Viết về bè bạn là tập hợp hai cuốn hồi ký Rừng xưa xanh lá và Một thời đã mất của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Mỗi câu chuyện trong Viết về bè bạn là một mảnh ghép tạo nên bức tranh chân thực đến từng millimet của đời sống nghệ thuật một thời đã mất, thời bao cấp, thời goulag đã qua. Đọc Viết về bè bạn, ta biết thêm một Dương Tường bán máu đằng sau một Dương Tường dịch giả, những câu chuyện đằng sau dịch phẩm Tể tướng lưu gù, những bài thơ Cầu xi măng, Chợ Cầu Rào, Nói chuyện với mèo, Kiếp sau, chuyện của “người sống và chết vì nghệ thuật như người tử vì đạo” Lê Đại Thanh, chuyện của “người điên” Nguyên Bình, hay phiêu lưu cùng màu trắng với Nguyễn Thanh Bình, và chuyện của “nhà văn của những người dưới đáy” – Nguyên Hồng. Với hơn 600 trang sách, Bùi Ngọc Tấn đã đạo diễn một bộ phim tư liệu về những mặt ít được nói tới của văn chương nghệ thuật, về cả những con người thành danh lẫn những tiếng nói bị vùi dập. Ông viết về những khó khăn gian khổ, những long đong lận đận; ông viết về, và viết cho những con người viết để sống, sống để mà viết. Văn phong giản dị, chân thực, cách kể cuốn hút, chắt lọc, giàu tính triết luận mà cực kỳ hài hước, Viết về bè bạn là cuốn nghệ thuật sử có giá trị; một cuốn sách giúp ta hiểu hơn về quá khứ và cũng để lạc quan hơn về tương lai, để vui sống, sống chứ không phải tồn tại, để tin tưởng “thế hệ sau sẽ làm được những điều chúng ta ao ước.” *** Trước hết có thể gọi đây là một thiên sử ký về một tình yêu, tình yêu Hải Phòng – Bùi Ngọc Tấn viết trong một cái nhìn hồi cố nhưng thấu suốt đến hiện tại: “Tôi lãng mạn có cánh. Tôi không hiện thực nghiêm khắc. Càng không hiện thực trần truồng. Và tôi càng yêu thành phố Hải Phòng… cho dù đời tôi có nổi chìm thế nào chăng nữa”(tr.286. Ông viết ở đây những chân dung nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh dù có sinh ra ở Hải Phòng hay không nhưng đã gắn một phần đời mình với Thành phố Cảng, với tình bạn của ông và đặc biệt đó “hầu hết là những người chịu nhiều vất vả, kể cả đắng cay, những người lận đận, không thành đạt… những người luôn vượt lên, không đầu hàng số phận” (tr.6mà ông gọi là “những ngôi sao mờ mịt vần vụ bão giông”, phần nào bởi thế mà hầu hết họ đã có thể chia sẻ với thân phận của “những người mang nghiệp chướng trong mình” mà chính ông trải nghiệm. Tuy nhiên đây không chỉ đơn thuần một tập hồi ký nhớ-và-kể. Bùi Ngọc Tấn với văn chương của ông là một tài năng hiếm hoi có thể dùng sức mạnh của hư cấu để kể những chuyện trung thực, tức dựng lại được cái cốt truyện ẩn sâu bên trong mỗi cuộc đời nhìn bề ngoài có vẻ như toàn những ngẫu nhiên sống động khôn lường… Những chân dung văn nghệ sĩ trong tập sách này đều khiến nghĩ đến các ký họa chân dung tài hoa mạnh mẽ lột tả thần thái những nhân cách văn học một thời. Bùi Ngọc Tấn không đặt ngọn đèn của tình cảm vào chỗ khuất bóng. Hai tiếng “bạn bè” trong ngôn ngữ của ông thấm thía tình cảm trong sáng, trìu mến, lấp lánh một ánh mắt mẫn tiệp và ân cần, khiến dòng tự sự của ông luôn dồi dào cảm xúc. Nhưng nhãn quan hiện thực chủ nghĩa – theo đúng hàm nghĩa cổ điển của thuật ngữ này – dẫn dắt văn chương của ông một cách nhất quán. Và điều đó là căn cốt trong phong cách truyện kể của ông: sự lựa chọn những chi tiết, những giai thoại để kể và mô tả, việc đặt những tình tiết và giai thoại như thế vào đúng chỗ cần thiết trong tổng thể ký ức chính mình một cách hài hòa sống động, cách kể khách quan hóa vai trò chứng nhân của mình trong toàn bộ bối cảnh được tái tạo như là chấm phá nhưng luôn luôn gây được ấn tượng thời-gian-thực và tình-thế-sống. Tính chất khiêm nhường không thể nhầm lẫn trong giọng điệu ấy chẳng bao giờ làm phương hại đến khát khao kể những gì cần phải kể. Tất cả những điều ấy khiến cho rất nhiều khúc truyện ở đây gây ấn tượng như những đoạn phim tài liệu xã hội-kinh tế đầy sức biểu hiện. Và đọc những chân dung này có thể thấy sâu bên trong chúng cái cốt cách những thiên “Bản kỷ”, “Thế gia” kinh điển phương đông. Mà phẩm chất văn chương vượt trội của chúng – cái vẻ đẹp giản dị tuyệt vời của thứ ngôn ngữ vừa chính xác vừa thấm nhuần tình cảm, vừa thâm viễn vừa hàm súc – khiến nghĩ đến một thiên sử ký của thời đại. Nguyễn Chí Hoan Review
Nguồn: https://thuviensach.vn