“Những quân bài trên mặt bàn” một lần nữa cho thấy óc quan sát tinh tế, sự hiểu biết sâu sắc tâm lý tội phạm của Agatha Christie. Cuốn sách chắc chắn sẽ gợi những suy nghĩ cần thiết cho các nhà chuyên môn, và nó cũng góp phần khẳng định vị trí “Nữ hoàng của tiều thuyết trinh thám” mà giới văn học đã dành cho bà. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm “Những quân bài trên mặt bàn” của Agatha Christie, một trong những tác giả nổi tiếng nhất thế giới về thể loại trinh thám, thể loại mà như nhà văn Somerset Maugham đã nhận xét: “ngày nay thậm chí những người có trí tuệ phát triển nhất cũng đọc…”*** Đó là giờ phút của Poirot, mọi khuôn mặt đều quay về phía ông. Ông mỉm cười nói: – Các bạn thật là tốt. Các bạn hiểu rằng tôi đã rất đắc ý với bài tuyên án vừa rồi. Tôi quả là một lão già tầm thường.Theo tôi, đây là một trong những vụ án hay nhất tôi được biết. Các bạn thấy đấy, chẳng có gì lắm. Có bốn người, chắc chắn một trong số đó là thủ phạm, nhưng ai? Có gì để buộc tội không? Về mặt vật chất thì không. Chẳng có một manh mối nào hết, không dấu tay, không tài liệu hay giấy tờ buộc tội nào, chỉ có chính những nhân vật ấy. Còn một đầu mối nữa, những tờ ghi kết quả các ván bài.Chắc các bạn còn nhớ, ngay từ đầu tôi đã tỏ ra rất quan tâm đến kết quả ấy. Chúng nói với tôi về các nhân vật đã ghi từng tờ và còn hơn thế nữa. Chúng đã gợi cho tôi một ý rất quí. Tôi đã lập tức nhận thấy rằng, trong ván thứ ba, con số 1.500 ở trên. Con số đó chỉ có thể cho biết một điều – chuẩn bị ăn hết quân bài. Nào, nếu có một người sắp sửa quyết định gây tội ác trong hoàn cảnh bất bình thường, như trong khi đang chơi bài Brit này chẳng hạn, kẻ đó rõ ràng là phải liều lĩnh ở hai điều rất nghiêm trọng: thứ nhất là nạn nhân có thể sẽ kêu lên; thứ hai là, ngay cả khi nạn nhân không thể kêu, thì một trong số ba người kia có thể tình cờ nhìn lên vào đúng lúc quan trọng nhất và thực sự chứng kiến hành động.