Vẫn mang giọng văn hài hước và kỹ thuật thắt mở nút gây kịch tính nhà nghề, “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” của cùng tác giả cuốn “Người đàn ông mang tên Ove” chứa đựng mạch cảm xúc lạ thường về những mối quan hệ nhân quả của con người trong thế giới hiện đại.
Có gì cổ xưa và quen thuộc như chuyện về một người bà ngoại? Người bà có rất nhiều câu chuyện để kể lại, và để đánh dấu chúng, dường như cần những mùi hương khác nhau. Cô bé bảy tuổi Elsa đã có bà ngoại, người chuyên kể những câu chuyện tưởng tượng cho cô, nhưng toàn là những câu chuyện liên quan đến những ký ức kỳ lạ của chính bà, một người phụ nữ lạ thường. Người ta sẽ gọi bà ngoại của Elsa là lập dị hay điên khùng, nhưng với Elsa, bà là một siêu anh hùng.
Ai đã chứng kiến những hành vi kỳ quặc của bà ngoại họ rằng bà đã tán tỉnh cảnh sát, lái xe phạm luật, bắn súng sơn từ ban công trêu hàng xóm, thì Elsa đã hào hứng làm cổ động viên vì cô bé tìm thấy ở bà một người bạn để chia sẻ những điều thắc mắc của trẻ con. Tuy nhiên, ẩn dưới cái vỏ của những câu chuyện đầy màu sắc cổ tích, những hiệp sĩ, công chúa, những con rồng hay xứ sở mộng mơ mang những cái tên ám chỉ, lại là những con người thật, người đàn ông khỏe kỳ dị được gọi là Tim Sói, một con thú bí ẩn linh sói, một bà hàng xóm khó tính, một người đàn ông cục cằn khó gần, rồi ngay chính người mẹ hay căng thẳng cùng người bố trầm tính của Elsa… Họ đều là những nhân vật của cuộc đời bà ngoại, người đã phiêu lưu khắp nơi, để rồi lần lượt hé lộ câu chuyện kỳ lạ nhất về bà. Thông qua những lá thư bí ẩn chứa lời xin lỗi của bà, Elsa bắt đầu hành trình đi tìm sự thật, nghẹt thở và ma mị…
***
Elsa không phóng ra băng tuyết. Elsa cũng không phải là nữ hoàng của vương quốc xa xôi nào cả. Elsa chỉ là một cô bé 7 tuổi, nhưng lại là cô-bé-7-tuổi-già-trước-tuổi.
Bà ngoại không sống trong viện dưỡng lão. Bà ngoại cũng không rành mấy thứ gọi là Wikipedia. Bà ngoại chỉ là một bà cụ 77 tuổi, nhưng lại là bà-cụ-77-tuổi-trẻ-hơn-tuổi.
Ban ngày, bà ngoại đưa đón Elsa dến trường, cùng cô bé tham gia vào những cuộc phiêu lưu kỳ lạ như trèo qua hàng rào để đột nhập vào sở thú, nhét những tờ báo miễn phí chật cứng trong thang máy, làm phiền những người hàng xóm bằng cách bắn sơn và treo pizza trước cửa nhà họ.
Ban đêm, hai bà cháu chìm đắm trong xứ sở Mơ-màng-ngủ, nơi những câu chuyện cổ tích làu thứ nuôi sống tất cả các giống loài sinh sống ở 6 vương quốc kỳ diệu trong xứ sở ấy.
Bà kể cho Elsa nghe về loài linh sói, về thiên thần biển, những con rồng, quái vật, bóng đêm, về “cô gái luôn nói không”, về người anh hùng Tim Sói,… Elsa chỉ ước bà ngoại sẽ mãi bên cô bé. Vì bà là siêu anh hùng của Elsa. Và mọi đứa trẻ lên bảy đều cần có một siêu anh hùng ở bên cạnh.
Nhưng Elsa đã học được qua Wikipedia và tất cả “văn chương có chất lượng” rằng con người không có ai hoàn hảo, kể cả siêu anh hùng. Người ta có thể yêu quý ai đó suốt nhiều năm trời mà chẳng biết gì về họ hết.
Thực hiện lời hứa cuối cùng của bà ngoại là sẽ chuyển những bức thư có chứa lời xin lỗi đến với tất cả những người bà quan tâm, Elsa lao vào một cuộc hành trình đầy ma mị và nghẹt thở, để rồi mãi chờ đợi bức thư xin lỗi dành cho chính mình.
Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi không phải là truyện cổ tích dành cho người lớn, nó là truyện cổ tích dành cho những người từng là trẻ con. Những câu chuyện thần tiên của bà ngoại trở nên thật hơn bao giờ hết bởi đó chính là sự kiện thật xảy ra xung quanh bà. Một cô bé 7 tuổi có lẽ phải mất nhiều năm mới hiểu được.
Nhưng đừng quên Elsa không phải là một cô bé bình thường. Làm gì có đứa trẻ 7 tuổi nào có thể thuộc làu làu từng chi tiết trong Harry Potter, hay biết được cách tra Wikipedia với mỗi từ khó người lớn nói. Và quan trọng hơn, không có đứa trẻ nào chịu lắng nghe và tin vào câu chuyện thần tiên của người già như Elsa cả.
Đọc cuốn sách, ta dường như hiểu được một sự thật quan trọng mà nhà văn Fredrik Backman muốn gửi gắm. Bà ngoại vốn không phải là một người kỳ quặc và lạ thường.
Chính bà đã trở nên kỳ quặc và lạ thường để có thể hòa hợp với cô cháu gái. Bà nhắc nhở Elsa luôn giữ trong mình sự khác biệt và đừng để cho ai phải nhắc cô bé không được khác biệt. Vì chẳng có người tầm thường nào có thể thay đổi thế giới cả.
Mỗi linh hồn chết đi nhường lại sự sống cho một sinh linh nhỏ bé mới. Còn những câu chuyện cổ tích thì vẫn còn sống mãi nếu như vẫn có người kể lại và có người lắng nghe chúng.
Bà ngoại không được dạy làm thế nào để không kể các câu chuyện, Elsa không được dạy làm thế nào để không nghe, còn chúng ta có lẽ không ai được dạy làm thế nào để không mỉm cười trước một cuốn sách đáng yêu như Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi.
***
Fredrik Backman là blogger, nhà báo, nhà văn người Thụy Điển với các tác phẩm nổi tiếng đã được được dịch ra hơn 40 thứ tiếng như Người đàn ông mang tên Ove, Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi, Britt-Marie đã ở đây.
Tác phẩm:
***
Ở cái tuổi lên bảy, mọi đứa trẻ đều cần có siêu anh hùng. Không thể khác được. Những ai không chấp nhận điều đó cần phải xem lại đầu óc của mình.
Bà ngoại của Elsa thường nói như vậy.
Elsa đã gần tám tuổi. Nó biết mình không giỏi làm một đứa bảy tuổi. Nó biết mình khác biệt. Thầy hiệu trưởng bảo là Elsa phải “thay đổi thái độ” để “chan hòa hơn với các bạn cùng tuổi”. Những người lớn khác luôn nhận xét rằng nó “quá già so với tuổi”. Elsa đoán đó chỉ là một cách nói để ám chỉ rằng nó là “một con bé phiền phức”, vì họ thường nói thế khi nó chỉnh lại cách phát âm chữ “déjà vu” hoặc những lỗi chính tả lặt vặt của họ. Giống như hầu hết những người lớn to đầu khác. Bởi vậy họ mới dùng chữ “già trước tuổi” để nói về Elsa, kèm theo một nụ cười gượng dành cho bố mẹ nó. Như thể đó là một căn bệnh, và Elsa làm gai mắt họ vì không tỏ ra ngờ nghệch như một đứa trẻ bảy tuổi. Đây là lí do tại sao nó không có người bạn nào ngoài bà ngoại. Bởi lẽ tất cả những đứa trẻ bảy tuổi ở trường đều ngớ ngẩn như những đứa trẻ lên bảy thường tỏ ra, trong khi nó thì khác.
Elsa không nên để tâm đến những gì họ nói, bà của nó đã khẳng định như thế. Bởi những người giỏi nhất đều khác biệt, cứ nhìn các siêu anh hùng mà xem. Nếu những siêu năng lực của họ là bình thường thì mọi người ai cũng có siêu năng lực cả.
Bà ngoại đã bảy mươi bảy, gần bảy mươi tám tuổi. Bà cũng không giỏi làm một bà già bảy mươi bảy tuổi cho lắm. Mọi người có thể thấy bà già vì khuôn mặt bà giống như tờ giấy báo bị vo tròn nhét vào trong giày cho khỏi ẩm mốc, nhưng không ai thấy bà trưởng thành đủ so với độ tuổi cả. “Trộm vía”, người ta thỉnh thoảng nói như vậy với mẹ Elsa. Sau đó, khuôn mặt họ sẽ trở nên đầy lo lắng hoặc rất giận dữ, và mẹ sẽ thở dài hỏi xem mình phải bồi thường bao nhiêu, chẳng hạn như khi bà hút thuốc làm kích hoạt hệ thống báo cháy ở bệnh viện và la lối rằng: “riết rồi bây giờ cái gì cũng phải đúng theo khuôn khổ” lúc bị các bảo vệ yêu cầu dập thuốc. Hoặc là lúc bà đắp một người tuyết trong tư thế nằm sóng xoài dưới ban công nhà bà Britt-Marie và ông Kent, mặc quần áo người lớn cho nó để làm người ta tưởng có ai đó bị rơi xuống đất. Hoặc là khi những người đàn ông đeo kính đến gõ cửa từng nhà trong khu phố để nói về Chúa, Jesus và thiên đường, còn bà thì mặc áo choàng ngủ phong phanh bắn súng sơn vào họ từ trên ban công. Không rõ bà Britt-Marie thấy phiền phức vì vụ bắn súng sơn hay vì bà ngoại của Elsa không mặc gì bên trong lớp áo choàng ngủ hờ hững, chỉ biết bà ta báo cảnh sát với cả hai lí do đó cho chắc ăn.
Đó là những lúc mọi người thấy, trộm vía, bà ngoại rất trẻ so với tuổi tác.
Họ cũng nói bà điên rồ. Nhưng thật ra bà là một thiên tài. Chỉ có điều bà đồng thời cũng rất gàn. Hồi trước, khi còn làm bác sĩ, bà đã nhận được các giải thưởng, được báo chí viết bài, và bà từng tới những nơi tệ hại nhất thế giới, khi mà những người khác đều đã bỏ đi. Bà đã cứu sống nhiều người và chống lại cái ác ở khắp nơi trên trái đất này. Như những gì các siêu anh hùng vẫn làm.
Nhưng rồi một ngày nọ, người ta quyết định rằng bà đã quá già để đi giải cứu thế giới, dù Elsa nghi ngờ điều người ta thật sự muốn ám chỉ qua hai chữ “quá già” chính là “quá điên rồ”. Bà ngoại gọi kẻ đó là “xã hội” và nói rằng ngày nay chỉ vì mọi việc phải đúng theo khuôn khổ một cách chết tiệt mà bà không còn được phép phẫu thuật người khác. Rằng chủ yếu chuyện đó là do xã hội làm rùm beng quá mức về việc cấm hút thuốc trong phòng mổ, ai có thể làm việc trong những điều kiện như thế kia chứ?
Thế nên bây giờ bà ngoại chủ yếu ở nhà để chọc điên bà Britt-Marie và mẹ. Bà Britt-Marie sống dưới bà ngoại một tầng lầu. Bà ta cũng sống dưới mẹ Elsa một tầng lầu, vì nhà mẹ ở sát vách nhà bà ngoại. Tức là Elsa cũng ở ngay bên cạnh bà ngoại, vì nó sống cùng mẹ. Ngoại trừ cứ hai tuần một lần, nó đến ở với bố và dì Lisette vào dịp cuối tuần. Và tất nhiên dượng George cũng là hàng xóm của bà ngoại, vì dượng sống với mẹ Elsa. Rối rắm thế đấy.
Tuy nhiên, chúng ta hãy quay lại chủ đề chính: cứu người và làm người ta phát điên chính là những siêu năng lực của bà ngoại. Điều này có lẽ cũng biến bà thành một siêu anh hùng dị thường. Elsa biết chữ này vì con bé đã tra nó trên Wikipedia. Những người ở độ tuổi của bà ngoại gọi Wikipedia là “một bách khoa toàn thư trên mạng”, trong khi với Elsa, bách khoa toàn thư là “Wikipedia trên giấy”. Con bé đã tra cứu chữ “dị thường” ở cả hai nguồn đó, và nó được dùng để mô tả một thứ gì đó không hoạt động như lẽ ra nó phải thế. Đây cũng chính là một trong những điểm mà Elsa thích nhất ở bà ngoại.
Nhưng có lẽ không phải hôm nay. Bởi lúc này đã một giờ rưỡi đêm, Elsa khá mệt mỏi và rất muốn quay về giường ngủ. Chỉ có điều nó không thể làm điều đó, vì bà ngoại đã ném phân vào cảnh sát.
Chuyện này hơi phức tạp một chút.
Elsa nhìn quanh căn phòng nhỏ hình chữ nhật và há miệng ngáp to đến nỗi nhìn nó giống như đang cố nuốt chửng chính cái đầu của mình.
– Cháu đã bảo bà đừng có leo rào. – Con bé vừa lẩm bẩm vừa xem giờ.
Bà ngoại không đáp. Elsa tháo chiếc khăn quàng Gryffindor và đặt nó vào lòng. Con bé chào đời một ngày sau lễ Giáng sinh, bảy năm về trước (đúng hơn là gần tám năm). Cùng ngày hôm đó, các nhà khoa học người Đức đã ghi nhận vụ nổ tia gamma mạnh nhất của một ngôi sao từ có ảnh hưởng tới trái đất. Phải thừa nhận rằng con bé không biết sao từ là gì, ngoại trừ việc đó là một loại sao neutron. Và chữ đó trong tiếng Anh cũng hơi giống với “Megatron”, vốn là tên của một con robot hiểm ác trong bộ truyện Người máy biến hình. Những người không đọc nhiều văn chương có chất lượng vẫn gọi đó là một “thứ dành cho trẻ con”. Thật ra các Transformer là robot, nhưng theo lí thuyết người ta có thể coi họ là các siêu anh hùng. Elsa thích cả Người máy biến hình lẫn các ngôi sao neutron, con bé hình dung một “vụ nổ tia gamma” sẽ giống như lần bà ngoại làm đổ nước ngọt Fanta lên chiếc iPhone của cháu gái mình và cố làm khô nó bằng máy nướng bánh mì. Bà ngoại nói việc sinh ra vào một ngày như thế làm cho Elsa trở nên đặc biệt.
Và “đặc biệt” là hình thức hay ho nhất của “khác biệt”.
Bà ngoại đang mải chia thuốc rê thành nhiều phần trên cái bàn nhỏ trước mặt và cuộn chúng lại bằng thứ giấy vấn thuốc khô giòn.
– Cháu đã nói bà đừng có trèo qua cái hàng rào đó!
Bà ngoại hừ mũi và lục lọi trong cái túi xách quá khổ của mình để tìm chiếc bật lửa. Có vẻ như bà không hề coi chuyện này là nghiêm túc. Mà hình như bà chưa bao giờ coi bất cứ chuyện gì là nghiêm túc cả. Trừ phi bà muốn hút thuốc nhưng không thể tìm ra bật lửa.
– Lạy Chúa, nó chỉ là một cái hàng rào cỏn con thôi mà! – Bà nói với giọng vô lo. – Có gì đâu mà phải bận tâm!
– Bà đừng có nhắc đến Chúa với cháu! Bà là người đã ném phân vào cảnh sát.
– Thôi đi. Cháu nói năng y hệt mẹ cháu vậy. Cháu có bật lửa không?
– Cháu mới có bảy tuổi thôi!
– Cháu định dùng cái đó để viện cớ đến khi nào đây?
– Cho đến khi cháu không còn bảy tuổi nữa.
Năm 2017, tác phẩm mới nhất của Backman mang tên Beartown lọt top 10 cuốn sách hay nhất của năm do Amazon bình chọn.