Maria Arena là một bản sao vô tính. Sau mỗi lần chết đi, cô sẽ lại “thức tỉnh” trong một thân xác trẻ trung, sở hữu ký ức của mọi “kiếp đời” trước. Do vậy, cô cùng năm bản sao khác đã được bổ nhiệm làm phi hành đoàn của tàu vũ trụ Dormire, thực hiện chuyến bay dài mấy thế kỷ để lên định cư trên hành tinh Artemis tươi đẹp.
Bỗng một ngày, Maria cùng phi hành đoàn thức tỉnh giữa một bể máu. Cả sáu vừa bị giết, máy móc trên tàu thì đã bị phá hoại, và không ai nhớ chuyện gì đã xảy ra hết, thậm chí còn chẳng nhớ gì về nhau. Nguy hiểm hơn, thủ phạm hẳn phải là một người trong nhóm bọn họ. Kẻ ấy vẫn đang rình rập, chờ thời cơ ra tay lần nữa…
Sáu đợt thức tỉnh tên gốc là Six Wakes, một cuốn trinh thám với bối cảnh tương lai của Mur Lafferty. Truyện từng lọt danh sách đề cử các giải lớn năm 2017 như Hugo, Nebula, Goodreads Choice, và được mệnh danh là “10 người da đen nhỏ ngoài vũ trụ.”
—
REVIEW TỪ BẠN ĐỌC:
Tác giả: Mur Lafferty. Dịch giả: Nguyễn Thành Long
Thể loại: Trinh thám, Khoa học giả tưởng
“Tôi phát ngấy cái giọng điệu đấy rồi. Suốt bao thế kỷ nay cứ phải nghe đi nghe lại. Đóng vai Chúa. Wolfgang, chúng ta đã đóng vai Chúa từ hồi thiên hạ còn tin mình có thể định đoạt giới tính cho con nếu làm tình chuẩn tư thế. Chúng ta đóng vai Chúa lúc phát minh ra ngừa thai, chọc ối, mổ lấy thai, lúc phát triển y học và phẫu thuật hiện đại. Bay là đóng vai Chúa. Chống ung thư là đóng vai Chúa. Kính áp tròng và kính gọng là đóng vai Chúa. Bất cứ hành động nào khiến cuộc sống của ta đổi khác so với thuở khai sinh là đóng vai Chúa. Thụ tinh trong ống nghiệm. Liệu pháp thay thế nội tiết tố. Phẫu thuật sửa đổi giới tính. Kháng sinh. Tại sao anh chấp nhận hết tất cả những thứ ấy, nhưng lại thấy sao chép vô tính có vấn đề?”
Lúc cuốn này mới ra, không hiểu sao Biển cứ nhầm nó với “Đợt tuyệt chủng thứ 6”, thế là suốt một thời gian dài không đọc vì nghĩ nó thuộc thể loại sách học thuật khó nhằn. Đến khi được chính dịch giả comment trên một bài đăng thì Biển mới biết “Sáu đợt thức tỉnh” là trinh thám và chẳng liên quan gì đến tuyệt chủng, à chắc cũng có liên quan chút chút, vì bối cảnh truyện này là vào thế kỷ 25, diễn ra ngoài vũ trụ, lúc đó chắc có thêm một số loài đã tuyệt chủng trên Trái Đất. Sau khi đọc lần đầu và rung động vì độ hay của truyện, Biển chờ vài năm để quên bớt nội dung rồi đọc lại lần nữa, biết rằng mình sẽ hiểu sâu hơn và có thêm nhiều cảm nhận vừa giống vừa khác với lần đọc đầu.
Ngày 25-7-2493 (đúng 472 năm tính từ ngày Biển đọc cuốn này lần 2), trên con tàu vũ trụ Dormire dài ba dặm rưỡi và đường kính một dặm rưỡi, bản sao của cô lao công Maria Arena tỉnh dậy trong khoang sao chép, xung quanh là xác chết năm đồng đội khác, bao bọc bởi hàng chục lít máu và các giọt chất lỏng độc hại sinh học khác đang trôi nổi trong môi trường vô trọng lực. Các đồng đội của Maria gồm Thuyền trưởng, Phi công kiêm Hoa tiêu, Sĩ quan Y tế kiêm Bác sĩ, Kỹ sư trưởng và Trưởng ban An ninh của tàu Dormire. Sau khi bản sao của năm người còn lại được thức tỉnh, họ nhận ra rằng tất cả đều đã chết hoặc bị giết gần như cùng lúc theo nhiều cách khác nhau, khi tàu Dormire đã rời Trái Đất được 25 năm và đang trong chuyến hành trình đến hành tinh Artemis – dự kiến là chốn định cư mới của phi hành đoàn cùng các bản sao và người thường chở theo trên tàu. Khoang sao chép đã hư hại, đồng nghĩa với việc họ chỉ còn bản thể duy nhất đang có chứ không thể tái sinh để sống tiếp. Trong bối cảnh kinh hoàng ấy, phi hành đoàn chật vật phục hồi lại môi trường sinh hoạt trên tàu đồng thời không bỏ qua nổi cảm giác nghi kỵ lẫn nhau, không biết rằng liệu người đang đứng bên ta đây có phải chính là người đã giết ta trong kiếp sống trước không.
Ngoài lý do ban đầu là nhầm lẫn “Sáu đợt thức tỉnh” với “Đợt tuyệt chủng thứ sáu”, thêm một lý do khác khiến lúc đầu Biển ngần ngại đọc là vì cuốn này thuộc thể loại khoa học viễn tưởng. Biển sợ nó khó hiểu. Nhưng khi đã đọc rồi thì thấy đây là một truyện trinh thám rất dễ hiểu và hấp dẫn, thậm chí có thể nói đây là trinh thám cổ điển (điều tra dựa vào suy luận chứ không dựa vào khoa học kỹ thuật), vì tuy bối cảnh truyện là vào thế kỷ 25 trên một con tàu vũ trụ đang bay ngoài không gian nhưng trong cả truyện không hề áp dụng xét nghiệm nhóm máu, tìm dấu vân tay hay khám nghiệm pháp y… Các nhân vật chính sau khi sống lại nhờ đợt sao chép cuối cùng thì sinh hoạt tiếp dựa vào lịch sử sao lưu các dữ kiện của bản thân và người khác, phần lớn đã bị mất / xóa trắng do sự hư hại của IAN – Mạng Trí Tuệ Nhân Tạo đảm nhận nhiệm vụ duy trì sự sống và hoạt động cho mọi sinh vật và đồ vật trên tàu, bao gồm bản thân con tàu. Nếu coi tàu Dormire như một không gian khép kín (thực chất là vậy mà) thì truyện này kể về sáu vụ án mạng trong phòng kín. Thường thì Biển không mặn mà lắm với motip “án mạng phòng kín” (nhưng lại thích mấy cuốn Quán của Yukito Ayatsuji) nhưng cách tác giả xử lý cốt truyện trong “Sáu đợt thức tỉnh” thật sáng tạo và lôi cuốn, đúng kiểu ‘sự đơn giản làm nên vẻ đẹp’.
“Lý thuyết” về sao chép người trong truyện này rất thú vị và dễ hiểu: Khi Biển qua đời, những gì chứa trong bộ não – có thể gọi là linh hồn, tâm tư, ký ức – được “đóng gói” thành não đồ và lưu vào một ổ cứng rời. Thân xác đã chết sẽ được cho vào máy tái chế và phục hồi lại ở độ tuổi như mong muốn, bằng một dung dịch tên là Lyfe. (Vâng, Life. Sự Sống). Sau đó não đồ sẽ được các chuyên viên lập trình (trong truyện này hầu hết bị gọi chung là “hacker”) tải trở vào thân thể mới. Bằng cách này, Biển sẽ không bao giờ chết, liên tục được tái sinh trong thân thể thanh xuân, với ký ức của TẤT CẢ những kiếp sống cũ, với điều kiện ký ức – não đồ đó không bị hacker can thiệp trước khi tải vào thân thể. Các bản sao sẽ được triệt sản, tài sản được tích góp qua các kiếp đời. Cách dùng công nghệ sao chép để có sự sống bất tử này là tác giả Mur Lafferty lấy ý tưởng từ một game mô phỏng không gian tên Faster Than Light. Trong truyện, công nghệ sao chép vô tính này bị phản đối kịch liệt bởi các tổ chức tôn giáo. Nếu nó tồn tại ngoài thực tế, Biển tin rằng nó cũng sẽ bị chống đối, lãnh lấy rất nhiều công kích và gây nên nhiều cuộc bạo loạn với tổn hại vô cùng lớn. Riêng ý kiến cá nhân thì Biển đồng tình, ủng hộ và sẵn sàng tham dự.
Thường với những cuốn trinh thám có nhiều đoạn dài dòng về khoa học kỹ thuật thì Biển hay lướt, thậm chí ngay cả sách của hai tác giả yêu thích là Dan Brown và Jeffery Deaver mà Biển còn lướt, nhưng với “Sáu đợt thức tỉnh” là một cuốn trinh thám khoa học giả tưởng nhưng Biển không hề lướt một đoạn nào, bởi vì suốt truyện không hề có đoạn nào đậm chất khoa học kỹ thuật lê thê dài dòng cả. Mỗi câu đều cần thiết, mỗi đoạn đều đáng giá, mỗi chương đều hấp dẫn, cuối chương không dùng “mánh lới” thu hút nhưng vẫn thành công níu người đọc phải nhanh chóng giở đến chương tiếp theo. Với một phụ nữ nghiện game thì tác giả viết được cuốn tiểu thuyết như vậy là quá xuất sắc (không biết câu này có thể hiện thành kiến không nên có nào trong tiềm thức của Biển về việc “nghiện game” hoặc với giới tính nữ không!). Sau khi đọc “Sáu đợt thức tỉnh” của Mur Lafferty và hai cuốn đã xuất bản tiếng Việt của Chan Ho Kei thì Biển có một ‘thành kiến tốt’ rằng chả lẽ những ai đam mê công nghệ máy tính / làm trong ngành IT + có kỹ năng văn chương thì sẽ viết được những quyển sách rất ấn tượng?
Sẽ thiếu sót nếu trong review không nói đến các nhân vật chính của truyện. Ở hầu hết các khía cạnh thì Biển nhận thấy mình khá trùng hợp với nữ chính Maria Arena (là lao công, thích nấu ăn, thích pha trà, mê trai Nhật – à có thể bỏ điều cuối cùng). Mỗi nhân vật có lai lịch và tính cách khác biệt, tất cả đều là những bản sao của chính mình, đã mấy trăm tuổi và trải qua nhiều kiếp sống thăng trầm đến nỗi canh Mạnh Bà cũng không giúp quên được những ký ức đau thương. Ngoài thích nữ chính vì kiêu ngạo cho rằng mình giống cô ấy, Biển còn thích cả chàng trai Nhật Akihiro Sato với khả năng chọc cười tinh tế và nhân vật IAN với kiểu nói chuyện rất “người”, tương tự như khi Biển thích Winston trong cuốn “Nguồn Cội”. Dẫu biết AI rất nguy hiểm nhưng không hiểu sao Biển luôn mê đắm chúng một cách mù quáng…. ____ Dành cho các tâm hồn lãng mạn, “Sáu đợt thức tỉnh” có ẩn chứa tình cảm lứa đôi, không cần quá tinh ý để phát hiện được, và cách viết của tác giả sẽ gieo rắc không ít hy vọng vào sự nảy nở tươi đẹp của (các) mối quan hệ này.
Lần đầu Biển đọc “Sáu đợt thức tỉnh” đúng kiểu lần đầu làm chuyện ấy, cảm giác rất mới mẻ hồi hộp do liên tục không biết “chuyện này sẽ đi tới đâu”. Đến lần đọc thứ hai, do vẫn còn hơi nhớ cốt truyện nên Biển tưởng sẽ bớt thú vị. Nhưng không, sự thú vị và dòng chảy cảm xúc vẫn diễn ra với cách thức khác. Biển “bắt” được nhiều chi tiết mà lần đầu đọc đã bỏ qua, phát hiện thêm một điều khó hiểu để đem ra chất vấn dịch giả và đã được trả lời đầy đủ tính thuyết phục. Như thường lệ, sau nội dung chính thì Biển hứng thú đọc kỹ những Lời Bạt / Lời cảm ơn, trong cuốn này là phần phỏng vấn tác giả, và mức độ ưa thích đối với tác phẩm càng tăng lên. Biển rất mong chờ cuốn này được chuyển thành phim, nếu vào tay một vị đạo diễn tài năng thì chắc chắn nó sẽ là một tác phẩm điện ảnh hoành tráng đáng nhớ.
Vì đọc với niềm yêu thích mù quáng nên Biển chả nhớ có lỗi chính tả hay lỗi đánh máy nào không (đoan chắc 99% là không có). Một trong những niềm dzui lớn khi đọc sách là mình có thể trực tiếp liên hệ với tác giả hoặc dịch giả để hỏi khi không hiểu, hoặc càm ràm khi không ưng ý (!)… điều mà Biển đã hai lần làm khi đọc “Sáu đợt thức tỉnh”. Thành thật mà nói thì bìa hơi xấu và tựa sách khó nhìn nhưng não đồ của Biển chưa đủ phong phú để nghĩ ra thiết kế bìa khác cho nó. Vì lý do cá nhân mà Biển có hai cuốn này và đã tặng một cuốn cho anh công an khu vực của mình. Biển sẽ mua thêm trong khả năng của mình để tặng, vì đây là một quyển trinh thám tuyệt vời rất đáng để quảng bá. Nội dung truyện này cũng tình cờ là cặp đôi hoàn hảo với bản nhạc mà Biển thích nhất:
Reviewer: Điền Yên
——-
Cơ sở khoa học của cuốn sách này rất thú vị. Nó thỏa mãn cuồng vọng bất tử của con người. Mỗi khi ta chết đi, một bản sao vô tính của ta sẽ được thức tỉnh, vào giai đoạn sung mãn nhất đời ta, ví dụ như tuổi đôi mươi. Hơn nữa, nó còn kế thừa trí nhớ của tất cả các kiếp trước. Thời gian và cái chết chẳng còn tí uy hiếp nào nữa.
Sáu đợt thức tỉnh là câu chuyện về 6 thành viên phi hành đoàn. Họ thức tỉnh và nhận ra toàn bộ phi hành đoàn đã bị giết (nếu không thì họ đã chả thức tỉnh). Nhưng ai lại là người giết sạch bọn họ, khi mà chỉ có 6 người với nhau? Ai cũng đáng nghi. Ai cũng có bí mật của mình. Tấm màn che sự thật dần được vén lên. Thì ra họ không quen biết nhau trước khi lên tàu nhưng đều kết nối với nhau theo một cách thức nào đó.
Đây là một tác phẩm trinh thám viễn tưởng lạ. Quá trình điều tra không phức tạp loằng nhoằng gì vì các nhâm vật đều bị khuyết trí nhớ. Manh mối để lại thì vụn vặt, chỉ đủ để chứng tỏ ai cũng không thoát khỏi liên quan. Họ khám phá ra sự thật một cách dần dần qua 6 đợt thức tỉnh. Cá nhân tôi thích cuốn này chủ yếu vì bối cảnh xã hội mà truyện xây dựng nên và cả quan điểm đạo đức của tác giả. Những người lòng tràn đầy kì thị khó đem lại điều gì tốt đẹp.
Ngoài ra, qua truyện này, tôi thấy không nên gây thù với bọn lập trình
3.5/5
Sẽ ra sao nếu như Mười Người Da Đen Nhỏ của Agatha Christie có một phiên bản với viễn cảnh xảy ra ở thì tương lai và ngoài không gian? Bùm, chúng ta có Sáu Đợt Thức Tỉnh của tác giả Mur Lafferty, một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đan xen yếu tố trinh thám này đây.
Sáu Đợt Thức Tỉnh đưa người đọc theo chân một nhóm phi hành gia gồm sáu người – với điểm nhìn chính là nhân vật Maria Arena – một bản sao vô tính. Điều đặc biệt ở Maria là sau mỗi lần cô chết đi bất kể vì lý do gì, cô sẽ lại “thức tỉnh” trong một thân xác trẻ trung, đồng thời sở hữu mọi ký ức của “kiếp đời trước”. Chính vì vậy, cô cùng năm bản sao khác cũng chính là những phi hành đoàn đã được bổ nhiệm làm một nhiệm vụ trên con tàu vũ trụ Dormire, cùng nhau thực hiện chuyến bay dài mấy thế kỷ để lên định cư trên hành tinh Artemis tươi đẹp. Tuy nhiên, mọi chuyện không được như mong đợi khi cả nhóm gồm sáu người thì tất cả đều bị giết, máy móc bị phá hoại và khủng khiếp hơn nữa là không ai nhớ chuyện gì đã xảy ra, thậm chí ký ức về nhau cũng bị xóa sạch. Nguy hiểm hơn, thủ phạm gây ra tội ác này nằm trong số họ, và kẻ ấy vẫn đang rình rập, chờ thời cơ ra tay lần nữa.
Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng vốn không phải là thể loại tớ hay đọc thường xuyên. Mặc dù vậy Sáu Đợt Thức Tỉnh một phần do bởi yếu tố hoàn cảnh lạ lùng nên có sức lôi cuốn nhất định. Có đôi khi tác giả dường như hé lộ một chút manh mối dẫn đến kẻ sát nhân, nhưng hóa ra đó cũng chỉ là đòn hỏa mù đưa người đọc dấn thân sâu hơn vào mê cung của bí ẩn mà thôi. Cách triển khai mạch truyện có phần chậm chạp và đôi chút dài dòng, nhưng tuy nhiên cách kể chuyện đó lại mang một ưu điểm: Đó là Mur Lafferty đã giúp cho người đọc khám phá ra được tất cả những thân phận hay tính cách đặc trưng, những câu chuyện riêng của từng cá nhân sáu người phi hành đoàn. Bên cạnh đó, tớ thực sự thích cái cách mà tác giả đặt vấn đề cũng như xây dựng được cốt truyện có tính liên kết chặt chẽ với nhau, cũng như Mur Lafferty đã hoàn toàn nêu bật được lên sự bối rối, sự nghi ngờ hay thậm chí cả lòng ganh ghét đố kị và rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của “các bản sao” khi họ bỗng nhiên “sống dậy” trong bể máu tội ác. Cách tạo dựng không gian hay nói cách khác, là bối cảnh trôi nổi ngoài vũ trụ của Sáu Đợt Thức Tỉnh cũng là yếu tố làm tăng lên được sự thú vị cho tác phẩm. Ngoài ra công nhận một điều là tác giả có kiến thức về khoa học cũng như trí tưởng tượng phong phú vô cùng luôn và cuốn tiểu thuyết này chính là cách dể tác giả “phô diễn” ra tầng tầng lớp lớp kiến thức của mình cho người đọc.
Một ưu điểm và cũng là phần tớ cực kỳ ấn tượng về Sáu Đợt Thức Tỉnh không chỉ bởi ở nội dung cuốn sách mà đó là dịch giả Nguyễn Thành Long. Thề hơn hai mươi nồi bánh chưng rồi mới thực sự thực sự thực sự x 3000 lần ưng một dịch giả đến mức độ này. Đến độ đôi khi đọc cũng phải bất giác xuýt xoa ối giời ơi anh là ai mà dịch có tâm thế. Ngôn từ sử dụng rất linh hoạt và thậm chí còn sử dụng cả những từ lóng của cộng đồng mạng cho vào Sáu Đợt Thức Tỉnh Nữa cơ. Nếu để “mạn phép” chấm điểm riêng cho phần dịch thì tớ sẽ để điểm tối đa là 5/5 luôn, dịch duyên và có tâm thế chứ lị.
Mặc dù vậy, Sáu Đợt Thức Tỉnh bên cạnh những ưu điểm thì còn có điểm trừ. Đó là các cuộc hội thoại giữa các nhân vật với nhau tớ cảm thấy đôi chút gượng gạo và lắm lúc trí não thuộc ban xã hội của tớ có không kham nổi những đoạn tác giả viết về mạch vi tính hay máy móc hay mọi thức liên quan đến khoa học nên có hơi bị nản. Và sự “hơi nản” này dẫn đến việc tớ có skip một số trang nhưng không sao, vẫn hiểu rõ nội dung ngon nghẻ lắm. Ngoài ra, mặc cho sự cái “dai dài” của tác phẩm nhưng Sáu Đợt Thức Tỉnh không thực sự có yếu tố xây dựng và phát triển nhân vật, chúng ta biết họ ra sao vì tác giả miêu tả vậy chứ không được khai thác sâu.
Nhưng nhìn chung Sáu Đợt Thức Tỉnh là một cuốn trinh thám khá ổn, đặc biệt dành cho bạn nào thích khoa học viễn tưởng hay lập trình máy móc các kiểu đan xen một chút trinh thám thì okay, cuốn này đúng là dành cho bạn luôn. Dịch giả dịch siêu có tâm, tớ còn bị ấn tượng với dịch giả hơn cả nội dung sách ý huhu. Bạn nào muốn đổi gió đọc Mười Người Da Đen Nhỏ ngoài vũ trụ này có thể tìm đọc em ý nha, mà bạn nào muốn trau dồi khả năng dịch thì cũng có thể tham khảo cuốn nè luôn.
Đây có lẽ là một trong những cuốn trinh thám mật thất lạ thường và cuốn hút nhất mình được đọc trong năm nay. Truyện mở ra trong một bể máu: 6 bản sao vô tính trần truồng thức dậy trên một con tàu vũ trụ, và thấy trôi lềnh bềnh xung quanh mình là máu, rất lắm máu, phòi ra từ những cái xác đã bị sát hại dã man. Lúc khám nghiệm xác, họ giật mình nhận thấy đây là xác của… chính họ.
Những cái xác ấy thực chất là cơ thể cũ của họ, còn bọn họ là các thân xác mới, vừa được đánh thức dậy sau khi cơ thể cũ chết đi. Đống xác trông rất già, chứng tỏ trước khi chết, bọn họ đã cùng nhau sống trên tàu hơn mấy chục năm. Theo lý thuyết, ký ức của cơ thể cũ sẽ được máy nhân bản copy sang cơ thể mới, nhưng tất cả các bản sao mới này chẳng nhớ gì hết. Họ thậm chí còn không nhớ mình từng đặt chân lên tàu, không nhớ mình từng gặp nhau, và đương nhiên, không nhớ ai đã giết mình.
Nguy hiểm hơn, lúc kiểm tra máy móc trên tàu, họ nhận thấy sau lần sao chép cơ thể mới cho mình vừa rồi, máy nhân bản đã hỏng nặng, và đây sẽ là lần đầu thai cuối cùng trong cuộc đời nhân bản của họ. Nếu xảy ra thêm một vụ tàn sát nữa, họ sẽ chết thật, không còn thân xác mới nào để sống lại cả. Bởi vậy, phi hành đoàn 6 người này bị tống vào một cuộc đua đầy chết chóc: phải khẩn trương tìm ra hung thủ, trước khi hung thủ nhớ được mình phải làm gì.
Các manh mối giúp giải mã vụ án được đưa ra dưới dạng các thông tin về công nghệ nhân bản, lịch sử tương lai của thế giới, và quá khứ của từng nhân vật. Tính cách, bí mật, tội lỗi, động cơ tiềm tàng cũng như lý do từng nhân vật xuất hiện trên tàu dần dần được hé lộ, vừa tăng thêm chiều sâu và độ hấp dẫn cho từng người, vừa góp phần đưa ra gợi ý để độc giả có căn cứ đoán hung thủ là ai, song cũng tung khá nhiều hỏa mù để thủ phạm không quá dễ đoán.
Vì ban đầu cần giới thiệu thế giới tương lai nên mấy chương đầu đi hơi chậm, và có nhiều tình tiết xem chừng rời rạc, nhưng sau khi xây dựng xong nền tảng thì truyện trở nên kịch tính và sâu sắc hơn hẳn, mọi thứ được xâu chuỗi hết lại, và tất cả các tình tiết ngỡ tưởng vô nghĩa ban đầu đều được hé lộ là manh mối quan trọng.
Thủ phạm không hoành tráng lắm, nhưng cũng ổn và hợp lôgic. Cách lý giải bí ẩn không vi phạm nguyên tắc căn bản nào của một tác phẩm trinh thám, chẳng hạn như không tự nhiên đưa ra tình tiết mới mà độc giả không biết, không có gì siêu nhiên, không ăn may thấy manh mối,… Lúc đọc xong và ngẫm lại, mình tin đến khoảng 2/3 truyện là sẽ có thể đoán được hung thủ nếu chịu để ý từ đầu. Đặc biệt là sau khi hung thủ bị bắt, một lời giải cho một vấn đề quan trọng khác được đưa ra một cách rất bất ngờ và tài tình, và với mình thì đây là điểm sáng nhất truyện.
Điểm tổng: 4/5. Rất đáng đọc.
Mời các bạn mượn đọc sách Sáu Đợt Thức Tỉnh của tác giả Mur Lafferty & Nguyễn Thành Long (dịch).
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn