Ngay từ khi ra đời, cuốn sách đã gây nhiều dư luận trái chiều, nhưng vượt lên những lời phủ định thành kiến, The Sea (Biểncủa John Banville đã giành giải thưởng Man Booker 2005 và được hàng triệu người trên thế giới biết đến như một áng văn chương tuyệt đẹp làm lay động lòng người bởi tinh thần bi tráng và nỗi hồ nghi sắc bén. Câu chuyện không bắt đầu bằng sự kiện mà khởi đầu bằng tâm trạng, nỗi mất mát, sự từ bỏ và hoang mang xáo trộn. Max Morden, một trí thức trung niên, nhà nghiên cứu nghệ thuật, sau cái chết của người vợ, đã quyết định khép kín cuộc sống của mình, làm chuyến du hành về quá khứ. Và từ đây mở ra thế giới của hồi ức, nhưng là những hồi ức đã bị cắt lìa khỏi sự quy chiếu thực tại, khỏi những cảm xúc và sự chủ động của con người thực tại, thế giới của những kẻ thực ra là đã chết ngay từ khi họ còn hít thở, ăn uống, thậm chí yêu đương… Như chính lời của họ, “chỉ còn như những bức tượng chân dung bị đổ ngã của chính mình”. Ngay từ khi trở về ngôi nhà nghỉ thuở ấu thơ bên bờ biển, sau gần nửa thế kỷ, Max Morden đã chán chường bực tức vì cảnh vật và mọi điều vẫn y sì như cũ, chi tiết tưởng như vô lý này cho ta hiểu một ý nghĩa khác, cái khả năng chủ động lục tìm hồi tưởng lại cảnh cũ người xưa của anh ta đã hoàn toàn bị vô hiệu hay là không hề được đề cập tới. Và quả thực suốt phần đầu của tác phẩm, Max Morden giống như bị trôi dạt nhồi dập trên những kỷ niệm và rãnh mòn của đời sống quá khứ. Chỉ cần nghĩ tới việc phải đi cắt cỏ, là anh ta đã “thấy mình ở đó rồi, sơ mi xắn tay, quần ống rộng, nhễ nhại mồ hôi, bước thấp bước cao sau cái máy cắt, mồm dính cỏ, ruồi bu trên đầu”. Dường như chỉ có những “rãnh mòn” ngơ ngẩn tức cười như thế là cái còn lại, sau chừng ấy năm sống. Và những kỷ niệm, cũng chẳng phải là cái gì ngọt ngào êm dịu mà giống như một xô xốc những hình dung về cái tréo nghoe, bất mãn, tồi tệ, xấu xí, một cách hiển nhiên, trong đó nổi bật lên cảm giác bơ vơ nhỏ nhoi của thân phận và những ẩn ức tính dục ngùn ngụt được giãi bày một cách tự nhiên và mạnh mẽ. Nhân vật của Biển là tù nhân của những khiếm khuyết đau buồn, ẩn ức tính dục và cả những bí ẩn ngẫu nhiên trong cuộc sống thời thơ ấu của mình. Và John Banville đã miêu tả một cách tuyệt vời khéo léo cái thế giới đóng kín hoá thạch của những hồi ức, với vẻ vừa tức cười vừa quái lạ của con người và cảnh vật, được tái hiện bằng những cảm giác và tâm trạng siêu hình. “Tôi đã ở đó mà không phải ở đó, là chính mình và hài lòng, vừa bị giam cầm chặt chẽ trong cái khoảnh khắc ấy mà lại vẫn lửng lơ sẵn sàng từ bỏ nó ra đi. Có lẽ toàn bộ cuộc đời cũng chỉ là một cuộc chuẩn bị dài để từ bỏ nó mà thôi.” Cảm giác vô nghĩa về thực tại, sự mất sạch những cảm xúc hiện sinh trở đi trở lại trong phần đầu tác phẩm càng được nhấn mạnh khi Max Morden kinh ngạc nhận ra rằng những gì anh ta hình dung từ thuở bé về tương lai của mình đã hoàn toàn đúng như những gì diễn ra; và cái hình dung đó thực ra là một khuôn mẫu sẵn có đã được vạch sẵn từ trước như một tinh thần xã hội, mà nếu tại thời điểm này cho anh ta chọn lại như thuở bé thơ chắc chắn cũng không thể có lựa chọn nào khác. Khép lại một vòng luẩn quẩn của của tồn tại, nỗi đau đớn và cảm giác bất lực như những thứ duy nhất còn lại sau gần nửa thế kỷ tiêu phí và trải nghiệm cuộc sống, phần đầu tác phẩm cho người đọc hình dung những cố gắng gần như tuyệt vọng mà cảm động của con người khi bị nhồi lắc trên sóng biển vô minh, kiếm tìm một điểm đến của tinh thần, kiếm tìm điều khả dĩ có thể coi là bản lai diện mục. Phần sau của tác phẩm, nhà văn đã để cho bạn đọc chùng lại nghỉ ngơi với việc kể nốt câu chuyện, những ham muốn tình dục đầu tiên của cậu bé Max Morden rất tự nhiên đúng lối gửi vào bà mẹ Grace đẫy đà phốp pháp đã nhanh chóng chuyển thành tình yêu đầu vụng dại với cô con gái Chloe. Cái chết vừa ngẫu nhiên bất ngờ vừa tự nguyện của Chloe và cậu em sinh đôi, vừa là chết thực vừa đùa bỡn với cái chết, đã gieo vào tâm trí cậu bé Max đang lớn còn chưa kịp khám phá trò chơi thân thể lần đầu tiên, ý niệm về sự tuyệt đối bất khả cưỡng của cái chết. Cái chết của Anna, người vợ hiền sau đó chính là sự tước bỏ cuối cùng đối với Max Morden, vốn đã chẳng có nhiều nhặn gì những người thân ở bên, nhưng lại được sống qua một cuộc đời quá đỗi yên bình. Giả định mà nhà văn đặt ra qua lời của Anna, mỗi con người chỉ được tạc nặn nên nhờ vào mối quan hệ của anh ta với những người khác, đã hoàn toàn đúng với Max. Tại sao anh không là những gì anh thích, mà lại cứ phải trở thành một người nào đó, như thế này hoặc như thế kia? Câu hỏi của Anna dành cho Max cũng sẽ là câu hỏi cứ vấn vương trong tâm trí nhiều người, khi mà thực ra chúng ta cũng giống như Max, suốt đời là tù nhân của những ẩn ức, của những mất mát hay khiếm khuyết, của ham muốn được sống trưởng giả yên bình và của những cá nhân khác? Đặt ra câu hỏi này, nhưng chính nhà văn cũng là người hiểu rõ hơn hết, sự bất lực vô minh của con người trong thế giới đương đại trước hình dung về bản ngã chính mình. Không có biến cố, hay nói cách khác là đã dìm kể cả những biến cố lớn như cái chết vào dòng chảy phẳng lặng của biển tồn tại muôn đời; không có thiện ác, có phần buông lơi cả trách nhiệm cá nhân; câu chuyện của Banville về đời sống bình thường, thậm chí tầm thường của một người đàn ông run rảy với bản năng sinh tồn, siêu hình và bế tắc trong kiếm tìm bản ngã, chính là ẩn dụ xác thực cho thời đại chúng ta đang sống. *** John Banville sinh tháng 12 năm 1945 tại Wexford, Ireland. Cuốn sách đầu tiên của ông, Long Lankin, được xuất bản năm 1970. Các cuốn khác là Nightspawn, Birchwood, Doctor Copernicus (đoạt giải James Talt Black Meomorial Prize năm 1976, Kepler (đoạt giải Guardian Fiction Prize năm 1981, The Newton Letter, Mefisto, The Book of Evidence (lọt vào chung khảo Booker Prize năm 1989 và giành giải Guinness Peat Aviation Award, Ghosts, Athena, The Untouchable, Eclipse và Shroud. Hiện John Banville sống tại Dublin. John Banville được trao giải thưởng Franz Kafka năm 2011. Ông cũng viết tiểu thuyết tội phạm dưới bút danh Benjamin Black.
Nguồn: https://thuviensach.vn