Ở Trung Á, trong 1 thị trấn nông thôn gần biển Caspian những năm đầu thế kỷ 19, Otoyomegatari là câu chuyện về 1 cô gái trẻ, Amira, người đến từ 1 ngôi làng xa xôi trên núi để kết hôn với Karluk, 1 cậu bé kém cô tới 8 tuổi. Câu chuyện xoay quanh đời sống gia đình hằng ngày của cô tại làng. Tuy nhiên, bầu không khí yên bình không được bao lâu thì gia đình Amira yêu cầu đưa cô trở lại làng của họ.
Đây là câu chuyện về một phương trời xa xôi huyền bí.
Câu chuyện trên Con đường Tơ lụa lắm diệu kì.
Nơi cuộc sống diễn ra trong bao la, hào sảng.
Trong những hành trình, trong tình người và trong những lời ca.
Cùng với đó, không thể không nhắc đến nét vẽ tài hoa, tỉ mỉ đến tuyệt vời của tác giả,
sẽ khắc họa những nét văn hóa quyến rũ đến lạ kì của một vùng Trung Á bát ngát, bao la.
Nét vẽ chi tiết đến mức cảm thấy bệnh giùm tác giả
Bạn có bao giờ đọc một tác phẩm mà cảm thấy muốn “mệt” giùm tác giả không? [Cô Dâu Thảo Nguyên] với mở hoa văn trên quần áo thôi cũng khiến bạn phải nể phục sensei ở công đoạn tỉa tót.
Những hoa văn không chỉ cực kỳ cầu kỳ mà tần suất xuất hiện còn là vô số lần trong một khung truyện (chứ không chỉ là trang truyện nữa rồi). Nào là trên trang phục nhân vật nữ, trang phục nhân vật nam, tấm thảm dưới sàn, màn che cửa sổ,… Dù vẽ tay hay vẽ máy thì tôi tin rằng khối lượng thời gian mà đội ngũ thực hiện bộ truyện phải bỏ ra là vô cùng khổng lồ.
Quả thật công sức bỏ ra của tác giả vô cùng xứng đáng bởi khi thưởng thức mỗi trang truyện, độc giả sẽ cảm thấy vô cùng nghẹn ngào trước vẻ đẹp của những nhân vật. Họ cực kỳ xinh đẹp với những đường nét khỏe mạnh, rắn rỏi vởi tỉ lệ cơ thể hòa hợp cùng những bộ cánh đầy họa tiết khiến bạn sẽ phải trầm trồ không ít lần. Và dù không sở hữu chiếc cằm v-line của siêu mẫu, khuôn mặt không quá “nam thần” nhưng những nhân vật với khuôn trăng đầy đặn, nam giới cao to đậm nét phong sương nơi miền thảo nguyên ấy lại mang đến cảm giác đời thực hơn cho tác phẩm.
Một bức tranh ẩn chứa vô vàn tình ý
Nhưng điều khiến tôi say mê trong tác phẩm chính là hình ảnh của những cánh cửa được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ. Bạn còn nhớ khung cảnh khi ánh sáng mặt trời chiếu sáng xuống những hoa văn đang được người thợ chạm trổ tinh tế trên gỗ không? Với tôi, khoảnh khắc đó tựa như một tuyệt tác nghệ thuật được treo trong viện bản tàng.
Hay những tấm vải thủ công sặc sỡ được khoác lên mình các nhân vật trong những dịp trọng đại. Chúng như một nhịp nối kết giữa truyền thống hiện đại để nền văn hóa trong tác phẩm này cứ được bồi đắp tựa như một cánh đồng phủ đầy tình yêu của lớp phù sa và của lòng tự hào không bao giờ vơi dù trải qua bãi bể nướng dâu.
Thêm một điều tuyệt vời nữa khi IPM đã cố giữ lại những cảnh hở khá bạo bằng hình thức cen tinh tế. Với mức độ kiểm duyệt đó, chúng ta hoàn toàn có thể thưởng thử tác phẩm mà không quá ngại ngần rào chắn thuần phong mỹ tục.
Khởi đầu theo cách của những câu chuyện xa xưa
Câu chuyện bắt đầu tại vùng đất thị tứ xa xôi gần biển Caspi, nơi những cánh đồng cỏ dưới chân núi xanh tốt. Người dân du mục không có khái niệm nhà cố định như những người quen với đời sống vùng sông nước như tôi. Họ đi theo chân những bầy gia súc, vật nuôi có thể sống ở đâu thì người ở đó. Mỗi nơi đồng cỏ xanh tốt, đàn gia súc béo tốt là dấu hiệu cho sự thịnh vượng, cuộc sống no ấm cho cả dòng tộc. Vì thế đôi khi con người, nhất là người phụ nữ, phải hi sinh mình cho những mỗi liên minh, những mảnh đất màu mỡ và các vùng lãnh thổ. Và nhân vật chính của chúng ta – Amir, cũng được đổi trao theo cách đó dưới danh nghĩa hôn nhân.
Amir Halgal là một cô gái ở độ tuổi 20 của dòng họ du mục hoang dã, còn chàng Karluk Eihon vẫn chỉ là một cậu bé. Một cô dâu phóng khoáng, mạnh mẽ với tài năng thiện xạ băng qua bao núi đồi để đến bên người chồng của mình; mang theo hành trang là món hồi môn quý giá nhất. . . một cây cung! Cũng đủ thấy sự cá tính của cô dâu Amir.
Gia đình chồng rất đông, tập trung nhiều thế hệ, những người vợ người mẹ, người anh em cùng sống chung trong một túp lều lớn. Và chính trong túp lều lớn đó, những câu chuyện về việc làm dâu của Amir cùng những người phụ nữ khác xuất hiện trong câu chuyện được vẽ ra.
Tôi không có quá nhiều “đất” để kể về từng người nên xin chọn một chiếc chìa khóa (điều mà tôi chọn nói bên dưới), thứ tôi cho rằng chính là thứ giúp mở ra một bộ truyện hấp dẫn như câu chuyện của nàng Sheherazade trong [Nghìn Lẻ Một Đêm].
– – – – –
Sự độc đáo về văn hóa
Ban đầu Amir có nhiều sự lạ lẫm với sinh hoạt của gia đình chồng. Nhưng dần dần với sự nỗ lực của cả hai bên – cô dâu và nhà chồng, Amir trở thành người một nhà với Karluk, sống hòa thuận cùng rất nhiều người. (Nếu như bạn đọc mong chờ các tình tiết cung đấu, trạch đấu của phim Trung Quốc thì có vẻ phải thất vọng rồi, vì tính đến giờ chưa thấy mấy những nàng dâu trong nhà bất hòa.)
Chỉ riêng với điều này cũng khiến chúng ta thấy một góc kể chuyện khác từ tác giả MORI Kaori khi sensei dường như không hề có ý định xây dựng cốt truyện bằng những mâu thuẫn “mẹ chồng – nàng dâu” như ta vẫn tưởng khi nhắc đến việc sống chung với gia đình chồng. Thay vào đó, những người phụ nữ ở đó yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, bởi họ biết rõ số phận bản thân và càng không muốn giẫm đạp lên một số phận khác.
Sinh hoạt của lối sống du mục mở ra một không gian văn hóa đặc biệt. Nơi việc sống chung trong một đại gia đình với những con người thuộc đủ mọi lứa tuổi khác nhau không phải là điều quá tồi tệ. Và đây cũng là nơi mối quan hệ giữa người với người trở nên khắng khít khi họ phải dựa vào nhau để tồn tại trong mọi điều kiện.
Chúng ta tiếp xúc với văn hóa lạ này chẳng khác gì anh chàng người phương Tây trong câu chuyện. Cái gì cũng là điều mới mẻ cần học hỏi, từ việc săn bắn, dệt vải, trang phục quần áo,… đến cách họ yêu, dành tình cảm cho nhau.
Bao nhiêu điều mới mẻ thú vị được mở ra trước mắt và với một tâm thế tò mò trước vùng đất mới, phong tục tập quán mới, lối sống, sinh hoạt hoàn toàn khác, độc giả cứ thế bị cuốn vào từng trang truyện của [Cô Dâu Thảo Nguyên]. Để rồi như câu chuyện được kể qua từng đêm trong [Nghìn Lẻ Một Đêm], bạn sẽ không thể nào ngừng việc muốn thưởng thức tác phẩm này, những câu chuyện dần dà trở thành một món ăn tinh thần độc đáo dành cho cho những au yêu thích du ngoạn, khám phá thế giới, đặc biệt là vùng Trung Á (bối cảnh tác phẩm.
– – – – –
Lại một nữ chính độc lập trong thế giới của MORI Kaori
Những nhân vật nữ chính của MORI-sensei cực kỳ mạnh mẽ. Dù có vẻ ngoài mong manh là thế, nhưng tâm hồn vững chãi cùng niềm tin vào bản thân mình là độc quyền trong nét tính cách nhân vật.
Amir cũng được xây dựng như thế, cô là đại diện cho thế hệ những cô dâu khỏe khoắn, nhanh nhẹn, tháo vát và không chỉ giỏi việc trong nhà (cô còn có vẻ hơi vụn một số khoản nữ công gia chánh), mà còn giúp sức được cho chồng mình.
Amir yêu Karluk, khó lòng mà nói đó là tình yêu sét đánh bởi nó là kiểu “lửa gần rơm, lâu ngày cũng cháy”. Nhưng trước cả tình yêu, Amir đã dành cho Karluk thứ tình cảm trung thành mà người vợ dành cho chồng, cô tin tưởng cậu, dành những điều tốt nhất cho cậu. Ban đầu có thể giống như tình cảm một người chị dành cho em trai nhỏ của mình. Nhưng sau này, trải qua hoạn nạn, trái tim của Amir bắt đầu thay đổi. Cô dần nhận ra đó chính là yêu!
Tình cảm, cuộc sống, niềm vui và hạnh phúc tràn ngập trên gương mặt của cô bé. Nếu như tìm một hình tượng để so sánh Amir mình nghĩ cô ấy giống như một ngọn gió, phóng khoáng mạnh mẽ của vùng thảo nguyên bao la. Hy vọng ngọn gió của chiến tranh không thổi qua nơi đây để vùng đất bình yên, và những nhân vật sẽ sống thật hạnh phúc.
[Cô Dâu Thảo Nguyên] là một tác phẩm đẹp, đủ để lắp đầy trái tim của bất kỳ ai. Nếu đến giờ này mà bạn vẫn chưa mua truyện hay chưa đọc thử tác phẩm này thì tôi tin đây sẽ là thiếu sót lớn trong “sự nghiệp” xem manga của bạn đấy!
Mời các bạn đón đọc Cô Dâu Thảo Nguyên của tác giả Mori Kaoru.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn