Giờ đây, cái tên Warren Buffett không còn mấy xa lạ với mọi người ở khắp các châu lục, bởi vì con người này có một tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn và luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới suốt hai thập kỷ vừa qua. Song, ít ai biết rằng, vị tỷ phú 80 tuổi đáng kính ấy, “nhà hiền triết vùng Omaha” của Hoa Kỳ thuở thiếu thời lại là một cậu học sinh thường bị điểm kém, từng bỏ nhà đi hoang, nhiều lần tham gia đánh cắp những món đồ thể thao từ cửa hiệu Sears, điều hành một lộ trình giao báo năm 13 tuổi, mua một trang trại 40 mẫu Anh vào năm học lớp 10, bị trường Harvard từ chối, có một cuộc tình “đầy sóng gió” với Hoa hậu Nebraska 1949 Vanita Mae Brown, từng là một “tín đồ” trung thành có thâm niên hàng chục năm của Pepsi trước khi chuyển sang uống Cherry Coke của Coca-cola từ năm 1987, kết thân và xem vợ chồng tỷ phú số 1 thế giới 2009 Bill Gates và Melinda Gates gần như con ruột nhưng không bao giờ đầu tư một đồng vào “đế chế” Microsoft hùng mạnh, cùng vô số những thương vụ đầy táo bạo mang đến cho ông những thành công tột bậc (và một vài thất bại “nho nhỏ”dọc theo chiều dài sự nghiệp của ông… cho đến khi đọc The Snowball – Hòn Tuyết Lăn, quyển tự truyện về cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffett do Alice Shroeder chấp bút theo đề nghị của chính ông.*** Đó là mùa đông thứ chín trong cuộc đời của Warren. Cậu đang nghịch tuyết ngoài sân cùng Bertie, cô em gái nhỏ của mình. Warren đưa tay đón từng bông tuyết trắng tinh đang rơi xuống từ trên tận trời cao rồi đặt vào lòng bàn tay kia cho đến khi cậu có một nắm bông tuyết đầy ắp. Cậu ém chặt và vo nó lại thành một viên bi rồi đặt xuống đất. Viên bi bắt đầu lăn chầm chậm sau mỗi cú hích của cậu và ngày càng to ra vì tích thêm nhiều tuyết trên đường lăn của nó. Cậu lăn nó xuyên qua thảm cỏ nhà mình, lúc này đã phủ tuyết trắng xóa, chẳng mấy chốc cậu đã chạm đến mí vườn. Một thoáng ngập ngừng, cậu quyết định tiến lên và lăn viên bi sang thảm cỏ của những nhà kế cận. Và kể từ đó, Warren tiếp tục lăn quả bóng tuyết của mình đi khắp trên thế giới… *** Omaha, 1980 – 1986 Năm trăm con người giàu có và lịch lãm trong những chiếc áo tô-ga thắt nơ đen lần lượt bước lên tấm thảm đỏ tiến vào Đại Khán phòng Metropolitan sang trọng vào hàng bậc nhất New York để dự buổi tiệc mừng sinh nhật lần thứ 50 của Warren Buffett. Với mỗi cổ phiếu Berkshire Hathaway đang được giao dịch ở mức 375 đô la, tài sản gia đình Buffett giờ đây đã tăng lên gấp đôi so với một năm rưỡi trước đó và họ không chút đắn đo khi chọn địa điểm này để tổ chức mừng sinh nhật ông. [1] Thấp thoáng giữa các thành viên của Nhóm Buffett là các ngôi sao chớm nổi tiếng như chị gái của nam diễn viên Cary Cooper. Susie đã đặt một chiếc bánh kem sáu tầng có hình dáng như những thùng Pepsi-Cola thân yêu của Buffett. Ông đã đề nghị người bạn thời kinh doanh máy trò chơi pinball trong các tiệm hớt tóc, Dan Danly, mang theo cho ông bảng cân đối kế toán của công ty sản xuất các loại máy vận hành bằng tiền xu (Coin-Operated Machine Company[2] của Ngài Wilson. Buffett bắt đầu thu thập tài liệu về các công ty từ thuở ông vừa bước chân vào kinh doanh ở tuổi niên thiếu. Ông xem các vật này như những vật thiêng và thường mang ra khoe với mọi người bằng một ánh mắt ánh lên vẻ phục thù. Chúng trông như những bằng chứng có thể sờ mó được, những món đồ tạo tác, về chính con người ông. Susie mang theo ban nhạc của bà đến từ San Francisco. Họ chiếm lấy sân khấu trung tâm và mở màn bằng bài hát cải biên có tựa đề đặt lại là “Shuffle Off to Buffalo” để chúc mừng Buffett: Warren đã ngán kẹo tới cổ Nhưng tem thưởng thì không thuận tay… Bài hát tiếp tục hết đoạn này đến đoạn khác nhắm vào việc làm kỳ quặc mới nhất của Buffett: gói ghém hành lý và vội vàng đi Buffalo để mua lại một tờ báo được bán dưới giá gốc. Giọng hát của Susie lúc này đã chuyển sang một khuynh hướng mới, nghe ủy mị nhưng ngọt ngào. Các thành viên trong gia đình Buffett và bạn bè bắt đầu lên sân khấu để kể ra – trước sự chứng kiến của ông – danh sách các công ty và các thương vụ mà ông đã sưu tầm được như những hạt ngọc trong một chuỗi ngọc quý. Với đôi chân mày xoăn tít như đám dây thường xuân nhô lên khỏi cặp kính, trông ông lúc này đã bớt vụng về hơn trong bộ vét-tông kiểu cách thắt nơ đen. Một Berkshire Hathaway hiện đại giờ đây đều đặn sản xuất ra rất nhiều hạt ngọc mới cho gia đình ông. Cuộc săn lùng thâu tóm các công ty khác giờ đã trở thành một tham vọng mãnh liệt hơn vì không còn những mẩu xì-gà béo bở hay những vụ kiện tụng bó buộc chân tay như trong thập niên trước đó. Qui luật lãi suất kép miệt mài phát huy tác dụng như một tên đầy tớ chăm chỉ phụng sự ông chủ của nó trong sự kinh ngạc của mọi người. Phương pháp đầu tư của ông vẫn vậy: đánh giá giá trị thực chất của từng vụ đầu tư, tối thiểu hóa các rủi ro, mua vào theo biên an toàn, duy trì sự tập trung, luôn giữ mức thu nhập dồi dào và để quả bóng tuyết tự do lăn tới trước trong khi lãi suất kép phát huy tác dụng. Bất kỳ ai cũng có thể hiểu được những ý tưởng đơn giản này nhưng chỉ có một vài người biết cách áp dụng. Mặc dù Buffett cố gắng giải thích sao cho mọi người thấy qui trình này không mất nhiều công sức, nhưng kỳ thực bản thân ông và các nhân viên của ông phải làm việc cật lực với một khối lượng công việc và thông tin cực lớn. Toàn bộ đế chế kinh doanh của ông giờ đây đã mở rộng từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, từ bờ Hồ Erie phía Bắc dọc xuống các khu ngoại ô Los Angeles, nơi có tòa nhà Kiewit Plaza đứng sừng sững ngay giữa trung tâm thành phố – một tòa nhà thương mại yên tĩnh nhưng bận rộn không dứt được trang trí nội thất bằng những bộ bàn ghế có khung sắt thường bị người ta kéo tới kéo lui xoàn xoạt trên sàn nhà được lót bằng vải sơn. Cứ thêm một thương vụ mới thì họ lại có thêm nhiều việc hơn để làm, nhưng số lượng nhân viên trong văn phòng không hề tăng lên. Buffett vẫn cố thủ trong phòng cách ly, được chốt chặn bởi cô thư ký Gladys. Bill Scott giàu sụ lúc này chỉ còn làm việc bán thời gian và dành phần còn lại trong ngày đi nhảy Polka với nhóm bạn bè của mình. Một quản lý mới tên là Mike Goldberg vừa gia nhập góp phần làm tăng tổng số nhân viên của công ty. Verne McKenzie chịu trách nhiệm quản lý tài chính. Các nhân viên hiếm khi rời chỗ làm việc chật chội của mình trừ phi phải tham dự một buổi họp kín nào đó trong phòng họp công ty, vốn chỉ đủ chỗ cho bốn người. Không một cuộc tán gẫu nào diễn ra quanh bàn nước. Nói về giai đoạn thoải mái này sau những cuộc tranh chấp tại tòa báo Buffalo Evening News, McKenzie phát biểu: “Chưa bao giờ có quãng thời gian nào giống như thế!” [3] Những người đã từng thử Luật Nhiệt động lực học của Rickershauser nhận ra rằng thật ra “mặt trời” rất dịu dàng và nồng ấm, nhưng Buffett là người rất tập trung và nhanh nhạy đến mức những cuộc đàm luận mở rộng với ông có thể làm họ bị “bỏng nắng”. “Đầu óc tôi quá mệt mỏi!” một người nói. “Tôi cần nghỉ ngơi để hồi phục sau khi gặp ông ấy!” Một người khác. “Đầu tôi như vừa hứng những cú đấm thẳng choáng váng!” Một nhân viên cũ của ông nói nh ư thế. Buffett có nguồn năng lượng và bầu nhiệt huyết của một cậu thiếu niên hiếu động. Dường như ông nhớ tất cả các con số hay dữ kiện mà ông đã đọc qua. Ông khuyến dụ mọi người tình nguyện nhận những công việc khó để sau đó tuyên bố rằng họ vừa tạo ra một phép màu. Ông sẵn sàng chịu đựng búa rìu dư luận, miễn là điều đó giúp ông tiết kiệm được tiền bạc. Ông hết sức quan tâm đến hiệu quả công việc, ông nắm rõ kỹ năng của từng nhân viên cho nên bất kể họ hoàn thành công việc với kết quả xa gần thế nào so với kỳ vọng của ông, ông luôn đánh giá thấp khối lượng công việc của họ. Buffett, mặt trời mà mọi người đều phải quay quanh, cứ trơ trơ trước sức tác động của Luật Nhiệt động lực học của Rickershauser. “ Mọi người bảo rằng tôi đặt áp lực lên họ. Tôi không bao giờ có ý đó. Một số người thích gây áp lực với nhân viên, nhưng tôi thì không bao giờ. Thực ra đó chỉ là biện pháp cuối cùng mà thôi. Tôi nghĩ tôi không bao giờ làm như vậy, nhưng khi có quá nhiều người nói như thế thì có lẽ chuyện đó cũng có phần đúng.” Các nhà quản lý chịu trách nhiệm điều hành các công ty nằm sâu trong lục địa mà Berkshire Hathaway và Blue Chip sở hữu lại khá may mắn vì Buffett hầu như để họ tự do một mình. Bí quyết quản trị của ông là chọn những người có óc cầu toàn đến mức ám ảnh, như chính ông, kiểu người chỉ biết làm việc không ngơi nghỉ. Sau đó, ông cứ để mặc họ, ngoại trừ thỉnh thoảng ông lại “Carnegizing” [4] họ – tức tỏ ra ân cần, thán phục và sử dụng những bí quyết “đắc nhân tâm” khác đối với họ. Hầu như không ai có thể làm khác đi các kỳ vọng mà ông đã đặt vào họ. Quyết định của Buffett về việc mua vào ồ ạt các loại cổ phiếu trong thập niên 1970 là những vụ đặt cược đầy thách thức trước sự bi quan của thị trường các nhà đầu tư giá xuống, lại bị gây khó khăn bởi nạn thất nghiệp lan tràn và sự gia tăng giá cả sinh hoạt tới mức không thể chịu đựng nổi: 15% một năm. Giờ đây, phán đoán của ông đã được đền bù, một phần nhờ Tổng thống Jimmy Carter trong cơn tuyệt vọng đã bổ nhiệm Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang mới, Paul Volcker, vào năm 1979. Volcker nâng tỉ lệ chiết khấu cho ngân hàng trung ương lên 14% để kiểm soát lạm phát. Năm 1981, Tổng thống mới đắc cử Ronald Reagan bắt đầu mạnh tay cắt giảm thuế và tiến hành bãi bỏ các qui định cản trở kinh doanh đồng thời ủng hộ Volcker bất chấp những tiếng thét gào của dân chúng vì phải chịu đựng chính sách kinh tế hà khắc của ông. Nền kinh tế và thị trường trải qua một thời kỳ đen tối trong khoảng hai năm rưỡi. Vào cuối năm 1982, thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư giá lên bắt đầu biến động khi giá cả cổ phiếu bắt đầu bắt kịp tốc độ tăng tỉ suất lợi nhuận của các công ty. [5] Những khoản tiền mà Buffett đã sử dụng để thực hiện những vụ đầu tư lớn ở những năm cuối thập niên 1970 đến từ nguồn trôi nổi qua các công ty bảo hiểm và từ những con tem thưởng. Trong khi National Indemnity làm ăn phát đạt thì tại Blue Chip, việc kinh doanh tem thưởng tiếp tục thu hẹp và các khoản đầu tư từ nguồn float đang dần dần co lại từ các khoản tiền tem vốn được trả trước một cách hào phóng. [6]
Nguồn: https://thuviensach.vn