Daniel H.Pink đã trình bày những sự thật gây choáng váng trong cuốn sách mới của mình. Bí quyết để trở nên thành công và được mọi người yêu mến trong thế giới ngày nay là động lực phấn đấu của chúng ta, nhu cầu muốn học hỏi và sáng tạo ra những thứ mới, và nỗ lực chứng tỏ bản thân mình cũng như vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Dựa trên những nghiên cứu về động lực thúc đẩy con người được thực hiện trong bốn thập kỷ qua, Pink đã vạch trần những sai lầm giữa lý thuyết so với thực tế – cũng như tác động của chúng tới cuộc sống của chúng ta. Ông đã chứng minh rằng mặc dù đã làm mưa làm gió suốt thế kỷ XX, phương pháp cũ rích Củ cà rốt và cây gậy hoàn toàn là một cung cách sai lầm để thúc đẩy mọi người vượt qua những thử thách trong thời đại ngày nay. Trong “Động lực 3.0”, ông nêu ra 3 yếu tố tạo ra động lực thực sự:
Tự chủ – khao khát được làm chủ cuộc sống của chính mình
Thành thạo – niềm thôi thúc không ngừng hoàn thiện và bổ sung kiến thức về các vấn đề bất kỳ.
Lý tưởng – khao khát được cống hiến không vì bản thân mình
Cùng với 3 yếu tố này, tác giả còn đưa ra những phương pháp tiếp cận mới để thúc đẩy cũng như giới thiệu chúng ta với các nhà khoa học và doanh nhân đang theo đuổi những hoài bão lớn lao.
***
Những trò đánh đố rắc rối của Harry Harlow và Edward Deci
Giữa thế kỷ trước, hai nhà khoa học trẻ đã thực hiện những thí nghiệm lẽ ra đã thay đổi cả thế giới − nhưng điều đó lại không xảy ra.
Harry F. Harlow là một giáo sư chuyên ngành tâm lý học tại Đại học Wisconsin. Vào những năm 1920, ông đã thành lập một trong những phòng thí nghiệm đầu tiên trên thế giới nhằm nghiên cứu hành vi của loài linh trưởng. Một ngày năm 1949, Harlow cùng hai đồng nghiệp đã tập hợp tám con khỉ nâu để phục vụ một thí nghiệm về học tập kéo dài hai tuần. Các nhà nghiên cứu đặt ra một trò chơi cơ học như trong hình dưới đây. Để chơi trò này, người chơi cần phải trải qua ba bước: rút cây đinh dọc ra, tháo móc và nhấc chiếc nắp có bản lề lên. Với tôi và bạn: điều này dễ như ăn kẹo, nhưng với một con khỉ nặng 6 kg ở phòng thí nghiệm: khoai đây.
Các nhà khoa học đặt những món đồ chơi nói trên vào chuồng của lũ khỉ và quan sát xem chúng phản ứng ra sao − và cũng để chuẩn bị cho chúng trước khi tham gia các bài kiểm tra năng lực giải quyết vấn đề vào cuối tuần thứ hai. Song gần như ngay lập tức, một điều lạ lùng đã xảy ra. Dù không hề bị kích động bởi bất cứ yếu tố ngoại cảnh nào cũng như chẳng phải chờ các nhà khoa học thúc bách, lũ khỉ bắt đầu chơi trò chơi với tất cả sự chuyên chú, quyết tâm và biểu hiện gì đó gần như là niềm thích thú. Và chẳng bao lâu sau, chúng đã dần phát hiện ra cách thức vận hành của cỗ máy đơn giản này. Khi Harlow “sát hạch” lũ khỉ đến ngày thứ 13 và 14, các anh em họ nhà linh trưởng đã tỏ ra khá thuần thục. Chúng xử lý trò đánh đố này cực kỳ thường xuyên và nhanh nhẹn: 2/3 trong tổng số lần chúng tìm ra lời giải chỉ sau chưa đầy sáu mươi giây.
Chà, chuyện này quả có hơi kỳ quặc thật. Chưa từng có ai dạy bọn khỉ phải rút đinh, đẩy chốt và mở nắp như thế nào. Chưa từng có ai thưởng cho chúng thức ăn, tình cảm, hay thậm chí chỉ là vài tiếng vỗ tay khích lệ khi chúng thành công. Và thực tế đó trái ngược hoàn toàn với những quan niệm vẫn được chấp nhận rộng rãi về cách thức hành xử của các loài linh trưởng − bao gồm cả nhóm động vật có bộ não lớn hơn, ít lông lá hơn mà chúng ta vẫn gọi là người.
Thời ấy, các nhà khoa học đã biết rằng có hai động lực chính thúc đẩy hành vi. Thứ nhất là động lực sinh học. Con người và các loại động vật khác ăn để khỏa lấp cơn đói, uống để chấm dứt cơn khát và giao cấu để thỏa mãn nhu cầu sinh dục của mình. Song điều đó không xảy ra ở đây. “Việc giải đố không mang lại thức ăn, nước uống, hay lạc thú tính dục”, Harlow nhận xét.
Song động lực còn lại cũng không thể giải thích được hành vi khác thường của lũ khỉ. Nếu như các động lực sinh học có nguồn gốc tự thân thì động lực thứ hai này lại xuất phát từ bên ngoài − những phần thưởng và hình phạt mà môi trường xung quanh mang tới để đổi lại việc hành xử theo những cách nhất định. Điều này hoàn toàn đúng với con người, chúng ta luôn phản ứng vô cùng tinh nhạy trước những yếu tố ngoại cảnh kiểu này. Nếu anh hứa tăng lương, chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn. Nếu anh vẽ ra viễn cảnh được nhận điểm 10 cho bài kiểm tra, chúng tôi sẽ học chăm chỉ hơn. Nếu anh dọa sẽ phạt chúng tôi vì đi muộn hoặc vì điền không đúng mẫu đơn, chúng tôi sẽ đến đúng giờ và đánh dấu không sót một ô nào. Nhưng nó cũng chẳng phải nguyên nhân dẫn tới những hành động của lũ khỉ. Như Harlow đã viết (thiết tưởng bạn còn có thể nghe thấy cả tiếng ông vò đầu bứt tai nữa): “Hành vi thu được từ cuộc điều tra này đã đặt ra những câu hỏi lý thú đối với học thuyết động lực, vì quá trình học tập đã đạt được và sự thực thi đã được duy trì mà không phải viện tới những nhân tố kích thích ngoại cảnh.”
Vậy nó còn có thể là cái gì đây?
Để trả lời câu hỏi này, Harlow đưa ra một giả thuyết mới – yếu tố được gọi là một động lực thứ ba: “Bản thân việc thực thi nhiệm vụ đã cung cấp một phần thưởng tự thân. Lũ khỉ chơi trò chơi chỉ đơn giản là vì chúng cảm thấy vui sướng khi làm việc đó. Chúng thích thế. Niềm vui mà nhiệm vụ này mang lại chính là phần thưởng vậy.”
Nếu quan điểm trên là xác đáng, thì những chuyện xảy ra tiếp theo chỉ khơi sâu thêm những điểm còn gây hoang mang và tranh cãi. Có lẽ động lực mới được khám phá này – Harlow gọi nó là “động cơ nội tại” – thực sự tồn tại. Nếu lũ khỉ được thưởng – bằng nho khô! – khi giải xong trò đố, ắt hẳn chúng sẽ còn làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên, khi Harlow thử cách tiếp cận này, lũ khỉ lại mắc lỗi nhiều hơn và giải được trò đố kém thường xuyên hơn. “Sự xuất hiện của thức ăn trong thí nghiệm hiện tại”, Harlow viết, “hóa ra lại làm gián đoạn quá trình thực hiện, một hiện tượng chưa từng được báo cáo trong bất kỳ tài liệu nào.”
Đến đoạn này thì thật sự là kỳ quặc. Điều đó cũng giống như việc ta thả quả cầu thép xuống một mặt phẳng nghiêng để đo vận tốc của nó – chỉ để thấy quả cầu rơi vào khoảng không. Nó cho thấy hiểu biết của chúng ta về những lực hấp dẫn tác động lên hành vi của mình vẫn chưa đầy đủ − rằng những gì mà chúng ta vẫn cho là các quy luật bất biến thực chất còn vô vàn lỗ hổng. Harlow đặc biệt nhấn mạnh “sức mạnh và sự bền bỉ” của động lực đã thúc đẩy lũ khỉ hoàn thành trò chơi. Sau đó ông nhận xét:
“Dường như động lực này… cũng cơ bản và mạnh mẽ như tất cả các động lực [khác]. Hơn nữa, chúng ta có lý do để tin rằng [nó] có thể giúp kích thích hoạt động học tập hiệu quả không kém.”
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hai động lực phổ biến nói trên giữ một vị trí cực kỳ vững chắc trong tư duy khoa học. Vì vậy, Harlow đã chủ động gióng lên hồi chuông nhắc nhở. Ông thúc giục các nhà khoa học “từ bỏ những địa hạt lý thuyết lỗi thời của mình” và tìm kiếm những nguyên nhân chính xác hơn, mới mẻ hơn dẫn đến hành vi của con người. Ông cảnh báo rằng cách biện giải của chúng ta về lý do tại sao chúng ta lại làm những việc mà mình vẫn làm còn chưa hoàn chỉnh. Ông cho rằng để hiểu đúng bản chất con người, chúng ta cần phải tính tới động lực thứ ba này nữa.
Nhưng rồi ông lại mang vứt xó ý tưởng mới này.
Thay vì đấu tranh với cơ sở kiến thức sẵn có và thiết lập một cái nhìn toàn diện hơn về động lực, Harlow lại bỏ mặc vấn đề nghiên cứu còn gây nhiều tranh cãi này, và về sau, ông đã trở nên nổi tiếng với những nghiên cứu về bản chất khoa học của tình cảm yêu mến. Khám phá của ông về động lực thứ ba nói trên thi thoảng lại được nhắc tới trong các tài liệu chuyên ngành tâm lý. Song về cơ bản, nó vẫn đứng ngoài lề cả ngành khoa học hành vi lẫn kho tàng kiến thức của chúng ta về con người. Hai thập kỷ trôi qua, rồi cuối cùng một nhà khoa học khác cũng xuất hiện để tiếp tục lần theo đầu mối mà Harlow đã bỏ lại trên chiếc bàn phòng thí nghiệm Wisconsin ngày nào giữa biết bao nghi hoặc và tò mò.
Mùa hè năm 1969, Edward Deci, sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học của Đại học Carnegie Mellon, đang tìm kiếm một đề tài cho luận văn của mình. Deci đã nhận được bằng MBA của trường Wharton, và giờ đây, anh lại bị hấp dẫn bởi vấn đề động lực song anh ngờ rằng giới học giả và doanh nhân đã hiểu sai nó. Vậy là, anh “mượn tạm” một trang trong cuốn sổ tay của Harlow và bắt tay vào nghiên cứu đề tài này với sự giúp sức của một trò chơi đánh đố khác.
Deci chọn trò xếp hình Soma, một sản phẩm thời bấy giờ đang rất thịnh của hãng Parker Brothers. Nhờ có YouTube, trò chơi này đã thu hút một lượng người hâm mộ tương đối đông đảo. Như các bạn có thể thấy dưới đây, bộ xếp hình bao gồm bảy mảnh ghép nhựa − sáu mảnh cấu thành từ bốn khối lập phương có kích thước 2 cm, và một mảnh cấu thành từ ba khối lập phương có kích thước 2 cm. Người chơi có thể ghép bảy mảnh theo vài triệu cách khác nhau − để tạo thành từ những hình khối trừu tượng cho đến các vật thể dễ nhận biết.
Mời các bạn đón đọc Động Lực 3.0 của tác giả Daniel H. Pink.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn