Simone de Beauvoir (1908 – 1986là nhà văn, nhà triết học và một nhà đấu tranh cho nữ quyền người Pháp. Là một nhà văn từng được giải Goncourt nhưng cũng là một học giả uyên bác, các tác phẩm của bà được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời mình đồng thời đầy ắp các dữ kiện khoa học, lịch sử, thống kê… Hai tác phẩm non-fiction được biết ở Việt Nam nhiều nhất của bà là Giới tính thứ nhì và Tuổi già. Giới tính thứ nhì (xuất bản năm 1949, được xem là một trong những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20, là một cuốn bách khoa toàn thư về các giai đoạn của cuộc đời phụ nữ từ lúc sinh ra, dậy thì, lấy chồng, làm mẹ; đồng thời vạch ra con đường giành quyền lợi cho nữ giới. Với tác phẩm này, bà được xem là “Bà mẹ của phong trào nữ quyền”. Tuổi già được viết lúc Beauvoir hơn 50 tuổi, mô tả chi tiết cuộc sống của người già và đấu tranh giành quyền cho họ. Người ta chỉ có thể hiểu được thân phận người già khi ở tuổi đó. “50 tuổi, tôi giật nảy mình khi một nữ sinh viên Mỹ kể lại với mình câu nói của một cô bạn: “Nhưng Simone de Beauvoir là một bà già chứ sao!” Cả một truyền thống dồn cho từ ngữ này một cái nghĩa xấu; nó vang lên như một lời thoá mạ. Vì vậy, người ta phản ứng, thường bằng giận dữ, khi nghe người khác bảo mình già. Tôi có biết nhiều người phụ nữ được biết tuổi tác của mình một cách khó chịu qua một kinh nghiệm giống như kinh nghiệm Marie Dormoy: một người đàn ông, bị vẻ trẻ trung của hình bóng bà đánh lừa, đi theo bà trên đường phố; đến khi đi vượt qua bà và trông thấy gương mặt bà, thì thay vì bắt chuyện, ông ta rảo bước.” “Bạn có biết khuyết tật nào lớn nhất trong các khuyết tật không? Đó là tuổi trên 55” – Tourgueniev. Vào tuổi 55, Trotsky phàn nàn người mệt mỏi, mất ngủ, hay quên; ông có cảm giác sức lực sút kém; và lo lắng. Ông gợi lại quá khứ: “Anh buồn bã nhớ lại tấm ảnh của em, tấm ảnh của chúng ta, trong đó chúng ta trẻ trung biết chừng nào”. Già đi – đó là một điều không thể tránh khỏi và cũng là một quá trình chấp nhận đầy đau đớn. “Wagner kinh hãi thấy mình già đi, 80 tuổi, ông viết: “Hình hài tôi làm người ta khiếp sợ và khiến tôi u sầu một cách xót xa”. Sự suy sụp về thể chất khiến người già không còn có thể tham gia sản xuất hay xây dựng, do đó họ bị xem như gánh nặng, phải phụ thuộc vào người khác. Beauvoir viết về những trại dưỡng lão ở ngoại ô Paris với những người già như bị xã hội bỏ quên, sống mòn mỏi chờ đợi những cuộc viếng thăm của con cháu. Theo Beauvoir, đối đãi công bằng với người già là cách ứng xử có trước có sau mà nếu khác đi là làm lung lay gốc rễ của xã hội hiện đại.
Nguồn: https://thuviensach.vn