M.Bulgakov – Bản thảo không bị cháy Từng chương, từng trang sách, đều ẩn chứa trong đó những hàm ý triết học được “phổ” vào ngay cả những sự kiện xoàng xĩnh, khôi hài đến thảm hại của một hiện thực rã nát trong thế giới văn nhân. Và toàn thể tiểu thuyết là một tuyên ngôn nghệ thuật mà cho đến ngày nay các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục khám phá không ngưng nghỉ. Nghệ Nhân là nhà văn vừa hoàn thành tiểu thuyết, viết về hai nhân vật Lesua và Ponti Pilat: Một là nhà triết học lang thang và một là quan tổng trấn quyền uy. Lesua đã bị gài bẫy, bị bắt và bị hành hình vì những rao giảng của mình. Cái chết của Lesua đã trở thành nỗi ám ảnh kéo dài suốt hai nghìn năm, không để cho Ponti Pilat được yên, bởi quan tổng trấn đã không thể “cứu” được Lesua khỏi án chết, như ước muốn bí mật chỉ riêng ông biết. Số phận của Nghệ Nhân cũng không hề may mắn hơn: Tác phẩm của anh bị nguyền rủa và khai tử bởi các đồng nghiệp ngay từ lúc chưa công bố, dẫn đến việc anh bế tắc, tuyệt vọng, tự đốt bản thảo và tìm đến nhà thương điên, trốn chạy cả tình yêu định mệnh của Margarita… Chỉ có quỷ sứ mới cứu nổi nhà văn. Và quả thật quỷ sứ đã xuất hiện. Phần lớn số trang của tiểu thuyết đã dành để mô tả những gì mà chúa quỷ Voland và đoàn tùy tùng đã “quậy tưng” thành phố Moscow lên theo cách nào. Bằng những phép thuật được sử dụng như thuốc thử, Voland đã buộc giới văn nhân tự lộn trái mình ra, bộc lộ những phẩm chất tồi tệ: Bất tài, dối trá, ăn bám và hám lợi. Quả thật, Bulgacov với “Tài năng của nhà văn trào phúng, tài năng của nhà văn giả tưởng và tài năng của nhà văn hiện thực” đã nén đến tối đa những vấn nạn văn chương – tư tưởng, nhằm khẳng định khát vọng của nhà văn. Nó ở trong lời đáp của Voland khi Nghệ Nhân lên tiếng hỏi mình có nên chạy theo Ponti Pilat không: “Không, chạy theo dấu vết của cái đã kết thúc để làm gì?…Chẳng lẽ anh không muốn giống như Faust, ngồi bên chiếc bình cổ cong với niềm hy vọng mình sẽ tạo ra được một giống Homuncul mới?”. Nếu Nghệ Nhân – nhà văn trong tiểu thuyết khá mềm yếu và thụ động thì Bulgacov – nhà văn ngoài đời thực hoàn toàn ngược lại. Mạnh mẽ, quyết liệt, Bulgacov đã gửi một bức thư dài đến chính phủ Liên Xô: “Và tự tay tôi, tôi đã ném vào lò sưởi một tập bản thảo cuốn tiểu thuyết viết về quỷ sứ, một tập bản thảo hài kịch và phần đầu cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi – tiểu thuyết Sân khấu…Tôi xin lưu ý rằng, không được viết đối với tôi cũng có nghĩa là bị chôn sống… Nếu không được làm đạo diễn, tôi xin làm diễn viên đóng vai phụ. Nếu làm diễn viên phụ cũng không được, tôi xin làm công nhân sân khấu. Nếu cả điều đó cũng không thể được, tôi xin chính phủ Xô viết xử trí tôi như chính phủ thấy cần thiết…”. Bức thư đã được gửi đi vào trước thời điểm mà Maiakovski đã dùng súng tự bắn vào đầu. Sự quyết liệt ấy đã thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết, ở những đối thoại giữa giữa Lesua – Pilat. Iesua đã trả lời Pilat, nhắc lại những gì mà vì nó, nhà triết học phải bước lên đoạn đầu đài: “Tôi nói rằng ngôi đền của lòng tin cũ sẽ sụp đổ, và ngôi đền mới của chân lý sẽ được dựng lên… Bất kể thứ quyền lực nào cũng là bạo lực đối với con người, và sẽ đến một lúc sẽ không còn quyền lực của các hoàng đế lẫn bất kỳ thứ quyền lực nào khác. Con người sẽ đến được vương quốc của sự thật và công lý, nơi nói chung sẽ không cần một quyền lực nào cả…”. Có lẽ sự quyết liệt ấy đã giúp cho “bản thảo không bị cháy”, cho dù Nghệ Nhân, cho dù chính Bulgacov đã đốt nó.*** Năm 2006, Mikhail Bulgakov, một trong những nhà văn lớn nhất và kỳ bí nhất của nước Nga, tròn 115 tuổi. Hành trình cuộc đời, hành trình văn chương của ông trên dưới trăm năm đầy gian nan thăng trầm nhưng hướng về bất tử, như lời khẳng định của một nhà văn Nga: “Bulgakov – nhà văn đang sống và sẽ sống chừng nào còn tồn tại văn học Nga”. Hơn thế nữa, mối quan tâm đối với sự nghiệp sáng tác của Bulgakov mỗi ngày một tăng ở Nga và ở nhiều nơi trên thế giới, hầu hết tác phẩm của ông liên tục được in, tái bản, dịch, dựng phim… Xuất hiện ngày càng nhiều những công trình nghiên cứu “Bulgakov học”. Ông là một trong số rất ít nhà văn ở Nga được làm “Bách khoa toàn thư”; và đặc biệt, Bulgakov có lẽ là một trong những nhà văn có tác phẩm được đưa lên và được đọc nhiều nhất trên mạng Internet. Nghệ nhân và Margarita là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của M. Bulgakov, một trong những đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ Nga. Tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt hai mươi năm trước, có thể nói đây là công trình dịch thuật công phu và tâm đắc nhất của tôi. Tuy nhiên, có một sự thật là, khác với ở nước Nga và phương Tây, kiệt tác này không thật sự được phổ biến và tiếp nhận rộng rãi ở bạn đọc Việt Nam – có lẽ là do những khác biệt nhất định về văn hóa. Lần này, 65 năm sau khi tác phẩm ra đời, chúng tôi xin tái bản lại bản tiếng Việt trong một nỗ lực tiếp tục đưa Bulgakov đến gần hơn nữa với bạn đọc Việt Nam, nhất là bạn đọc trẻ tuổi, thế hệ mà tôi hi vọng sẽ dễ dàng tiếp cận Nghệ nhân và Margarita hơn. Ngoài bản dịch cuốn tiểu thuyết, chúng tôi đưa thêm phần Phụ lục để phần nào giúp bạn đọc trong việc cảm thụ tác phẩm này. Hà Nội, 27 tháng 1 năm 2006 Ðoàn Tử Huyến *** Một buổi chiều mùa xuân, vào cái giờ mặt trời lặn nóng chưa từng thấy, trong công viên Hồ Pat’riarsi1 ở Moskva xuất hiện hai vị nam công dân. Người thứ nhất dáng thâm thấp, béo tốt, hói đầu, mặc bộ quần áo mùa hè màu xám nhạt, chiếc mũ còn khá lịch sự bóp lại cầm trong tay, cặp kính gọng sừng đen to quá cỡ ôm ngang khuôn mặt cạo kỹ lưỡng. Người thứ hai còn trẻ, vai rộng, tóc vàng hung rối bù, mũ cát két sọc vuông đội lệch ra sáu gáy, áo sơ mi kẻ ô, quần dài trắng nhàu nát và chân đi đôi giày vải đen. Người thứ nhất không phải ai khác, mà chính là Mikhail Aleksandrovich Berlioz2, chủ tịch ban chấp hành của một trong những hiệp hội văn học lớn nhất Moskva, viết tắt là MASSOLIT3, và ông đồng thời cũng là tổng biên tập một tờ tạp chí văn học lớn; còn người bạn đường trẻ của ông là nhà thơ Ivan Nikolaievich Ponưrev, bút danh Bezdomnưi4. Bước vào dưới dãy bóng râm của hàng cây lipa5 đang bắt đầu nhú lá xanh, việc đầu tiên của hai nhà văn là chạy vội đến bên chiếc quầy dựng bằng ván sơn sặc sỡ với dòng chữ “Bia và nước giải khát”. Mà quên, có lẽ cần phải thông báo ngay cho bạn đọc biết điều kỳ lạ thứ nhất của cái buổi chiều tháng Năm khủng khiếp này. Ðó là, không chỉ ở cạnh quầy giải khát, mà suốt dọc cả con đường có trồng cây chạy song song với phố Malaia Bronnaia cũng không thấy một bóng người nào. Vào cái giờ đó, khi hình như mọi người đã hết cả sức để thở, khi vầng mặt trời, sau một ngày thiêu đốt Moskva, đang bọc mình trong màn sương khô lặn xuống một nơi nào đấy phía sau tuyến đường vòng Sadovoie, chúng ta không hề gặp một ai đi dạo hóng mát dưới bóng hàng cây lipa, không thấy một người nào ngồi trên những chiếc ghế băng “suốt dọc con đường dài vắng tanh vắng ngắt.” “Cho cốc nước khoáng narzan”, Berlioz nói với người đàn bà bán hàng. “Không có narzan đâu”, người đàn bà trong quầy đáp, và không hiểu tại sao bà ta lại tỏ vẻ phật ý. “Có bia không?” Bezdomnưi hỏi bằng giọng khàn khàn. “Bia tối mới chở về”, người đàn bà trả lời. “Thế có gì?” Bezdomnưi lại lên tiếng. “Nước mơ ấm”, người đàn bà nói. “Thôi được, cho xin, cho xin, cho xin!…” Hai cốc nước mơ sủi rất nhiều bọt màu vàng, và trong không khí bốc lên một thứ mùi như ta thường thấy trong các cửa hiệu cắt tóc. Uống xong, hai nhà văn lập tức đua nhau nấc cụt; họ trả tiền và ngồi xuống một chiếc ghế băng, mặt ngoảnh ra hồ, lưng quay về phía phố Bronnaia. Ðúng lúc đó bắt đầu xảy ra điều kỳ lạ thứ hai của buổi chiều hôm đó, nhưng nó chỉ liên quan tới một mình Berlioz: ông bỗng thôi nấc, tim bỗng đập mạnh một cái rồi lặn hẫng đi đâu mất; và thoáng sau nó trở lại nhưng hình như có kèm theo một mũi kim tù nằm mắc bên trong. Thêm vào đó, Berlioz bỗng cảm thấy một nỗi sợ hãi vô cớ nhưng rõ rệt đến nỗi ông muốn ngay lập tức bỏ chạy khỏi nơi đây không ngoái lại. Không hiểu cái gì khiến ông hoảng sợ, Berlioz đưa mắt rầu rĩ nhìn quanh. Mặt ông tái mét; ông lấy khăn mùi soa lau trán, nghĩ thầm: “Cái gì xảy ra với mình thế này nhỉ? Trước đây chưa bao giờ như vậy cả… Hình như tim mình bị sao ấy… Mình mệt mỏi quá rồi. Có lẽ cần phải vứt tất cả lại để đến nghỉ ở Kislovodsk6 thôi…” Ðúng lúc đó, làn không khí oi ả bỗng cô đặc lại trước mắt Berlioz, tạo thành một người đàn ông trong suốt có hình thù hết sức kỳ dị. Trên mái đầu nhỏ tí của anh ta là chiếc mũ lưỡi trai của dân đua ngựa, áo vét kẻ ô mỏng ngắn cũn cỡn… Người này cao khoảng một sagien, nhưng vai hẹp, gầy không thể tưởng được, và bộ mặt, xin bạn đọc lưu ý cho, đầy vẻ nhạo báng!
Nguồn: https://thuviensach.vn