Tóm tắt & Review (Đánh Giá) truyện ngắn Cố Định Một Đám Mây của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
Trước hết, hãy nói về nhan đề của truyện ngắn này. “Cố định một đám mây” là một nhan đề rất thi vị và mơ mộng. Sự thi vị, mơ mộng nằm ở mong muốn rất nghệ sĩ của người viết. “Cố định” là làm cho thực thể ở yên một vị trí. Bỏ qua những ngoại lệ của tiến bộ khoa học, mây trời là thứ chẳng thể giữ yên một chỗ. Nghệ sĩ xưa nay luôn có mong muốn xoay ngược dòng chảy của tự nhiên như thế. Sự thi vị ấy chẳng khác gì mong muốn “tắt nắng đi”, “buộc gió lại” của thi sĩ Xuân Diệu. Nhưng khác là Xuân Diệu khi xưa chỉ “tắt nắng đi”, “buộc gió lại” trong suy tưởng còn nhân vật trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư thì thực đã làm cái việc hoang đường “cố định một đám mây” ấy, dù biết là không thể.
Nhưng nhan đề cũng gợi lên sự không tưởng, vô vọng. Mây là thứ rất mỏng manh, được kết thành từ muôn vàn hạt nước li ti, tan hợp bất kì. Mây ngưng tụ thành mưa, mưa xuống là đời mây cũng hết. Mây vốn thuộc về trời, về thế giới tự nhiên chứ chẳng thuộc về cá nhân nào. Hành động “cố định” ấy gần như là “cố chấp”, là việc cố gắng làm một thứ không trong khả năng.
Tuổi trẻ đối mặt với nỗi chán chường, tuyệt vọng vào cuộc sống.
Ái và Biền còn rất trẻ, tuổi đời chưa chạm đôi mươi. Theo lẽ thông thường, Ái và Biền phải rất háo hức với cuộc sống. Thế nhưng hai người chẳng có vẻ gì hài lòng với tuổi trẻ và sức sống hiện tại. Câu nói đầu tiên của Ái và cũng là những từ mở đầu cho truyện, được nhắc lại hai lần “Chỉ người chết mới chịu ở lại cái đất này”. Điều đó chứng tỏ cô rất chán chường với cuộc sống, với quê hương, với hoàn cảnh hiện tại của mình. Dù cho cô không muốn trở thành “người chết”, không muốn ở lại mảnh “đất này”, nhưng cô hoàn toàn không có ý niệm gì về mảnh “đất khác” là đâu, như thế nào. Tức là cô chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề và cố ý đổ lỗi cho “đất”, cho quê hương, cho hiện thực khách quan. Chưa khi nào cô nhìn vào bản thân và mong muốn chính mình thay đổi hiện thực tàn khốc ấy.
Nhưng suy nghĩ tiêu cực của Ái hoàn toàn có cơ sở khi cô sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi, đói nghèo này:
“Suốt năm nay Biền lì lợm ngồi đó với chiếc đò máy bạc đi, thuyết phục Ái cùng người nhà cô và cả chính mình, rằng nó có một công việc khá ổn. Thêm cả chục ngoài giồng khoai lang ngoài vườn đang xuống củ, và nhà của nó trụ được giông gió phải đến chục năm nữa, mới phải sửa sang”.
Nhưng sự lạc quan ấy chỉ len lỏi trong suy nghĩ và những lời nói đến chính cậu cũng không bị thuyết phục. Cậu ít nói, ngay đến cả việc thuyết phục cô bạn gái ở lại bên mình cũng không làm được, làm không tới, quan trọng nhất là chính cậu cũng không tin vào sự khả thi trong lời đề nghị đó. Giữ người yêu lại không được, khuyên nhủ cùng bỏ đi biệt xứ cũng không xong. Ngay đến việc trình diện trước gia đình của người yêu, cậu cũng không đủ can đảm. Đau đớn khi phải thừa nhận, cậu bất lực hệt như một lão già hết gân, “cố gieo vào bụng” người yêu một đứa trẻ cũng không được. Tinh lực, trí lực, năng lực của Biền không thể đủ, dù cậu đang ở giai đoạn sung sức của đời người. Cuối truyện, đến Biền cũng bị thuyết phục hoàn toàn bởi câu nói của người yêu “Giờ Biền biết ra bến đò ngồi còn ý nghĩa gì, bởi sự thật, chỉ người chết mới chịu ở lại bìa cát mặn này. Biền bắt đầu nghĩ về chuyện đó, hết sức nghiêm túc”. Cái đói, cái nghèo đã thành công nuốt chửng cá thể cuối cùng. Truyện mở ra tăm tối khép lại tối tăm, hệt như tuổi trẻ của Ái và Biền, chưa kịp nở rộ đã sớm tàn trên vùng đất đói nghèo, cằn cỗi.
Sự sống đối đầu với cái Chết.
Cảnh vật nơi nhị tì và địa thế của vùng Nước Mặn.
“Bảy năm nay Thản ở yên một chỗ này. Nó giàu, chết vì u não. Mười bốn tuổi, Thản làm nên mớ nghịch lý mà dân Nước Mặn không làm sao chấp nhận được: giàu và chết, trẻ và chết, con nít và mộ lớn. Bù đắp cho cuộc đời ngắn ngủi của nó, người ta xây cho nó ngôi mộ tráng lệ, ngói lợp mái che, xung quanh ốp gạch men, bia đục từ đá hoa cương, nền mộ rộng đủ cho chục ngoài người ngồi bày tiệc”
Thản là người duy nhất không vội thoát khỏi mảnh đất này, và Thản là một người chết. Thản trở thành dẫn chứng hùng hồn cho câu nói “Chỉ người chết mới ở lại cái đất này” của Ái. Hay nói cách khác, chỉ người chết mới không thấy khổ, mới không có nguyện vọng chạy trốn khỏi mảnh đất nghèo đói này.
Cuộc làm tình của Ái và Biền trong nghĩa địa
Dễ dàng thấy được, mối quan hệ của Ái và Biền, dù không có gì sai trái nhưng cũng không phải là chính thức, không có sự chúc tụng của bất cứ ai. Họ lén lút làm tình trong nghĩa địa, nơi khởi nguồn màn đêm của cả miền Nước Mặn. Ân ái tại một nơi âm u lạnh lẽo như vậy, người đọc thừa hiểu kết cục của mối quan hệ mập mờ này. Cuộc làm tình diễn ra vừa chóng vánh, vừa lạnh lẽo. Sự chóng vánh thể hiện ở cái hối hả khi Biền “lột vỏ” Ái ngay khi hai người ở chợ về. Cái lạnh lẽo toát ra cả ở khung cảnh nghĩa địa tối tăm, cả ở lòng người nguội lạnh.
Có thể bạn thích sách Chậm Rãi Động Lòng - Cảnh Kỳ Tâm full mobi pdf epub azw3 [Hiện Đại]
Tôi đọc “Cố định một đám mây” nhiều hơn số lần mà tôi có thể nhớ được. Tôi chưa từng ở trong hoàn cảnh như những nhân vật trong truyện, nhưng tôi nghĩ rằng ở đâu đó tôi hiểu họ. Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện như tâm sự, như khóc than nhưng không bi lụy. Một số người nhận định rằng truyện sử dụng ngôn từ quá dài dòng, câu nệ làm giảm đi sự chân thành trong lời văn. Tôi thì nghĩ khác. Đó là chất của Nguyễn Ngọc Tư. Sự “lâu la” đó đối nghịch hoàn hảo với sự ngắn gọn của tình tiết trong truyện. Thật thô bạo khi cho rằng nhà văn nói thừa trong khi họ chỉ đang nói những gì họ cần nói. Văn của Nguyễn Ngọc Tư khi nói về những cảnh vật “xấu xí”, thê lương vẫn rất đẹp, rất trong sáng và thánh thiện. Truyện ngắn và cả tập truyện nói chung có khác so với những tác phẩm trước đó của nhà văn vẫn không làm mất tính thiện trong văn của Nguyễn Ngọc Tư xưa nay.
Mời các bạn mượn đọc sách Cố Định Một Đám Mây của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn