi đưa bà đi viện đẻ.
Cuốn Sóng Ở Đáy Sông này có các đặc điểm của văn học thời chiến mà tôi thích, ấy là nhẹ nhàng, da diết, sâu cay và chua xót. Nếu ông bố đối xử tệ với anh Núi, thiên vị các con và phân biệt giai cấp của các bà vợ thì xã hội và cộng đồng làng xã của Núi lại không hoàn toàn rời bỏ anh. Người ta dẫu thấy anh trộm cắp nhưng vẫn nói tốt cho anh, rằng “thằng ấy kiếm tiền nuôi em, nuôi con”; người ta nói xấu anh nhưng không tiệt đường hoàn lương của anh, vẫn cho anh cơ hội để buôn bán kiếm đồng nuôi con, dẫu như anh nói là “cái đất Hải Phòng này nhỏ, ai mà chả biết quá khứ của anh”; người ta lo cho anh khi anh bị giải lên đồn; người ta vội vã bế con anh lên viện khi cháu nó sốt những 41 độ và sẵn sàng nghe bác sĩ mắng dù với đứa trẻ, họ chỉ là những người xa lạ. Ít nhất, cuộc đời không bỏ rơi anh nhưng cũng chưa thể cho anh một sức bật đủ lớn để anh thoát khỏi vũng lầy của đời mình. Có lẽ, thứ anh Núi thiếu chính là tình yêu và cũng chỉ có tình yêu mới đủ lớn lao, đủ sức nặng để đưa anh thoát khỏi con đường đen tối kia.
Chẳng biết thế nào mà trưa nay, tôi được nghe lại một thảo luận về tính thiện của con người, rằng nhân chi sơ tính bản ác hay nhân chi sơ tính bản thiện. Dù luận bàn về hướng nào thì con người cũng không thể cứ như thế được sinh ra, lớn lên với bản tính cố hữu mà sẽ còn tùy thuộc vào môi trường và vốn cá nhân để định hình “tính người”. Đấy là cũng như anh Núi nói “Nhưng đúng là nếu có một con đường mới tốt hơn, liệu có ai dại mà đâm đầu vào những con đường cũ xấu xa”. Các thảo luận liên quan đến đạo đức, phẩm hạnh và tính duy lý với tôi chưa thể ngừng lại. Trong một thời điểm, tôi chỉ có thể ủng hộ vế này nhiều hơn về kia một chút. À đấy thì ngay bản thân tôi cũng không nghiêng hẳn về kiểu giải thích nào cho tính người. Tôi sẽ kết phần review của mình bằng một đoạn mà tôi thấy bác tác giả dường như đã gom hết những đắng cay của Núi suốt một đời kia đặt vào.
“Nếu người ta biết rằng dưới đáy sông Lấp vẫn còn có hai dòng nước chảy ra cửa sông Cấm. Sự lên, xuống của con nước, sự rào rạt của sóng vỗ cũng từ đáy sông mà tạo nên. Nếu người ta biết là lấp sông vẫn còn nước chảy, còn sóng vỗ, thì hàng trăm năm trước người ta lấp sông làm gì?”
Cái kết có nhanh thì cuốn Sóng Ở Đáy Sông này với tôi vẫn 5/5
Nguồn: https://ebookvie.com