Với anh, mọi thứ đã được viết sẵn
Với cô, mọi thứ đang đợi viết tiếp
“Sáu tháng trước, ngày 12 tháng Tư năm 2010, con gái ba tuổi của tôi, Carrie Conway, đã bị bắt cóc trong lúc hai mẹ con đang chơi trốn tìm trong căn hộ nhà mình ở Williamsburg.”
Câu chuyện của Flora Conway, nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng sống kín đáo, đã bắt đầu như thế. Carrie đột ngột mất tích, không cách nào lý giải được. Cửa chính và các cửa sổ đều đóng kín, các camera giám sát trong tòa nhà không phát hiện điều khả nghi nào. Cuộc điều tra của cảnh sát không mang lại kết quả gì.
Cùng thời điểm ấy, ở bờ kia Đại Tây Dương, một nhà văn với trái tim tan nát trốn tránh xã hội trong một ngôi nhà xập xệ, bế tắc với tiểu thuyết đang viết dở.
Anh là người duy nhất nắm giữ chìa khóa của bí ẩn.
Và Flora sẽ đánh bật anh.
Với Cuộc đời là một tiểu thuyết, bạn sẽ bắt gặp một Guillaume Musso hoàn toàn mới, người dẫn bạn bước vào mê cung, dắt bạn đi theo mạch truyện ly kỳ bằng nguồn sức mạnh rút từ quyền năng của những cuốn sách và khát khao mãnh liệt sống cuộc đời của các nhân vật.
“Guillaume Musso là một cao thủ phù phép, luôn biến hóa ra điều bất khả trong cuộc đời các nhân vật giữa lúc ta không ngờ tới.”
– Anne Michelet, Version Femina
“Một câu chuyện tuyệt vời làm hài lòng cả độc giả sách trinh thám lẫn tín đồ văn chương. (…) Guillaume Musso, chắc chắn là nhà văn lớn và độc giả phi thường, trở lại với chủ đề nghề viết, nguồn cảm hứng, cuộc đời thực và tưởng tượng… một cách thật điêu luyện (…) Cuộc đời là một tiểu thuyết không khỏi khiến ta nghĩ tới Romain Gary.”
– Alain-Jean Robert, AFP
TÁC GIẢ:
Guillaume Musso sinh năm 1974 tại Antibes, thị trấn nhỏ bên bờ Địa Trung Hải. Ngay từ năm mười tuổi, cậu bé Guillaume đã phải lòng văn chương và tuyên bố một ngày nào đó sẽ viết tiểu thuyết. Lớn lên, anh theo học ngành kinh tế rồi trở thành giáo viên sau khi tốt nghiệp, nhưng niềm đam mê thuở ban đầu vẫn tràn đầy. Năm 2001, tiểu thuyết đầu tay của anh ra đời và nhận được tín hiệu tốt từ giới phê bình. Tác phẩm thứ hai, Rồi sau đó, xuất bản năm 2004, đã gây ấn tượng mạnh và đưa tên tuổi Guillaume Musso đến với công chúng. Từ đó đến nay, anh đều đặn cho ra đời các tiểu thuyết mới và giành được thành công vang dội không chỉ tại Pháp mà còn trên khắp thế giới. Các tác phẩm của Guillaume Musso đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được chuyển thể thành phim.
Các tác phẩm của Guillaume Musso đã được Nhã Nam xuất bản:
– Rồi sau đó
– Hãy cứu em
– Hẹn em ngày đó
– Bởi vì yêu
– Trở lại tìm nhau
– Nếu đời anh vắng em
– Cô gái trong trang sách
– Cuộc gọi từ thiên thần
– Bảy năm sau
– Ngày mai
– Central Park
– Giây phút này
– Cô gái Brooklyn
– Dưới một mái nhà ở Paris
– Cô gái và màn đêm
– Cuộc đời bí mật của các nhà văn
***
Sau “Cuộc sống bí mật của các nhà văn”, Guillaume Musso bật mí thêm những ngõ ngách khác trong hành trình kiến tạo một tác phẩm văn chương trong “Cuộc đời là một tiểu thuyết”.
Tại New York, Mỹ, cô bé 3 tuổi Carrie Conway bị bắt cóc trong khi đang chơi trốn tìm cùng mẹ mình trong căn hộ. Flory Conway – mẹ của nạn nhân – nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng sống ẩn dật và truyền thông chỉ biết Flory thông qua một tấm ảnh mờ nhạt. Carrie bốc hơi khi các cửa tòa nhà đều đóng kín, camera giám sát không ghi lại được hình ảnh nào khả nghi và cuộc điều tra rơi vào bế tắc.
Ở Paris, Pháp, Romain Ozorski là tiểu thuyết gia 40 tuổi đã viết được 19 cuốn sách và tất cả đều trở thành bestseller. Nhưng đó là quá khứ, bởi hai năm gần đây Romain không viết thêm quyển tiểu thuyết nào.
Anh ly dị vợ, không nhận được quyền nuôi con cùng với những hóa đơn chưa thanh toán và một quyển tiểu thuyết đang còn dang dở.
Hai nhà văn nổi tiếng ở hai bờ Đại Tây Dương, với bao cuộc đời được tạo ra từ 2 khối óc đầy sáng tạo. Cha mẹ đẻ của những niềm vui và nỗi buồn trong hành trình đi tìm con chữ.
Hai con người cùng bước chân vào bi kịch đời mình. Liệu có sợi dây nào liên kết Flory Conway và Romain Ozorski, khi cả hai dấn thân vào cuộc viễn chinh đi tìm cái kết? Cuốn sách Cuộc đời là một tiểu thuyết sẽ đem đến câu trả lời thỏa mãn cho người đọc.
“Đặc sản” Guillaume Musso với cái kết bất ngờ
Có thể nói với hầu hết tác phẩm của Guillaume Musso, cái kết bất ngờ luôn là dấu ấn mà độc giả tò mò và ngóng đợi. Dưới sự dẫn dắt tài tình, câu chuyện được ông bóc tách và ghép lại như trò chơi xếp hình. Chỉ đến khi mảnh ghép cuối cùng được đặt vào, bức tranh toàn vẹn mới hiện ra trước sự trầm trồ của người đọc.
Cuộc đời là một tiểu thuyết vẫn chứa đựng plot twist nằm ở những trang cuối cùng, với điểm sáng riêng biệt chính là một Guillaume Mussohoàn toàn mới. Câu chuyện tưởng chừng dễ đoán nhưng cài cắm những “ngòi nổ” mà chính độc giả chính là người giật kíp và tự nhận ra khi đi cuối hành trình.
Ở cuốn tiểu thuyết này, tác giả tạo nên một tổng thể chỉn chu khi hư cấu gọi tên hiện thực. Các tuyến nhân vật đan cài lẫn nhau, song hành vào giao nhau ở điểm cuối truyện, hòa làm một và biến cuộc đời thành một quyển tiểu thuyết, hay nói đúng hơn tiểu thuyết phản ánh trung thực một cuộc đời.
Những lát cắt trong cuộc đời của các nhà văn
Nếu Cuộc đời bí mật của các nhà văn là trải nghiệm công việc của người viết lách nơi ánh hào quang, tiền bạc và sự thành công chỉ là bề nổi cho những phần chìm trước mắt độc giả, thì Cuộc đời là một tiểu thuyết lại là những ngõ ngách khác trong hành trình xây dựng nhân vật, vật lộn với tình huống và đem cuộc đời thực vào trong tác phẩm.
Tác phẩm mới của Musso hé lộ những lát cắt nằm phía trong tâm hồn và được bóc tách bởi chính sự dấn thân trên hành trình đi tìm con chữ. Mỗi tiểu thuyết gia có quyền lấy chất liệu đời thực đưa vào tác phẩm hay ngông cuồng cầm nắm trong tay quyền sinh sát mỗi nhân vật.
Nhưng dường như họ cũng có câu chuyện riêng cần kể. Sự cô đơn, niềm tin yêu thậm chí là bi kịch trở thành nguyên liệu quý giá trong việc tạo tác những cuộc đời tưởng chừng đã mất.
Phía sau một tác phẩm thành danh luôn chứa đựng một bí mật mà người giữ chìa khóa để mở toang cánh cửa mà không ai khác chính là tác giả. Họ cho phép độc giả bước vào những cuộc đời song song khác của họ với đầy đủ dư vị cảm xúc hỉ nộ ái ố.
Cuộc đời là một tiểu thuyết phần nào làm thỏa sự tò mò nơi độc giả khi hiểu thêm về công việc viết lách và những cuộc đời hiện sinh bằng con chữ với câu hỏi đặt ra rằng: Liệu cuộc đời là một quyển tiểu thuyết hay tiểu thuyết chính là cuộc đời?
***
Quay về với một cuốn tiểu thuyết của Guillaume Musso. Sau cuốn “Cô gái và màn đêm” hơi gây thất vọng mình đã tự nhủ “Thôi thì cả thanh xuân đọc truyện lãng mạn của Guillaume Musso của tôi kết thúc tại đây”. Tuy vậy, lúc đó mình đã mua cuốn “Cuộc đời là một tiểu thuyết” rồi nên vẫn quyết định đọc dù đọc qua review thấy rate không cao lắm. Thực sự, mình thích cuốn sách này. Nó cũng lấy lại niềm tin của mình vào tác phẩm của Guillaume Musso. Thôi thì những cuốn sách của chú cùng cháu lớn lên, cháu cũng quyết định là cũng có thể cùng nhau về già :D.
Mình nhận thấy từ rất nhiều cuốn sách, nhân vật chính của Guillaume Musso đều là những nhà văn. Và từ cuốn sách này, mình cảm thấy dường như Guillaume Musso đã mượn văn chương để nói về cuộc đời mình và để bộc bạch những suy tư mà cuộc sống đời thường khó có thể làm được. Musso cũng công nhận “Sức mạnh to lớn của văn chương hư cấu nằm ở quyền năng nó cho phép chúng ta chạy trốn thực tại hay bang bó những vết thương ta phải chịu đựng do bạo lực xung quanh gây ra.”
Cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết kể về 2 nhân vật Flora Coway và Romain Ozorski đều là những người viết. Đến một ngày, sau những biến cố đau đớn, họ cảm thấy nghi ngờ về cuộc sống của mình.
Nội dung cuốn sách này lấy cảm hứng từ câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của Plato về những người tù, bị giam trong một hang động từ khi mới sinh ra. Những người tù này luôn bị xích và phải quay mặt về phía trong hang, thay vì phía cửa/miệng hang. Trong suốt cả cuộc đời, họ sẽ chẳng bao giờ thấy đc thế giới bên ngoài ra sao. Thứ duy nhất mà họ có thể là những cái bóng phản chiếu của những sự vật đi ngang qua cửa hang vào lúc có ánh sáng mặt trời chiếu vào.
Họ cho rằng những cái bóng chính là những con người, con vật và đồ vật ấy. Đến một ngày, một trong số những người tù này trốn thoát và chạy ra khỏi hang. Lần đầu tiên anh ta thấy thế giới thật thay vì những cái bóng. Nhận thức cũ về thế giới xung quanh của anh ta bị sụp đổ. Những cái bóng anh ta nhìn thấy mỗi ngày khi xưa hóa ra chỉ là một phần rất rất nhỏ của thế giới thực ngoài kia.
Thế rồi anh ta trở lại hang kể với những bạn tù của mình về thế giới ngoài hang mà anh ta nhìn thấy. Nhưng không may, những người bạn của anh ta, vì vẫn luôn giữ nhận thức cũ, nên không thể hiểu được những điều anh ta nói, họ không thể tưởng tượng ra tại sao lại có một thế giới như vậy tồn tại ngoài kia.
Từ đó, tác giả đẫn dến những suy tư trong trích dẫn của Bergson
“Chúng ta không thực sự thấy bản chất của mọi thứ: thường thì ta chỉ tự giới hạn mình ở việc đọc nhãn dán trên chúng”.
Bergson
“Thực tại… Hư cấu… Suốt cuộc đời tôi đã đi tìm ranh giới rất mơ hồ giữa chúng. Không gì gần với cái thật bằng cái giả trong thế giới thực, bởi khi con người coi một hoàn cảnh nào đó là thực tế, thì sau đó chúng sẽ trở thành thực tế…”.
Guillaume Musso
Tuy vậy, tác giả cũng nhắc đến nối sự và sự đau khổ của những con người bị giam cầm khi được ra khỏi hang, rằng “họ nhận ra bóng tối thật dễ chịu và ánh sáng khiến họ đau khổ” và họ không muốn chấp nhận sự thật. Đôi khi biết được sự thật cũng không phải chuyện vui, nhưng liệu chúng ta có muốn sống mãi trong hang tối?
Một vài bộ phim và cuốn sách cũng xoay quanh chủ đề này, có thể kể đến bộ phim Ma trận 9 Lana Wachowski & Lilly Wachowski, 1999) hay cuốn sách gần đây của David Chalmers “Reality+: Virtual world and the problems of philosophy”. Khi được hỏi “Nếu chúng ta đang sống trong một mô phỏng máy tính thì khả năng mô phỏng đó sẽ như thế nào?”, tác giả David Chalmers trả lời rằng:
Có nhiều loại mô phỏng khác nhau. Có loại gọi là mô phỏng hoàn hảo, nó làm việc tốt đến mức không ai có thể phân biệt được nó với thực tại vật lý. Nếu chúng ta đang ở trong một mô phỏng hoàn hảo, chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều đó.
David Chalmers
Vậy liệu có phải chúng ta đang sống trong một thế giới mô phỏng? Mình nghĩ đây là một câu hỏi triết học khá thú vị để đi sâu hơn vào nhận thức con người, và cũng có khá nhiều tài liệu đi sâu hơn vào câu hỏi này, mình sẽ trích dẫn ở cuối bài.
Guillaume Musso đang dùng tác phẩm văn chương của mình để gợi lên những câu hỏi sâu sắc hơn cho độc giả. Tuy nhiên, triết học luôn là những vấn đề trừu tượng, bàn về triết học đòi hỏi chiều sâu hiểu biết về con người và thế giới quan. Do đó, một tác phẩm văn chương đủ sâu sắc, đủ hấp dẫn đẻ bàn về triết học cũng không phải điều đơn giản. Mình thấy, trong Guillaume Musso mới hình thành một ý tưởng sơ lược, chưa thực sự hiểu sâu sắc về nó. Do đó, mình đánh giá các tình tiết trong câu chuyện này còn một số đoạn hơi “lỏng lẻo”, và dường như tác giả đã hơi lúng túng không biết kết truyện sao cho vừa. Mặc dù vậy đây vẫn là một cuốn sách mình thấy hay bởi ý tưởng và những thông điệp mà Guillame Musso muốn gửi đến độc giả về sự thức tỉnh, mở rộng thế giới quan và đi tìm ánh sáng của sự thật.
Vì đọc phải có bất ngờ khi đọc truyện mới hay nên mình không tóm tắt nội dung chi tiết mà chỉ ghi lại phần mình ấn tượng nhất trong cuốn sách này, nhưng mà sách hay và đáng đọc nhé
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn