Jun, cậu bé mới lớn bỏ nhà lên thủ đô kiếm sống bằng nghề bán tiểu thuyết-ảnh ở một góc ngã tư. Jun dị ứng với tất thảy, với con người, với cả những người ruột thịt gần nhất: người bố đã tự tử vì sức ép công việc quá lớn, người mẹ đã cư xử như một thiên thần với mọi người mà không dành cho cậu sự ưu ái nào. Jun sống trong nỗi tuyệt vọng đó cho đến ngày cậu gặp một ông lão cứ nhắc đi nhắc lại như đinh đóng cột: “Ta thấy một người to lớn trong cậu.” Câu thần chú ấy chính là một sự khởi đầu, để tạo nên một nhân vật hết sức đặc biệt: một chàng sumô không thể béo… Với cuốn sách đậm chất ngụ ngôn này, Éric-Emmanuel Schmitt đã chứng tỏ một điều: sách mỏng không đồng nghĩa với sách nhẹ ký.*** Thủ đô Tokyo – Nhật, những năm 2000. Cậu bé Jun 15 tuổi sống lang thang trên đường phố Tokyo bằng cách bán những thứ khá bệnh hoạn: các con vịt có ngực, những hình phụ nữ khỏa thân bằng nhựa… để bỏ vào bồn tắm. Jun bỏ nhà ra đi được vài năm. Mẹ cậu cư xử như một thiên thần với tất cả mọi người, nhưng lại vô tâm và thờ ơ với chính cậu. Bố cậu – tự tử vì sức ép công việc quá lớn – người mà “Nếu ai đó bảo con vẽ bố, có lẽ con sẽ vẽ cái máy cạo râu trong phòng tắm, cái tên trên hộp thư báo, cái tủ có ba đôi giày và hai bộ quần áo tối màu; có lẽ con sẽ vẽ cả sự yên lặng… Nhiều bạn của con không được gần gũi bố nhưng đa phần chúng nó đều có quyền có một người-cha-trong-các-kỳ-nghỉ. Con ấy à, con đã rất thích có được điều đó, có một người-cha-trong-các-kỳ-nghỉ, một ông mặc quần short, trông buồn cười, động viên, kiên trì dạy con làm đống thứ linh tinh…”. Những trải nghiệm cay đắng từ gia đình đã làm biến đổi thế giới quan cũng như tính cách của Jun, khiến cậu phát triển “một thứ mỹ cảm lộn ngược, một thứ mỹ cảm gắn liền với những dị dạng của mình”, khiến cậu căm ghét đồng loại: “Tôi dị ứng với tất cả. Không có gì lôi cuốn tôi, tôi ghê tởm tất cả, sống làm cho tôi ngứa ngáy, hít thở làm tôi nổi cáu, nhìn xung quanh khiến tôi muốn đâm đầu vào tường cho phọt óc, quan sát loài người làm tôi thấy buồn nôn, chịu đựng lời nói của họ làm da tôi phủ đầy vẩy eczema, lại gần sự xấu xí của họ làm tôi rùng mình… Tóm lại, tôi đã vò nặn cuộc đời tôi theo sự què quặt của tôi”. Nhưng cuộc gặp gỡ với ông già Shomintsu kỳ lạ trên đường đã làm cuộc sống của Jun hoàn toàn thay đổi. Ông già ấy luôn luôn nhắc đi nhắc lại với cậu bé còi xương, hai đầu gối quặt vào trong và yết hầu lồi ra: “Ta thấy một người to lớn trong cậu”. Câu nói “thần chú” này là khởi đầu để tạo nên một nhân vật hết sức đặc biệt: một chàng sumô không thể béo… Đó chính là khởi đầu kỳ diệu để Jun xóa bỏ quá khứ cùng những sức nặng tâm lý ngăn cậu trở thành một đô vật sumo thực thụ. Jun đã học được cách chế ngự bản thân qua tập luyện và thiền định, đồng thời vươn tới tầm cao của sự hiểu biết chính mình. Sự thù hận đồng loại trong cậu cũng biến mất, và ở điểm kết thúc của câu chuyện, Jun còn tìm thấy tình yêu. Văn phong giản dị nhưng cô đọng, ngôn từ mộc mạc mà chọn lọc, cuốn sách đậm chất ngụ ngôn và triết lý của cây viết tài năng Éric-Emmanuel Schmitt đã chứng tỏ một điều: sách mỏng không đồng nghĩa với sách nhẹ ký. Đọc Chàng sumo không thể béo, bạn sẽ biết về: – Cách làm chủ dòng suy nghĩ và dung hòa cảm xúc – Vẻ đẹp của tình mẫu tử và tình cảm gia đình. – Một tỷ điều thú vị và tinh tế về môn vật sumo mà có thể những định kiến hời hợt nào đó (nếu cókhiến ta có suy nghĩ lầm lẫn về môn thể thao này. – Chân dung nước Nhật hiện đại và tinh thần võ sĩ bất diệt ở đất nước mặt trời phương Đông. – Cách hàn gắn nỗi đau và sự tuyệt vọng. – Cách nhìn nhận và đánh giá đúng bản thân. – Cách hiểu rõ chính mình. – Cách lắng nghe và truyền cảm hứng. – Sự lạc quan lành mạnh. Nói về cuốn sách này, tờ Le Point của Pháp nhận định: “Cùng lúc đơn giản và phức tạp, cùng lúc sáng rõ và khiến người ta phải bối rối. Ai cũng có thể nhận ra mình trong đó”… còn Le Pèlerin thì bình “đúng chất” Eric-Emanuelle: “Đừng e ngại, cuốn sách này sẽ không khiến bạn béo ra mà chỉ khiến bạn lớn lên thôi”.