Con nhà nghèo là tác phẩm nổi tiếng của Hồ Biểu Chánh. Nó đã được dựng thành tuồng cải lương, kịch và phim.
Lựu mồ côi, ở với anh và chị dâu trong xóm Ðập Ông Canh. Vì có chút nhan sắc nên bị cậu Hai Nghĩa, là con bà Cai Hiếu, chủ điền giàu có lớn, ép uổng đến có thai rồi bỏ. Thị Tố tìm gặp cậu Hai Nghĩa để hỏi cho ra lẽ và tìm cách lấy tiền để chữa bịnh cho Lựu, nhưng không xong. Trên đường về Thị Tố gặp mợ Hai Nghĩa nên kể chuyện cậu Hai có con với em chồng mình. Bà Cai Hiếu sợ mang tiếng cho gia đình nên đuổi gia đình anh của Lựu là Cai Tuần Bưởi phải trả ruộng và không cho cất nhà trong đất của bà. Cai Tuần Bưởi túng thế phải về ở với em vợ.
***
Con nhà nghèo là tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh xuất bản năm 1930, được xây dựng với hai tuyến nhân vật là giới điền chủ quyền thế và giới tá điền bị trị, trong một xã hội thuở giao thời giữa phong kiến và Tây hóa.
Cô Tư Lựu con nhà tá điền, bố mẹ mất sớm, có hai người anh là cai tuần Bưởi và Ba Cam. Cai tuần Bưởi là tá điền của bà Cai Hiếu và vợ chồng cậu Hai Nghĩa, còn Ba Cam làm tài xế xe hơi cho một ông thầy kiện ở Sài Gòn.
Cha mẹ mất đi, Tư Lựu ở chung với cai tuần Bưởi. Năm 17 tuổi, cô trổ mã, đẹp gái và rất có duyên. Nhân lúc cai tuần Bưởi đi làm ăn xa, ông Hai Nghĩa con bà cai Hiếu hám sắc đã hãm hiếp cô. Vì đã có vợ con nên khi biết Tư Lựu có thai, Hai Nghĩa đã bỏ rơi cô. Tư Lựu sinh con, đặt tên là thằng Hai.
Cả Hai Nghĩa và bà cai Hiếu đều không nhận máu mủ. Sợ mang tiếng xấu trong vùng nên họ tước hết ruộng mà cai tuần Bưởi đang thuê, trục xuất cả gia đình anh ra khỏi vùng đất của bà cai Hiếu.
Tư Lựu sau đó được anh Cu, một nông dân chất phác thương số phận hẩm hiu nên cưới làm vợ và nhận làm cha đứa trẻ.
***
Xóm Đập Ông Canh nằm dựa bên Gò Công qua Mỹ Tho, ngang qua ngã ba tẻ vô Ụ Giữa, bây giờ nhà chen rất đông đảo, cây đua mọc sum suê. Cái nhà việc cũ sùm sụp của làng hồi trước đã đổ bao giờ mà cất lại một toà nhà mới, nền cao khoảng khoát, nóc phơi đỏ lòm. Vài cái nhà lá tum hùm, cửa xịt xạc, vách tả tơi, hồi trước ở rải rác chung quanh đó cũng điêu tàn bao giờ mà nhường chỗ lại cho hơn chục cái nhà khác, tuy cũng lợp bằng lá dừa, song cột kê táng, vách đóng be, coi rất đẹp đẽ thơ thới.
Cảnh cũ đổi mới, nhà ít thêm đông, nhưng mà mấy chuyện nào trong xóm từ xưa đến nay thì mấy ông già cũng còn nhớ hết. Có khi ăn đám giỗ, người ta thử hỏi ông Tám Tiền, ông câu Hữu vậy chớ nhà việc mới cất hồi nào, ông thôn Tà mất bao giờ, chú chệt Chà về đó mấy năm rồi, thì hai ông trả lời liền, không do dự mà cũng không sai lầm. Có một chuyện hai ổng không chịu nói, là chuyện Cai tuần Bưởi.
Một lần nọ, người trong xóm, nhân trăng rầm tháng giêng tỏ rạng, tựu lại sân ông câu Hữu coi đạp lúa. Mỗi người đều nhắc chuyện xưa lại nghe chơi. Có người hỏi tại sao Cai tuần Bưởi lại bán nhà mà đi, thì ông câu Hữu nhíu mặt, chau mày, nín thinh một hồi lâu rồi nói rằng: “Các chú đừng có hỏi. Việc đó nói ra chắc sinh xào xáo trong xóm. Các chú không muốn ở yên chỗ này hay sao, nên hỏi tới chuyện Cai tuần Bưởi?”.
Ai nấy nghe nói như vậy thì sợ, nên ngó nhau rồi nói lãng sang chuyện khác, mà từ đó về sau cũng hết dám hỏi tới chuyện Cai Tuần Bưởi nữa.
Nói chuyện Cai tuần Bưởi thì phải bị nạn gì mà người ta sợ đến thế?
Mình không phải ở xóm Đập Ông Canh mà sợ. Vậy để mình thuật Cai tuần Bưởi cho mỗi người nghe một chút.
Cách chừng hai mươi mấy năm trước, trong xóm Đập Ông Canh, ở phía sau nhà việc, có một cái nhà ba căn, cột bằng cây bần, nóc lợp lá xẻ, cửa cặp lá chầm, vách gài bằng tre, trước sân một bên vắt một đống rơm, một bên trồng một cây me, sau kè chuối lá xiêm xơ rơ mấy bụi, mía sanh diệu lố xố mấy dòng. Cái nhà đó là nhà Cai tuần Bưởi.
Cai tuần Bưởi sinh trưởng ở xóm nầy, từ hồi cha cho đến bây giờ cũng ở trên đất này là đất của ông Cai Hiếu. Ông ta là con của ông trùm Lại, cha mẹ khuất hết, anh em chỉ có ba người mà thôi. Anh ta là lớn, năm nay đã được ba mươi hai tuổi rồi, có vợ là Thị Tố, gốc ở trên làng Bình Phú Tây. Thằng em kế đó tên Cam, năm nay được hai mươi lăm tuổi, hồi trước nó ở đợ đánh xe ngựa cho Hai Thu ở trong Ụ Giữa, ngựa sanh chứng lật xe gãy bánh, chủ đánh chửi nó nên nó giận, bỏ trốn đi mất mấy năm nay, không lai vãng về Đập Ông Canh, mà cũng không ai gặp nó nơi nào hết. Còn đứa em út là gái, tên nó là Lựu, năm nay nó mới được mười tám tuổi, tuy con nhà nghèo ăn mặc lam lũ, song nết na đằm thắm, đi đứng dịu dàng, ăn nói có duyên, mặt mày sáng sủa, nó ở với anh nó thuở nay.
Cai tuần Bưởi làm bạn với Thị Tố đã tám năm rồi, sinh được năm đứa con, ba trai hai gái. Thuở nay anh ta mướn hai dây ruộng của bà Cai Hiếu mà làm, mỗi năm phải đong lúa mướn ba trăm giạ, năm nào lúa trúng thì té ra chừng một trăm giạ đủ nuôi vợ nuôi con và em, năm nào lúa thất, đong lúa ruộng rồi không còn dư hột nào, thì phải lo làm mướn đặng lấy tiền độ nhật.
Mùa mới rồi, lúa cấy xong, lúa vừa mới bén, kế bị trời hạn, nắng cháy đọt, nước nóng gốc, lúa nở không được. Cai Tuần Bưởi đi thăm ruộng về, mặt mày buồn hiu, ngồi khoanh tay thở dài mà than rằng: “Trời muốn giết con nhà nghèo”. Chẳng hiểu trời sợ con nhà nghèo chết, hay là sợ chủ điền góp lúa không đặng, mà Cai tuần Bưởi than như vậy. Rồi cách vài bữa trời mưa một đám thật lớn trong cánh đồng Đập Ông Canh. Lúa nhờ mưa mát mẻ nên đâm đọt bén lại, nhưng vì bị hạn đã mất sức rồi, bởi vậy chừng trổ bông vắn vắn mà hột lại thưa thớt nữa. Thương cho Cai tuần Bưởi khi đến gặt, thì số lúa bó coi không thất bao nhiêu mà đến chừng đạp rồi, lường lúa hột thì chỉ có ba trăm hai chục giạ. Số lúa ruộng mướn của chủ điền bề nào cũng phải đong cho đủ ba trăm giạ. Thế thì cực nhọc trót một năm trường dang nắng cấm cà, dầm mưa nhổ mạ chỉ còn lời có hai mươi giạ mà thôi! Mà trong đó còn phải đong lúa mướn trâu, còn phải trả tiền công cấy thì dư nổi gì.
Mời các bạn đón đọc Con Nhà Nghèo của tác giả Hồ Biểu Chánh.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn