Tác giả John Berger là một trong những quyển sách về nghệ thuật mang tính gợi mở và có ảnh hưởng nhất trong mọi ngôn ngữ. Về cuốn sách này, một nhà phê bình của tờ Sunday Times (London) từng cho rằng: “Đây là một tác phẩm giúp thức tỉnh người đọc trên nhiều phương diện: bằng việc tập trung khảo sát cách chúng ta xem tranh vẽ… John Berger gần như chắc chắn sẽ thay đổi cách chúng ta thấy hình ảnh”.
“Cách chúng ta nhìn thấy mọi thứ bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta biết hoặc những gì chúng ta tin. Trong thời Trung cổ, khi con người tin vào sự tồn tại của địa ngục, hình ảnh về lửa chắc hẳn phải mang một ý nghĩa khác với ngày nay. Tuy nhiên, những liên tưởng này có lẽ bắt nguồn từ khả năng thiêu đốt, tro tàn cũng như trải nghiệm đau đớn do lửa gây ra”. (Những Cách Thấy – John Berger)
Được xuất bản năm 1972, Những Cách Thấy là một trong số các tác phẩm tiêu biểu nhất của John Berger. Cuốn sách không chỉ đưa ra những khái niệm đơn thuần mà còn cho thấy cách chúng ta nhận biết thế giới cùng những ý tưởng liên quan. Những yếu tố này có ảnh hưởng sâu sắc đến cách thức chúng ta nhìn nhận về nghệ thuật và các hình ảnh trực quan. Chẳng hạn, tác giả đã chỉ ra mối liên hệ giữa các bức vẽ về phụ nữ với hình ảnh châu Âu sau thời kỳ Phục Hưng. Điều này cũng được tìm thấy trong các tác phẩm điêu khắc. Đó là dấu ấn của sự phân rẽ ý thức hệ, bình đẳng giới cũng như nhận thức về vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Có thể nói, Những Cách Thấy là một cuốn sách rất kích thích và có sức ảnh hưởng nhất định đến nghệ thuật. Như chính tiêu đề, trong tác phẩm này, Berger tập trung làm sáng tỏ sự khác biệt giữa xem và nhìn. Mắt chúng ta trông thấy những hình ảnh một cách tự nhiên như chúng vốn có nhưng việc chúng ta nhìn như thế nào lại chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng và sự hiểu biết. Nghệ thuật là mối quan hệ cộng sinh trong đó cả hình ảnh và người quan sát cùng tạo ra ý nghĩa. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ xa hơn ngoài những hiểu biết cá nhân và các nguyên lý phổ quát. Nếu như trong quá khứ, nghệ sĩ được trả tiền để lưu giữ lịch sử thì ngày nay, nghệ thuật tiến gần hơn đến công chúng. Sự tiến bộ của thời đại cho phép nghệ thuật tiếp cận nhiều hơn đến đông đảo các tầng lớp xã hội, không còn là một đặc quyền của giai tầng tư sản. Vì vậy, một bức tranh có thể được thẩm thấu theo nhiều cách khác nhau. Rõ ràng, bạn sẽ nhận thấy điều này trong Những Cách Thấy. Cuốn sách không trình bày cụ thể về những bức tranh mà chủ yếu xoay quanh cách mà chúng ta hiểu về chúng. Berger đã rất thành công trong việc sử dụng sự im lặng để diễn đạt tư tưởng của mình. Trong cuốn sách, hành động chuyển trang đơn giản để phục vụ mục đích so sánh hai quan điểm về cùng một sự vật. Ví dụ, tác giả đã đặt một bức tranh của Van Gogh ở dưới cùng của trang với phần mô tả về một cánh đồng ngô và những con chim đang bay ra khỏi đó. Tiếp đến, lật sang trang, bạn sẽ thấy một bức tranh tương tự nhưng với chú thích kèm theo: “Đây là bức tranh cuối cùng mà Van Gogh vẽ trước khi tự sát”. Cảm nhận của bạn về bức tranh đã thay đổi? Rõ ràng, chỉ bằng một minh họa đơn giản, Berger đã cho thấy hiệu ứng ngôn từ có thể tác động đến cách nhìn của chúng ta.
Ngay khi ra đời, Những Cách Thấy của Berger được cho là có thiên hướng tư tưởng Mac-xit. Nhiều nhà phê bình nhận thấy điều này qua cách mà Berger sắp xếp các hình ảnh tương phản cùng với nhau. Chẳng hạn, ông cố ý đặt những hình ảnh được trưng bày trên các tạp chí quảng cáo hứa hẹn về sự biến đổi cuộc sống của con người và hình ảnh về sự tuyệt vọng của những người tị nạn trên cùng một trang. Cách làm này khiến cho người đọc hoài nghi về một thế giới rời rạc, thiếu liên kết. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến chủ quan của một số người. Quan trọng hơn, Những Cách Thấy còn đề cập đến nhiều vấn đề phổ quát khác như truyền hình, tự do, chủ nghĩa tư bản, giới tính, sắc tộc…chứ không đơn giản chỉ được hiểu như một cuộc đấu tranh của chủ nghĩa Mác. Thông điệp của Berger đến từ Những Cách Thấy chính là việc hiểu nghệ thuật như một quá trình đặt câu hỏi. Đó là lý do tại sao trẻ em nhìn vào nghệ thuật lại nắm bắt nhiều hơn các nhà phê bình hay sử gia với những lý thuyết hàn lâm.
Đôi nét về tác giả: John Peter Berger là một nhà phê bình nghệ thuật, tiểu thuyết gia và họa sĩ người Anh. Cuốn tiểu thuyết G. của ông đã giành giải Booker năm 1972 và các bài viết trong Những Cách Thấy ngày nay vẫn được sử dụng làm giáo trình trong các trường đại học. Tác phẩm của Berger rất đa dạng, từ tiểu thuyết, tiểu luận xã hội đến thơ ca. Một trong những chủ đề yêu thích của ông là hiện tại, ký ức và những nỗi đau.
Review Quỳnh Ly – vanhoc365.com
Trước khi có vài nét giới thiệu về bản thân nội dung cuốn sách mà tôi dịch này – bởi đây cũng có thể coi là một cuốn sách có tính chất lịch sử – nghệ thuật, có lẽ cũng không thừa khi xin quý vị chút thời gian để tôi được phác qua đôi nét (sơ sài thôi) liên quan đến một số quan niệm về lịch sử nghệ thuật phương Tây từ khởi đầu của nó tới gần đây.
Như chúng ta có lẽ đều biết, môn lịch sử nghệ thuật truyền thống (phương Tây) thường được định dạng là bắt đầu với họa sĩ thời Phục Hưng, Giorgio Vasari (1511 – 1574). Cuốn sách của ông, Ðời sống của các kiến trúc sư, họa sĩ, và điêu khắc gia Ý nổi tiếng nhất từ thời Cimabue tới thời chúng ta (The lives of the most eminent Italian architects, painters, and sculptors from Cimabue to our time), theo nhà nghiên cứu Donald Preziosi, đã thiết lập nên những gì sau này trở nên truyền thống phê bình và lịch sử nghệ thuật của phương Tây.
Mời các bạn đón đọc Những Cách Thấy của tác giả John Berger.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn