Một công nhân xây dựng đa tình, một cô nội trợ bỏ chồng theo người gom rác, một cậu trai ở trạm xăng có bà nội sùng bái văn hóa Mỹ… những con người có vị trí nhỏ nhoi trong xã hội, những mảnh đời dễ bị lãng quên, nhưng dưới góc nhìn tinh tế của Amy Yamada, không ai chỉ còn là một trong vô số. Từ họ dần hé lộ những nhân cách phức tạp, những rối loạn tâm tư thành hình trong sự kìm nén mang tới những phút giây bùng phát mãnh liệt, làm chao đảo những tiểu vũ trụ phức tạp trong chính bản thân họ. Từng câu chuyện nhỏ của Amy Yamada đều thấm đẫm thứ phong vị độc đáo: phong vị của cuộc sống.
Cho đến nay, độc giả Nhật Bản mặc nhiên đánh giá Phong vị tuyệt vời là tác phẩm thú vị và lạ lùng nhất của Amy Yamada.
***
Amy Yamada tên thật là Futaba Yamada, sinh năm 1959 ở Tokyo, từng theo học khoa Văn học Nhật Bản tại Đại học Meiji. Năm 1981, cô bỏ học, vừa làm thêm vừa theo đuổi nghiệp vẽ truyện tranh. Năm 1985, Amy Yamada khởi đầu sự nghiệp văn chương với cuốn tiểu thuyết đầu tay Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường. Sau đó, các tác phẩm gây chú ý khác lần lượt ra đời : Sống lưng của Jesse, Soul Music Lovers Only, Animal Logic… Năm 2005, tập truyện ngắn Phong vị tuyệt vời của Amy Yamada đã giành được giải thưởng danh giá Tanizaki.
***
“Phong vị tuyệt vời” là tập truyện ngắn của nữ nhà văn Yamada Amy – tác giả cuốn “Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường”. Vẫn là khai thác đề tài tình yêu nhưng trong tập truyện này, tác giả cho người đọc thấy những điều thú vị lạ lùng dưới góc nhìn của các nhân vật gắn bó với những nghề nghiệp dễ bị lãng quên trong xã hội. Qua đó, cô khắc họa nên cuộc sống muôn màu mà mỗi người trong đó là một vũ trụ nhỏ rất đỗi sinh động.
Những nghề nghiệp hữu ích nhưng thầm lặng
Có thể nói cuộc sống di chuyển “nay đây mai đó” của nữ nhà văn đã giúp cô quan sát và khắc họa được cá tính của những con người làm những công việc ít được chú ý tới và có phần khác biệt trong xã hội. Trong mỗi truyện ngắn, mỗi nhân vật hiện lên với những nghề nghiệp hữu ích nhưng thầm lặng. Đó là Yuta – cậu công nhân xây dựng với những quan hệ rắc rối và không hiểu mình muốn gì trong “Quà vặt”. Trong truyện ngắn “Bữa tối”, độc giả gặp gỡ Kou – một nhân viên gom rác luôn cần mẫn với công việc, cùng một Mimi-chan nấu ăn cho người yêu bằng tất cả tâm hồn và nhiệt huyết, vì công việc của người yêu mà quyết tâm thực hiện “3R” (reduce, reuse, recycle) để bảo vệ môi trường.
Đến với “Phong vị tuyệt vời” là cậu thanh niên Shiro phản đối gia đình để chọn vào làm ở trạm xăng, quyết đi theo con đường mà mình đã chọn. Trong truyện “Tổ ấm” là anh thợ vệ sinh bể nước luôn tự hào mỗi lần làm cho những bể nước thải đục ngầu trở nên trong vắt, tựa như mình vừa sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Ở “Đáy đại dương” là Sakunami-kun, một người làm dịch vụ vận chuyển đồ đạc luôn trân trọng những giây phút lưu luyến khi chuyển nhà của khách hàng. Hay nhân vật người bố lặng lẽ và hết lòng với công việc ở lò hỏa thiêu trong truyện “Ngủ xuân”.
Mặc dù các công việc đó dưới mắt nhìn của người bình thường đều không có gì hấp dẫn nhưng họ đều tìm thấy niềm vui lao động và gắn bó với nó. Cuộc sống mưu sinh của họ mang đến cho người đọc sự đồng cảm và cảm hứng để có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp mà mình đang làm, đồng thời hiểu hơn về những góc khuất khó nhìn thấy trong xã hội. Quả vậy, trong guồng quay mải miết của xã hội, người ta thường không chú ý đến những người dọn dẹp và giữ gìn môi trường, thậm chí vứt những thứ đồ sắc nhọn một cách vô tư mà không biết rằng có thể gây nguy hiểm cho những nhân viên dọn rác. Cũng như khi người ta vội vã chuyển nhà, mệt mỏi chuẩn bị đám tang đưa tiễn người thân, chẳng mấy ai để ý đến những người đang phụ trách để quá trình ấy diễn ra suôn sẻ. Đọc truyện, người đọc chợt nhận ra ý nghĩa không nhỏ của những công việc thầm lặng ấy mang đến cho xã hội.
Nghệ thuật sử dụng hình ảnh ẩn dụ
Yamada Amy rất chuộng lối viết sử dụng hình ảnh ẩn dụ. Cô đã dùng hình ảnh chiếc thìa bạc để tượng trưng cho cuộc đời của nhân vật Spoon trong tác phẩm “Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường”. Đến tập truyện ngắn này cũng vậy, cá tính cũng như cách yêu của mỗi con người đều được cô đọng trong những hình ảnh ẩn dụ. Chẳng hạn như chứng sợ độ cao của cậu công nhân xây dựng Yuta: leo lên đến chỗ cao nhất trên giàn giáo là cậu lại sợ hãi muốn xuống thật nhanh, nhưng lại cứ ngây người ra vì leo lên không được mà xuống cũng chẳng xong.
Tuy nhiên đứng mãi dưới đất thì cậu lại chán và muốn trèo lên cao. Đó là ẩn dụ cho lối sống dây dưa giữa các mối quan hệ của cậu: đã chung sống với Kayo lại còn qua lại với một cô gái khác nữa, mà dường như chẳng muốn dứt ai ra cả. Hoặc như sở thích ngậm kẹo caramen sữa hiệu Morinaga của bà nội Shiro, là ẩn dụ cho thói quen hoài niệm về quá khứ và sự sính Mỹ của bà; đồng thời cũng mang hàm ý: một con người tựa như một loại kẹo vậy, với người này thì họ nhạt nhẽo chán chường, trong khi với người kia thì lại rất ngọt ngào, là “phong vị tuyệt vời”, là người tình yêu dấu.
Hay như trong truyện ngắn “Đáy đại dương”, mối tình đầu hay mối tình sâu sắc của con người được ví von như một “khu rừng”, một “bờ biển” của riêng họ, không phải ai cũng bước vào được và không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng quay về. Bởi vì, khi quay về nơi đó, chìm đắm và ngụp lặn, những kỉ niệm và ký ức liền hiện ra rõ ràng và đầy cảm xúc, nửa ngọt ngào hạnh phúc nửa lại bùi ngùi xót xa.
Phong cách viết văn đầy nữ tính, táo bạo và những rung cảm tinh tế
Xuyên suốt sáu truyện ngắn là phong cách viết văn đặc trưng của Yamada Amy: tràn đầy nữ tính, táo bạo và khắc họa tình yêu qua nhiều giác quan. Tình yêu trong các câu chuyện đều rất chân thật, giản dị nhưng cũng rất đỗi mãnh liệt: một cô nội trợ vốn yếu đuối nhưng quyết bỏ chồng để được tự do, yêu người nhân viên gom rác trong một hoàn cảnh không ai ngờ tới; một anh nhân viên vệ sinh bể nước không mảy may quan tâm đến những cô phục vụ quán rượu trẻ đẹp mà chỉ thấy thương yêu một cô gái vụng về, lúc nào cũng u buồn và có quá khứ bị lạm dụng; tình yêu vượt mọi rào cản tuổi tác và vai vế của cô sinh viên đại học và người đàn ông làm việc ở lò hỏa thiêu…
Tình yêu đó đều xuất phát từ sự rung động, không màng đến giàu sang hay tuổi tác nên rất đẹp đẽ và đáng trân trọng. Tuy nhiên, đôi khi các nhân vật cũng xảy ra mâu thuẫn và có cách hành xử tiêu cực, để rồi từ đó họ học được thêm nhiều điều về cách sống, hay thay đổi nhận thức về mọi người xung quanh.
“Cuộc sống này khó mà theo ý mình được lắm.”
Xã hội hiện đại có nhiều vấn đề, con người trong đó để gặp được nhau và cùng nhau bước tiếp dường như vừa là duyên phận vừa nhờ vào nỗ lực của bản thân. Thay vì trách móc hay buồn bã, cách tốt nhất là chấp nhận và cố gắng tiến về phía trước.
“Phong vị tuyệt vời” không phải một tác phẩm viết về tình yêu dữ dội. Tập truyện ngắn giống như món bánh gạo của Nhật Bản, thơm ngon và giản dị, vừa ngọt ngào nhưng cũng có chút cay nồng. Thưởng thức “Phong vị tuyệt vời” khiến người đọc như nhìn thấy cuộc sống muôn màu qua nhiều lăng kính, và qua đó thêm thấu hiểu những mảnh đời chung quanh. Sau “Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường”, tập truyện ngắn một lần nữa ghi đậm dấu ấn của nữ nhà văn Yamada Amy trong lòng người đọc. Năm 2005, tập truyện ngắn đã giành được giải thưởng danh giá Tanizaki.
Tình yêu không có hình thù rõ ràng. Chính vì thế, cách thức nó tồn tại đôi lúc giống như một làn hương. Bất chợt đến, bất chợt đi. Vậy liệu con người có thể giữ được tình yêu nếu như họ biết cách chủ động tạo hương vị riêng cho tình yêu của mình?
Lạc lõng với xã hội là cảm giác thường có của những người cô đơn. Nhưng, những con người trong thế giới của Yamada Amy không chỉ có vậy. Họ lạc lõng với ngay chính bản thân mình, luôn tự đặt mình trong những mâu thuẫn vì không biết mình muốn gì, phải làm gì. Một anh công nhân sợ độ cao mỗi khi lên giàn giáo làm việc nhưng khi đào móng ở dưới mặt đất lại chỉ muốn mau xong để được lên cao. Một cậu thanh niên khi học xong cấp 3, không thi vào đại học mà quyết định làm việc cho một trạm xăng chỉ vì nếu nhìn tương lai “xa quá khiến cậu mờ cả mắt”. Một cô sinh viên chưa va vấp nhiều với cuộc sống nhưng lúc nào cũng “muốn sống thật thảnh thơi”. Thế rồi, những con người đó tìm được tình yêu.
Mỗi tình yêu trong tập truyện ngắn Phong vị tuyệt vời đều mang một phong vị riêng. Có khi đó là thứ phong vị đến từ những món ăn mà cô nội trợ cố gắng nấu cho người mình yêu. “Cơ thể anh là do tôi tạo nên. Chỉ hơi ấm bốc lên từ đồ ăn tôi nấu mới sưởi ấm được cơ thể anh. Đó là trách nhiệm của tôi”. Vì mặc cảm mình có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào nên cô tạo những hương vị thật đặc biệt trong món ăn nấu cho người yêu để dù sau này, nếu có bỏ rơi cô, chính thứ hương vị đó sẽ làm anh nhớ đến cô. Đối với cô, hương vị ấy là sợi dây kết nối giữa hai người. Có khi phong vị tình yêu nén chặt trong những viên kẹo caramen, trong những thói quen đến từ văn hóa Mỹ mà một người phụ nữ Nhật luôn cố gắng giữ nó để nhớ đến người yêu cũ của mình. Bà đã nói với người cháu trai vừa bị thất tình rằng kẹo “cũng như khí gas dùng để sưởi ấm vậy. Không chỉ có con gái khi được âu yếm ngọt ngào mới chảy ra đâu”. Ngay cả khi đã biết cách tạo hương vị tình yêu cho riêng mình cũng không có gì đảm bảo rằng con người sẽ giữ được tình yêu. Nhưng khi tình yêu đã mất đi, dường như hương vị còn lại của nó là thứ duy nhất sưởi ấm người ta khi nhớ về thời quá vãng. “Bởi nhớ về quá khứ luôn khiến ta cảm thấy mình đã mất đi một điều gì đó”, do đó nếu phong vị không biến mất cùng tình yêu đã qua, nó sẽ trở thành thứ gắn kết quá khứ và hiện tại. Một thứ nào đó thuộc về quá khứ vẫn còn hiện hữu trong thực tại đôi khi cũng đã là một hạnh phúc.
Những tác phẩm của Yamada Amy trước đây đã được xuất bản ở Việt Nam như: Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường, Sống lưng của Jesse, Trò đùa của những ngón tay đều đào sâu về mối quan hệ tình dục giữa một người phụ nữ Nhật và một người đàn ông Mỹ. Các câu chuyện đó khi kết thúc đều đem lại cho người đọc một cảm giác chua xót. Nhưng Phong vị tuyệt vời lại rất khác với những tác phẩm trước đó. Các câu chuyện kể về cuộc sống của những con người làm những công việc không được nhiều người coi trọng trong xã hội Nhật Bản như: công nhân xây dựng, người gom rác, nhân viên ở trạm xăng, những nhân viên làm dịch vụ như chuyển nhà, xử lí nước thải và cả hỏa táng. Cách Yamada kể chuyện cũng nhẹ nhàng hơn những tác phẩm trước rất nhiều. Điều đó thể hiện rõ ở cách bà kết thúc từng câu chuyện: không đau buồn nhưng cũng không hẳn là kết thúc có hậu. Có lẽ, đó là thứ cảm giác lơ lửng giống như chính hương vị của tình yêu.
Kodaki
Mời các bạn đón đọc Phong Vị Tuyệt Vời của tác giả Amy Yamada.