Nghệ Thuật Giao Tiếp Và Xã Giao Hàng Ngày PDF EPUB

Nghệ Thuật Giao Tiếp Và Xã Giao Hàng Ngày PDF EPUB

Tác giả:
Thể Loại: Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
Nguồn: https://ebookvie.com
EPUBMOBIPDFAZW3ĐỌC ONLINE

Cuốn sách “Nghệ Thuật Giao Tiếp Và Xã Giao Hàng Ngày” là một nguồn tài liệu hữu ích, giúp độc giả hiểu rõ và áp dụng những nguyên tắc cơ bản của phép xã giao vào cuộc sống hàng ngày. Nó không chỉ giới thiệu về cách chào hỏi, thăm viếng mà còn tập trung vào cách ứng xử trong các tình huống như ăn uống, mặc quần áo và cách xã giao trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Cuốn sách này giúp độc giả nắm vững những kỹ năng giao tiếp cơ bản, như cách nói chuyện một cách lịch sự và trò chuyện một cách tự tin. Nó cũng chia sẻ những nguyên tắc căn bản về cách thể hiện sự tôn trọng và sự quan tâm đến người khác thông qua cử chỉ, ngôn từ và hành động.

Với nội dung phong phú và cách trình bày dễ hiểu, cuốn sách này là nguồn tài liệu hữu ích cho mọi người muốn nâng cao kỹ năng giao tiếp và xã giao hàng ngày của mình.
—-
THẾ NÀO LÀ PHÉP XÃ GIAO LỊCH SỰ ?

Phép xã giao lịch sự là chiếc cầu nối quan trọng trong các mối quan hệ nhân sinh. Nó được xem là tiêu chuẩn để đánh giá trình độ văn hóa giáo dục của con người. Vậy phép xã giao lịch sự hình thành từ bao giờ?

Từ xa xưa, khi loài người biết hợp quần để hình thành lối sống cộng đồng, tức khi con người ý thức được mối tương quan giữa bản thân với người xung quanh là cần thiết cho sự sinh tồn, đó là lúc hình thành phép xã giao.

Phép xã giao được hình thành theo đà phát triển của lịch sử nhân loại, nó được truyền từ đời này sang đời khác, chịu sự tác động của quy luật đào thải và bổ sung theo đặc điểm của từng thời kỳ, từng địa phương. Vì vậy nó thường mang đậm tính dân gian, truyền thống. Ngày nay sự thông thương qua lại giữa các nước, một số nguyên tắc xã giao lịch sự chính của phương Tây đã được phổ biến trên khắp thế giới, gần như trở thành thứ phép xã giao lịch sự quốc tế, như: bắt tay, chào hỏi, ôm hôn khi mới gặp nhau hay khi từ biệt, v.v…

Phép xã giao lịch sự là quy ước bất thành văn, nó không được quy định trong một văn bản pháp luật nào cả, nhưng nó mặc nhiên tồn tại và giúp cho các mối quan hệ xã hội trở nên mật thiết, con người sống và quan tâm đến nhau hơn!

Thông thường, người ta quan niệm một người chín chắn, khôn ngoan và được xem như có trình độ văn hóa giáo dục là người ứng xử theo phép xã giao lịch sự một cách thuần thục và đầy tế nhị. Họ chính là hạng người bặt thiệp, lịch lãm trong xã hội.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sống trong một xã hội văn minh hiện đại, con người lại càng phải giao tiếp nhiều hơn, nên nó đòi hỏi phải vận dụng một cách tinh tế, khéo léo.

Trong cuộc sống nếu chúng ta sống tự do, buông thả, thoải mái quá độ, giao tiếp không trong khuôn phép nhất định, thì dù có thân tình đến đâu, đối tượng giao tiếp cũng sẽ đánh giá thấp về tư cách, đạo đức và trình độ văn hóa của bạn.

Vì vậy, biết phép xã giao và vận dụng nó vào cuộc sống một cách khéo léo là điều cần thiết và rất quan trọng, nhất là khi bạn muốn trở thành một người thành đạt. Tư cách của một người được thể hiện qua thái độ, hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, dáng đi kiểu đứng, cách ăn mặc, v.v… Cho nên, học hỏi rèn luyện mọi hành động, thái độ cho đúng phép xã giao lịch sự cũng là trau dồi nhân cách bản thân.

PHÉP XÃ GIAO TRONG VIỆC CHÀO HỎI

Chào hỏi

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, đủ thấy sự chào hỏi là quan trọng như thế nào. Chào hỏi một người, điều này ngầm mang ý nghĩa là gì?

Chào hỏi người nào tức là tỏ ra mình quan tâm đến người đó. Trong cách chào hỏi chúng ta có thể bày tỏ lòng kính trọng hoặc biểu hiện tình cảm thân thiện của chúng ta đối với họ. Nhưng chào hỏi như thế nào cho phải cách, cho đúng phép lịch sự?

Thật ra, cách chào hỏi rất đa dạng và phong phú tùy theo từng địa phương. Riêng ở Việt Nam trước đây, chào hỏi gần như là một lễ nghi, có phép tắc, quy củ hẳn hoi. Ngày nay, do sự du nhập của sắc thái văn hóa phương Tây nên đã tinh giản rất nhiều, nhưng vẫn phải thể hiện được tính chất tôn ty, trật tự, người trên, kẻ dưới, sự quan tâm, lòng trân trọng. Cách chào thông thường ở Việt Nam là cúi đầu chào. Đối với người lớn tuổi hơn cần kèm theo nghiêng mình. Khi chào hỏi chúng ta cần chú ý vài điểm dưới đây:

– Khi chào, chúng ta nên kèm theo lời hỏi thăm xã giao, ví dụ như: “Anh có khỏe không?” “Anh lúc này làm ăn ra sao?” “Lâu quá không gặp chị” v.v…

– Không nên dừng lại thăm hỏi quá nhiều, nếu là chỗ thân tình đã lâu mới gặp lại hoặc trong trường hợp cần thiết, chúng ta có thể mời khách vào quán nước để trò chuyện hay ghé về nhà mình chơi. Bạn nhớ đừng ham trò chuyện dông dài, có khi làm cản trở việc riêng của người mình gặp.

– Lúc chúng ta đang bận hoặc không tiện trò chuyện thì hãy khéo léo trả lời ngắn gọn, đồng thời xin lỗi rồi đi ngay. Tránh tình trạng tiếp chuyện trong trạng thái phân tâm, đầu óc, tâm trí ở nơi khác.

– Gặp người cao tuổi thì chào hỏi là điều bắt buộc. Cổ nhân có câu “Kính lão đắc thọ”, tuy rằng người ấy chúng ta chỉ quen sơ hay mới gặp lần đầu. Khi chào hỏi phải tỏ thái độ tôn kính, hai tay hơi khoanh lại, đầu cúi hẳn xuống, miệng thưa ngay: Chào ông, chào bà (nếu người lớn tuổi đó là người trong gia tộc, hay người thân quen của gia đình ta khoanh hẳn tay trước ngực). Tránh thái độ xuề xòa, xởi lởi.

– Đối với người trong gia đình, chúng ta luôn nhớ câu “Đi thưa về trình”. Khi ra khỏi nhà hoặc đi đâu mới về người nhỏ phải thưa gởi người lớn tuổi trong gia đình, ví dụ như: “Thưa ba con đi học mới về” hay “Thưa mẹ chúng con đi xem kịch”. Làm như thế chứng tỏ gia đình của chúng ta đầm ấm hạnh phúc và có gia giáo, đồng thời còn khiến cho mọi người trong gia đình thân thiện, vui vẻ, yêu mến nhau hơn.

– Khi gặp bạn bè, người đồng lứa tuổi nếu chỉ trông thấy nhau, chúng ta chỉ cần gật đầu, mỉm cười, nháy mắt hoặc đưa bàn tay lên cũng đủ.

Không nên tỏ thái độ quá sức mừng rỡ như la lớn, nhảy cỡn, chạy ào đến khi chào hỏi một người chưa thân thiết.

– Nơi công cộng, đừng để thái độ chào hỏi của chúng ta làm phiền người khác hay gây sự chú ý đến mọi người.

– Khi gặp phụ nữ bằng hoặc nhỏ tuổi hơn, nam giới nên chào hỏi xã giao rồi đi ngay, không nên dừng lại trò chuyện lâu (trừ trường hợp cần thiết)

– Nếu đang đội nón (mũ), hoặc mang kiếng mát, khi chào chúng ta nên giở nón và tháo kiếng mát ra.

– Không ngậm thuốc lá trên môi khi chào hỏi.

– Khi chào hỏi, cử chỉ cúi đầu nhẹ hay sâu chúng ta phải tùy theo cương vị, tuổi tác hay chức vụ của người đối diện mà ứng biến cho hợp phép.

– Nếu bạn đi chung với một người, họ chào ai, bạn cũng phải chào người ấv, dù chưa quen biết.

– Trong trường hợp bất ngờ gặp người quen khi họ đang nói chuyện hoặc đang ăn uống thì không nhất thiết phải bước tới chào, trừ khi họ thấy mình.

Lúc ta đang ăn uống mà gặp người quen, khi chào hỏi ta cũng nên mời người đó một tiếng. Ngược lại nếu là chúng ta là người được mời trong trường hợp này thì nên nhớ đó chỉ là lời mời xã giao, hay nhất là tìm một lời từ chối khéo léo.

Có thể bạn thích sách  Lập Trình Quỹ Đạo Cuộc Đời

– Khi chúng ta chào một ai đó mà người ấy không chào lại, đương nhiên chúng ta sẽ có cảm giác bị xúc phạm. Cho nên chúng ta cũng đừng để một ai có cảm giác đó khi chào chúng ta. Gặp người khác chào, chúng ta phải chào lại ngay.

Bắt tay

Bắt tay là một một phép xã giao lịch sự đã có từ lâu ở các nước phương Tây. Hai người đưa tay phải ra nắm bàn tay của nhau là để chứng tỏ thiện chí hòa hảo, đồng thời bày tỏ lòng tin cẩn vào sự hòa hảo của đối phương. Người ta có thể căn cứ vào cách bắt tay để suy đoán một phần tính tình hoặc tình cảm của đối tượng đối với họ lúc đó. Vì vậy khi bạn bắt tay ai, hãy bắt thật chân tình, thẳng thắn. Tuyệt đối không được bắt một cách miễn cưỡng qua loa. Sau đây là vài điều cần lưu ý:

– Khi bắt tay bạn cần nhìn thẳng vào mặt người đó, miệng mỉm cười, người hơi nghiêng về phía trước và giữ thẳng lưng, không nên khom lưng.

– Bạn nên tránh những hành động, cử chỉ sau đây khi bắt tay: đưa bàn tay ra một cách hờ hững để bắt tay đối tượng, nắm và bóp quá chặt tay hoặc vừa nắm chặt vừa lắc mạnh, dùng hai tay nắm chặt tay đối tượng mà giật giật.

– Tuyệt đối không bắt tay người khác khi mình đang mang bao tay hoặc khi tay mình đang bị ướt, bị bẩn, bị bệnh (như bị lở, bị mồ hôi v.v…). Gặp trường hợp này, nếu người kia đưa tay ra trước, chúng ta chỉ cần nhìn nhanh vào tay mình, dùng lưng bàn tay đụng nhẹ vào tay người đó đồng thời nói tiếng xin lỗi là người ấy hiểu ngay.

– Với người thân thiết, người trong gia đình không cần thiết phải bắt tay.

– Người đưa tay ra trước để bắt tay người khác luôn là người có vị trí cao hơn, thí dụ như người lớn tuổi, người có cương vị cao, chủ nhà, chủ nhân buổi tiệc, người chủ trì cuộc họp mặt, v.v… Nếu chúng ta là người nhỏ tuổi hơn, có cương vị hoặc chức vụ thấp hơn, hoặc là khách mời thì không nên chủ động bắt tay.

– Khi gặp thuộc cấp, người nhỏ tuổi, người có cương vị thấp hơn, chúng ta nên chủ động bắt tay trước để tỏ ý nhún nhường và hòa đồng.

– Trong trường hợp có nhiều người, chúng ta phải bắt tay người lớn tuổi, người có cương vị cao trước.

– Khi gặp hai vợ chồng, ta bắt tay người vợ trước, người chồng sau.

– Đôi lúc chúng ta cũng có thể dùng cả hai bàn tay để tỏ lòng kính trọng, nhưng đừng có thái độ khúm núm quá, chỉ cần thẳng lưng nghiêng người là được.

– Khi bắt tay phụ nữ phải nhẹ nhàng, đừng nắm quá chặt, quá lâu và không lắc tay.

– Không bắt tay trong tư thế đứng cao hơn đối tượng hoặc khi bạn đang ngồi, nếu không thể đứng lên kịp thì bạn cũng phải nhớn người lên một chút, để tỏ ý đang muốn đứng lên.

– Hãy nhớ lấy thuốc lá ra khỏi môi trước khi bắt tay.

– Không được sử dụng bàn tay trái để bắt tay.

– Khi gặp nhiều người, phải bắt tay lần lượt từng người, đừng bỏ sót một ai.

– Đừng dùng hai tay bắt hai người cùng lúc hoặc bắt tay chéo nhau một lượt.

– Không bắt tay nhau ở cửa ra vào, cầu thang.

– Không ngồi trên xe hơi mà thò tay ra cửa xe để bắt tay người khác.

– Khi đang ngồi, không chồm ngang mặt người khác để bắt tay người ngồi xa hơn.

– Đối với người Pháp thì bắt tay là tập quán của họ, họ có thể bắt tay chúng ta nhiều lần trong ngày, nhưng đối với người Anh nếu họ không chủ động thì bạn đừng đưa tay ra.

Ôm hôn

Tập tục ôm hôn (hai bên ôm khẽ và áp má một hai lần) và hôn tay là của người phương Tây, đến nay vẫn chưa mấy thông dụng ở Việt Nam, trong quan hệ hằng ngày chúng ta không nên dùng. Hai phép xã giao này hiện nay chỉ thường gặp trong các buổi tiếp đón ngoại giao với khách nước ngoài.

Chúng ta có thể ôm nhau trong trường hợp người gia đình, bạn bè thân thiết cách biệt lâu năm gặp lại. Còn trường hợp đặc biệt, vợ chồng hay tình nhân ôm hôn nhau (hôn môi) nên bày tỏ một cách kín đáo, tế nhị. Người Việt Nam chưa có thói quen thực hiện những cử chỉ này ở nơi công cộng.

PHÉP LỊCH SỰ TRONG TRANG PHỤC, TRANG SỨC

Trang phục

Người xưa có nói: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”. Tuy y phục không làm nên con người nhưng nó thể hiện cho chúng ta thấy tính cách, trình độ và bản chất của người sử dụng nó. Phục sức là một nghệ thuật mang tính hài hòa thẩm mỹ, biết cách phục sức càng làm tăng thêm phẩm giá của mình. Y phục không nhất thiết cứ phải lượt là tơ lụa đắt tiền mới là người biết cách ăn mặc. Ngày xưa, cha ông ta có dạy rằng: “áo rách khéo vá hơn áo lành vụng may”, vì vậy biết ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, sạch sẽ là biết tự trọng chính mình vậy. Sau đây là vài điều cần lưu ý:

– Nguyên tắc ưu tiên của phép ăn mặc là sạch sẽ. Không thể lấy cớ vì nghèo, không có điều kiện mà không tắm gội hằng ngày, áo quần để dơ bẩn đầy mùi mồ hôi. Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Dù chúng ta không có áo quần đắt tiền, hợp thời trang nhưng đi đâu hay ở đâu, áo quần của chúng ta cũng phải luôn sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất, được ủi kỹ càng thẳng thớm đàng hoàng, như thế đã là biết cách ăn mặc rồi.

– Đừng bao giờ mặc chiếc áo sứt cúc, chiếc quần rách gấu ra khỏi nhà. Nếu có thể hãy bỏ đi những chiếc áo, quần đã quá cũ.

– Song song với việc ăn mặc sạch sẽ là sự giản dị, trang nhã, kín đáo.

– Ăn mặc đối với nam giới thì đơn giản hơn nữ giới. Chưng diện và mua sắm để chưng diện là một sở thích của nữ giới, nhưng người nữ cũng đừng ăn mặc quá lố lăng, dị hợm. Những bộ đồ mỏng, bộ quần áo ngủ không nên mặc ra đường.

– Nam giới đừng mặc quần đùi (xà lỏn), áo ba lỗ (may ô) nơi công cộng.

– Tại bãi biển hay hồ bơi chúng ta được quyền mặc đồ tắm, nhưng khi không ở dưới nước thì chúng ta nên choàng một chiếc khăn tắm ngang vai, vừa duyên dáng lại càng thêm lịch sự.

– Áo quần phải biết lựa chọn cho hợp với vóc dáng của chính mình. Không phải thấy ai mặc áo quần gì đẹp, sang trọng là chúng ta vội bắt chước theo, như vậy cũng chưa chắc đã sang trọng và đẹp như họ. Gặp một thiếu nữ mặc chiếc váy ngắn tuyệt đẹp, chúng ta vội vã sắm ngay một chiếc giống như vậy, nhưng nếu chúng ta có thân hình đẫy đà thì mặc nó trông có ngớ ngẩn hay không?

– Áo quần phải phù hợp với từng trường hợp, từng hoàn cảnh, từng mẫu người, từng độ tuổi thì mới thể hiện hết giá trị của nó. Người xưa nói rằng “ăn theo thuở, ở theo thời” quả là chí lý, vì vậy tiêu chuẩn dài, ngắn, rộng hẹp cần phải phù hợp với chính mình, phù hợp với môi trường xung quanh, đó chính là cách ăn mặc đúng phép lịch sự.

– Thời tiết mùa nào, chúng ta mặc áo quần theo mùa đó: Trời nóng như thiêu như đốt mà chúng ta mặc nguyên bộ complet nỉ thì trông nực cười làm sao. Tiết trời giá lạnh, gió đông như cắt thịt cắt da, nhưng vì một chiếc áo lụa mới mua quá tuyệt vời, mà đành cắn răng không mặc áo ấm, thế có phải là tội tình cho bản thân mình không?

Có thể bạn thích sách  Nghệ Thuật Xoay Chuyển Tình Thế

– Đi đâu, ở nơi nào chúng ta nên ăn mặc phù hợp với nơi đó. Khi đi ăn tiệc chúng ta phải ăn mặc chỉnh tề, có thể chải chuốt cho đẹp thêm, nhưng cũng đừng lộng lẫy quá mức bình thường như đi hội diễn thời trang bởi nếu không phải là nhân vật chính của buổi tiệc, thì đừng để chúng ta trở thành trung tâm chú ý của mọi người trong buổi tiệc.

– Tùy theo tính chất của buổi tiệc mà chọn lựa trang phục cho thích hợp. Ví dụ: Dự tiệc chiêu đãi khách hàng thân thiện của công ty, nam nên mặc trang phục có áo veston, nữ nên mặc áo dài hoặc trang phục công sở.

– Khi đi ăn giỗ hay đám tang chúng ta không ăn mặc lòe lẹt, sặc sỡ, hãy mặc một chiếc áo dài hay một chiếc áo sơ mi cùng quần tây để chứng tỏ sự nhã nhặn và lòng kính trọng của chúng ta.

– Về quê thăm bà con, ở nông thôn mà suốt ngày chúng ta luôn chỉnh tề trong bộ y phục công sở hay xúng xính trong chiếc áo đầm dạ hội thì xem cũng chẳng giống ai, v.v…

– Cũng nên để ý đến màu sắc áo quần. Tùy theo vóc dáng, màu da, tuổi tác, v.v… mà chọn màu sắc cho phù hợp với mình. Nếu biết sử dụng màu sắc hài hòa, cân đối càng làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ của áo quần.

– Thông thường màu sẫm thích hợp cho người lớn tuổi, nước da ngăm, thời tiết lạnh hoặc về ban đêm, màu nhạt tượng trưng cho sự mát mẻ, thích hợp cho tuổi trẻ, người có nước da sáng. Nhưng không ai có thể bảo màu nào đẹp hơn màu nào, vì màu sắc là sở thích riêng của mọi người.

– Người thấp nên dùng hàng vải có sọc theo chiều dọc, người đẫy đà không nên dùng hàng vải có trang trí hoa to, bóng và màu không nên đậm quá.

– Những màu sặc sỡ tuyệt đối như đỏ chói, xanh lè, vàng ươm nên dùng cho trẻ em.

– Không nên mặc áo sơ mi màu sẫm hơn quần áo ngoài.

– Cà vạt, vớ (bít tất) có màu sắc sẫm, nhạt tương đương và sẫm hơn sơ mi một chút.

– Giày đều phải sạch, đánh xi. Không mang dép lê khi đến công sở, khi đi ăn tiệc…

– Phụ nữ mặc đầm nên mang tất dài.

– Người lịch sự khi bỏ áo trong quần, luôn luôn mang thắt lưng.

– Cần lưu ý khi vào các nơi tôn nghiêm như đình chùa, nhà thờ… nếu trang phục chưa được chỉnh tề, không vào còn tốt hơn.

– Trên đây chỉ là sơ lược, trong phép ăn mặc không có một nguyên tắc cứng nhắc nào. Nhất là đối với cách ăn mặc của phụ nữ. Ở đây chúng ta không bàn sâu vấn đề thời trang.

Trang sức

Thông thường đối với nữ giới, trang sức luôn đi đôi với trang phục. Hiếm khi thấy phụ nữ trang phục chỉnh tề ra khỏi nhà mà không mang đồ trang sức. Với phụ nữ, trang sức là để tôn thêm vẻ đẹp, là một nghệ thuật chứ không phải trang sức để chứng minh mức độ giàu nghèo của một người. Chưa chắc đeo càng nhiều trang sức càng sang trọng, cũng như đồ trang sức càng đắt giá chưa chắc người đeo càng có giá trị. Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận giá trị quý hiếm của những món trang sức lộng lẫy, đắt tiền. Ở đây, chỉ nhấn mạnh rằng: Giá trị của trang sức không gắn liền với giá trị của con người và cách dùng đồ trang sức hợp lý, đầy tính mỹ thuật càng tăng thêm giá trị của món trang sức đó. Sau đây là vài điểm cần chú ý khi dùng đồ trang sức.

– Đồ trang sức phải thích hợp với độ tuổi, mẫu người, màu da, với trang phục cũng như cách trang điểm của từng khuôn mặt, tùy theo thời điểm và hoàn cảnh môi trường.

– Phụ nữ có tuổi chớ đeo hoa tai to, màu sắc sặc sỡ hay hoa tai bằng nhựa.

– Người có gương mặt dài không nên đeo hoa tai thòng xuống.

– Khi trang điểm nhạt thì không nên mang trang sức có màu sặc sỡ.

– Đối với màu áo quần chúng ta cũng đừng nên chọn đồ trang sức có màu quá tương phản.

– Lúc đi dự tang lễ hay thăm người nghèo chúng ta không nên đeo quá nhiều vòng vàng.

– Không nên đeo lẫn lộn đồ trang sức giả và thật với nhau.

– Chọn một chiếc nhẫn đẹp, đầy cá tính, hợp với bàn tay của mình thì thích đáng hơn là mang nhiều chiếc trên một bàn tay. Thậm chí đôi khi còn gây ra tác dụng ngược lại khi những chiếc nhẫn đó không hài hòa, đối chọi nhau.

– Phải tùy theo thân phận, cương vị của mình mà sử dụng đồ trang sức.

– Nếu người đàn ông muốn đeo nhẫn thì không nên đeo quá to, quá lộ, quá kệch cỡm. Nhớ rằng phụ nữ thường đánh giá cao sự thanh nhã ở người đàn ông.

– Đeo đồ nữ trang càng giản dị, đúng nơi đúng chỗ, đầy tính mỹ thuật thì càng tôn vẻ đẹp của người đeo.

– Thà không đeo đồ trang sức, còn hơn trang sức không phải lối.

– Kiếng mát cũng được xem như một món đồ trang sức, hãy lựa chọn thật kỹ cho phù hợp với khuôn mặt của chúng ta mà sử dụng.

* Ngoài ra, chúng ta cũng nên đề cập đến vấn đề nước hoa (dầu thơm). Thường thì phụ nữ nào cũng sử dụng dầu thơm, ít hay nhiều mà thôi. Nhưng chúng ta ít khi đánh giá được nồng độ cũng như mùi hương của nước hoa mỗi khi chúng ta sử dụng. Ngược lại, những người xung quanh chúng ta rất nhạy cảm với vấn đề này. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận, tinh tế khi sử dụng dầu thơm kẻo thơm đâu chưa thấy mà chỉ thấy không ai dám đứng gần. Sau đây là vài điểm cần lưu ý:

– Đừng bao giờ để mùi dầu thơm mà chúng ta dùng xông nồng nặc vào mũi người khác. Hương thơm thoang thoảng để gợi lên sự quyến rũ, đồng thời tăng thêm vẻ quý phái cho chúng ta hơn. Không nên quá lạm dụng dầu thơm. Đừng bôi khắp người từ chân đến tóc, coi chừng người ta tưởng mình làm bể chai dầu thơm trong túi.

– Loại mùi của dầu thơm phải hợp với từng lứa tuổi (người trẻ tuổi có thể dùng mùi nặng hơn người lớn tuổi).

– Tùy theo bối cảnh mà sử dụng cho hợp lý (như khi đi thăm bệnh nhân không nên dùng…)

– Nam giới chỉ nên dùng dầu thơm có mùi nhẹ. Đừng sử dụng loại dành riêng cho phụ nữ.

– Không bao giờ dùng dầu thơm để át mùi mồ hôi, vì nó luôn luôn gây tác dụng ngược lại. Cần tắm gội sạch sẽ trước khi sử dụng dầu thơm. Đặc biệt với mùi mồ hôi nách, phải sử dụng loại dầu thơm đặc trị.

PHÉP XÃ GIAO TRONG QUAN HỆ GIA ĐÌNH

Ngày nay có nhiều người quan niệm rằng trong nhà với nhau cần gì phải lễ nghi, khách sáo. Quan niệm này đúng hay sai chúng ta không bàn tới nhưng thiết nghĩ tại sao chúng ta đối xử với người ngoài một mực đúng phép, phải tắc mà trong gia đình chúng ta lại không dành những lời hay, ý đẹp, những cử chỉ, thái độ trìu mến, thân ái cho nhau. Vì vậy muốn thành một người lịch sự bặt thiệp, trước tiên phải là người biết phép xã giao trong quan hệ gia đình. Sau đây là vài điểm cần lưu ý:

Đối với ông bà, cha mẹ

Từ xưa đến nay, ai ai trong chúng ta cũng thuộc lòng bài ca dao:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Có thể bạn thích sách  101 Điều Trường Học Chưa Bao Giờ Dạy Bạn

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Đối với ông bà, cha mẹ chắc chắn chúng ta phải yêu thương, kính trọng, hiếu thảo, bởi vì đó là đạo lý làm người. Công ơn sinh thành, dưỡng dục sánh ngang trời biển, biết lấy gì bù đắp cho cùng. Nhưng đôi khi chỉ vì một câu nói vô tình, một thái độ hờ hững của chúng ta cũng làm cho các cụ buồn lòng. Vì vậy, chúng ta phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, cặn kẽ trong hành vi, thái độ đối với ông bà, cha mẹ. Những người về già hay giận hờn vô cớ. Nguồn sống của cha mẹ lúc già, tất cả do nơi con cái. Tâm lý về già, con người cần đời sống tinh thần hơn là vật chất, vì vậy chăm sóc chén cơm, ly nước cho cha mẹ là điều đương nhiên, nhưng lo lắng chăm sóc về phương diện tinh thần mới là điều quan trọng hơn hết. Chúng ta phải biết những sở thích của cha mẹ để giải quyết kịp thời những yêu cầu đó. Buổi sáng ông cụ thích thưởng thức một ấm trà, bà cụ thích xem phim cải lương, v.v… chúng ta phải dự đoán và đáp ứng các sở thích ấy thì của các cụ sẽ vui hơn. Đừng bao giờ có những câu hỏi: “Cha có muốn…?” Hay mẹ có thích dùng…?” vì luôn luôn chúng ta sẽ nhận được các câu trả lời: “Thôi…” “không…”. Sau đây là vài điều cần chú ý:

– Tâm lý của người già là thích con cháu hỏi xin ý kiến. Hơn nữa, ở người lớn tuổi kinh nghiệm sống là cả một kho tàng, mà kho tàng đó luôn rộng mở đón chào con cái.

– Biết lắng nghe, chịu sự chỉ vẽ, căn dặn mặc dầu đó chỉ là những điều bình thường, đơn giản như đội nón kẻo nắng, kéo cổ áo lên, coi chừng gió máy v.v… dù chúng ta bao nhiêu tuổi, làm đến chức vụ gì thì dưới mắt các cụ chúng ta vẫn chỉ là đứa con còn nhiều khờ dại. Là cha, là mẹ lúc nào cũng muốn làm lá chắn che chở cho con cái suốt đời.

– Đừng ngăn cản cha mẹ làm những việc lặt vặt trong nhà (nhất là mẹ già). Đó là niềm vui nho nhỏ của người. Tâm lý cha mẹ lúc nào cũng muốn đỡ đần cho con cháu. Nhưng hãy coi chừng, đừng bao giờ chúng ta nghĩ đến chuyện: “ông già giữ nhà, bà già giữ trẻ”.

– Tuổi già, các bậc cha mẹ thường hay có nhiều tính mới như thu vén thái quá, dành dụm cả từ miếng ăn cho tới cái mặc, làm lụng cực khổ suốt ngày, tham công tiếc việc quá độ v.v… Tất cả đều do tình trạng già cả, đã không kiếm được tiền lại lo cho con cháu về sau, chúng ta phải biết tùy từng lúc mà khuyên giải, không nên cằn nhằn, hay có thái độ bực bội.

– Vì quan niệm về cuộc sống mỗi thời đại mỗi khác, vì suy nghĩ chủ quan của từng độ tuổi khác nhau, đôi khi giữa cha mẹ với con cái không thống nhất ý kiến. Nếu ý kiến của chúng ta chắc chắn đúng thì chúng ta phải khéo léo giải thích, tuyệt đối không được mất bình tĩnh, phải luôn ghi nhớ hai chữ “kính trọng” làm đầu, dùng lý lẽ không thuyết phục được, hãy bày tỏ bằng tình cảm. “Hổ dữ không ăn thịt con”, cha mẹ nào mà chẳng yêu quý con cái? Nếu ông bà có ý thích, hãy để ông bà được chăm sóc các cháu như đút cơm cho cháu ăn, thay áo quần cho cháu, dẫn cháu đi dạo mát v.v… Nhưng chớ có bao giờ nghĩ rằng những việc đó là trách nhiệm của ông bà.

– Phần nhiều ông bà thích được các cháu trìu mến, quấn quít, nhưng chúng ta phải ngăn ngừa những đứa con nghịch ngợm thái quá, nhất là làm tổn hại đến sức khỏe và giấc ngủ của ông bà.

– Đi chơi, đi ăn… mỗi khi về chúng ta nhớ mua ít quà mang về cho cha mẹ, như cái bánh bao, bịch trái cây v.v… những việc làm này đôi khi lại là niềm vui lớn của cha mẹ. Chưa hẳn cha mẹ đã dùng, nhiều khi lại ngồi đút cho các cháu.

– Đối với tuổi già, xoa bóp tay chân, sức dầu, đấm lưng nếu chúng ta tự tay làm còn có tác dụng gấp trăm lần đi khám bác sỹ.

– Chung quy, đạo làm người là thờ kính, yêu thương, quý trọng ông bà cha mẹ cũng giống như người tu hành vậy, tất cả đều phải xuất phát từ tấm lòng mà ra. Tâm có thẳng, việc mới ngay. Không có một nguyên tắc, luật lệ, nghi thức nào trong vấn đề này cả. Mọi hình thức khách sáo đều không thể chấp nhận đối với ông bà, cha mẹ.

Đối với ông bà, cha mẹ vợ (chồng)

Trước tiên, cha mẹ vợ (chồng) cũng là người lớn tuổi, vì vậy, kính trọng là lẽ đương nhiên. Chắc hẳn chúng ta chưa quên câu: “Kính lão đắc thọ”. Với cha mẹ vợ (chồng) chúng ta cũng phải tôn kính như cha mẹ đẻ vậy. Yêu thương, kính trọng cha mẹ vợ (chồng) là biểu hiện cao quý nhất để chứng tỏ tình yêu của ta đối với vợ (chồng) mình. Sau đây là vài điều cần chú ý:

– Với cha mẹ vợ (chồng) tục ngữ có câu: “dâu là con, rể là khách”. Bố mẹ vợ với con rể không bao giờ la mắng trực tiếp như đối với con cái. Thái độ của con rể, như vậy, càng phải thận trọng hơn.

– Không nên chỉ trích về mặt tư cách đạo đức của vợ (chồng) mình trước mặt bố mẹ vợ (chồng). Làm thế, tức là gián tiếp chỉ trích bố mẹ vợ (chồng). Vợ (chồng) có việc xung khắc nhau, đó là vấn đề phải giải quyết riêng giữa mình với vợ (chồng).

– Phận làm dâu, phải xem gia đình chồng là gia đình của mình. Chớ nên hơn thua chấp nhặt những chuyện nhỏ mà mất đi sự kính trọng. Thiết nghĩ, tất cả đều thán phục trước tấm lòng hiếu thảo, sự tôn trọng và bản chất nhân ái của chúng ta.

– Không nên sơ suất trong những ngày quan trọng của gia đình bên vợ hoặc (chồng). Phải chú ý tới họ hàng của bên vợ (chồng). Chúng ta càng chu đáo bao nhiêu, thì càng tỏ ra là người có quan tâm và yêu thương vợ (chồng) bấy nhiêu.

Đối với bà con thân thuộc

Đối với bà con ruột thịt ngang hàng cha mẹ ta, chúng ta phải đối xử như cha mẹ của chúng ta. Yêu thương, kính trọng họ tức là hiếu thảo với cha mẹ chúng ta vậy. Sau đây là vài điểm cần lưu ý:

– Nếu không ở chung, chúng ta phải thường đến thăm viếng cô, dì, chú, bác…

– Con cái của những người này tức là anh em bà con của chúng ta, nếu kết thành bạn thân là điều rất tốt.

– Khi những người này có điều hệ trọng xảy ra (như bệnh tật, nhà cửa di dời v.v…) chúng ta phải lo lắng, chăm sóc giúp đỡ như người nhà của chúng ta (trong khả năng, điều kiện của mình).

– Khi gia đình cô, dì, chú, bác ruột… mời đãi khách, nếu có chúng ta thì chúng ta đừng xem mình là khách, mà hãy đặt mình ở vị trí là người trong gia đình để phụ giúp.

– Nếu giữa chúng ta và bà con thân thuộc có xảy ra xích mích thì chúng ta không nên tự tranh cãi đôi co với họ. Chúng ta phải thông qua cha mẹ hoặc người lớn tuổi (người trong gia tộc) giải quyết.

Nguồn: https://ebookvie.com