Cố Đô

Cố Đô

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Đông
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Tác phẩm xuất sắc nhất của Kawabata, tiểu thuyết Cố đô kể về cô gái trẻ Chieko, một đứa trẻ bị cha mẹ nghèo xơ xác bỏ rơi và được gia đình thương gia Takichiro nhận nuôi, ở đây cô được nuôi nấng dạy dỗ theo những nguyên tắc truyền thống của Nhật Bản. Chieko là một cô bé nhạy cảm, trung thành, nhưng thầm ấp ủ câu hỏi về thân thế của mình. Ở Nhật Bản, người ta cho rằng một đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ khổ ải với tai ương suốt đời, thêm vào đó, theo một quan điểm hết sức lạ lùng của Nhật Bản, trẻ sinh đôi còn chịu sự nhục nhã đáng xấu hổ. Một ngày nọ tình cờ cô gặp một cô gái lao động xinh đẹp trong rừng tuyết tùng gần thành phố và phát hiện ra rằng cô là người em song sinh của mình. Họ gắn kết sâu sắc với nhau vượt qua hàng rào giai cấp xã hội – cô gái thô kệch, làm việc nặng nhọc Naeko và cô gái thanh nhã, luôn được bảo vệ cẩn mật Chieko, nhưng sự giống nhau lạ lùng giữa họ đã mau chóng làm phát sinh rắc rối, phiền toái. Toàn bộ câu chuyện được đặt trong bối cảnh năm lễ hội tôn giáo ở Kyoto từ mùa xuân anh đào nở rộ đến mùa đông lấp lánh tuyết. Cố đô là một trong ba tác phẩm của Yasunari Kawabata được Ủy Ban Giải Thưởng Nobel dẫn chứng khi tặng giải, có cốt truyện phức tạp liên quan tới một cặp chị em song sinh, đã bị chia cách từ lúc mới chào đời nhưng các yếu tố khiến cho các nhân viên cứu xét Giải Thưởng Nobel phải quan tâm, là do tác phẩm đã nói lên các vẻ đẹp của Thành Phố Kyoto và các truyền thống cổ, với các phụ nữ Kyoto còn giữ các vẻ duyên dáng, không bị nền văn hóa phương Tây làm biến chất. Cùng với phần lớn du khách, Kawabata ước muốn rằng lối sống cổ truyền Nhật Bản vẫn được duy trì. Bản thân thành phố thật sự là một nhân vật quan trọng, thủ đô của vương quốc xưa, từng là nơi đóng đô của Thiên hoàng và triều đình, sau hàng ngàn năm vẫn là một thánh địa lãng mạn, quê hương của mỹ thuật và hàng thủ công trang nhã, ngày nay tuy bị khai thác cho du lịch nhưng vẫn là địa điểm thăm viếng được ưa chuộng. Với các chùa chiền phật giáo và các đền thờ Thần đạo, khu thủ công xưa và vườn thực vật, nơi này mang trong nó chất thơ mà Kawabata thể hiện bằng một phong cách dịu dàng, nhã nhặn, không ủy mị mà tự nhiên như một sự hấp dẫn đầy xúc động. Ông đã sống qua thất bại nặng nề của đất nước và nhận thức chắc chắn rằng tương lai đòi hỏi những gì về tinh thần cầu tiến, nhịp điệu và sức sống công nghiệp. Nhưng trong làn sóng hậu chiến của sự Mỹ hóa mạnh mẽ, tiểu thuyết của ông là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về sự cần thiết cứu lấy một cái gì đó trong vẻ đẹp và cá tính của Nhật Bản xưa cho một nước Nhật Bản mới. Ông mô tả những lễ nghi tôn giáo ở Kyoto một cách tỉ mỉ như thể chọn mẫu hoa văn trên khăn thắt lưng truyền thống trong trang phục phụ nữ. Những khía cạnh này trong tiểu thuyết có thể có giá trị tài liệu, nhưng độc giả thích thú với những đoạn mô tả sâu sắc như vậy như đoạn tả nhóm người trung lưu của thành phố thăm viếng vườn thực vật – vốn bị đóng cửa một thời gian dài vì lính Mỹ chiếm đóng lập doanh trại ở đó – để nhìn xem những con đường đáng yêu với hàng cây long não có còn nguyên và có thể làm vui sướng những con mắt thành thạo hay không. Với Kawabata, lần đầu tiên Nhật Bản bước vào thế giới những người đoạt giải Nobel văn chương. Điều cốt yếu dẫn đến quyết định này là, với tư cách nhà văn, ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có tính thẩm mỹ và đạo đức cao (moral-esthetic cultural awarenessbằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó đóng góp vào cầu nối tinh thần Đông Tây theo cách của ông.*** Chieko để ý thấy những đóa hoa tím đã nở trên cây phong. – Ôi cả năm nay nữa chúng cũng nở kìa? – Hơi thở mùa xuân mơn trớn thoảng vào Chieko. Trong khu vườn nhỏ bé cây phong hóa ra đồ sộ, thân nó to ngang hơn chính Chieko nhiều lắm. Nhưng lẽ nào có thể đem cái thân cây đầy rêu, phủ lớp vỏ chai sần, nứt nẻ, sánh với thân hình con gái của Chieko… Vừa đúng ngang tầm eo lưng, cây phong hơi vẹo về bên phải, rồi đến đoạn cao hơn đầu nàng lại thoắt vươn sang phải thành một vòng cung mà chính từ khúc cong này cành tỏa ra mọi phía, che phủ cả khu vườn. Những cành dài trĩu xuống vì sức nặng bản thân chúng, chạm đầu cành tới đất. Dưới chỗ thân cây đột ngột uốn cong một chút là hai hốc lõm con con, nơi những cây hoa tím mọc. Cứ xuân sang chúng lại trổ hoa. Trong chừng mực mà Chieko còn nhớ được thì trên thân cây vốn bao giờ cũng có hai khóm hoa. Khóm trên cách khóm dưới một khoảng trọn một xiaku 1. Khi đã là cô gái trưởng thành, Chieko thường hay tư lự: liệu có khi nào hai cây hoa tím trên dưới gặp được nhau không? Liệu chúng có biết đến sự tồn tại của nhau không? Nhưng với chúng thì các chữ “gặp”, “biết” mang được ý nghĩa gì kia chứ?… Hoa nở không nhiều – thấy chỉ ba đến năm vành hoa nhỏ là cùng. Nhưng dù sao cứ xuân sang, trong hai hốc nhỏ bé trên thân cây phong, chồi mới lại nhú lên, hoa lại nở. Chieko thường ngắm hoa từ chỗ lối đi, hoặc khi đứng trước gốc cây. Nàng nhìn chúng, mắt ngước từ khóm dưới lên khóm trên mà lòng bồi hồi, lúc lấy làm ngạc nhiên cho “kiếp sống” khác thường ấy của loài hoa tím, lúc cảm thấy một cảm giác cô đơn đôi khi đến lạ. – Chính đây là nơi chúng đã lớn lên…Rồi sống…- nàng thầm thì. Khách khứa đến cửa hàng vẫn tỏ vẻ thán phục cây phong nhưng hầu như chả có ai để ý thấy những cây hoa tím đang khiêm nhường trổ hoa. Cái cây cổ thụ làm người ta kinh ngạc bằng sức mạnh của mình, mà khúc thân mọc điểm rêu xanh gợi ra sự nể trọng và tạo thêm cho cây phong một nét mỹ cảm riêng. Hai khóm hoa tím nhỏ nhoi, nương náu trên đó, dường như lu mờ hẳn trong khúc ngợi ca sự hùng vĩ và vẻ đẹp kia.

Nguồn: https://thuviensach.vn