Liễu Phàm Tứ Huấn PDF EPUB

Liễu Phàm Tứ Huấn PDF EPUB

Tác giả:
Thể Loại: Triết Học
Nguồn: https://ebookvie.com
EPUBPDFAZW3ĐỌC ONLINE

Liễu Phàm Tứ Huấn là một tác phẩm kinh điển của Trung Quốc, được lưu truyền rộng rãi từ bao đời nay. Cuốn sách là lời khuyên dạy của Liễu Phàm tiên sinh dành cho con cháu, với mong muốn giúp họ sống một cuộc đời an lạc và thành công.

Liễu Phàm tiên sinh là một bậc học rộng, ngay từ nhỏ đã say mê nghiên cứu sách vở. Sau khi đỗ đạt làm quan, ông thực hiện nhiều điều ích nước lợi dân, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, Liễu Phàm thực sự lưu danh không chỉ vì tài năng và công lao, mà còn vì những bài học quý giá mà ông để lại cho đời trong Liễu Phàm Tứ Huấn.

Cuốn sách bao gồm bốn chương, mỗi chương là một bài học về:

  • Tự lập số mệnh: Con người có thể tự quyết định được số mệnh của mình thông qua việc tu dưỡng đạo đức, tích thiện và hành thiện.
  • Tu sửa lỗi lầm: Cách thức để nhận thức, sửa chữa lỗi lầm và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
  • Tích chứa điều lành: Những phương pháp giúp con người tích lũy phúc đức, tạo dựng nền tảng cho một tương lai tươi sáng.
  • Giữ đức khiêm hạ: Lợi ích và tầm quan trọng của đức tính khiêm tốn trong cuộc sống.

Liễu Phàm Tứ Huấn được viết bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu nhưng chứa đựng những bài học sâu sắc về đạo đức, tâm linh và triết lý sống. Cuốn sách là cẩm nang hữu ích cho mọi người, giúp ta sống một cuộc đời an lạc, hạnh phúc và thành công.

Mời các bạn đón đọc Liễu Phàm Tứ Huấn của tác giả Viên Liễu Phàm & Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn (dịch).

Chương một: Thay đổi số mạng

Khổng tiên sinh bói số mạng

Lúc ta (1) còn nhỏ, thân phụ mất sớm. Thân mẫu bảo ta «Nên bỏ con đường thi cử (2) làm quan mà nên chọn nghề thầy thuốc, vì nghề này vừa có thể sinh sống, vừa có thể giúp người. Hơn nữa, nếu hành nghề giỏi sẽ có tiếng tăm. Đó cũng là ước muốn của cha con vậy.»

Sau ta gặp một cụ già tại chùa Từ Vân, cụ râu dài oai nghi, phơi phới như tiên. Ta do đó cung kính chào hỏi. Cụ thấy ta bèn nói: «Tướng ngươi có mạng làm quan, năm tới sẽ đậu Tú Tài, sao giờ này còn lang thang ở đây không lo học?» Ta trình bày nguyên do và đồng thời xin cụ cho biết tên họ và quê quán. Cụ nói: «Ta họ Khổng, người Vân Nam. Ta được chân truyền quyển Hoàng Cực số (3) của ông Thiệu. Ta biết môn này sau này sẽ truyền lại cho ngươi.» Ta mời cụ về nhà và kể lại cho mẹ. Mẹ dặn phải tiếp đãi tử tế và xem cụ đoán số ra sao. Cụ bói cho ta từ việc lớn đến việc nhỏ đều chính xác vô cùng. Làm ta ước mơ trở lại học văn và bàn với ông anh họ Thẩm Xứng. Ông anh nói: «Thầy Úc Hải Cốc đang mở lớp học tại nhà ông Thẩm Hữu Phu, anh sẽ gởi em đến đó học không thành vấn đề.» Ta bèn bái lạy thầy Úc làm thầy.

Cụ Khổng lấy số cho ta như sau: Lúc còn là đồng sinh (4), sẽ thi ở Huyện đậu hạng 14, thi ở Phủ hạng 71 và thi ở Đề đốc (5) hạng 9. Năm tới đi thi, quả thật cả ba nơi đều đậu hạng đúng y như tiên đoán của cụ.

Cụ Khổng lấy thêm số tốt xấu suốt cuộc đời cho ta. Tiên đoán rằng, năm nào sẽ thi đậu hạng mấy, năm nào sẽ thi vào dự bị lẫm sinh (6), năm nào sẽ lên cống sinh. Sau khi lên cống sinh, đến năm nào sẽ được bổ nhiệm làm huyện trưởng trong tỉnh Tứ Xuyên, nhưng chỉ làm được ba năm rưỡi rồi sẽ xin về hưu. Năm 53 tuổi, ngày 14 tháng 8, giờ Sửu, sẽ mất tại nhà. Tiếc rằng không con nối dõi. Ta cẩn thận ghi lại tất cả.

Từ đó về sau, mỗi lần thi cử đều đậu hạng không ngoài sự tiên đoán của cụ Khổng. Chỉ có một lần, cụ tiên đoán chừng nào phụ cấp lẫm sinh ta lên đến 91,5 thạch (7) gạo mới được lên cống sinh. Nhưng đến khi phụ cấp ta lên đến 70 thạch, quan Tông-Sư họ Đồ trong Đề- đốc-học-viện đã xin cho ta lên dự bị cống sinh. Ta thầm nghi trong bụng rằng cách bói của cụ Khổng chưa chắc chính xác hoàn toàn.

Nhưng sau đó quả thật vì cấp trên vắng mặt, quan thay thế tạm thời lúc đó là ông Dương, bác bỏ đơn xin này. Mãi cho đến năm Đinh Mão (1627), quan Tông Sư Ân Thu Minh tình cờ xem lại những bài thi tuyển (8) còn sót lại nơi trường thi, thấy bài thi của ta xuất sắc mà tiếc rằng: «Năm bài thi vấn đáp này đâu có thua những bài tấu nghị (9) trong triều đình. Ta nỡ nào để những học trò tài giỏi như thế mà chôn vùi mãi trong phòng học.» Bèn chiếu theo đơn xin cũ, phê chuẩn cho ta lên dự bị cống sinh. Nếu tính luôn những trợ cấp từ trước đến giờ, vừa đúng 91,5 thạch.

Kể từ đó ta càng tin theo số mạng an bài; mọi việc thăng quan tiến chức, giàu sang phú quý đều có thời có lúc của nó. Vì vậy ta an phận mặc đời đẩy đưa, chẳng mong cầu gì cả.

Thuyết đổi vận mạng của thiền sư Vân-Cốc

Sau khi xuất cống, ta lên Yến Đô (10) học tiếp. Ở đó một năm, suốt ngày ngồi yên không học chữ nào. Đến năm sau Kỷ Tỵ (1629), ta trở về Nam Ung (11). Nhân dịp Quốc Tử Giám (12) còn chưa khai giảng, ta lên núi Thê Hà thăm thiền sư Vân Cốc Pháp Hội (13). Ngồi trong phòng đối diện với thiền sư suốt ba ngày đêm không chợp mắt.

Sau sư hỏi: «Sở dĩ con người không thể trở thành thánh nhân chỉ vì bị những vọng niệm lăng xăng trong lòng không ngừng trồi sụt quấy rầy mà thôi. Ngươi ngồi ba ngày mà không thấy khởi lên một vọng niệm nào, làm sao mà làm được như vậy»? Ta trả lời rằng: «Vì sau khi Khổng tiên sinh bói số mạng con, con đã thấy cuộc đời sống chết vinh nhục đều do trời đã sắp đặt sẵn. Dù muốn dù không cũng chẳng thay đổi được gì. Suy nghĩ thêm cũng vậy thôi! »

Phải có sự chuyển biến mạnh mẽ

Sư cười rằng: «Ta tưởng ngươi là người xuất chúng, nào ngờ chỉ là phàm phu ». Ta không hiểu và hỏi tại sao? Thiền sư trả lời rằng: «Lòng người còn lăng xăng không yên, thì còn bị bị âm dương khí số (14) trói buộc, làm sao có thể bảo là không số mạng được? Nhưng số mạng chỉ chi phối cho người thường, là những người suốt đời sống xuôi chiều theo tánh mình, không biết thay đổi mà thôi. Còn đối với những người có sự chuyển biến mạnh mẽ thì số mạng không thể chi phối. Như người trở nên quá tốt, sẽ thấy đời đi lên. Ngược lại, người trở nên quá xấu sẽ thấy đời đi xuống. Hai mươi năm nay Khổng tiên sinh cho ngươi thấy được số mạng mà ngươi không thể thay đổi chút nào, vậy không phải phàm phu là gì »?

Phải tìm cầu mọi việc trong tâm

Ta hỏi thêm: «Không lẽ người ta có thể thoát khỏi sự chi phối của số mạng hay sao»? Sư rằng: «”Mạng do ta tạo, phước do mình tìm”. Kin -thư và Kinh Thi đã dạy rõ ràng như thế. Còn kinh Phật cũng dạy: “Mong cầu giàu sang sẽ giàu sang, mong cầu sanh gái trai sẽ sanh gái trai, mong cầu sống lâu sẽ sống lâu”. Này, vọng ngữ là đại giới của đức Thích Ca, chẳng lẽ chư Phật, Bồ tát cũng nói dối lừa gạt người sao?»

Ta không đồng ý rằng: «Mạnh Tử dạy (15): “Không tìm thì thôi, tìm sẽ được. Tìm như vậy có ích lợi vì tìm được, đó là tìm bên trong ta. Còn tìm không đúng cách mà kết quả tuỳ thuộc số mạng, tìm như thế thì vô ích vì tìm chẳng được, đó là tìm bên ngoài ta”. Như nhân nghĩa đạo đức, đó là những gì trong ta, ta có thể đạt được bằng sức mình. Nhưng đi tìm công danh phú quý bên ngoài ta, tìm như vậy làm sao tìm được?»

Sư trả lời: «Mạnh Tử nói rất đúng, chỉ vì ngươi hiểu sai mà thôi. Ngươi không nghe Lục Tổ nói sao? “Tâm ta như miếng ruộng, phước hoạ do mình trồng”. Phải tìm trong lòng mà gieo, không gì mà không được cả. Tìm do ta, không riêng nhân nghĩa đạo đức, mà công danh phú quý cũng sẽ được hết. Trong và ngoài đều được, tìm như vậy mới có ích lợi vì tìm được. Ngược lại, nếu không biết xem xét trong lòng mà tìm cầu bên ngoài, thì tìm có vẽ đúng cách nhưng được hay không lại tuỳ thuộc số mạng. Cuối cùng trong và ngoài đều mất. Vì vậy Mạnh Tử nói “vô ích” là vậy ».

Có thể bạn thích sách  Đạo lý người xưa

Sâu tìm nguyên nhân vô phuớc

Thiền sư hỏi tiếp: «Khổng tiên sinh lấy số mạng suốt đời cho nhà ngươi thế nào?» Ta trình bày hết từ đầu đến cuối cho thiền sư. Rồi thiền sư hỏi: «Ngươi tự xét lại xem ngươi xứng đáng đậu tiến sĩ hay không ? Có xứng đáng có con nối dõi hay không?»

Ta tự kiểm lại khá lâu rồi đáp: «Dạ, con không xứng. Vì những người thi đậu làm quan là những người có phước. Con không phước. Hơn nữa, con không lo xây dựng đức hạnh để tạo nền tảng tiếp nhận phước lớn. Tánh con thường bực bội bồn chồn, chịu không nổi những sự phiền toái vụn vặt xẩy đến trong đời sống. Lòng hẹp hòi không thể bao dung người khác. Thường lấy tài mình chèn ép người khác. Lại thích sao làm vậy, không suy nghĩ cặn kẽ. Lời không thận trọng thường nói bậy. Những điều như thế đều là tướng vô phước, làm sao xứng đáng con đường khoa cử»

«Con cũng không đáng có con. Vì chỗ nào càng dơ càng nhiều sinh vật, nước trong thì ít tôm cá. Con có tật thích sống sạch cho riêng mình, đó là nguyên nhân thứ nhất không con. Bầu không khí hòa thuận sẽ làm cho mọi loài sanh sôi, mà tánh con lại hay nóng giận bực bội, đó là nguyên nhân thứ hai không con. Yêu thương là nền tảng của sự sanh sôi, còn khắc khe ích kỷ là nguồn góc của sự không sanh dục. Con chỉ biết yêu quý danh vọng tiết tháo của mình, thường không thể hy sinh giúp đỡ người khác, đó là nguyên nhân thứ ba không con. Sức khoẻ con người là nhờ tinh, khí, thần. Con thích nói nhiều hao khí, đó là nguyên nhân thứ tư không con. Con thích uống rượu mà hao tinh, đó là nguyên nhân thứ năm không con. Thường thích ngồi suốt đêm không ngủ mà hao thần đó là nguyên nhân thứ sáu không con. Ngoài ra còn nhiều lỗi lầm, không sao nói hết » .

Phước ai nấy hưởng

Thiền sư Vân Cốc nghe xong rồi bảo: «Đâu phải chỉ có vấn đề thi cử mới như vậy đâu. Có người hưởng được gia tài hàng tỷ bạc, có người hưởng được gia tài hàng triệu bạc, cũng có người nghèo đến chết đói. Người thấy lý lẽ, biết đó là phước báo mỗi người. Còn người không thấy thì sẽ giải thích bằng định mệnh, là trời kêu ai nấy dạ. Thật ra trời chẳng qua xử lý trên những gì con người có, chứ có bao giờ thêm bớt chút nào theo ý riêng của mình đâu»

«Vấn đề sinh con nối dõi cũng vậy, có người tích trữ được trăm đời công đức sẽ dư lại cho trăm đời con cháu hưởng. Người có tích trữ được mười đời công đức sẽ dư lại cho mười đời con cháu hưởng. Người chỉ tích trữ được hai ba đời công đức thì chỉ dư lại cho hai ba đời con cháu hưởng. Còn những người vô hậu thì thấy rõ phước họ không còn gì nữa».

«Nay ngươi đã thấy vấn đề ở đâu thì phải hết lòng sửa lại những nguyên nhân làm cho không đậu tiến sĩ cũng như không con nối dõi. Phải tích trữ công đức, phải bao dung lỗi lầm người khác, phải hoà thuận yêu thương mọi người và phải giữ gìn sức khoẻ. Những gì từ trước đến nay coi như đã chết đi, từ nay về sau phải sống lại như một người hoàn toàn đổi mới, một người sống bằng nghĩa và lý chứ không phải một người tầm thường bằng xương thịt nữa».

Định mạng do trời, sửa mạng do ta

«Phàm phu sống bằng xương thịt lẽ dĩ nhiên bị lệ thuộc vào số mạng. Nhưng con người sống bằng nghĩa và lý không lẽ không cảm động được trời để thay đổi số mạng hay sao? Chương Thái Giáp trong Kinh Thư có nói: “Chúng ta có thể tránh khỏi tai hoạ do trời đã đặt. Nhưng chúng ta không thể chạy thoát hậu quả do chính mình làm”. Kinh Thi cũng có nói : “Việc làm mình phải phù hợp với ý trời mới tạo được nhiều phước cho mình”. Khổng tiên sinh đoán ngươi không đậu tiến sĩ, không con nối dõi, tuy đó là số trời đã định nhưng vẫn có thể không tuân theo. Nhưng từ nay về sau ngươi phải trau dồi thật nhiều tánh hạnh đạo đức, hết lòng làm thiện, tích trữ âm đức. Phước này do mình tạo, không hưởng sao được»?

Mục đích của Kinh Dịch là giúp cho con người biết tìm phước tránh hoạ. Nếu nói số mạng không đổi thì làm sao mà tìm phước tránh hoạ được? Ngay chương đầu của Kinh Dịch đã nói: “Gia đình làm thiện, ắt dư phước cho con cháu”. Ngươi có tin những điều đó không?

Quyết tâm sửa đổi

Ta hoàn toàn tin phục những lời dạy của thiền sư và quỳ sụp xuống xin thọ giáo. Trước bàn thờ Phật, ta viết hết tất cả tội trạng từ trước đến nay để xin sám hối. Sau đó ta xin cầu được đậu cử nhân và hứa sẽ làm ba ngàn điều thiện để đền đáp ân đức nuôi dưỡng của trời đất và tổ tiên.

Trì chú vô niệm

Vân Cốc thiền sư đưa cho ta cuốn sổ thiện ác (16), bảo ta phải ghi hết những điều thiện ác đã làm trong ngày; thiện thì được điểm, ác thì trừ điểm. Ngoài ra còn dạy ta trì chú Chuẩn Đề và chờ ngày ứng nghiệm.

Thiền sư dạy ta rằng: «Những người chuyên vẽ bùa chú cho rằng: “Vẽ bùa không đúng cách sẽ bị quỷ thần chê”. Bí quyết vẽ bùa là vẽ trong lúc niệm không động mà thôi. Khi tay cầm viết vẽ bùa, trước hết phải buông hết mọi duyên (17) xuống, không nổi lên một trần (18) nào. Rồi từ chỗ niệm chưa động chấm xuống, chấm đó gọi là “hỗn độn khai cơ”. Rồi vẽ một hơi liên tục đến hết. Trong lúc vẽ, lòng không suy nghĩ thì bùa mới linh. Cầu trời đổi mạng cũng vậy, phải cảm ứng trong lúc niệm không động».

Vô niệm nhìn không hai

«Mạnh tử nói về số mạng (18) rằng: “Yểu thọ không hai, lấy cảnh giác để tu thân, rồi mới an trụ trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Về vấn đề “yểu và thọ”, nếu ai cho là hai việc khác nhau, thì xin quan sát hai việc này trong lúc niệm không động, trong tâm trạng đó, thế nào là yểu? Thế nào là thọ? Suy diễn ra, nhìn giàu nghèo không hai rồi mới sống an vui trong giàu nghèo. Nhìn may rủi xui không hai rồi mới không bận tâm trong thân phận quý hèn. Nhìn yểu thọ không hai rồi mới sống chết tự tại. Con người đều cho sống chết là việc quan trọng. Cho nên Mạnh Tử ở đây chỉ đề cập đến vấn đề yểu thọ mà thôi. Hiểu được yểu thọ không hai thì sẽ hiểu hết mọi việc thuận nghịch trên đời đều như vậy cả» .

Tu thân là cảnh giác niệm trong lòng

«Còn vấn đề ” Lấy cảnh giác để tu thân” là về việc tích trữ đức hạnh và cầu trời đổi mạng. Chữ “tu” có nghĩa là tu sửa hành vi. Khi lời nói, hành động hay ý nghĩ có gì không tốt đều phải sửa ngay. Còn chữ “cảnh giác” là công phu theo dõi niệm trong lòng. Khi trong lòng vừa khởi lên một chút ước mong thầm kín không chánh đáng hay một chút ý nghĩ vẩn vơ không cần thiết đều phải phát giác liền và không theo. Khi làm được như vậy thì mới có thể đi thẳng vào cảnh giới tiên thiên (19), học được như vậy mới thật sự là học ».

Phương pháp trì chú

Hiện giờ ngươi còn chưa đạt đến trình độ vô tâm, cho nên phải trì chú Chuẩn Đề (20). Trì liên tục không ngừng, không cần đếm số, cũng không cần nhớ. Trì đến thuần thục sẽ đến trạng thái trì như không trì, không trì mà trì. Trì đến lúc niệm không khởi sẽ thấy linh nghiệm.

Tu hành suốt ngày đề cao cảnh giác

Ta trước đây hiệu là Học Hải. Kể từ ngày đó ta đổi hiệu (21) thành Liễu Phàm. Liễu là chấm dứt. Vì đã hiểu rõ làm sao thay đổi số mạng. Không muốn rơi trở vào khuôn khổ của phàm phu nữa. Từ đó trở đi, ta hoàn toàn khác hẳn ngày xưa. Ngày xưa thong dong luông tuồng, bây giờ suốt ngày đề cao cảnh giác. Ở nơi phòng tối không ai thấy mà ta vẫn thường lo âu, không biết có làm mất lòng thiên địa quỷ thần không? Nếu có ai thù ghét ta, hủy báng ta, ta có thể cam chịu một cách thản nhiên.

Có thể bạn thích sách  Hành Trình Trí Thức Của Karl Marx

Số mạng bắt đầu đổi

Đến năm sau, ta thi khoa cử (22) ở Bộ Lễ (23). Khổng tiên sinh tiên đoán ta sẽ đậu hạng ba, nhưng ta chợt đậu hạng nhất. Ông nói mạng ta không có cử nhân. Nhưng đến mùa thu năm ấy, ta lại đậu cử nhân. Lời tiên đoán của Khổng tiên sinh không còn linh nghiệm nữa.

Tự kiểm ưu khuyết điểm

Tuy nhiên, ta làm thiện còn chưa quen, mỗi lần kiểm điểm lại đều thấy nhiều sơ sót; Như làm việc thiện mà không mạnh dạn, cứu giúp người mà không dứt khoát. Hoặc thân làm một cách miễn cưỡng, nhưng miệng vẫn còn lời xấu ác. Hoặc lúc tỉnh táo còn giữ được thái độ nghiêm chỉnh, nhưng khi say sưa rồi thì buông tuồng. Điểm làm thiện tích trữ khá nhiều, nhưng điểm lầm lỗi cũng không ít. Hai điểm khấu trừ qua lại, cuối cùng thường thấy thời gian trôi đi mà điểm thiện chẳng tăng lên được bao nhiêu. Ta phát nguyện vào năm Kỷ Tị (1629) nhưng mãi đến năm Kỷ Mão( 1639), trải qua mười năm trời, mới làm xong ba ngàn điều thiện.

Lúc đó ta cùng ông Lý Tiệm Ấn mới từ Quan Hải Sơn trở về, chưa kịp hồi hướng. Mãi đến năm sau, năm Canh Thìn (1640), trở về miền nam, liền thỉnh các vị pháp sư Tính Không, Tuệ Không làm lễ hồi hướng tại thiền đường Đông Tháp.

Nghiêm chỉnh thi hành sổ thiện ác

Tiếp theo, ta phát nguyện cầu sanh con và cũng hứa làm ba ngàn điều thiện. Năm Tân Tị (1641) sanh con đặt tên là Thiên Khải. Mỗi khi ta làm một điều thiện liền lấy viết ghi vào sổ. Mẹ của con (24) không biết chữ, mỗi khi xong một điều thiện, chỉ có thể lấy lông ngỗng khoanh một vòng mực đỏ lên trên lịch. Làm các việc thiện như cho người nghèo ăn, có khi thì phóng sanh. Đôi khi làm được hơn mười vòng đỏ trong một ngày. Chỉ cần hai năm, đến tháng tám năm Quý Mùi (1643), ba ngàn điều thiện đã làm đầy đủ. Lại thỉnh các vị pháp sư Tính Không hồi hướng tại nhà. Ngày 13 tháng chín năm ấy, ta lại phát nguyện làm mười ngàn điều thiện để cầu xin đậu tiến sĩ. Ba năm sau, năm Bính Tuất (1646) ta thi đậu tiến sĩ, được bổ nhiệm chức huyện trưởng huyện Bảo Đề.

Ta chuẩn bị một cuốn sổ đặt tên là Sổ Trị Tâm. Mỗi sáng đến toà làm việc ta đều dặn người trong nhà đem cuốn sổ đó trao cho lính gác cổng toà để đem lên bàn làm việc của ta. Mọi điều thiện ác ta làm trong ngày, dù lớn hay nhỏ, đều phải ghi vào. Ban đêm ta noi gương ông Triệu Duyệt Đạo (25), đặt bàn trên sân, đốt nhang khai báo cho Ngọc Hoàng những việc đã làm trong ngày.

Mẹ con thấy điều thiện không làm được bao nhiêu, thường cau mày rầu rỉ mà nói : «Trước kia thiếp ở nhà giúp chàng làm thiện, ba ngàn điều vẫn có thể làm xong. Nay phát nguyện mười ngàn điều, mà đời sống mới trong cửa quan lại không nhiều dịp làm thiện, biết đến bao giờ mới làm xong ».

Có một đêm ta nằm chiêm bao gặp một vị người thần, ta than rằng: «Mười ngàn điều thiện khó mà làm xong ». Người thần bảo: «Nội trong vụ giảm thuế đã đầy đủ công đức cho mười ngàn điều rồi». Ta tỉnh dậy nhớ lại thật sự có chuyện này: Vì thuế ruộng ngày xưa trong huyện Bảo Đề mỗi mẫu phải đóng hai phân ba ly bảy hào. Ta có điều chỉnh lại và giảm xuống thành một phân bốn ly sáu hào. Nhưng vụ đó có đáng mười ngàn điều thiện hay sao? Lòng ta vẫn lo lắng nghi ngờ. May có thiền sư Huyền Dư mới từ Ngũ Đài Sơn đến. Ta kể giấc mơ cho thiền sư nghe và hỏi giấc mơ này có đáng tin không? Sư nó : «Nếu có lòng tha thiết làm thiện thì làm một điều có thể tương đương với mười ngàn điều. Huống hồ cả huyện đều được giảm thuế, toàn dân đều được hưởng ». Ta bèn đem tiền lương cúng dường, nhờ thiền sư lúc trở về Ngũ Đài Sơn làm trai tăng một vạn người và xin đem công đức ấy hồi hướng.

Lời dạy con

Khổng tiên sinh đoán ta năm 53 tuổi sẽ mất, tuy ta chưa hề cầu sống lâu, nhưng đến năm đó vẫn bình an trôi qua. Đến năm nay ta đã 69 tuổi (26) rồi. Kinh Thư nói: «Thiên mạng không nên tin, vì mạng người không cố định». Lại nói: «Chỉ có mạng người mới có thể thay đổi». Những lời trên không sai chút nào. Ta nhờ vậy mà hiểu được rằng: Những ai cho rằng họa phúc là do mình tạo thì đó là lời thánh hiền. Còn cho là trời định, thì đó chẳng qua là lý luận của giới phàm tục mà thôi.

Số mạng của con chưa biết sẽ ra sao. Cho dù con đang sống trong thời vinh quang, lỗi lạc, cũng phải nghĩ như đang thất bại, bị bỏ rơi. Cho dù gặp thời thuận lợi, suôn sẻ, nên nghĩ như gặp xui xẻo, trắc trở; Cho dù đời sống hiện giờ ăn mặc đầy đủ vẫn phải nghĩ như đang nghèo đói, thiếu thốn. Cho dù được người quý trọng kính yêu cũng phải nghĩ như lúc sợ hãi lo âu. Cho dù sống trong thời được nhiều tiếng tăm, uy quyền đều phải nghĩ như mình còn thấp hèn. Cho dù có học thức giỏi cũng phải nghĩ như mình còn nông cạn.

Nhìn xa phải nghĩ đến truyền bá đức hạnh của tổ tiên. Nhìn gần phải nghĩ đến che giấu lỗi lầm của cha mẹ. Nhìn trên phải nghĩ đến đền ơn tổ quốc. Nhìn dưới phải nghĩ đến tạo hạnh phúc cho gia đình. Đối ngoại phải nghĩ đến giúp người lúc cần. Đối nội phải nghĩ đến ngăn chặn ý nghĩ tà xấu của mình.

Đo lường tiến bộ

Mỗi ngày đều phải thấy lỗi sửa sai. Nếu một ngày không thấy lỗi tức là ngày ấy đã hài lòng trôi qua. Như vậy phải xem như mất đi một ngày cơ hội để tiến bộ.Trong thế gian này không thiếu gì người thông minh tài giỏi. Nếu những người ấy không chịu trau dồi thêm đức hạnh, không chịu mở mang thêm sự nghiệp, chẳng qua chỉ vì thích an vui hiện tại, không muốn cải sửa mà thôi. Uổng phí cả một đời.

Thuyết lập mạng của thiền sư Vân Cốc là một lý lẽ tinh túy nhất, thâm thuý nhất, chân thực nhất, đúng đắn nhất mà con phải gắng sức nghiền ngẫm cho kỹ rồi hết lòng áp dụng trong đời sống, đừng để thì giờ uổng trôi.

Chương hai: Phương pháp sửa đổi

Cử chỉ lời nói, trưng bày thành bại

Vào thời đại Xuân Thu (27), người ta chỉ cần nhìn cử chỉ lời nói của một người là có thể biết người ấy sẽ thành công hay thất bại. Những lời tiên đoán đó luôn luôn chính xác. Chúng ta có thể cứu xét những chuyện ấy qua các cuốn sách sử như Tả Truyện hay Quốc ngữ (28).

Nói chung, mọi dấu hiệu họa phước sắp xảy đến đều nảy mầm từ nội tâm rồi biểu hiện ra ngoài hành vi con người. Như người nhân hậu rộng lượng sẽ có thái độ chững chạc bình tĩnh, thường được phước. Người khắc khe hẹp hòi sẽ có thái độ bộp chộp nóng nẩy, thường gặp họa. Người thường không thấy xa, tưởng rằng họa phước là việc hên xui may rủi không thể tiên đoán trước được.

Theo nguyên tắc, lòng chân thành là lòng hạp với trời. Muốn đoán phước sắp đến hay không chỉ cần biết người ấy có lòng thiện hay không. Muốn đoán họa sắp đến hay không chỉ cần biết người ấy có lòng ác hay không. Muốn tìm phước tránh họa, điều cần thiết nhất là việc sửa lỗi bản thân, sau mới nói đến việc làm thiện.

Yếu tố sửa đổi

1. Biết xấu hổ

Người muốn sửa lỗi, việc đầu tiên là phải biết xấu hổ. Nghĩ đến các bậc thánh hiền ngày xưa cũng là con người như chúng ta, nhưng tại sao họ có thể gương mẫu ngàn đời mà chúng ta lại thân bại danh liệt. Vì ta đắm mê trần duyên, làm lén những việc trái với lương tâm, tưởng không ai biết liền ưỡn ngực làm như vô tội. Như vậy sẽ có ngày sống như con thú mà không hay. Trên đời không gì xấu hỗ cho bằng điều đó. Mạnh tử nói: «”Biết xấu hổ” đối với con người rất quan trọng». Người biết xấu hổ sẽ ngang hàng với thánh hiền, còn không biết xấu hổ thì chẳng khác gì như con thú. Đó là chỗ then chốt của việc sửa lỗi.

Có thể bạn thích sách  Chống Duhring

2. Biết lo sợ

Điều thứ hai là phải biết lo sợ. Trên có trời dưới có đất, chúng ta không thể qua mặt được quỷ thần. Dù chúng ta ở nơi kín đáo mà thiên địa quỷ thần vẫn hằng theo dõi ta. Nếu ta có lỗi nặng ắt sẽ giáng ta trăm điều tai hoạ. Nếu có lỗi nhẹ ắt sẽ giảm liền phước thọ. Chúng ta không lo sợ sao được?

Không những thế, ở những nơi riêng tư không ai thấy đều có quỷ thần canh phòng gắt gao. Dầu ta giấu diếm tội lỗi kín đáo, ngụy trang khéo léo chăng nữa, nhưng đối với họ, những gì ta nghĩ trong lòng họ đều biết hết, không lừa gạt được ai. Một khi bị người khác biết tẩy thì ta không còn giá trị gì nữa. Vậy không lo sợ sao được?

Không những thế, dù là tội lỗi đầy trời, nếu ta còn một hơi thở vẫn còn có thể hối cải kịp thời. Người xưa có người cả đời làm ác, nhưng trước khi lìa đời, ăn năn lỗi lầm, phát một niệm thiện, liền được qua đời trong an lành. Cho nên người ta nói: « Một niệm mãnh liệt, cũng đủ để tẩy sạch được tội ác trăm năm». Tỷ như một hang cốc tối tăm ngàn năm, vừa thắp lên ngọn đuốc thì ngàn năm tối tăm ấy liền tan mất. Cho nên không cần biết là tội lỗi nhiều ít hay lâu mau, điều quan trọng là phải biết hối cải.

Nhưng đời người vô thường, thân thể dễ hoại. Một khi hơi thở thở ra không hít vào nữa thì lúc đó muốn hối cải cũng đã muộn. Trên trần gian này cũng đã thối nát tiếng tăm. Tuy có con hiếu cháu ngoan vẫn không cách nào rửa sạch dùm được. Dưới cõi âm sẽ bị đọa vào địa ngục ngàn kiếp, dù có thánh hiền, Phật, bồ tát, có lòng thương xót chăng nữa cũng chẳng thể cứu vớt được gì. Vậy không lo sợ sao được ?

3. Có cương quyết

Thứ ba, là có lòng cương quyết. Con người không muốn sửa lỗi chỉ vì trốn tránh không dám đương đầu với sự thật. Chúng ta phải phấn chấn lên, không do dự, không chần chừ. Phạm lỗi lầm nhỏ như bị gai đâm, phải lễ ngay tại chỗ. Phạm lỗi lầm lớn như bị rắn độc cắn ngón tay, phải chặt liền tức khắc. Phải dứt khoát không chút chần chừ do dự. Làm được như vậy mới có ích lợi như quẻ Phong Lôi (29) vậy.

Nếu đầy đủ cả ba yếu tố trên thì gặp lỗi mới có thể sửa liền được. Như tuyết xuân gặp nắng rọi, lỗi lầm nào chẳng không tiêu tan? Nhưng lỗi lầm con người có thể sửa trên sự việc, sửa theo lý luận hay sửa trong nội tâm. Hình thức sửa khác nhau và kết quả đem lại cũng khác nhau.

Hình thức sửa đổi

a. Sửa theo việc

Như hôm trước sát sanh, nay cấm sát sanh. Như hôm trước nóng giận, nay cấm nóng giận. Như vậy là sửa trên sư việc. Kềm ngọn mà không sửa gốc, điều đó rất khó, vì gốc bịnh vẫn còn. Kềm được tật này, tật khác lại trồi lên. Cho nên sửa ngọn không phải là môt phương pháp trừ sạch được bịnh gốc.

b. Sửa trên lý

Người khéo sửa lỗi, trước khi đặt điều cấm phải biết suy nghĩ lý do tại sao. Như lỗi sát sanh, phải hiểu rằng: Trời thích muôn loài vượng sống, không thích tàn sát. Mỗi loài vật đều muốn sống, đều sợ chết. Giết chúng để nuôi thân ta, lương tâm nào chấp nhận? Hơn nữa, đối với những loài vật bị giết, nào bị dao cắt, nào bị chảo chiên, những khổ đau đớn, thấu đến cốt tủy. Còn đối với chúng ta, giết chúng để trưng bày cao lương mỹ vị, ăn xong rồi cũng hết. Nếu ta thay thế bằng ăn chay vẫn có thể no bụng. Tại sao lại phải giết chúng để tổn phước của mình ?

Hơn nữa, nghĩ đến những loài vật có sanh mạng đều có linh tánh và tri giác. Mà đã có linh tánh và tri giác thì chúng với ta cùng một bản thể. Chúng ta đã cảm thấy xấu hổ vì không đủ đạo đức để chúng kính ta thân ta (*), mà sao lại còn mỗi ngày giết chúng để chúng mãi thù ta oán ta? Khi nghĩ đến như thế, sẽ thấy miếng thịt mà đau lòng thương xót, làm sao nuốt nổi

Như hôm trước nóng giận, nên nghĩ rằng: Ai cũng có sự sơ sót, ta phải thông cảm. Nếu ai xâm chạm đến ta một cách phi lý, vậy lỗi người đó, can chi với ta? Có gì mà giận?

Lại nghĩ thêm: Không hào kiệt nào mà tự cao, cho mình là đúng hết. Không người trí thức nào mà cứ oán trời trách người khi gặp những chuyện không vừa ý. Khi sự việc xảy đến không vừa ý, chỉ vì đức hạnh ta tu còn kém, lòng chân thành chưa đủ để cảm ứng trời mà thôi. Nếu mọi việc chúng ta đều biết tự xét lại, thì dù gặp người hủy báng ta đó đều là cơ hội cho ta rèn luyện. Ta phải cảm thấy mừng mới đúng, có gì mà phải tức giận ?

Hơn nữa, nếu ta nghe lời phỉ báng mà không giận, thì dù lời hủy báng ác độc đến đâu, chẳng khác nào như đem lửa đốt trời, chẳng cháy được gì, rồi cũng sẽ tắt. Ngược lại, nếu nghe những lời phỉ báng mà nổi giận. Dù hết lời biện hộ, chẳng khác nào như con tằm nhả tơ, tự trói buộc mình mà thôi. Sự nóng giận tai hại vô ích. Mỗi lần gặp lỗi lầm ta đều phải bình tĩnh sáng suốt để thấy lý của nó, khi lý đã rõ thì việc làm lỗi tự động sẽ dứt.

c. Sửa trong tâm

Thế nào là sửa trong tâm? Lỗi lầm thiên hình vạn dạng đều do tâm tạo. Nếu tâm ta không động (30) thì thiện ác (31) đâu mà có? Những thói hư tật xấu như háo sắc, ham danh, tham của, hay nóng giận, v.v. đâu cần sửa từng điều một, chỉ cần một lòng hướng thiện là chánh niệm hiển bày trong lòng, tà niệm tất nhiên không chổ dung thân. Như mặt trời mọc lên thì quỷ quái phải tìm đường lẩn trốn. Đây là chỗ then chốt của lý này. Tội do tâm tạo, sửa cũng do tâm. Như muốn trừ một cây độc, chỉ cần đốn ngay gốc, đâu cần bẻ từng lá và chặt từng nhánh?

Nói chung, phương pháp hay nhất là sửa tâm vì khi gặp cảnh, tâm luôn thanh tịnh. Ta biết rõ những gì đang xẩy ra trong tâm. Nếu thấy tâm động, vọng niệm nổi lên, ta liền phát hiện mà không theo. Không theo thì lỗi đâu mà có? Trong trường hợp áp dụng phương pháp sửa tâm không được, ta có thể dùng phương pháp lý luận để loại tà niệm. Nếu vẫn làm không được, ta còn có phương pháp giới luật để cấm cản. Ta có thể áp dụng cả ba phương pháp cùng một lúc vẫn không sao. Nhưng nếu chỉ cố chấp vào phương pháp thấp mà bỏ hẳn phương pháp cao là không hay rồi đó.

Kết quả sửa đổi

Khi phát nguyện sửa đổi, chúng ta một mặt cần đến bạn bè nhắc nhở, mặt khác phải xin quỷ thần chứng minh gia hộ. Thành tâm sám hối, ngày đêm không ngừng. Sớm thì sau 7 ngày, 14 ngày, trễ thì một tháng, hai tháng hay nhiều nhất là ba tháng sẽ có kết quả. Như lòng cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, trí tuệ bừng sáng. Vì thế khi gặp phải những chuyện rắc rối khó giải quyết hay những việc nhỏ nhoi buồn phiền ta đều có thể giải quyết nhanh chóng rõ ràng. Khi gặp chuyện oán thù đều có thể hòa giải thành vui. Hoặc nằm mơ thấy nhả ra đồ dơ bẩn, hoặc thấy Phật, Bồ tát đưa tay tiếp đón, hoặc thấy nhẹ nhàng bay bổng, hoặc thấy lâu đài lộng lẫy, cờ và lọng bằng châu báu v.v… Những cảnh thù thắng đó nói lên nghiệp tội đã được tiêu trừ. Nhưng đừng nên vì vậy mà kiêu ngạo thỏa mãn, làm đứt đoạn con đường tiến lên.