Ra mắt độc giả lần đầu tiên vào năm 1985, được chuyển thể thành phiên bản hoạt hình năm 1989 bởi Studio Ghibli và phiên bản điện ảnh năm 2014, những câu chuyện về cô phù thủy Kiki không ngừng được yêu mến suốt ba thập kỉ qua.
Câu chuyện bắt đầu ở một ngôi làng xa thật là xa giữa núi đồi trùng điệp có một cô phù thủy nhỏ sống cùng ba mẹ trong một căn nhà gỗ xinh xắn. Cô phù thủy ấy tên Kiki, vừa tròn 13 tuổi, một cột mốc vô cùng quan trọng đối với một phù thuỷ bởi nó đánh dấu hành trình tự lập đầu tiên. Mặc cho bố mẹ hết sức lo lắng thì với Kiki mơ mộng đây lại là một chuyến phiêu lưu kì thú.
Bạn đồng hành của Kiki trong cuộc hành trình là mèo đen Jiji – một chàng mèo đen điệu đà gắn bó với Kiki ngay từ khi hai đứa sinh ra. Nếu Kiki là cô bé đầu óc lúc nào cũng trên mây trên gió, “màu mè” kiểu con gái, thì Jiji lại chững chạc hơn rất nhiều. Chàng mèo đen – như một “người đàn ông đích thực”, thường xuyên nhắc nhở cô bé nhớ điều này điều kia, đưa ra cho cô bé những lời khuyên đúng lúc thậm chí nhường nhịn và chiều theo những ý tưởng bất ngờ nảy ra từ bộ não mộng mơ của cô chủ mình.
Cùng với Jiji, cô phù thủy nhỏ đã quyết định ở lại thành phố Koriko – một nơi hoàn toàn mới mẻ lạ lẫm mà sẽ rất khó khăn Kiki mới thích nghi được.
Lần đầu tiên trong đời, cô phù thủy nhỏ phải đối mặt với những quyết định quan trọng: Sống ở đâu? Làm gì để sống? Điều này là đúng hay sai?… Những câu hỏi gợi mở những vấn đề tưởng như thật đơn giản khi còn nằm trong vòng tay gia đình, có bố mẹ ở bên để bảo vệ hay nâng đỡ, bỗng chốc trở thành điều mang tính sống còn. Có sợ hãi, có hoang mang, nhưng cô phù thủy nhỏ, bằng sự lạc quan không giới hạn, đã nhanh chóng vượt qua được chuỗi ngày khó khăn ấy.
Và Dịch vụ giao hàng phù thủy đã ra đời.
Hài hước? Có hài hước. Hành động kịch tính? Có hành động kịch tính. Rùng rợn ma quái? … Có vẻ sẽ có. Thuộc thể loại “slice-of-life” giản dị, Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki là những trang trong cuộc sống thường ngày tưởng bình yên mà đầy ắp các biến cố của cô phù thủy nhỏ lí lắc. Mỗi trang trong cuộc sống ấy được ghi lại trong một chương sách – mà lối kể và trình bày của tác giả Kadono Eiko đã biến nó trở thành một “nhiệm vụ” cần Kiki giải quyết. Nhiệm vụ này nối tiếp nhiệm vụ khác, cho đến khi “phá đảo”.
Trong nhiều tình huống, Kiki khiến bạn bật cười vì sự lãng đãng và tò mò đáng yêu của cô nàng. Nhưng cái cách Kiki tìm cách giải quyết những rắc rối ấy, lại phản ánh thái độ nghiêm túc và chân thành. Đó là thái độ mà bất kì ai, chứ không riêng gì một cô bé phù thủy cưỡi chổi trên trời, cần có khi chịu trách nhiệm về công việc của mình.
Và rồi sau tất cả, Kiki luôn giải quyết ổn thỏa những rắc rối có thêm những bài học mới, trải nghiệm mới đặc biệt là những người bạn mới. Là hai vợ chồng người chủ tiệm bánh mì Kéo-Búa-Bao hiếu khách, cô bạn Mimi thích ra vẻ người lớn, cậu bạn Chuồn chuồn mọt sách ngượng ngùng… và sẽ còn rất nhiều, rất nhiều người bạn tuyệt vời đang chờ đợi cô bé trên chặng đường phía trước. Chuyến hành trình tự lập tưởng chừng như chỉ đơn độc hai chủ tớ, bỗng thành chuỗi ngày tràn đầy niềm vui, sự quan tâm và sẻ chia của những người bạn.
Với nội dung được chuyển ngữ bởi dịch giả Vũ Anh – cái tên quen thuộc với các độc giả yêu thích văn học Nhật Bản và phần minh họa theo phong cách hiện đại được thực hiện bởi Kawako Giang Nguyễn, Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki là một bộ sách bạn nên – hoặc buộc phải có trong mùa Xuân này.
***
Câu chuyện bắt đầu tại một thị trấn nhỏ nằm thấp thoáng giữa những ngọn đồi thoai thoải và bạt ngàn rừng xanh. Đó là một miền quê yên bình với những ngôi nhà mái ngói màu nâu đen như vỏ bánh mì cháy khét, san sát nhau đến tận cùng những con dốc phía Nam thị trấn.
Trung tâm thị trấn là nhà ga, cách nhà ga tầm đôi ba bước chân, thì ôi thôi là nhộn nhịp. Nào là tòa thị chính, rồi đồn cảnh sát, sở cứu hỏa, cả trường học nữa chứ… Những hình ảnh của một thị trấn xinh xắn và yên bình có thể nhìn thấy ở bất kì nơi nào khác.
Tuy nhiên, nếu tinh ý thêm một chút nữa, bạn sẽ nhận ra thứ không-thể-thấy-được-ở-nơi-nào-khác.
Một trong những điều không-thể-thấy-được-ở-nơi-nào-khác phải kể đến chính là những chiếc chuông bạc lấp lánh treo toòng teng trên ngọn cái cây Cao-thật-là-cao. Nhưng điều kì lạ nhất là, những lúc trời quang mây tạnh gió dừng, những cái chuông vẫn khua lên ầm ĩ. Và cứ hễ tiếng chuông vang vọng khắp phố phường là dân trong thị trấn lại kháo nhau rằng:
“Con bé Kiki lại bị vướng chuông nữa rồi.”
Câu nói ngay lập tức châm ngòi cho một trận cười rộn rã, khiến người nào người nấy trong thị trấn chỉ biết lắc đầu chào thua.
Đúng vậy! Nhân vật Kiki mà mọi người đang bàn tán xôn xao nãy giờ cũng là một trong những điều không-thể-thấy-được-ở-nơi-nào-khác của thị trấn này. Cô bé ấy nhỏ xinh mà lại có sức mạnh rung được chiếc chuông bạc trên tít tận ngọn cây cao kia!
Chếch một chút về phía Đông của thị trấn, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà bé xinh của Kiki.
Cổng vào sơn màu xanh lá cây dịu mát, luôn rộng mở. Trên trụ cổng treo một tấm bảng gỗ có khắc dòng chữ “Phát thuốc trị ách-xì miễn phí”.
Bước qua cổng, các bạn sẽ nhìn thấy một khu vườn rộng lớn. Trong vườn trồng đủ các loại kì hoa dị thảo. Lá lớn có, lá nhọn có. Nhưng điều thú vị nhất là tất cả chúng đều được quy hoạch và trồng một cách ngay ngắn. Sâu bên trong thêm một chút, ngay góc trái khu vườn, là căn nhà gỗ một tầng xinh xắn.
Thoảng trong không khí là hương thơm ngào ngạt. Mùi thơm ấy tỏa ra từ sâu phía bên trong căn nhà, nơi có nồi hầm đang bốc khói nghi ngút trên bếp. Đứng từ trong bếp có thể nhìn thấy được bức tường ngoài phòng khách. Thay vì treo tranh vẽ hay hình chụp như những căn nhà bình thường khác, chủ nhân của ngôi nhà này lại treo lên những cây chổi với phần đuôi được làm từ các nhánh cây khô bó lại. Có tất cả hai cây chổi, một lớn một nhỏ. Bắt đầu thấy lạ lùng rồi phải không?
Từ phòng khách phát ra tiếng chuyện trò rôm rả. Chắc đang là giờ uống trà của chủ nhân ngôi nhà đây.
“Kiki! Con định chừng nào xuất phát? Quyết định nhanh lên nào! Đừng có chần chừ mãi thế!” – Giọng nói xem chừng có vẻ bực bội của một người phụ nữ vang lên.
“Con vẫn đang suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này mà! Mẹ không phải lo đâu mà.” – Giờ lại thêm giọng của một cô bé chen vào.
“Mẹ nó à! Bà cứ để Kiki tự quyết đi! Nếu con nó chưa muốn thì bà có ép thế chứ ép nữa cũng vậy thôi.”
Lần này là giọng một người đàn ông điềm đạm.
“Ông làm như tôi muốn lắm không bằng? Nhưng tôi phải CÓ TRÁCH NHIỆM, phải có trách nhiệm, ông biết không?” – Người phụ nữ được cô nhóc gọi là mẹ lại ré lên.
Đến đây thì mọi việc rõ ràng rồi đúng không? Sống trong căn nhà này là một gia đình phù thủy. Người phụ nữ quyền lực, người kế tục truyền thống của gia đình, một nữ-phù-thủy-không-thể-phù-thủy-hơn, là bà Kokiri, cũng là mẹ của Kiki. Bà đã cưới ông Okino, một người trần mắt thịt, làm chồng. Ông Okino vốn là một nhà dân tộc học, chuyên nghiên cứu về những truyền thuyết, câu chuyện dân gian. Dĩ nhiên tất cả chúng đều có dính dáng đến hai chữ “phù thủy”. Nhân vật cuối cùng, có ít tiếng nói nhất ở trong gia đình, không ai khác, chính là Kiki, cô con gái độc nhất của cặp vợ chồng kì lạ này. Năm nay, Kiki vừa tròn mười ba tuổi.
Nãy giờ cả gia đình ba người cứ loạn hết cả lên chính là để bàn về chuyến hành trình lên đường tự lập của Kiki.
Theo luật lệ, khi một phù thủy kết hôn với người bình thường, nếu đứa trẻ được sinh ra là con gái, thì nghiễm nhiên đứa bé ấy phải được đào tạo để trở thành một nữ phù thủy chân chính. Có điều, cuộc đời mà, chẳng thiếu những cô nhóc chán ngấy cái luật lệ ấy. Nên thường thì vào tuổi lên mười, chính chúng sẽ là người quyết định con đường tương lai sau này của mình. Nếu chọn cuộc đời gắn liền với những cây chổi và lũ mèo đen, thì chúng sẽ được mẹ mình dạy cho những phép thuật cơ bản. Đến năm mười ba tuổi, vào một đêm trăng tròn vành vạnh, những cô phù thủy tập sự ấy sẽ phải lên đường thực hiện chuyến hành trình tự lập của cuộc đời mình.
Hành trình tự lập của một nữ phù thủy nói nôm na là thế này: Đầu tiên, nữ phù thủy sẽ rời gia đình, du hành đến những thôn làng, thị trấn nơi không có phù thủy sinh sống. Tại đó, họ sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập của mình. Thật ra mà nói, đối với một cô nhóc ăn chưa no lo chưa tới thì đây quả là một thử thách khắc nghiệt. Tuy nhiên, trong thời đại này, giữa tình trạng tộc phù thủy lao dốc không phanh về cả quy mô dân số lẫn sức mạnh phép thuật, thì đây là một truyền thống quan trọng mang tính sống còn. Đây là cách duy nhất và hiệu quả nhất để không chỉ một người mà là rất nhiều người, không chỉ một nơi mà là rất nhiều nơi, nhớ đến sự tồn tại của những nhân vật bí ẩn và đầy quyền phép này.
Quay lại với Kiki, cô nhóc đã quyết định chọn cây chổi và lũ mèo đen từ năm lên mười rồi. Vì vậy, bà Kokiri nghiễm nhiên trở thành giáo viên nghiêm khắc của con gái mình. Đầu tiên phải học chế thuốc từ thảo mộc. Chính xác là chế thứ gọi là thuốc ách-xì ấy. Tiếp theo là cưỡi chổi bay lượn trên bầu trời.
Nói cho công bằng thì Kiki nhà ta cưỡi chổi cũng cừ ra phết. Nhưng mọi người biết đấy, con gái tuổi này đầu óc mơ màng lắm. Cứ hễ ngồi lên cán chổi lượn lờ vài vòng là đầu óc cô bé lại bắt đầu nghĩ bâng quơ những chuyện đại để như một cục mụn nổi bên cánh mũi hay hôm nay diện bộ cánh nào để đi sinh nhật bạn chẳng hạn.
Mà cứ hễ mất tập trung là sẽ “hạ cánh” bất ngờ. Như mới hôm trước đây, đang bay mà cô nhóc cứ mải nghĩ ngợi đến bộ đồ lót ren rúa mới mua, lãng đãng thế nào mà đâm sầm vào cái bốt điện thoại ven đường. Chỉ tội cây chổi, tan nát toàn phần. Mà tình cảnh chủ nhân cũng không khá hơn là bao. Mũi cộng với hai đầu gối đếm vừa đúng ba cục u.
Cũng vì tật xấu đó của con gái mà bà Kokiri phải cất công treo những cái chuông bạc lên cây để lỡ cô con gái hậu đậu của mình có lơ đễnh mà sà xuống thấp quá thì chân cô bé sẽ đụng phải chuông. Tiếng chuông vang lên sẽ là lời cảnh báo Kiki rằng cô nhóc đang xuống độ cao dễ bị “u đầu” lắm. Mà nhờ trời, gần đây số lần chuông vang lên cũng ít hơn hẳn.
Nói mới nhớ, Kiki cưỡi chổi thì có thể coi là ổn chứ pha chế thuốc ách-xì thì ôi thôi đến là kinh khủng. Có vẻ như cô nhóc này trời sinh đã không phù hợp với việc pha chế thuốc thang. Con gái gì mà thiếu kiên nhẫn, lại chẳng tỉ mỉ. Đã thế công việc pha chế này lại gồm đủ thứ công đoạn từ trồng thảo dược, nghiền nhỏ lá và rễ cho tới sao khô hay nấu nhừ… Tỉ mỉ kì công như thế, Kiki nhà ta bó tay cũng không có gì khó hiểu.
“Trời ơi là trời! Lại tiêu mất của tôi một phép thuật nữa rồi!”
Tiếng bà Kokiri than thở não nùng. Ngày xưa, hễ nhắc đến phù thủy thì người ta nghĩ ngay đến những người nhiều bùa lắm phép. Nhưng chẳng ai ngờ được những bùa phép ấy sẽ biến mất dần theo thời gian. Như bà Kokiri đây, dù là một nữ-phù-thủy-không-thể-phù-thủy-hơn, đến giờ cũng chỉ còn vỏn vẹn hai thuật phép. Kiki dù ghét cay ghét đắng, cũng chẳng buồn cố gắng nhiều để khắc phục.
“Con nói với mẹ rồi mà! Thay vì ngồi đây xới tung mọi thứ trong cái vạc này thì nên cưỡi chổi bay vài vòng cho đầu óc thư thả đã!” – Kiki nói với vẻ mặt vô cùng bình thản. Ông Okino thì nhẹ nhàng dỗ dành bà vợ yêu quý của mình:
“Biết đâu mình chỉ cần nghỉ ngơi một chút là có thể làm phép lại thì sao. Với lại mẹ nó còn một con mèo đen để an ủi mà!”
Từ xa xưa, đồng hành cùng với phù thủy luôn là một chú mèo đen. Chú mèo ấy cũng có thể xem là một dạng phép thuật.
Kiki có nuôi một chú mèo bé xíu, tên là Jiji. Còn bà Kokiri ngày trước cũng từng nuôi một con tên là Meme. Với một nữ phù thủy, khi hạ sinh đứa con gái đầu lòng, việc đầu tiên cần làm là phải tìm cho bằng được một chú mèo đen chào đời vào khoảng thời gian ấy. Nữ phù thủy phải nuôi lớn con gái mình cùng với nó. Bằng cách ấy, đứa bé sẽ học được phép thuật giúp nó nói chuyện với mèo.
Sau này, chú mèo ấy sẽ là người bạn đồng hành duy nhất của cô phù thủy nhỏ trong chuyến hành trình tự lập của mình. Đối với một cô bé mà nói, chú mèo này vô cùng quan trọng. Có một người bạn để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, làm chỗ dựa tinh thần thật sự là một điều đáng quý. Rồi năm tháng qua, khi cô bé ấy trưởng thành, tìm được người quan trọng của đời mình để thay thế chú mèo ấy, thì nó cũng sẽ chia tay chủ nhân, tự đi tìm một “ý trung nhân” của đời mèo và sống tự do.
Mời các bạn đón đọc Dịch Vụ Giao Hàng Của Phù Thủy Kiki Tập 1 của tác giả Kadono Eiko & Vũ Anh (dịch) & Bích Phương (dịch).
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn