Ninh quốc lập quốc hàng trăm năm đến nay vẫn luôn tôn sùng Đạo giáo, quá nửa các đời chân nhân trên núi Long Hổ đều là quốc sư Ninh quốc.
Đạo tông chú trọng nhân hòa khoan hậu, vậy nhưng mấy trăm năm nay các hoàng đế bệ hạ của Ninh quốc chưa từng có ai thật sự khoan nhân, ngay cả đương kim hoàng đế bệ hạ Lý Thừa Đường khi điều phái hai vạn quân tinh nhuệ xuống biên giới phía nam càn quét Lâm Việt quốc vào năm ngoái đã từng nói… Có biết tại sao Đại Ninh gọi là Đại Ninh không? Bởi vì có Đại Ninh ở đây, ai dám không an ninh?
Nguyên nhân diệt Lâm Việt quốc chỉ là mấy con sơn dương của Lâm Việt quốc đã quá cảnh gặm ba cây cải thảo trong ruộng rau bên phía Đại Ninh.
Hoang đường không?
Hoang đường hay không hoang đường thì trong lòng bản thân hoàng đế Lâm Việt quốc biết rõ, nhưng trên đời duy nhất không có thuốc hối hận.
Ba cây cải thảo, ba vạn quân tinh nhuệ, một quốc gia truyền thừa ba trăm năm đã bị tiêu diệt như thế.
Nếu hoàng đế vong quốc Dương Ngọc của Lâm Việt quốc hiện giờ còn bị giam lỏng trong tiểu viện ở ngõ Bát Bộ kinh thành có thể sớm biết ngày hôm nay, y cũng sẽ hạ lệnh giết toàn bộ sơn dương, không, là toàn bộ dê, bò ở Lâm Việt quốc cũng không thể giữ lại.
Đương kim bệ hạ đã phát huy vô cùng rõ rệt bá khí không nói đạo lý này của hoàng tộc Lý gia, nói như lời của thế hệ chân nhân này trên núi Long Hổ thì là… bàn long ẩn sâu, thi thoảng phải để lộ vuốt rồng, không thể để người ta lãng quên được.
Điều rất kỳ quái là bắt đầu từ mấy năm trước, Thiền tông Tây Vực hưng thịnh ở Đại Ninh, hoàng hậu nương nương liền chí thành tín đồ, bà ta còn khuyên hoàng đế, nói Thiền tông chú trọng hành thiện, chú trọng nhân quả, sao bệ hạ không nghe thêm lời đại đức cao tăng?
Lý Thừa Đường nói: “Trẫm biết đạo lý xa gần, Đạo tông là của chính Đại Ninh ta, trẫm không bảo vệ thì ai bảo vệ đây? Thứ ngoại lai… trẫm không thèm, nếu thật sự có nhân quả, nàng nên bị trời giáng thiên lôi.”
Từ đó về sau hoàng hậu nương nương cũng không bao giờ vào chùa miếu nữa, chỉ thi thoảng cúng hương nến ở trong cung của mình.
Mười hai năm trước, không biết tại sao, hoàng hậu nương nương lúc ấy vẫn chưa là hoàng hậu nương nương vào đạo quán lần cuối cùng, từ đó về sau thì bắt đầu đổi sang thờ Thiền tông.
Khi đó Lý Thừa Đường vẫn là vương gia, người ngồi trên hoàng vị là ca ca Lý Thừa Viễn của ông ta.
Trong một ngày hết sức bình thường của mười hai năm trước, hoàng đế Lý Thừa Viễn đột nhiên nôn ra máu, không bao lâu sau thì tắt thở, cả triều đình Đại Ninh quốc lập tức rối loạn, bởi vì hoàng đế bệ hạ không có con trai.
Có đại học sĩ nói hoàng đế bệ hạ không có con trai, vậy thì chọn một người trong số các con trai của chư vị thân vương phủ kế thừa hoàng vị. Vậy nhưng lúc này đứa trẻ lớn nhất chưa quá bảy tám tuổi, đại học sĩ có tâm tư gì cũng đã rõ rành rành.
Nhưng trong tay đại học sĩ có thực quyền, cả triều có một phần ba quan viên xuất thân là môn hạ của lão ta, ngay cả hoàng hậu cũng không dám nói thêm gì.
Chẳng có ai ngờ được là vào ngày người ta vội vã đưa vị thế tử điện hạ được lựa chọn từ Giang Nam đến kinh thành, đại tướng quân trấn thủ biên giới phía đông Bùi Đình Sơn dẫn theo chín ngàn đao binh chắn ngang ở bên ngoài kinh thành. Vị đại tướng quân lãnh binh chinh chiến khắp nơi này dựng một cái chòi hóng mát ở cổng thành, ôm đao ngồi khoanh chân ở đó, chỉ nói một câu.
Lưu Vương không đến, đao binh không tán.
Lưu Vương, chính là đương kim bệ hạ Lý Thừa Đường.
Tám vạn dũng sĩ trong kinh thành không dám động, thật sự là không dám động ư?
Ai cũng biết, khi còn trẻ Lưu Vương đã có uy danh trong quân.
Thế là vị thế tử điện hạ kia cong đuôi bỏ chạy, ngay cả cổng thành cũng không dám vào.
Thế là vị đại học sĩ kia ngửa mặt lên trời thở dài, mắng một câu đới giáp mãng phu, làm việc thô lỗ như vậy, chẳng chú ý nho nhã một chút nào.
Có vấn đề gì không?
Chẳng có gì.
Chính trong đêm Lý Thừa Đường sắp khởi hành về kinh thành vào mười hai năm trước, thê tử của ông ta đã vào đạo quán, gặp một đạo nhân, làm một việc mà sau này Lý Thừa Đường hết sức giận dữ. Nhà mẹ đẻ của hoàng hậu tương lai đó vốn là gia tộc vô hạn phong quang nhưng về sau bị dồn ép suốt mười hai năm, đến giờ ngay cả một chức quan trên tứ phẩm cũng không có, hết sức chật vật.
Nhưng hoàng hậu cũng không hối hận.
Cắn răng chống đỡ, báo ứng ác độc hơn nữa cũng không sợ.
Ngày hôm đó, con trai độc nhất của bà ta vừa tròn một tuổi.
Năm đó, đạo nhân trẻ tuổi trong đạo quán ấy đã thở dài một tiếng, mệnh của ta do trời quyết định, trong đêm tuyết lạnh ném món đồ hoàng hậu đưa cho gã rồi bỏ đạo quán về quê nhà, ngày ngày tự trách.
=== oOo ===
Được trăm người kính sợ là hảo hán, được vạn người kính sợ là anh hùng, được thiên hạ kính sợ… tất nhiên là Đại Ninh, chỉ có thể là Đại Ninh.
Cũng không biết bắt đầu từ lúc nào, các nước chung quanh Ninh quốc dần dà đều thịnh hành hoạt động cầu phúc, sớm nhất có lẽ là bắt đầu từ Chiêu Lý quốc ở sát bên cạnh Lâm Việt quốc. Mồng chín tháng chín hàng năm, vào ngày hoàng đế khai quốc Đại Ninh đăng cơ xưng đế, hoàng đế của Chiêu Lý quốc sẽ đích thân dẫn văn võ bách quan cầu phúc cho Đại Ninh, sau đó âm thầm chen thêm một câu… mong Đại Ninh bất động binh qua.
Đơn giản mà nói chính là cầu nguyện mỗi năm, chớ có đến gần ta, chớ có đánh ta…
Nói ra thì hơi buồn cười, sở dĩ Chiêu Lý quốc lại làm như vậy là vì chuyện của Lâm Việt quốc, mấy năm trước vì sơn dương vượt biên sang ăn mấy cây cải thảo của thôn dân mà hai mươi vạn tinh giáp Ninh quốc xuôi nam, xóa tên Lâm Việt quốc khỏi bản đồ. Thực lực của Lâm Việt quốc và Chiêu Lý quốc không chênh lệch bao nhiêu, hai nước đánh nhau hơn trăm năm mà không phân thắng bại, bây giờ hai mươi vạn tinh giáp đó còn trú đóng ở bên cạnh, sao Chiêu Lý quốc có thể không sợ được chứ?
Đại Ninh có thể dùng mấy cây cải thảo làm cái cớ diệt Lâm Việt, nói không chừng sẽ vì cái cớ nhạt nhẽo tương tự mà diệt Chiêu Lý bọn họ.
Hiện giờ vị hoàng đế vong quốc của Lâm Việt quốc đang bị giam lỏng ở ngõ Bát Bộ kinh thành Đại Ninh uống nhiều rượu rồi lại hối hận sao mình không giết hết sạch các loại dê cừu ở nước mình, hoàng đế Chiêu Lý quốc đã làm chuyện này rồi, diệt dê ở nước mình…
Dê gánh tội.
Đại Ninh mặt nào cũng mạnh, nhưng duy nhất có một điểm có vẻ hơi kém một chút, đó chính là thủy quân.
Nói đến cường binh trên bộ, đứng đầu tất nhiên là dũng sĩ của tứ khố trên bốn khu vực biên cương Đại Ninh quốc, bắc cương Thiết Kỵ, tây cương Trọng Giáp, nam cương Lang Viên, đông cương Đao Binh, mà tứ khố lại là tứ cương binh nguyên, tứ khố võ phủ, có năm nào mà không phải là nhân tài đông đúc?
Nhưng nếu không có quốc khố giàu có tích trữ suốt hàng trăm năm của Đại Ninh quốc, quân đội cường đại đến mấy cũng không gánh được bốn chữ “thiên hạ kính úy”.
Đại Ninh có mười chín đạo, mỗi đạo có mười chín quận, nơi giàu có nhất là Giang Nam đạo, tiền lương thuế má tràn trề của quốc khố mỗi năm có một phần năm là đến từ Giang Nam đạo. Mà nơi giàu có nhất ở Giang Nam đạo lại là quận An Dương, nơi có phủ chức tạo Giang Nam Đại Ninh.
Vải vóc lụa là của Đại Ninh đứng đầu thiên hạ, mức độ si mê gấm vóc Đại Ninh quốc của tóc đỏ phương bắc và mắt xanh Tây Vực khiến người ta khó mà tưởng tượng nổi. Nghe đồn quốc vương Xa Thác quốc Tây Vực khoe khoang trên người mình mặc mười bộ y phục cũng không nặng đến một cân, quốc vương nước láng giềng Thổ Phiên quốc lập tức không tiếc trọng kim để mua đồ tốt hơn, sau đó mở yến tiệc khoe khoang mình mặc mười lăm bộ, ừm, cũng chưa nặng đến một cân.
Y phục là chính xác, còn cái cân có chính xác hay không thì không biết.
Quận thành An Dương nằm sát bên sông Nam Bình, sông lớn vắt ngang, mỗi ngày đều có thương thuyền vận chuyển vải vóc gấm lụa nườm nượp không dứt, chính những bố thương này đang đóng góp đến sáu phần thuế thu của Giang Nam đạo.
Trên thế giới này cũng không thiếu khuyết những kẻ bí quá hóa liều, thủy phỉ trên sông Nam Bình từ trước đến nay vẫn luôn là một đại họa. Ban đầu đã điều tập chiến binh Đại Ninh đến càn quét một lượt, khổ nỗi thuật dùng thuyền của thủy phỉ cao hơn những quân nhân vô địch trên bộ này rất nhiều, cho nên giết mãi không hết.
Mời các bạn mượn đọc sách Trường Ninh Đế Quân của tác giả Trí Bạch.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn