Chu Lai là một trong những nhà văn quân đội có tên tuổi trong nền văn học sau 1975. Đã từng một thời khoác áo lính, ông rất thành công với đề tài chiến tranh. Và tiểu thuyết là thể loại mà Chu Lai đã khẳng định được tài năng và phong cách của mình. Trong số đó thì Bãi bờ hoang lạnh cũng là một trong những tác phẩm để đời của nhà văn khi viết về đề tài chiến tranh với những câu chuyện và những phận người đầy gai góc.
Cuốn tiểu thuyết mở ra với bối cảnh là một bãi bờ ven biển heo hút thời hòa bình, chỉ vỏn vẹn bốn căn chòi với ba người đàn ông độc thân sinh sống. Ba người họ mang trong mình những số phận riêng biệt, đều là những nỗi khổ, dằn vặt nhưng không có ai có thể san sẻ cùng ai.
Bãi biển đã chết, sự có mặt của ba người này càng làm cho nó quạnh quê giá lạnh hơn. Thế rồi một ngày, cô họa sĩ Dung – một người đàn bà đẹp đã từ thành phố xuống và nhậm cư vào cái xóm nhỏ ven biển này. Cô gái ấy là ai? Liệu giữa họ đã từ có sợi dây ràng buộc gì trong quá khứ? Cuộc sống nơi đây từng chút từng chút một thay đổi cùng với sự xuất hiện của cô Bãi bờ hoang lạnh nhưng tình người thật ấm áp.
Có thể nói, mỗi trang văn của Chu Lai là một câu chuyện của những cái tận cùng, cố gắng hướng đến cái tận cụng, nỗi khổ niềm vui, hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và yếu hèn, tất cả đều được nổi lên một cách đậm nét và hết sức chân thưc.
***
Đại tá, nhà văn Chu Lai có tên khai sinh là Chu Văn Lai, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1946, tại xã Hưng Đạo, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên, hiện ở Hà Nội. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1980).
Ông là con trai của nhà viết kịch Học Phi. Trong chiến tranh Việt Nam ông công tác trong đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn. Sau 1973, ông về làm trợ lý tuyên huấn Quân khu 7. Đến cuối năm 1974 ông tham dự trại sáng tác văn học Tổng cục Chính trị và sau đó học tại Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Sau khi tốt nghiệp, ông biên tập và sáng tác cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn Chu Lai còn viết một số kịch bản sân khấu, kịch bản phim và tham gia đóng phim.
Chu Lai là một trong những nhà văn quân đội có tên tuổi trong nền văn học sau 1975. Đã từng một thời khác áo lính, ông rất thành công với đề tài chiến tranh. Và tiểu thuyết là thể loại mà Chu lai đã khẳng định được tài năng và phong cách của mình. Nắng Đồng Bằng là một trong những tác phẩm để đời của nhà văn khi viết về đề tài chiến tranh với câu chuyện và những phận người đầy gai góc. Người lính trong Nắng đồng bằng không chỉ biết có chiến đấu vì lý tưởng, biết đấu tranh, giành giật sự sống trước bom đạn, trước kẻ thù mà cũng có những suy tư, tính toán thiệt hơn… nhưng cuối cùng họ vượt qua tất cả để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Chính Chu Lai từng bộc bạch “Cuộc đời có thể xô đẩy người lính, quăng quật người lính nhưng người lính vẫn bật lại để sống xứng đáng với màu xanh áo lính”. Có thể nói mỗi trang văn của Chu Lai là một câu chuyện của những cái tận cùng, cố gắng hướng đến cái tận cùng, nỗi khổ niềm vui, hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và yếu hèn, tất cả đều được nổi lên một cách đậm nét và hết sức chân thực.
Một số tác phẩm của tác giả Chu Lai:
Vào lúc nửa đêm, không gian chỉ toàn những gầm gào của sóng của gió và thời gian lại dường như ngưng đọng đạc sệt, dẻo quánh, người đứng đầu thị trấn đột nhiên bị dựng dậy bởi hàng loạt những tiếng đập cổng bấn loạn vô hồi.
Chưa đến ba mươi tuổi, tráng kiện săn rắn hệt một gã thuyền chài chuyên đi săn bắt cá lớn ở khơi xa, không thích lấy vợ nhưng lại ưa dính dáng đến đán bà, chủ tịch thị trấn nhanh tỉnh như sáo, cây súng ngắn nhét hờ dưới gối được chuyển thành thạo lên tay. Tiếng đập cổng vẫn riết róng đến vô lễ, đến hỗn hào.
– Cái gì thế? Cái gì vậy? – Chủ tịch hỏi gay gắt.
Một bóng người cao lớn, ở trần, mặc độc chiếc quần cụt đã đứng choán ngay trước mặt anh. Trong đêm tối chỉ thấy một đôi mắt trợn ngược, một hàm răng nhe ra trắng ởn, một đống những râu và tóc dữ tợn rậm rì. Giọng chủ tịch thị trấn chợt dịu xuống:
– Có gì không Quang? Vào nhà đã? Đừng đứng đó lạnh.
Một tiếng cười khô và nhạt thếch. Sau đó là tiếng nói khàn khàn vọng âm như được phát từ trong đất đai, trong chum vại:
– Bạn bè coi thường nhau hả? Sao lại không có gì? Không có gì mà dám đến đá cổng lão chủ tịch lúc nửa đêm này à? Láo!
– Ừ thôi, cho xin lỗi đi! – Chủ tịch nhăn nhó – Mình vừa đi họp về, mệt quá! Vào nhà uống bậy ly rượu cho ấm bụng đã rồi có gì ta tính.
– Bây giờ không phải lúc – Con mắt trắng đã xếch lên – Chủ tịch mà chỉ lo uống rượu say mèm trong khi ngoài bãi chúng nó đang tụ tập làm bạo loạn hả? Láo!
– Cái gì? Ai bạo loạn? Ở đâu bạo loạn? Bãi nào? – Chủ tịch hỏi giật giọng.
– Khắc ra khắc biết. Vui lắm! Ông cố nội nó!
Nói xong, để văng ra một tiếng cười nhạt thếch nữa, bóng đen ngoắt người đi luôn. Vai rộng, bụng thon, đùi nhái… Anh ta đi xiêu xiêu ra biển, in vào nền trời màu cháo loãng, đẹp như một pho tượng đá biết chuyển dịch trong thế giới cổ tích, huyền thoại âm thầm.
Nhoáng lát, guồng máy bạo lực của thị trấn được bôi trơn phát nổ rầm rầm. Hơn năm chục con người súng ống tua tủa, nai nịt đầy người, đằng đằng sát khí đã tề tựu đầy đủ. Với cây súng nhỏ xíu trên tay, chủ tịch Lân trực tiếp chỉ huy trận càn mang ý nghĩa tổng lực vào đêm tối, nom anh đẹp ra đáng. Bộ quân phục năm xưa còn giữ được tóc bay tung, giày Adidas đế mềm, khuôn mặt vuông vức sáng láng khá hấp dẫn, anh lao lên trước, giò xoải dài hệt một chú ngựa chiến. Hơn năm chục con người cả trai lẫn gái ưu tú của thị trấn bươn bả theo sau. Một tiếng thét lạnh khí tử thần sắp vang lên: Những tiếng nổ chát chúa sắp xuyên vào da thịt con người… Một cảnh bao bủa gầm ghì rồi tiếp liền một cảnh đầu hàng còm róm… Kết cục bao giờ cũng xảy ra gọn sạch như trong băng hình VIDEO. Thường là như thế.
Nhưng lần này cái màn chót mang tính bi kịch tất yếu không xảy ra. Nằm dang chân dang tay giữa vòng người thở dốc lại không phải ai khác ngoài Quang, kẻ báo tin, bức tượng âm thầm đang tạc dở. Gió mát hây hẩy, trăng bắt đầu lên… Những con người nắm bạo lực trong tay thoáng lặng đi. Vẻ đẹp hoang sơ của người đàn ông một chân đạp vào cát mịn, chân kia thọc sâu vào nước, mắt nhắm thiêm thiếp, tóc bồng bềnh, vồng ngực vuông vức đẫm ánh trăng và cát sáng, và ngoài kia sóng lại sóng cứ từng đợt, từng đợt dội về như mơn man, như khảm bạc, như muốn cuốn lấy, rủ rê đứa con của biển, của bóng đêm trở về cõi thân thuộc vĩnh hằng đá tưới rảy vào trái tim họ, cái góc trong cùng của mọi điều bừa bộn lo toan chút tĩnh lặng mơ hồ.
– Thôi về nghỉ! Cám ơn các bạn. Coi như đêm nay ta tập trận giả nhân thể ngắm trăng dạo mát.
Câu nói có duyên của vị chủ tịch được tán thưởng bằng sự tản ra nhanh chóng của vòng người. Thoáng thấy vài ba ánh mắt con gái kín đáo nhìn lại …
Chủ tịch Lân nấn ná ở lại sau cùng. Anh khẽ khàng đắp lên tấm thân trần đang sáng dần lên chiếc áo bludông màu bộ đội vừa được cởi ra của mình, lầm bầm nói một câu gì đó rồi đứng dậy rảo bước theo dòng người.
Mời các bạn đón đọc Bãi Bờ Hoang Lạnh của tác giả Chu Lai.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn