Cuốn tiểu thuyết “Ta Bắt Đầu Cuộc Đời Mới Khi Nhận Ra Mình Chỉ Sống Một Lần” là một nguồn cảm hứng mới mẻ cho những người cảm thấy cuộc sống của mình đơn điệu và nhàm chán. Với sự hài hước và lạc quan, cuốn sách này mang đến một cái nhìn tích cực về cuộc sống và khám phá tiềm năng cá nhân.
Chính qua hành trình của nhân vật chính Camille, độc giả sẽ được dẫn dắt thông qua những trải nghiệm đầy ý nghĩa và sáng tạo. Camille từng bước thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống và theo đuổi lại những ước mơ đã từng bị lãng quên. Bằng cách nhìn nhận rằng mỗi người chỉ sống một lần, Camille đã tìm thấy sự động viên và quyết tâm để bắt đầu cuộc đời mới và thực hiện những điều mình mong muốn.
Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện về sự thay đổi cá nhân mà còn là một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về việc tận hưởng cuộc sống và không ngần ngại theo đuổi ước mơ. Thông qua hành trình của Camille, độc giả có thể cảm thấy kích thích và khích lệ để tìm kiếm niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống của mình.
—
Tác giả Raphaëlle Giordano là một nhà văn, họa sĩ, huấn luyện viên về khả năng sáng tạo,… Tác giả nuôi dưỡng đam mê với ngôn từ và các khái niệm trong khoảng thời gian học tập tại trường Nghệ thuật Ứng dụng Estienne và làm việc tại các cơ quan truyền thông ở Paris trước khi sáng lập ra mô hình huấn luyện của riêng mình: emotone.com.
Được tiếp xúc và đào tạo về tâm lý học, Raphaëlle Giordano, trong các tác phẩm đầu tiên, đã đưa ra những cách tiếp cận sáng tạo để phát triển cá nhân, cả về ngoại hình lẫn suy nghĩ.
Tiểu thuyết đầu tay Ta bắt đầu cuộc đời mới, khi nhận ra mình chỉ sống một lần của Raphaëlle Giordano xoay quanh chủ đề mà cô yêu thích và am hiểu: nghệ thuật thay đổi cuộc sống để tìm ra con đường đến với niềm vui và hạnh phúc.
Cuốn sách đã bán được hơn hai triệu bản và được chuyển ngữ tại hơn ba mươi quốc gia. Phiên bản sách bỏ túi liên tiếp nằm trong top năm cuốn sách chạy nhất của Pocket, thành công chưa từng có kể từ Mật mã Da Vinci (2015).
—
MƯA, NGÀY CÀNG NẶNG HẠT, đập xối xả lên mặt kính chắn gió. Cần gạt nước kêu kèn kẹt, còn tôi, hai tay ghì chặt vô lăng, tận đáy lòng răng cũng nghiến kèn kẹt… Lát sau, mưa đổ như trút nước, theo bản năng, tôi nhả chân ga. Chỉ còn thiếu nước tôi gặp tai nạn! Hình như mọi thế lực thiên nhiên đều đã quyết định liên kết chống lại tôi? Tốc tóc, ông Nô-ê(1) kia ơi? Trận đại hồng thủy này là gì vậy chứ?
Để tránh nạn kẹt xe tối thứ Sáu, tôi quyết định đi tắt theo những con đường nhỏ. Thế nào cũng được, miễn là tránh được những trục đường lớn ùn tắc cùng cảm giác bức bối giữa dòng xe cứ co vào giãn ra như chiếc đàn phong cầm! Dứt khoát không làm một nghệ sĩ phong cầm đường phố như Yvette Horner(2)! Tôi căng mắt cố giải mã những biển chỉ đường nhưng vô ích, trong khi băng đảng thần thánh trên cao kia hả hê trút xuống kính xe cả đóng nước cốt chỉ làm tăng sự hoảng loạn của tôi. Và như thể thế vẫn chưa đủ, giữa một khoảng rằng tối om, máy định vị GPD bỗng quyết định tôi và hắn không đồng hành cùng nhau nữa. Một cuộc ly dị với công nghệ mang lại hậu quả tức thì: tôi đi thẳng, còn hắn cứ chỉ lòng vòng. Hay đúng hơn, hắn chạy trật lất!
Cũng phải nói rằng, cái nơi tôi vừa rời khỏi, GPS không tới được. Hay nếu có thì cũng không thể chạy chính xác. Nơi tôi vừa rời khỏi thuộc sạng bị bản đồ lãng quên, cũng có nghĩa một nơi khỉ ho cò gáy. Ấy thế mà… Thực sự tồn tại ở đó một khi phức hợp nhỏ các công ty, một tập hợp tưởng chừng không có thực tại các công ty Trách nhiệm hữu hạn (công ty khả năng sinh lời có hạn thì đúng hơn), nhưng trong mắt sếp khu đó hẳn có tiềm năng thương mại đủ lớn khiến tôi phải đến tận nơi. Có lẽ còn có một nguyên do ít hợp tình hợp lý hơn. Từ khi sếp đồng ý cho tôi làm việc theo chế độ 4/5(3), tôi có cảm tưởng không mấy dễ chịu là sếp bắt tôi phải trả giá cho ân huệ này bằng cách giao cho tôi những chuyến công tác mà người khác không muốn. Đó mới chính là lý do tại sao tôi ở trong cái tủ bốn bánh này, chạy ngang dọc trên những con đường ngoại ô Paris rộng lớn, bận tâm vì một cái công ty chẳng đáng giá gì…
Thôi nào, Camille… Đừng càu nhàu nữa và chú tâm vào nhìn đường đi!
Bỗng nhiên, một tiếng nổ vang lên… Tiếng động kinh khiếp làm tim tôi nhảy lên 120 nhịp một phút và khiến tôi mất kiểm soát tay lái. Đầu tôi đập vào kính chắn gió và tôi bỗng lạ lùng nhận ra rằng câu chuyện về cả cuộc đời lướt qua trước mắt trong hai giây(4) không phải là chuyện hoang đường. Sau một vài giây đờ đẵn, tôi lấy lại tinh thần và sờ tay lên trán… Không chảy máu. Chỉ có một cục u to tướng. Kiểm tra nhanh khắp người… Không, không phát hiện có chỗ nào khác bị đau. Sợ nhiều hơn đau, may quá!
Tôi chui ra khỏi xe, khoác tạm lên mình cái áo mưa để kiểm tra thiệt hại: một bánh xe bị nổ và một bên khung xe bị móp. Phút kinh khiếp ban đầu đã qua, nỗi sợ hãi nhường chỗ cho sự giận dữ.
Vì Chúa! Làm sao chỉ trong một ngày lại có thể tích tụ từng ấy điều bực mình được nhỉ? Tôi lao đến chiếc điện thoại như lao đến phao cứu sinh. Và dĩ nhiên, không có sống! Tôi cũng chẳng mấy ngạc nhiên, như thể đã cam chịu vận xui của mình.
Từng phút trôi qua. Chẳng có gì. chẳng có ai. Một mình, lạc đường giữa khu rừng hoang vắng. Nỗi lo sợ bắt đầu dâng lên, cổ họng khô khốc của tôi ngày càng bỏng rát.
Phải hành động thay vì sợ hãi! Chắc chắn có nhà dân, ở một nó bào đó…
Thế là tôi rời khỏi khoang xe an toàn, quyết tâm đối mặt với những thế lực thiên nhiên, dù trông chẳng giống ai trong chiếc áo gi-lê bảo hộ rộng thùng thình. Đã xung trận thì bất kể! Với lại, thẳng thắn mà nói, trong hoàn cảnh này, quyến rũ hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều…
Sau khoảng chục phút dài như vô tận, tôi đứng trước cánh cổng sắt của một khuôn viên nhà. Tôi nhấn chuông cửa trên màn hình như thể gọi cấp cứu 112.
Một người đàn ông trả lời tôi bằng cái giọng của người-đứng-sau-cửa, nhòm qua mất thần, nói với những kẻ không mời mà tới.
– Vâng? Có chuyện gì?
Cầu mong thần may mắn ở bên tôi: mong là những người ở đây mến khách và có chút lòng trắc ẩn!
– Xin chào ông… Xin lỗi vì đã làm phiền, nhưng tôi vừa gặp tai nạn xe trong khu rừng phía sau nhà ông… Bánh xe tôi bị bể, còn điện thoại thì không có sóng… Tôi không thể gọi cứu…
Tiếng cửa sắt mở ra làm tôi giật mình. Phải chăng ánh mắt như của một chú chó Cocker tuyệt vọng hay bộ dạng như một kẻ đắm tàu của tôi đã thuyết phục người dân này cho phép tôi trú chân? Không quan trọng. Tôi lách mình vào trong không thắc mắc gì thêm và nhận ra một căn nhà tuyệt đẹp, đầy phong cách, bao quanh bởi một khu vườn được thiết kế tỉ mỉ và chăm sóc cẩn thận. Thật như bắt được vàng giữa chốn đầm lầy!
ĐÈN TRƯỚC THỀM BẬT SÁNG, rồi cửa ra vào hé mở phía cuối lối đi. Bóng một người đàn ông với vóc dáng đẹp tiến về phía tôi, dưới một cây dù lớn. Khi ông đến gần, tôi nhận thấy một khuôn mặt dài, cân đối, với những nếp nhăn rõ nét. Nhưng ông thuộc nhóm người đẹp lão. Một Sean Connery(1) kiểu Pháp. Tôi chú ý hai cái lúm đồng tiền hình dấu phẩy nằm gần khuôn miệng được điểm thêm hai khóe mép như đang cười, khiến cho vẻ ngoài của ông ngay lập tức làm ta có cảm tình. Vẻ người khiến ta muốn trò chuyện. Ông chắc tầm 60 tuổi, có tư thế của một người chơi nhảy lò cò đến được ô “Thiên đường”: ung dung và thanh thản. Đôi mắt màu xám đẹp, nhạt màu của ông ánh lên vẻ tinh nghịch, giống như hai viên bi vừa được đứa trẻ chùi bóng. Bộ tóc muối tiêu đẹp, dày dặn đáng ngạc nhiên vào tuổi của ông, chỉ hơi hói phần trước, ôm cao trên vầng trán. Bộ râu ngắn, tỉa gọn ghẽ như những khu vườn xung quanh, cho thấy sự chải chuốt toát ra từ cả con người ông.
Ông mời tôi theo ông vào nhà. Màn nghiên cứu thầm lặng của tôi bị gián đoạn.
– Vào nhà đi! Cô ướt như chuột lột rồi!
– C…cảm ơn! Ông thật tốt quá. Một lần nữa xin lỗi đã làm phiền ông…
– Không phiền gì cả. Không có vấn đề gì. Nào, cô hãy ngồi xuống đây, tôi đi tìm các khăn cho cô lau khô người một chút.
Cùng lúc đó, một người phụ nữ thanh lịch, mà tôi đoán là vợ ông, tiến về phía chúng tôi. Vẻ duyên dáng trên khuôn mặt đẹp thoáng biến thành một cái nhíu mày kiềm chế khi thấy tôi xuất hiện trong nhà của bà.
– Anh yêu, mọi việc ổn chứ?
– Ừ, ừ, mọi việc ổn cả. Cô đây bị tai nạn xe và không thể bắt được sóng điện thoại trong rừng. Cô ấy chỉ cần gọi điện thoại và lấy lại tinh thần một chút.
– Vậy à, tất nhiên rồi…
Nhìn thấy tôi bị lạnh cóng, bà thân thiện hỏi tôi có muốn uống trà không và tôi không ngại ngần chấp nhận.
Trong khi bà vào bếp thì chồng bà từ cầu thang đi xuống, tay cầm một cái khăn.
– Cảm ơn ông, ông thật tử tế quá.
– Claude. Tên tôi là Claude.
– Dạ, còn tôi là Camille.
– Khăn đây, Camille. Điện thoại ở kia, nếu cô cần.
– Thật tuyệt. Tôi sẽ không gọi lâu đâu.
– Cô không phải vội.
Tôi tiến về phía điện thoại nằm trên một tủ gỗ xinh xắn, thanh nhã, trên đó chẽm chệ một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Ông bà chủ nhà thật có khiếu thẩm mỹ và khá giả… Được an ủi làm sao khi rơi vào nhà họ (chứ không phải hang ổ của con-quỷ-chuyên-ăn-thịt-phụ-nữ-đơn-chiếc-trong-tình-cảnh-tuyệt-vọng)!
Tôi nhấc máy và bấm số điện thoại hỗ trợ của nhân viên bảo hiểm. Không thể định vị xe tôi ở đâu, tôi yêu cầu thợ sửa xe qua đây đón tôi trước, với sự đồng ý của ông bà chủ nhà. Người ta báo thợ sửa sẽ đến trong vòng một tiếng nữa. Tôi hít một hơi thật dài: mọi việc có vẻ đang xoay theo chiều hướng thuận lợi.
Sau đó, tôi gọi về nhà. Một cách kín đáo, Claude cầm thanh que cời lò và tiến lại coi lửa trong lò sưởi kêu tí tách ở góc bên kia phòng. Sau 8 tiếng chuông dài lê thê, chồng tôi nhấc máy. Nghe giọng anh, tôi đoán anh đang gà gật trước một chương trình truyền hình. Dù vậy, anh không có vẻ ngạc nhiên cũng chẳng lo lắng khi nghe thấy giọng tôi. Anh đã quen với việc đôi khi tôi về khá muộn. Tôi giải thích cho anh những rủi ro đến với tôi. Anh đệm vào lời kể của tôi bằng những âm thanh thể hiện sự khó chịu và những cái tặc lưỡi đầy phật ý, sau đó hỏi tôi những câu hỏi mang tính hình thức. Bao lâu nữa thợ sửa mới đến? Vụ này tốn bao nhiêu tiền? Đang trong tâm trạng căng thẳng tột cùng, thái độ của anh làm tôi chỉ muốn hét lên trong điện thoại! Anh không thể tỏ ra cảm thông một chút dù chỉ một lần thôi sao? Tôi dập máy, giận điên người, sau khi nói với anh là tôi sẽ tự xoay xở và anh không cần đợi tôi về ngủ.
Hai tay tôi run bần bật dù không muốn và tôi cảm thấy nước mắt đang dâng trào. Tôi không nghe thấy tiếng Claude đến gần nên khi ông đặt tay lên vai, tôi rùng mình.
– Cô có sao không? Cô thấy thế nào? Ông hỏi tôi bằng một giọng ân cần, giọng nói mà tôi mong biết bao được nghe từ chồng vài phút trước.
Ông hơi cúi xuống, ngang với mặt tôi và hỏi lại:
– Thế nào, cô có ổn không?
Và thế là, như có cái gì ở ông quật ngã tôi: môi tôi run lên và tôi không thể cầm được những giọt nước mắt đã dâng đầy trong khéo mắt từ nãy giờ… Mascara chảy tràn trên mặt, tôi mặc kệ cho tràn ra bao nhiêu oan ức dồn nên từ nhiều giờ này, từ nhiều tuần nay, từ nhiều tháng nay, và từ lâu hơn thế nữa…
LÚC ĐẦU, ÔNG KHÔNG NÓI GÌ CẢ. Chỉ đứng yên như thế, không động đậy, bàn tay ấm nóng đặt trên vai tôi, tỏ rõ sự thông cảm.
Khi nước mắt tôi ngừng chảy, vợ ông, giữa lúc đó đã đặt trước mặt tôi tách trà bốc khói, đưa tôi vài cái khăn giấy, rồi đi lên lầu, chắc bà cảm nhận được sự hiện diện của mình có thể làm tôi không dám thổ lộ hết tâm tư.
– Xin… xin lỗi, tôi thật buồn cười! Tôi không hiểu tôi bị làm sao nữa… Thời gian này, tôi luôn căng thẳng, thêm vào đó, cả một ngày khủng khiếp như hôm nay, thật sự vượt quá sức chịu đựng!
Claude đã trở lại ngồi trên chiếc ghế bành trước mặt tôi và lắng nghe chăm chú. Ông nhìn sâu vào ánh mắt tôi. Không phải cái nhìn dò xét hay tra hỏi. Mà là ánh mắt bao dung, như dang rộng vòng tay chia sẻ.
Nhìn thẳng vào mắt ông, tôi thấy không có gì phải lừa dối. Tôi có thể bày tỏ không cần giấu giếm. Những nỗi lòng khóa kín của tôi được mở ra từng cái, từng cái một. Kệ thôi. Mà có khi như thế lại hay?
Tôi thú nhận với ông những suy nghĩ đang dậy sóng trong tôi, giải thích với ông làm thế nào mà những ấm ức tưởng chừng nhỏ xíu cứ tích tụ lại để rồi cuối cùng hủy hoại niềm vui sống trong tôi, trong khi từ ngoài nhìn vào tôi có tất cả mọi thứ để hạnh phúc…
– Ông thấy đấy, tôi không bất hạnh, nhưng cũng không thật sự hạnh phúc… Cái cảm giác hạnh phúc tuột dần khỏi tay mình thật đáng sợ! Tuy thế, tôi chẳng muốn đi gặp bác sĩ chút nào; ông ta có thể kết luận tôi bị trầm cảm rồi nhồi vào người tôi cả đống thuốc! Không đây chỉ là một dạng buồn rầu ủ ê thôi… Không có gì nghiêm trọng, nhưng dù sao nó cũng… Như kiểu mình chẳng còn có tâm trí nữa. Tôi cũng không biết tất cả những điều này có ý nghĩa gì không!
Lời nói của tôi có vẻ làm ông xúc động, đến mức khiến tôi tự hỏi có phải đang gợi lại điều gì đó rất riêng tư trong ông. Dù chỉ mới quen nhau chưa đầy một giờ đồng hồ, giữa chúng tôi như có một sự đồng cảm đáng kinh ngạc. Chỉ một khắc trước đó vẫn còn là người xa lạ, mà giờ tôi đã vượt qua ranh giới , thổ lộ những tâm tư thầm kín, tạo một vạch nối sơ khai cho câu chuyện của chúng tôi.
Những gì tôi bộc bạch rõ ràng đã chạm đến một sợi dây nhạy cảm trong ông, khiến ông thấy nhất thiết phải an ủi tôi.
– “Chúng ta cần có lý do để sống cũng như cần có cái để mà sống”, cha Pierre(1) đã khẳng định như vậy. Vì thế, không thể nói tất cả những điều này không quan trọng. Mà ngược lại, nó cực kỳ quan trọng. Những tổn thương trong tâm hồn không thể bị coi nhẹ. Nghe cô tâm sự, tôi thậm chí nghĩ là mình hiểu được cô đau đớn vì cái gì…
– À vâng, thật vậy sao? Tôi sụt sịt hỏi lại.
– Đúng thế…
Ông chần chừ một chút trước khi tiếp tục, như thể ông đang cố đoán xem tôi có tiếp nhận phát hiện của ông không… Ông hẳn thấy rằng tôi có thể, vì ông đã tiếp tục bằng một giọng đầy tin tưởng:
– Cô có thể bị một dạng của bệnh viêm thói quen cấp tính.
– Viêm cái gì cơ?
– Viêm thói quen cấp tính. Đấy là một chứng bệnh tâm hồn mà ngày càng có nhiều người gặp phải, nhất là ở phương Tây. Nhưng triệu chứng thì gần như luôn giống nhau: giảm động lực sống, rầu rĩ kéo dài, mất điểm tựa và mất định hướng, khó thấy hạnh phúc dù vật chất sung túc, vỡ mộng, chán nản…
– Nhưng… làm sao ông biết tất cả những điều này?
– Vì tôi là nhà trị liệu thói quen.
– Nhà thói quen cái gì ạ?
Thật là hoang đường!
Có vẻ ông đã quá quen với những phản ứng như thế, vì ông vẫn giữ vẻ điềm tĩnh và ung dung an lạc.
Ông giải thích ngắn gọn cho tôi thế nào là ngành trị liệu thói quen, một ngành còn rất mới và ít được biết đến ở Pháp, nhưng đã khá phổ biến ở nhiều nơi khác trên thế giới. Làm sao mà các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học ý thức được về tình trạng số người có triệu chứng bệnh này ngày càng tăng. Làm sao mà, dù không bị trầm cảm, nhưng ta vẫn có thể cảm thấy trống rỗng, nội tâm thực sự dậy sóng và dẫn đến cảm giác khó chịu rằng mình có tất cả để được hạnh phúc, nhưng lại không nắm được chìa khóa để tận hưởng hạnh phúc đó.
Tôi nghe ông với đôi mắt mở to, nuốt từng lời nói miêu tả chính xác những gì tôi cảm nhận, thôi thúc tôi nghe tiếp:
– Cô biết không, viêm thói quen có vẻ là một bệnh vô hại lúc đầu, nhưng nó lại có thể gây ra những thiệt hại lớn cho dân chúng: kéo theo những trận dịch của sự bi quan, những đợt sóng thần đầy sự u sầu, những trận cuồng phong của sự lãnh cảm! Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, nụ cười cũng dần biến mất! Đừng cười vội, đó là sự thật! Chưa kể đến hiệu ứng cánh bướm(2)! Hiện tượng càng lan rộng, càng nhiều người bị nhiễm… Chỉ một ca nhiễm viêm thói quen không được ngăn chặn đúng cách có thể làm giảm chỉ số tâm trạng của cả một đất nước.
Qua giọng nói pha chút cường điệu của ông, tôi cảm nhận rõ ý ông muốn thêm mắm thêm muối nhằm giúp tôi có lại nụ cười.
– Ông không nói quá lên đấy chứ?
– Có một chút thôi! Cô không tưởng tượng được số người mù hạnh phúc là bao nhiêu đâu! Chưa kể đến số người mất khả năng bày tỏ cảm xúc! Một vấn nạn thật sự… Cô không nghĩ rằng, không gì tệ hơn cái cảm giác bỏ lỡ cuộc đời mình chỉ vì không đủ cam đảm nhào nặn nó theo ý mình, vì không dám trung thành với những giá trị đích thực từ tận đáy lòng, không dám là đứa trẻ như chính ta thuở trước, không dám giữ những ước mơ của chính mình?
– Ờ… ờ… Hẳn là thế…
– Đáng tiếc trường học không dạy ta phát triển các năng lực để được hạnh phúc. Dù đã có các phương pháp. Ta có thể có nhiều tiền nhưng lại bất hạnh như những hòn đá, hoặc ngược lại, có ít tiền thôi nhưng lại biết cách tạo ra nhiều mật ngọt cho cuộc sống hơn ai hết… Năng lực sống hạnh phúc cần được tập luyện, củng cố mỗi ngày. Chỉ cần xem xét lại hệ thống giá trị hạnh phúc, học lại cách nhìn về cuộc sống và các sự việc.
Ông đứng dậy, lấy cái bát nhỏ đựng kẹo trên cái bàn lớn và quay lại mời tôi dùng với trà. Ông lơ đễnh lấy ăn một vài cái, nhưng vẫn tiếp tục nói với tôi như thể cuộc trò chuyện có ý nghĩa rất quan trọng với ông. Trong khi lắng nghe ông nói về tầm quan trọng của việc phải trở lại là chính mình, phải biết yêu thương bản thân mình hơn để có thể tìm được định hướng sống và hạnh phúc cho mình, để lan tỏa niềm hạnh phúc ra xung quanh mình, tôi tự hỏi trải nghiệm gì trong cuộc sống đã khiến ông quan tâm chuyện của tôi đến vậy…
Toàn tâm trí ông đang hừng hực lửa để cố thuyết phục tôi chia sẻ niềm tin này cùng ông. Ông bỗng nhiên dừng lại và nhìn tôi chăm chú với ánh mắt bao dung như thể dễ dàng đọc rõ tâm hồn tôi như người mù đọc chữ nổi.
– Cô biết không, Camille, đa phần những chuyện đến với cô trong cuộc sống đều phụ thuộc vào những điều xảy ra trên này, ông nói tiếp, lấy ngón tay gõ gõ lên đầu. Đều trong đầu cô cả. Quyền lực của tâm trí vẫn luôn làm chúng ta kinh ngạc. Cô không thể biết ý nghĩa của cô ảnh hưởng đến mức nào thực tế cuộc sống của cô… Cũng gần với hiện tượng của Plato đã miêu tả trong Ngụ ngôn cái hang. Bị xích lại với nhau trong một hang đá, con người có hình ảnh sai lầm về thực tế, vì họ chỉ biết những gì đang diễn ra thông qua những cái bóng méo mó chiếu lên tường từ ngọn lửa phía sau lưng.
Tôi nhấm nháp trong yên lặng tình cảnh nực cười của mình. Cũng phải nói rằng tôi không hề nghĩ sẽ bàn luận về triết học trong một phòng khách ấm cúng, chỉ một giờ sau khi bị tai nạn xe!
– Ông đang so sánh huyền thoại của Plato với cơ chế hoạt động của bộ não con người? Ôi…
Ông mỉm cười với phản ứng của tôi:
– Đương nhiên rồi! Tôi đang liên tưởng đến những quan niệm như những tấm lọc ngăn cách chúng ta với thực tế, biến đổi thực tế theo ý muốn của tín ngưỡng, của những định kiến và những phán xét… Và cái gì tạo ra tất cả những điều đó? Chính tâm trí của cô! Chỉ do tâm trí của cô mà thôi! Tôi gọi đó là “máy sản xuất quan niệm”. Một xưởng sản xuất thực thụ! May mắn là cô có khả năng thay đổi chúng, thay đổi quan niệm. Nhào nặn nó thành màu hồng hay đen tùy thuộc vào mong muốn của chính cô mà thôi. Cô có thể luyện tập trí não mình để nó không chơi khăm cô nữa: chỉ cần chút kiên nhẫn, chút bền bỉ và chút phương pháp…
Tôi bị choáng. Tôi không biết phải xem ông là người điên hay nhiệt liệt vỗ tay hoan hô bài diễn thuyết khó tin của ông. Tôi hiện giờ chẳng thế này cũng chẳng thế khác, đành chỉ gật nhẹ đầu tỏ ý tán đồng.
Có lẽ ông cảm thấy lúc này lượng thông tin cần tiêu hóa đã đến cực điểm.
– Xin lỗi cô, tôi đã làm phiền cô với mớ lý thuyết của tôi phải không?
– Không có đâu, không hề! Tôi thấy rất thú vị. Tôi chỉ hơi mệt, ông đừng bận tâm…
– Bình thường thôi mà! Một lần khác, nếu cô muốn, tôi sẽ rất vui được tiếp tục nói về phương pháp này… Nó thực sự chứng tỏ khả năng giúp con người tìm thấy ý nghĩa sống và gây dựng lại một định hướng sống mãn nguyện.
Ông đứng dậy và tiến đến một cái bàn làm việc nhỏ xinh bằng gỗ anh đào. Ông lấy một tấm danh thiếp và đưa cho tôi.
– Hãy đến gặp tôi khi nào có dịp, ông nói kèm theo một nụ cười dịu dàng.’
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Ta Bắt Đầu Cuộc Đời Mới Khi Nhận Ra Mình Chỉ Sống Một Lần của tác giả Raphaëlle Giordano
Nguồn: https://ebookvie.com