Trinh thử (chữ Nho: 貞鼠, Con chuột trinh tiếtlà truyện thơ Nôm Việt Nam, dài 850 câu lục bát và 2 bài thơ thất ngôn luật Đường. Hiện chưa rõ tác giả là ai và thời điểm tác phẩm ra đời. Bản in sớm nhất truyện Trinh Thử hiện còn là lần in vào năm Đinh Tỵ (1875. Truyện kể rằng vào năm Long Khánh (niên hiệu của Trần Duệ Tông, đời Trần ở miền Lộc Đỗng có người Hồ sinh, học rộng biết nhiều, lại nghe được tiếng chim muông. Nhân ra chơi kinh thành, chàng ngụ ở gần nhà Thừa tướng Hồ Quý Ly. Đêm nằm bỗng nghe tiếng chó sủa. Chó sủa làm cho một con chuột bạch góa chồng đang đi kiếm ăn bên nhà Hồ Quý Ly kinh hãi chạy vào nấp ở hang chuột đực. Trước đây, nhiều người (trong số đó có Dương Quảng Hàm, Bùi Kỷcho rằng truyện Trinh thử là của Trần triều xử sĩ Hồ Huyền Quy [1] soạn. Nhưng hiện nay, theo nhà nghiên cứu Triêu Dương, thì bước đầu đã xác định truyện Trinh thử thoát thai từ một tác phẩm văn xuôi chữ Hán, có nhan đề là Đông thành trinh thử truyện (Truyện con chuột trinh tiết ở tường thành phía Đôngra đời vào nửa sau thế kỷ 19. Cũng theo Triêu Dương, thì tác giả có thể là một danh sĩ lúc bấy giờ. Một số bô lão thì nói rằng truyện này do Nguyễn Hàm Nghi (em ruột Nguyễn Hàm Ninhở Quảng Bình viết vào thời thực dân Pháp mới sang xâm lược nước Việt, và có ý ám chỉ thời thế. Trong khi chờ đợi các nhà nghiên cứu văn học Việt xác nhận ai là người viết truyện Trinh Thử, ở đây phần tác giả tạm ghi theo Từ điển văn học (bộ mớilà “khuyết danh” *** Con chuột bạch, góa chồng, nuôi một đàn con thơ, ở nhà ông Hồ Huyền-Qui là một ẩn-sĩ về cuối đời Trần, một hôm vì đi kiếm mồi bị chó đuổi, chạy vào một cái hang ở góc vườn nhà bên láng-giềng; nhà ấy là nhà thủ-tướng Hồ Quí-Ly. Trong hang này, vốn có một đôi chuột, hôm ấy chuột cái đi vắng, chuột đực một mình ở nhà, chợt thấy chuột bạch chạy vào, hỏi rõ căn-do, bèn cố quyến-dỗ cho kỳ được. Nào là kể những cảnh vất-vả mẹ góa con côi, nào là tả những nỗi lạnh-lùng chăn đơn gối chiếc, nào là tán-dương sự phú-quí vinh-hoa của nhà thủ-tướng, nào là cười-diễu sự bần-hàn cùng-quẫn của kẻ thư-sinh, sau cùng lại mạt-sát những người trọng luân-lý, chuộng tiết-nghĩa ở trên đời, đều là những người chỉ biết chuộng hư danh mà không bổ-ích cho sự thực chút nào. Song, chuột bạch khăng-khăng cự-tuyệt, hễ chuột đực viện ra một lý, thì chuột bạch lại dẫn được một lý khác để bác đi. Khi giải-nghĩa thế nào là luân-lý, khi lập-luận thế nào là tiết-nghĩa, khi chê cuộc phú-quí là áng phù-vân, khi khen thanh-cao là nền chính-khí, khi công-kích bọn triêu Tần mộ Sở là tuồng hèn-hạ đáng khinh; sau cùng lại nói nếu bị áp-bách quá, thì quyết theo nghĩa « sát thân thành nhân » để bảo toàn lấy hai chữ trinh-tiết. Chuột đực thấy chuột bạch lời-lẽ nghiêm-chính và khảng-khái, đành phải kiếm lời từ tạ, để cho chuột bạch bằng lòng. Đang khi ấy chuột cái chợt ở đâu về, thấy chuột đực đang nói-chuyện với chuột bạch, ngờ rằng hai bên có tình-ý gì, tỏ vẻ bất bình lắm. Chuột bạch bèn thuật lại đầu-đuôi, vì sự tị-nạn, bất-đắc-dĩ mà không tránh khỏi được nỗi hiềm-nghi, lời-lẽ ôn-tồn uyển-chuyển, trước là để biện-bạch tâm-sự của mình, sau là muốn gỡ cho chuột đực, để giữ sự êm-thấm trong chỗ láng-giềng, rồi từ-biệt thung-dung trở về. Nhưng sau đó, chuột cái không tin lời chuột bạch là thật, không những ray-rức chuột đực, kể-lể con cà con kê, lại còn đến tận nhà của chuột bạch để rêu-rao tiếng nọ tiếng kia. Đang khi ấy, một con mèo thình-lình ở đâu nhảy đến, chuột cái hoảng-hốt chạy ngã xuống ao. Hồ tiên-sinh trông thấy lấy làm ái-ngại, bèn đuổi mèo đi, vớt chuột cái lên, lấy lẽ phải chăng, giảng-giải đạo cư-xử ở trong gia-đình cho chuột cái nghe, và kể rõ đầu-đuôi cho chuột cái biết chuột bạch vốn một niềm chính-đính. Vì Hồ-sinh là người hiểu-biết tiếng các loài-vật, cũng như Công Dã-Tràng đời xưa, đã từng vì tính hiếu-kỳ, đứng nghe ở cửa hang chuột đực, từ đầu đến cuối, cho nên biết rõ hết cả. Xong rồi, Hồ tiên-sinh về thư-phòng chép ra truyện này, đặt tên là Trinh thử nghĩa là con chuột trinh-tiết. Tiểu-sử của tác-giả Các bản in cũ, ngoài bìa quyển truyện Trinh thử đều đề là « Trần triều xử-sĩ Hồ Huyền-Qui tiên-sinh soạn », nay xét trong nhân-vật sử đời Trần, không thấy chỗ nào nói đến truyện Hồ tiên-sinh. Trong các mục Kinh-tịch chí, Văn-tịch chí của ông Lê Quí-Đôn và Phan Huy-Chú không thấy kê tên truyện Trinh thử và cũng không nói gì đến ông Hồ Huyền-Qui. Tác-giả truyện Trinh thử dùng được nhiều tiếng phương-ngôn ngạn-ngữ của nước nhà, và ông Hồ Huyền-Qui tất là một bậc ẩn-dật rất có đức-vọng ở thời bấy giờ, mà bình nhật Hồ Quý-Ly vẫn phải tôn-sùng kính-trọng như hàng tôn-trưởng, cho nên trong cuốn truyện Trinh thử, ông Hồ Huyền-Qui mới dám công-nhiên mượn câu văn để ngụ ý trào-phúng. Thiết-tưởng đó là những lời ức-đoán, song cũng có phần đúng. Nay xem ở trong truyện có những câu sau này: Ngụ miền Lộc-đổng cảnh thanh, Có Hồ-sinh vốn hiển danh đương thì. Chẳng màng đuổi thỏ săn hươu, Rồng còn uốn khúc ở ao đợi thì. thì biết tác-giả không phải là một người lão-phụ tầm-thường vậy. Tiếc rằng sách-vở đời Trần, trải qua cuộc binh-hỏa giặc Minh, tàn-phá gần hết, đến nay sưu-tầm rất khó, mong rằng các nhà lưu tâm đến văn-sử của nước nhà ra công thu-thập lấy nhiều tài-liệu để bổ-chính thêm vào.