Cuốn sách “Hắc Oa” mang đến một câu chuyện đầy màu sắc về cuộc đời của Giản Phàm, một chàng trai từng có ước mơ trở thành đầu bếp nhưng lại trở thành một cảnh sát hình sự sau những biến cố đời thường. Sự kết hợp giữa các yếu tố hành động, tình cảm và thương trường tạo nên một câu chuyện hấp dẫn và đầy sức lôi cuốn.
Đặc biệt, việc miêu tả các món ăn trong sách được thực hiện một cách sống động, khiến độc giả cảm thấy như đang thưởng thức các món ăn ngon lành ngay trước mắt. Những chi tiết về ẩm thực không chỉ làm giàu câu chuyện mà còn cung cấp thêm kiến thức thú vị về nghệ thuật nấu nướng và các thủ thuật làm đẹp món ăn.
Nếu bạn thích thể loại truyện đô thị thực tế, không hề có yếu tố siêu nhiên, thì “Hắc Oa” là một lựa chọn tuyệt vời. Cuốn sách mang đến cuộc sống chân thực, những tình huống đời thường và những cung bậc cảm xúc phong phú của con người.
Mời các bạn đón đọc Hoắc OA của tác giả Thường Thư Hân
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
QUYỂN 1 – Ô LONG ĐỆ NHẤT OA
Chương 001: Bình sinh ghét nhất thi cử.
Reng … Reng … Reng …
Hồi chuông gấp gáp vang vọng trong sân trường Nhất Trung, cả trường đều nghe thấy.
Tiếng chuông phá vỡ không khí tĩnh mịch của trường thi! Giám khảo vừa mới hô nộp bài, tức thì tiếng kéo ghế sầm sập, tiếng bài thi xoàn xoạt, tiếng rì rầm bàn tán làm phòng thi yên ắng hơn hai tiếng hỗn loạn, các chàng trai cô gái thanh lịch bất chấp hình tượng, xắn tay áo dùng tốc độ nước rút đứng tại chỗ chép đáp án! Tóm được ai hỏi người đó, nhìn thấy gì chép cái đó, rất có khí thế một đi không trở lại.
Ba giám khảo nhìn cái đám thí sinh không giống học sinh, đều ngầm lắc đầu, tâm tình rất phức tạp! Đây là cuộc thi tuyển nhân viên cơ quan hương trấn toàn huyện, tới thi đều là sinh viên tốt nghiệp đại học, tính tròn có mười ba vị trí, ấy vậy mà báo danh hơn trăm người, gần tỉ lệ 1 chọi 10.
Biết làm sao, cái thời đại lên đại học lấy giấy phân phối về quê cầm bát vàng đã qua rồi, biên chế khó vào, công việc chẳng dễ kiếm, cạnh tranh quá kịch liệt, ngay cả cơ quan nhỏ hương trấn cũng thành đối tượng sinh viên theo đuổi.
Giám khảo là người văn phòng chính phủ huyện phái về, vừa ra sức lắc đầu từ chối thỉnh cầu cho viết thêm vài chữ của một nữ sinh vừa quát mọi người mau rời phòng thi, còn phải nhanh tay thu bài, mở chuồng thả đàn thí sinh loạn như đàn dê ra khỏi phòng.
Í, vẫn còn một vị ngoan cố tới cùng, một vị ngồi ở góc tường mắt như trộm không biết chép được bao nhiêu đáp án vẫn đang viết quên ngày mai. Thấy giám khảo đi về phía mình, tức thì hiện lên nụ cười nịnh nọt. Anh chàng đẹp trai hai mươi này có nụ cười tuyệt đối mang sức sát thương trí mạng với nữ giới.
Cho dù chàng trai đó đẹp mã lắm, cho dù nụ cười đó rạng rỡ lắm, có điều nhầm đối tượng rồi. Thu bài là bác gái trên bốn mươi, chẳng màng nụ cười thí sinh, vỗ bàn phát thông điệp với phần tử làm loạn kỷ cương phép nước: “Không nộp bài là trừ điểm nhé.”
Mắt bác gái càng có sức sát thương, như nhìn thấy kẻ thù giai cấp.
“Dì ơi, sắp xong rồi … sắp xong rồi … phải để cháu viết tên chứ!” Chàng trai đó cười thật ngọt, tay chân luống cuống điền tờ phách bài thi, thở dài một tiếng, ngay ngắn viết tên mình: Giản Phàm.
Khi nộp bài thi rồi anh chàng này còn giật phắt lại, cứng đầu sửa đáp án còn nghi vấn từ “A” thành “B” rồi lần nữa nộp bài, cười nhe răng.
Bài thi cuối cùng giao lên cho giám khảo, bác gái lườm Giản Phàm, như đang mắng “sớm không làm đi!”, nhìn đáp án vừa sửa, cười trên đau khổ người khác bình phẩm: “Sao lại sửa đáp áp đúng thế?”
“Hả? Cháu, cháu sửa lại …”
Giản Phàm hối hận không thôi muốn lấy bài thi, bác gái đó vung tay trừng mắt, tay Giản Phàm khựng lại giữa không trung.
“Không có chút ý thức kỷ luật, sinh viên bây giờ đều như cậu à? Thế này tương lai sao vào cương vị công tác được?” Bác gái chỉnh lại bài thi, mắng vài câu.
Hai vị giám khảo còn lại mặt hầm hầm nhìn nhìn thí sinh tên Giản Phàm cúi đầu rời phòng thi.
“Ài …” Giản Phàm thở dài não ruột.
Cứ thi xong là thở dài, lần nào cũng vậy, từ bé tới giờ không có gì thay đổi, thi cử giống như khác biệt giữa lý tưởng và hiện thực, nghĩ thì hay, làm thì tệ, lần này thở dài hơn những lần trước.
Trải qua mấy ngày nóng liên tiếp, sáng nay có được cơn mưa rào, vừa tạnh chưa lâu, không khí mát mẻ, còn lòng Giản Phàm đơn giản là lạnh băng.
Vấn đề tam nông, một tăng hai giảm, trường học hưng nông, khai phát giàu nghèo … Một loạt từ ngữ mà tới giờ Giản Phàm còn chưa làm rõ hết, đầu óc bị đề thi làm quay mòng mòng, kiến thiết nông thôn mới là cái gì? Thế nào là thời vụ tiết khí? Thế nào là “ba chuyển biến bốn thay đổi năm đề cao” của chính phủ huyện? Đề cuối cùng không ngờ còn bắt đám sinh viên vừa tốt nghiệp thậm chí không biết nông thôn là cái gì phải đưa ra mục tiêu vàng cho tân nông thôn Xã hội chủ nghĩa.
“Mục tiêu vàng? Nếu có mục tiêu vàng, mình tới mức ở nhà chờ việc không? … Nông thôn chẳng phải là trồng cây làm ruộng, nuôi bò nuôi lợn à? Cứ như chưa ai từng ở nông thôn vậy, cần làm khó hiểu vậy không? Bà nó chứ, chỉ lắm chuyện.”
Giản Phàm rất không tán đồng, chuyện đơn giản thôi mà thăng lên tầm lý luận với thi cử là hoang đường ngay, thi cử xưa nay là thứ dùng đả kích tự tin của mình, cứ thi thêm vài lần nữa, Giản Phàm chắc chắn tự tin của mình sẽ bị tước đoạt hết.
Phải rồi, còn phải nộp mười lăm đồng phí báo danh nữa chứ! Lại nộp tiền ngu rồi.
Rời khu phòng học, đỉnh đầu treo tấm băng rôn “Kỳ thi chiêu sinh thống nhất nhân viên hương trấn huyện Ô Long”, dưới băng rôn là nữ nhân mặc quần dài áo cộc tay, mang hình tượng giáo viên tiêu chuẩn, vừa giản dị vừa cao nhã, khiến mọi con mắt chăm chú nhìn vào. Khuôn mặt vô cùng xinh đẹp thì vĩnh viễn luôn nghiêm túc như thế, đỡ xe đạp thi thoảng chào hỏi người đi ra đi vào, rất nhiều sinh viên nhận ra cô giáo tiếng Anh của Nhất Trung, Mai Vũ Vận! Nhiều người còn ngạc nhiên, bao nhiêu năm như vậy, cô giáo Mai vẫn xinh đẹp như xưa.
Giản Phàm thì chẳng thấy xinh đẹp gì hết, lại còn thấy có vị đắng bốc lên từ dạ dày, cứ như phạm lỗi, lề mề nhấc chân, tới gần mới miễn cưỡng nặn ra nụ cười: “Sao mẹ lại tới đây?”
“Thi thế nào?” Mai Vũ Vận nghiêm mặt hỏi.
“Thì vẫn thế.” Giản Phàm ngượng ngùng đáp.
“Thế là thế nào?” Mai Vũ Vận nhìn vẻ mặt con là biết chẳng ra sao.
“Cái biết thì vẫn biết, cái không biết thì vẫn không biết, còn thế nào nữa ạ?” Giản Phàm mặt dày mày dạn thành tính, lần nào đi thi cũng trả lời qua loa như vậy.
“Tốt nghiệp một năm mới có cơ hội này, nhìn con kìa, lại thi hỏng chứ gì?” Mai Vũ Vận nói rồi xỉa ngón tay vào đầu Giản Phàm, dáng vẻ chán nản, thói quen nghề nghiệp mà, gặp phải học sinh nghịch ngợm không chịu học tập là giận rồi.
Bị xỉa tay là nhẹ đấy, từ nhỏ tới lớn, từ mông lên đầu ăn đòn không ít, đánh thật không đùa, không phải là cuốn sách dày thì là chổi lông gà. Nhà người ta cha hiền mẹ dữ, nhà y thì ngược lại, từ bé đến giờ, toàn bị mẹ đánh chứ không phải cha.
Hai mẹ con mặt mày rất giống nhau, mẹ xinh đẹp và con anh tuấn, có điều di truyền được cái vẻ đẹp mà thiếu cái thông minh. Nói thật, ngay cả Giản Phàm cũng tức lắm, câu danh ngôn “dao sắc không gọt được chuôi” thế nào mà bất hạnh ứng nghiệm trên người y. Mẹ có vô số học sinh, có cả người vượt muôn vàn trùng dương ra nước ngoài lập nghiệp thành đạt, vậy mà không dạy được con mình, mẹ dạy tiếng Anh, mà tiếng Anh của Giản Phàm tới thi đại học cũng không hợp cách. Bỏ tiền học tạm trường hạng ba, thế nên bằng tốt nghiệp liền thành vấn đề, chẳng những Giản Phàm nhìn phiền lòng, Mai Vũ Vận nhìn càng buồn bã.
“Mẹ ~~~~ “Giản Phàm kéo dài giọng, lời ngon tiếng ngọt dỗ mẹ: “Mẹ đừng lo bừa nữa, con thấy lần này căn bản không hi vọng, nhân tuyển người ta xác định sẵn rồi, thi cho có thôi, con tới góp vui.”
Lời này không sai, từ nhỏ tới lớn Giản Phàm đi thi đều góp vui! Tức là sao, là đi cho có ấy mà.
—-
Chương 002: Thằng bạn xấu.
“… Tí cái tuổi đầu, đầu óc con nghĩ gì thế hả? Bản thân không chịu nỗ lực, chỉ đổ lỗi hoàn cảnh, công việc của con chưa ra đâu vào đâu mà mẹ chẳng thấy con sốt ruột gì hết.” Mai Vũ Vận lại xỉa tay tới, thấy sắc mặt con không tốt, lại sợ người quen cười, nên thôi. Dù sao thì còn lớn rồi, giáo dục kiểu đánh đòn không tác dụng nữa.
Biết làm sao giờ, cây con đã trưởng thành, dù có cắt tỉa cành nó cũng không lớn được.
– Con sốt ruột cũng ích gì đâu? Vả lại con cùng cha mở quán cơm không phải tốt à? Không phải con tới chỗ chú làm cảnh sát hỗ trợ à? Con cũng kiếm được tiền, làm sao nhất định muốn con thi công vụ viên? Nhà ta làm nổi cán bộ à? Đếm bảy tám đời trước không phải nông dân thì cũng là thợ thuyền, chẳng lẽ kỳ tích lại bỗng nhiên xảy ra trên người con? Ngay cả chú con cũng làm lính chuyển nghiệp mới kiếm được cái mũ cảnh sát … Mẹ, con làm cơm cho mẹ nhé? Con sắp học hết nghề của cha rồi, để con chăm mẹ.” Giản Phàm cười nịnh, lần nào cũng dỗ mẹ vui vẻ như thế, còn chu đáo vuốt phẳng chỗ áo chẳng nhăn trên vai, bộ dạng lấy lòng.
“Đồ kém cỏi, giống hệt cha con, cả đời chỉ biết quanh quẩn bên cái nồi.” Mai Vũ Vật bật cười, con trai giáo dục đòn roi từ nhỏ mà ra, tuy chẳng có sở trường gì, nhưng biết thương người, biết quan tâm, chỉ có chỗ an ủi đó thôi. quay sang nhìn con đã cao hơn mình cả cái đầu, lắc đầu thương hại: “Tiểu Phàm, sao con chẳng chịu phấn đấu thế, con nhìn cha con thức khuya dậy sớm có vui không? Chú con chiếu cố cho con vào đội trị an có lâu dài được không? Phải có biên chế mới được, cả đời gió thổi không bay, mưa rơi không mòn, chẳng tốt hơn bây giờ à? Mẹ lo cho con, nhưng con phải nỗ lực chứ?”
Mẹ lại bắt đầu thuyết giáo rồi, Giản Phàm làm ra vẻ rửa tai lắng nghe, nhân lúc mẹ nói tới kích động, ôm vai mẹ cười: “Mẹ … Đừng làm con cảm động như thế được không? Mẹ là niềm kiêu hãnh của con, không nhất định muốn con thành niềm kiêu hãnh của mẹ chứ? Cha mẹ có em gái con là đủ kiêu ngạo rồi, không nên kiêu quá làm gì.”
“Con … Con …” Mai Vũ Vận nhận ra con trêu mình, đẩy Giản Phàm ra: “Chỉ biết mồm mép, con mà thông minh bằng nửa em con, mẹ đã không phải lo.”
Giản Phàm có đứa em gái tên Giản Lỵ kém y ba tuổi, học đại học xa nhà, thành tích rất tốt, ước mơ cũng muốn làm cô giáo giống mẹ. Em gái y tính giống mẹ, mặt giống cha, còn y thì tính giống cha, mặt giống mẹ.
Hai mẹ con không khí hòa hợp lại, tạm quên chuyện không vui, Giản Phàm tranh thủ chuyển đề tài sang em gái, em gái y thì ghê gớm rồi, đỗ đầu toàn huyện được tuyển thẳng vào đại học, đang khiến cả nhà, đặc biệt là mẹ tự hào, ngay cả y cũng thấy nở mày nở mặt.
Mai Vũ Vận không trách con quá mức, cũng hiểu bây giờ chuyện việc làm khó khăn hơn trước, có khối người tốt nghiệp hai ba năm vẫn ở nhà, khá hơn ở thành phố lêu lổng kiếm việc, tệ chút thì vẫn đưa tay vòi tiền, ở mặt này con trai hơn nhiều, vừa giúp việc trong quán ăn, lại làm cảnh sát hỗ trợ của đội trị an, biết kiếm tiền, ít nhiều chiếu cố được bản thân.
Con trai tuy không thông minh, nhưng nó biết thương người … Mai Vũ Vận thường an ủi bản thân như thế.
“Ê, ê … Tiểu Phàm.”
Sau lưng có người gọi lớn, Giản Phàm quay đầu lại liền vui vẻ ngay, Mai Vũ Vận cũng vừa nhìn đã cười.
Một tên béo mặc cái áo sơ mi hoa hoét bó lấy cái bụng to tựa thùng phi, tựa hồ chỉ cần thở mạnh một cái là bay luôn hàng cúc, thở phì phò đang chạy tới chỗ hai người, đó là bạn thủa nhỏ của Giản Phàm, cũng là học sinh của Mai Vũ Vận, Phí Sĩ Thanh.
“Em chào cô Mai.” Đống thịt mỡ của tên béo rung rinh, cười chào cô giáo, ôm vai Giản Phàm, cứ như cửu biệt trùng phùng vậy, kỳ thực trước kỳ thi hai đứa còn đi chơi với nhau. Mai Vũ Vận không phản đối con trai chơi với Phí Sĩ Thanh, thằng bé béo này trừ đống thịt mỡ không vừa mắt thì cũng không làm hư con trai, hơn nữa con trai đứng cạnh hắn, trông càng đẹp trai.
“Mẹ làm gì cứ làm đi, con đi với Sĩ Thanh một lúc …” Giản Phàm nói rồi kéo thằng bạn đi, không dám tâm sự với mẹ lâu.
“Tối về sớm đấy.” Mai Vũ Vận gọi với theo.
Giản Phàm đáp: “Tối nay con trực, sau 12 giờ mới về.”
“Đi làm khuya cẩn thận.” Mai Vũ Vận lên xe đạp đi mất.
Cô giáo đi rồi, Sĩ Phí Thanh muốn lên tiếng, Giản Phàm thiếu chút nữa chọc tay vào mặt tên béo, cảnh cáo: “Đừng hỏi tao thi thế nào.”
Từ nhỏ tới lớn, trên đời này chỉ có mẹ và em gái khiến y kiêng kỵ không đối phó nổi, ra ngoài đường Giản Phàm là nhân vật khiến người ta kiêng nể, khuôn mặt không giận mà uy, nên giờ người nịnh nọt thành Phí Sĩ Thanh.
Phí Sĩ Thanh nghe giọng điệu là biết ngay là thằng này thi chả ra làm sao rồi, nắm tay huynh đệ đầy thâm tình: “Được, tao hiểu, không hỏi nữa. Tao cũng đội xổ thì cười gì mày? Vừa rồi bị mẹ mắng hả?”
“Lắm mồm, bảo sao người ta gọi mày là phế phẩm, không nói chẳng ai bảo câm đâu.” Giản Phàm trừng mắt, tên này quan tâm không phải lối.
“Hừ, ngoại hiệu của tao là do mày đặt chứ ai.” Phí Sĩ Thanh phản bác, thằng quỷ này gặp ai cũng đặt đủ thứ biệt hiệu.
“Có chuyện gì không, không thì tao đi, tao phải về giúp cha tao, không rảnh lải nhải với mày.”
“Có, tất nhiên là có …” Phí Sĩ Thanh thấy Giản Phàm mất kiên nhẫn kéo sang bên thần bí nói: “Mày cúng cho người ta chưa, cho mày biết, cha tao nói, lần này phải chừng này mới nói chuyện được.”
“Ba nghìn à?” Giản Phàm nhướng mày nhìn ba ngón tay nần nẫn thịt của thằng bạn.
“Mày keo hơn cha mày, thời buổi này ba nghìn làm được gì, không đủ mời người ta ăn một bữa cơm. Ít nhất là ba vạn, mới là mở đường thôi đấy, còn muốn công chức đàng hoàng chưa biết phải tốn bao nhiêu.” Phí Sĩ Thanh làm vẻ mặt hết hồn.
“Phế Phẩm, cha mày là cục trưởng, cha tao là đầu bếp, so được không? Cha mày uống máu người khác, cha tao đổ mồ hôi xương máu, tao sao mặt dày bảo cha tao bỏ cả đống tiền kiếm việc làm cho tao được? Vả lại em gái tao phải học đại học, tốn kém lắm, cha tao muốn cũng lấy đâu ra? Sớm biết thế này tao chẳng về huyện nữa, ở tỉnh thành kiếm vừa việc gì làm cho rồi.”
Giản Phàm phiền lòng, biết bằng đại học hạng ba như mình chẳng đáng kể, kiếm việc khó, sau khi mất việc thì không dám ở lại thành phố lớn nữa về nhà, ai mà ngờ bây giờ ở quê kiếm việc cũng chẳng dễ hơn thành phố. Hôm nay đi thi mới phát hiện sinh viên tốt nghiệp mấy năm trước cũng góp vui, xem ra chẳng hi vọng gì kiếm được công việc mà chẳng phải lo thiên tai mất mùa rồi.
Ở trường toàn lý tưởng mỹ hảo, ra khỏi trưởng chỉ còn lý tưởng không thiết thực.
—-
Chương 003: Ô Long đệ nhất oa. (1)
“Oa ca, chúng ta là anh em, đi tới đâu nói lời ở đó, dù sao cũng về rồi, không sao, có quan hệ gì thì lo lót đi, đừng để lỡ lần này, lần sau biết bao giờ? Chẳng lẽ về rồi lại còn đi? Kiếm được biên chế hành chính là tốt nhất, không thì kiếm biên chế sự nghiệp cũng được, cùng lắm thì biên chế xí nghiệp cũng tạm, tóm lại là chắc chỗ đứng đã.” Sĩ Phí Thanh nói cũng có ý tốt.
Giản Phàm hỏi: “Vậy mày thì sao? Có cửa nào không?”
“Hê hê, cha tao nói rồi, dù sao tao chẳng nên cơm cháo gì, để tao xuống hương trấn, làm trưởng thôn hay là cán bộ xã gì đó, vài năm về thành phố, nói không chừng nâng lên phó xã trưởng, thế là đủ ngầu.” Phí Sĩ Thanh vênh váo nói.
Giản Phàm bĩu môi khinh bỉ: “Nói như chính phủ huyện do nhà mày mở ấy, bằng vào óc lợn của mày, hôm nay thi ba mươi điểm là bình thường, trên ba mươi là quay cóp. Nhưng mày không có chỗ mà quay cóp … Hay là mày biết trước đề rồi, chưa bao giờ thấy mày đi thi tự tin như thế.”
“Sao mày còn chưa hiểu, thi cử chỉ là bề ngoài, sau màn mới là căn bản. Giờ vào xã hội rồi, thi không phải chỉ là làm bài thi, mà là thi tổng hợp tiền, quan hệ, quyền lực, điểm số. Trước kia giáo viên quyết định vận mệnh của chúng ta, giờ lãnh đạo quyết định vận mệnh của chúng ta, lãnh đạo nói được thì thi 0 điểm cũng chẳng vấn đề. Mày cũng thừa biết, cho tao đáp án, tao cũng chẳng làm đủ điểm.” Thằng béo đắc ý ôm bụng cười, hắn cười là phải ôm bụng trước, nếu không bụng rung chuyển là dễ mất thăng bằng ngã lăn quay lắm.
“Ôi, anh em ta càng ngày càng chẳng ra dạng gì, tao còn kém cả mày. Giờ tao không rõ đây là vấn đề ở xã hội hay vấn đề ở tao. Trước kia hay nói công chức thôi việc đáng thương, thực ra bọn mình càng đáng thương hơn, ngay cơ hội đi làm còn chả có nữa là cho thôi việc. Tao hâm mộ mày quá Phế Phẩm, có cha làm cục trưởng, chả phải lo cái mẹ gì.” Giản Phàm lắc đầu không thôi.
Cha Phí Sĩ Thanh vốn là bí thư Đảng ủy xã, khi hắn lên đại học thì cha hắn được đề bạt làm cục trưởng cục giao thông, trước kia còn đi học không thấy, hai thằng từ nhỏ chơi với nhau có để ý gì đâu, nhưng ra trường một cái, chênh lệch liền hiện rõ ngay. Giản Phàm ở trong trường như cá gặp nước, ra trường va vấp liên tục, ngược lại Phí Sĩ Thanh có cha tốt, việc gì cũng đủng đỉnh, đợi trong nhà an bài. Nghĩ thôi Giản Phàm đã thấy nản chí.
“Số khố thì đừng oán trách chính phủ, khi chúng ta ở đại học, giáo viên xã hội học chẳng nói rồi à, tốt nghiệp không có nghĩa là đã có việc, mà là thất nghiệp, chúng ta phải tiếp nhận xã hội giáo dục lại, khi nào mà giáo dục hoàn thành mới có nghiệp.” Phí Sĩ Thanh lên mặt dạy bảo.
Giản Phàm lờ mấy lời triết học rẻ tiền đó, đi nhanh hơn: “Lải nhải mãi, xem, sắp mười hai giờ rồi, trong quán bận lắm rồi, tao phải đi đây, gặp lại sau.”
“Ê, đừng đi, tao đang định rủ mày lên thành phố chơi, đi không? Mày không nhớ Hương Hương nhà mày à?” Thằng béo ám muội kéo Giản Phàm lại, xem ra mục đích chủ yếu là muốn kiếm bạn lên thành phố chơi.
“Sao mày cứ nhớ tới bạn gái của tao thế?” Giản Phàm nghe đã sôi máu, phải xa cách với bạn gái chính là nỗi đau chỉ kém hơn thất nghiệp bị thằng bạn xấu chạm vào.
“Này, bọn mày đã chia tay chưa?” Phí Sĩ Thanh vừa nghe đã hớn hở.
“Mày muốn bọn tao chia tay lắm hả?” Giản Phàm vẻ mặt bất thiện.
“Tất nhiên rồi, Oa ca, bọn mày mà chia tay, chớ trách tao tận dụng thời cơ đấy.” Phí Sĩ Thanh trêu chọc, cái mắt hí rõ dâm dục: “Hương Hương nhà mày xinh như thế, để thằng khác chẳng bằng để anh em.”
Giản Phàm nổi sùng: “Bằng vào cái thân toàn mỡ của mày à, con gái nhìn vào chẳng hứng thú nổi, nói bọn họ đói bụng còn hợp lý hơn.”
“No bụng mới sinh dâm dục mà, hô hô, Hương Hương nhà mày biết đâu thích đống mỡ của tao lắm đấy.”
“Đầu lợn, một năm chưa chỉnh mày, đuôi vểnh lên rồi hả, dám lấy cô ấy ra đùa.” Giản Phàm vừa nghe tới đó vươn tay bóp cổ thằng béo cười dâm tiện.
Hai thằng bạn xấu đánh nhau, Giản Phàm ra tay mới phát hiện, hai tháng không gặp cái cổ của Phí Sĩ Thanh to hơn một vòng, hai tay không bóp nổi, ngược lại phản ứng hơi chậm một chút đã bị cái bụng của hắn húc cho loạng choạng, suýt ngã. Giản Phàm thân thủ linh hoạt, vòng qua siết cổ thằng béo từ phía sau, siết tới thằng béo kêu cứu mới buống tay, cho một phát vào mông: “Xéo, đừng để tao nhìn thấy mày.”
Đối phó với loại này đừng mềm lòng, lúc mình buồn, hắn chỉ khiến buồn thêm. Đây là loại bạn xấu chuyên xát muối vào chỗ đau của người khác.
Giản Phàm đi trước, Sĩ Phí Thanh ở sau hậm hực lên xe Toyota chuyên dụng của cha hắn, thò đầu ra gọi: “Thứ bảy tuần sau tao gọi nhé, không đi thăm cô bạn gái như củi khô đợi cháy của mày thì đợi đội nón xanh đi, ha ha ha ….”
Sĩ Phí Thanh báo thù la lớn, đắc ý cực kỳ, bỉ ổi cực kỳ, Giản Phàm tìm được cục đá thì xe và tiếng cười đã đi xa.
“Cái thằng béo này.” Giản Phàm tức tới bật cười.
Tuy suốt này công kích lẫn nhau, nhưng thằng béo vẫn thịnh tình mời, từ nhỏ Giản Phàm thường bị thằng béo làm dở khóc dở cười, cả hai rất giống nhau, cùng đi học, cùng thi trượt, cùng lưu ban, cùng bỏ tiền học đại học, cùng chung phòng KTX, lại tốt nghiệp cùng nhau, giờ vẫn cùng thất nghiệp. Nói chuyện chưa bao giờ hợp cả, thường xuyên đấm đá vật lộn, có điều chưa bao giờ trở mặt, có thằng bạn phổi bò như vậy có cái hay, chẳng bao giờ giận tới hôm sau.
Đi bộ về quán ăn, thành phố huyện không lớn, đi về phía đông tới cuối đường là tới quán ăn do cha mở.
Nơi này là huyện Ô Long, một cái huyện nhỏ, nghèo, nguyên nhân nghèo thì có nhiều lắm, thiếu thốn tài nguyên này, không có danh thắng này, thiếu di tích lịch sử này … nói chung là nhiều, nhưng nếu bảo Giản Phàm nói thì nguyên nhân chỉ có một.
Huyện Ô Long, có con sông chạy vắt ngang qua huyện, tên là sông Ô Long, có một ngọn núi cao cây cối nguyên sinh râm rạp, tên là núi Ô Long … hiểu chưa, tổ tiên đến đặt cái tên cũng lười thì bảo sao con cháu không khá nổi.
Dù sao huyện thành nhỏ, lạc hậu, cũng có cái hay của lạc hậu.
Lúc này độ cuối hạ đầu thu, hàng cây hai bên bừng bừng sức sống, phủ một màu xanh mướt khắp nơi, từng làn gió nhẹ từ sông thổi qua, mang theo giọt nước long lanh sót lại trên những phiến lá sau cơn mưa, không khí vô cùng tươi mát.
Giản Phàm đi chậm lại tận hưởng món quà vô giá đại tự nhiên, cảm nhận bình an tận đáy lòng, thi thoảng đưa tay với lên những cành cây rung nhẹ cho những giọt nước mát lạnh rơi xuống rồi chạy trốn như đứa trẻ con, đây là thứ một đô thị hiện đại bỏ tiền ra cũng chẳng có được.
Chương 004: Ô Long đệ nhất oa. (2)
Trường Nhất Trung ở rìa huyện thành, đi chừng mười phút là tới cái quán của Giản gia, quán không lớn không nhỏ, tên thì rất kêu.
“Ô Long đệ nhất oa!”
Chữ vàng biển đen, treo bắt mắt giữa nơi giao nhau của con đường cấp hai và đường cái vào huyện, vị trí xem như rất đắc địa.
Huyện Ô Long làm nồi sắt có tiếng toàn tỉnh, món hầm nồi sắt của Ô Long còn nổi tiếng hơn nữa, phàm là quán ăn có món này nhất định nhấn mạnh với khách: “Đầu bếp chúng tôi từ huyện Ô Long tới đấy!”
Chẳng biết cái tấm biển này treo đã bao lâu, tới giờ Giản Phàm chẳng nhớ rõ, từ khi mà y nhớ chuyện thì người quen của cha y đã gọi cha y là “Giản Thiết Oa”, còn y thì đương nhiên là thành “Giản Tiểu Oa” cao quý vô cùng. Khi đi nhà trẻ, ngoại hiệu này đi theo, tới tận giờ vẫn có nữ sinh ám muội gọi y là “soái ca”, cơ mà chữ ca kéo rõ dài, nghe như là chữ “oa”. Mấy thằng bạn gặp gọi luôn là “Oa ca”, thế nên ngay cả bạn gái Hương Hương của y cũng bị gọi là “Oa tẩu”.
Thừa biết cái đám kia nịnh mình phần lớn là vị được ăn chực, cơ mà Giản Phàm cũng chẳng phản cảm cái ngoại hiệu này, từ nhỏ tới lớn ăn cơm trong quán chẳng thấy chán, huống hồ hai anh em đi học đều dựa vào cha thức khuya dậy sớm kinh doanh quán ăn nuôi cả nhà. Chẳng phản cảm, thậm chí còn có cảm giác thân thiết với mấy cái nồi sắt lớn treo ở hậu viện có tuổi còn nhiều hơn tuổi mình.
Ở cái huyện Ô Long này khắp nơi có thể thấy quán kinh doanh món hầm nồi sắt, đó là món ngon đại chúng ai ai cũng quen tai, tùy tiện vào trong cái thôn, kéo một ông già bà già hoặc là bác gái, đều biết món này, hai ba thứ gia vị lót đáy, dăm ba bó củi vào bếp, đợi lửa cháy lớn, sáu bảy loại nguyên liệu cho vào nồi, trước tiên là xào, sau đó cho vài gáo nước giếng vào hầm. Vợ con quây quanh bàn, cả nhà cầm bánh bao nóng hổi ăn, thêm vào ớt trưng mỡ, rượu nấu bằng khoai bằng ngô, lễ Tết may mắn trong nồi còn có gà rừng, thỏ đồi, thịt lợn, càng là mỹ vị nhân gian vô thượng.
Mà cái cảnh đó thì ngày nào cũng thấy ở quán Đệ nhất oa.
Đệ nhất oa hơn hai mươi năm qua luôn đông khách, vang danh toàn huyện, mấy cái quán lớn xây kiên cố, biển lộng lẫy, phục vụ xinh đẹp ở bên cạnh cứ gọi là thèm đỏ mắt, ghen tỵ không thôi.
Danh tiếng của Đệ nhất oa cực cao.
Người ngoài thấy thần bí, Giản Phàm thấy bình thường, từ nhỏ tới lớn nhìn đã quen, tự giác thay cha cầm thìa không thành vấn đề. Món hầm của Đệ nhất oa nói trắng ra cũng chẳng có gì lạ hơn nhà khác, chỉ là nhiều kiểu hơn một chút, mùi vị thơm hơn một chút, nước canh đậm hơn một chút, giá lại rẻ hơn một chút.
Giản Phàm chẳng thấy tài nghệ của cha cao, nhưng mà chẳng ai chịu phát triển thêm ở phương diện món ăn đại chúng này, món hầm chẳng qua dùng củ cải, đậu hũ, đỗ toàn là thứ rau củ thường thấy, ngon hơn thì thêm thịt trâu bò dê, cả một bàn không bằng một món ăn ở nhà hàng, xưa nay toàn lấy công kiếm lời, dư dả chút thì có, phát tài tuyệt đối không.
Quán có hai tầng, nhà gạch mái ngói đen rêu phong, mang phong vị cổ kính.
Vừa mới vào cửa là mùi thức ăn ngào ngạt bay tới.
“Anh họ về rồi.”
“Tiểu Phàm về rồi.”
“Con trai, qua đây, qua đây, xử lý nồi cá cho cha, sắp hết cá rồi.”
Chẳng biết bao nhiêu người chào hỏi Giản Phàm, sau quầy là cô gái mười mấy tuổi da đen tay chân thô kệch, đó là cô em họ Giản Đào Hoa! Tên thì đẹp đấy, nhưng mà trái ngược với người. Sơ trung đã bỏ học tới đây thu tiền. Còn lau bàn, rửa bát ở ao bên bếp là hai phục vụ, một là Tám Cường, một là Thủy Sinh, đều cùng quê, đều họ Giản. Cha thì ở hậu viện bận rộn, tốt nghiệp một năm rồi, cha cũng quen sử dụng Giản Phàm như phục vụ, đã sai bảo, còn không trả lương.
Đây là cái quán kiểu gia tộc điển hình, đến rượu cũng là của xưởng rượu ông nội ở trấn Phong Lâm, nấu ngọc mễ hoàng, địa qua thiêu, mỗi tháng chuyển vào huyện thành một lần.
Nhà bếp chẳng ra nhà bếp, đó là cái bếp đất thường thấy của nông thôn, dãy bếp đất đặt bốn bảy hai tám cái nồi nhỏ hai tai, dùng lửa nhỏ hầm, một bên là dãy bát sứ vuông, ngoài trắng đáy xanh, coi như là đặc sản của Ô Long, trên bàn là mấy cái chậu lớn, chất đống nào rau cải, đậu hũ, nấm rừng đã thái sẵn, khoai tây thái lát đã rán chất đầy mâm.
Rời nhà bếp, trong sân rộng ở hậu viện có bốn nồi đun nước dùng, là loại nồi cực lớn có thể đổ được bày tám chục gáo, một nồi nấu thịt ba chỉ, hai nồi nấu ninh nước hầm thịt dê, cái nồi cuối cùng thì trang lệ rồi, chất tới mười hai tầng lồng hấp, bốc hơi như cái máy hơi nước, hơi nước và khói củi hòa trộn, ngửi thấy được mùi vị thôn quê. Mở lồng làm bằng rơm lõi ra, bên trong là bánh bao to vừa trắng vừa mềm, cách hấp dân gian này khiến bánh bao làm ra có mùi thơm mát thiên nhiên và mùi lúa mạch.
Từ sáng sớm đốt bếp tới trưa bắc nồi, tới tận sáu tiếng, ngon thì ngon đấy, chỉ là phí công sức, hơn nữa cung không đủ cầu. Giản Phàm không chỉ một lần khuyên cha thay máy làm bánh bao đi, nhưng cha đôi lúc còn cố chấp hơn mẹ, kiên trì cách dân gian này.
Giản Phàm hậm hực ngồi xuống nhìn chậu cá nhỏ, tám phần là bạn nhậu của cha câu được mang cho. Mò mẫm trên người, lấy từ xâu chìa khóa con dao nhỏ cong cong, con dao do y tự chế, dài ba tấc, ba dao đánh vảy, một dao rạch bụng, thủ pháp thuần thục vô cùng, từ nhỏ thích làm chuyện bếp núc, chẳng mấy chốc cá chất trong chậu ngày một nhiều.
“Này con trai, con dao tiện quá nhỉ.” Cha quay đầu lại vô tình nhìn thấy, khen một câu.
“Cha biết nhìn hàng đấy, lúc khác con làm cho cha một cái, con tự phát minh, gọi là Ngư trường dao, cha thấy không?” Giản Phàm xoay dao một vòng giải thích: “Một mặt lưỡi dao một mặt răng cưa, moi ruột chỉ cần một dao, đánh vảy chỉ cần ba dao, rất thuận tiện, cha xem …”
Cha xoa đầu con trai: “Con trai thông minh đấy, chà chà, cách hay thế này mà cha làm bếp bao năm không nghĩ ra, vậy là hơn cha rồi.”
Giản Phàm cười ngượng cúi đầu làm việc, vẫn thấp thỏm chuyện thi cử, thấy cha không nhắc tới, tim đập thùm thụp như ăn trộm. Mỗi lần thi không tốt, hoặc phạm lỗi là Giản Phàm về nhà chăm chỉ làm việc gấp đôi, một là bù đắp áy náy trong lòng, hai là chẳng may mẹ nhìn thấy, còn dễ bịt miệng mẹ. Bất kể ở ngoài hư hỏng ra sao, ở nhà luôn là con ngoan.
Cha dùng thìa nhỏ cho vào nồi nếm thử, tùy ý hỏi: “Tiểu Phàm, hôm nay con có gặp mẹ con không?”
“Gặp ạ.”
“Trưa mẹ con có về ăn cơm không?”
“Không thấy mẹ nói.”
Cha dường như chỉ thuận miệng hỏi thôi, lúc nào ông cũng chú ý vào mấy cái nồi, Giản Phàm không chỉ một lần ở nơi này nghe cha lảm nhảm, món ăn chỉ là bề ngoài, quan trọng là ở nước dùng, bất kể làm món gì quen rồi là dễ hết, chỉ cần thêm nước canh vào, đun cùng lửa mạnh, thế là có một bàn thức ăn thơm phức.
Giản Phàm vừa đảo thức ăn vừa nhìn cha, thân hình cao lớn hơi lom khom, nếp nhăn sâu hơn vài năm trước, mặt chữ điền, nhìn kỹ thấy vài phần hình tượng rắn rỏi cùng vài phần khắc khổ, mà sự khắc khổ đó phần nhiều do thằng con không nên hồn y mà ra.
Nguồn: https://ebookvie.com