Truyện ngắn Trung Quốc là một thể loại đặc sắc, có nhiều thành tựu. Từ thời cổ cận đại, những truyện truyền kỳ, truyền thuyết, những câu chuyện của những bậc thuyết khách đã để lại những áng danh văn.
Các tác giả nối tiếp thời cận hiện đại lại có nhiều truyện ngắn nổi tiếng, đa dạng cả về nội dung lẫn phong cách thể hiện.
Đặc biệt những năm gần đây, truyện ngắn hiện đại Trung Quốc đang được mùa nở rộ. Nhiều tác giả mới xuất hiện. Có những tác giả đã trở thành những cây bút lão luyện trong thể loại này như Giả Bình Ao, Trương Thừa Chí, Sử Thiết Sinh, v.v…
Chúng tôi lựa chọn 100 truyện ngắn Trung Quốc, chính là nhằm để giới thiệu mùa truyện ngắn hiện đại với thành tựu nổi bật ấy. Để bạn đọc thấy được truyền thống của thể loại này, nhóm biên soạn có tuyển thêm một số truyện ngắn của những tác giả tiền bối tiêu biểu như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Băng Tâm, Lâm Ngữ Đường, v.v…
Tập sách đã tập hợp được các bản dịch của các dịch giả Hán văn quen thuộc ở Việt Nam như Tản Đà, Cao Xuân Huy, Trương Chính, Phan Văn Các, Trần Đình Sử, Phạm Tú Châu, Lê Bầu, Hà Phạm Phú, Vũ Công Hoan, Xuân Du, Trinh Bảo, v.v…
Chúng tôi sắp xếp theo trình tự alphabet của âm Hán Việt. Riêng phan truyện truyền kỳ, truyền thuyết, thì xếp theo trình tự niên biểu.
Hi vọng rằng 100 truyện ngắn hay Trung Quốc sẽ là một tập sách bổ ích cho những bạn đọc say mê truyện ngắn Trung Quốc và những nhà nghiên cứu…
Trong lúc tuyển chọn, biên soạn chắc không thể tránh được những khiếm khuyết. Mong bạn đọc thể tình lượng thứ.
CON ĐÃ NHÌN THẤY ĐẠI DƯƠNG
Tôi là bé gái tật nguyền. Mẹ tôi sợ tôi làm bà xấu mặt, sợ tôi ra đường bị mọi người mỉa mai trêu chọc, nên đến 8 tuổi mà tôi vẫn bị nhốt trong nhà. Tôi chỉ còn có khoảng trời bằng cái sân để chợtt nhìn một vài đàn chim vụt qua và không biết chúng bay về đâu.
Cha tôi qua đời năm tôi tròn 8 tuổi. Ít lâu sau mẹ tôi cải giá đi bước nữa, bà lấy một thủy thủ về hưu trên thị trấn. Lúc ấy mẹ tôi mới 40 tuổi, còn bố dượng đã ngoại lục tuần.
Bố dượng bảo tôi gọi ông là bác, và nói với tôi:
“Hà con, lại đây, bác đưa con đi chơi nhé?”
“Dạ không, dạ không”. Tôi sợ quá và cứ thụt mãi ra phía sau.
“Ra bên ngoài mà xem con ạ, nhiều thứ đẹp và hay lắm”.
Tôi đành lòng thú thật:
“Con xấu xí tật nguyền thế này, đi đứng khập khiễng, mẹ bảo ra đường người ta cười cho!”
Nói xong, tôi òa khóc.
“Con khỏi lo, Hà ạ, ai nói gì con, bác sẽ bồi cho cái này này” – bố dượng tôi giơ cao nắm đấm lực lưỡng của người thủy thủ tuy già nua mà vẫn còn rắn chắc, làm điệu bộ thụi thụi vào ai đó.
Tôi bật cười trong dàn dụa nước mắt.
Hôm sau bố dượng dẫn tôi đi phố. Lần đầu tiên tôi ra đường, trông thấy người là người, sao nhiều thế, tôi sợ quá và xấu hổ cúi gằm mặt xuống, hai tay níu chặt gấu áo ông như cái đuôi vậy.
“Hà con, ngửng mặt lên, sợ cái gì?”. Ông hét to như lúc còn là thủy thủ trên đại dương nên làm mọi người chú ý xì xào, nhất là lũ nhỏ bằng tuổi tôi.
“Này, đến đây, làm quen nhau đi. Đây là Hà, là bạn của các cháu đấy”. Bố dượng tôi nói vói đám trẻ thân mật và ngọt ngào như vậy nên cả bọn đã chạy đến bên tôi, hỏi cái này, hỏi cái kia và rủ tôi đi chơi.
Mùa đông đến, bệnh suyễn của bố dượng tôi tái phát và nặng thêm. Nhiều đêm không ngủ được, ông gọi tôi dìu đến bếp lò sưởi ấm. Trong cơn ho hen khó nhọc, ông kể cho tôi nghe câu chuyện về đại dương, về biển cả:
“Nước biển xanh, xanh như bầu trời, nước biển mặn, mặn như muối; biển rộng và sâu; dưới biển có cá, cá to, cá nhỏ, trên biển có thuyền, thuyền lớn, thuyền bé…
Tôi bị cuốn hút vào câu chuyện của ông và hỏi nhỏ: “Con có thể nhìn thấy biển đuợc không bác?”
“Đuọc chứ con, khi nào con lớn, lớn đến 15 tuổi, bác sẽ dẫn con đi xem biển”.
Mắt tôi bừng sáng, vì sẽ có một ngày tôi đượcc nhìn thấy biển.
Tôi lớn dần theo năm tháng, hiểu nhiều điều, biết nhiều việc. Bố dượng bảo ban tôi mỗi ngày làm một việc gì đó giúp gia đình. Trường học không nhận trẻ em tật nguyền nên tôi dành ở nhà học với bố dượng, 5 chữ và 1 bài thuộc lòng mỗi ngày, còn lại là nghe ông kể câu chuyện về biển cả, câu chuyện về đại dương vô cùng vô tận: “nước biển xanh, xanh như…”
Cuối cùng thì mẹ tôi lại đi tiếp bước nữa, theo anh chàng thợ may đầu hẻm, vứt tôi và ông bố dượng sống nương nhờ vào nhau.
Sức khỏe của ông ngày một kém dần, nhưng ông vẫn đưa tôi đi chỗ này chỗ khác, động viên tôi một mình vào cửa hiệu hỏi mua vật dụng, bày vẽ cho tôi làm lụng trong nhà và học hành chữ nghĩa. Mỗi khi tôi làm được một việc nhỏ chả ra gì, ông đều mừng rõ hân hoan như thể công tích lớn, và khen tôi:
“Hà, con giỏi quá, con làm được việc rồi đấy”.
Hai chúng tôi hẹn nhau sẽ đi biển vào mùa hè sang năm, lúc đó tôi tròn 15 tuổi và từ đây ông nhắc nhở tôi chuẩn bị mọi thứ, ông thường nói: “Bác phải dạy cho con biết ứng xử mọi điều trước khi đi biển”.
Mùa đông cuối cùng dài dằng dặc, bố duợng tôi nằm liệt giường, rũ rượi theo từng cơn hen suyễn, mình tôi xuôi ngược giữa tuyết lạnh trên các nẻo đường của thị trấn nghèo, mời thầy, mua thuốc và tất tất mọi việc nội trợ trong nhà. Chính trong nhũng giờ khắc ấy tôi tự thấy mình như đang lớn lên.
Một buổi sáng vào xuân, bố dượng gọi tôi đến bên giường và chậm rãi nói:
“Hà con, bác không qua nổi rồi, có điều này bác phải nói thật với con, trước khi về hưu một năm ông bác sĩ dặn rằng: bệnh của bác phải xa biển con ạ, thế là hôm nay và mãi mãi sau này, bác không đưa con ra được đến biển Hà ơi, bác đã lừa con, con bỏ qua cho bác…”
Tôi vô cùng thất vọng vì bao năm chuẩn bị và hôm nay lại như thế này, tôi òa khóc như hôm nào đã khóc với ông: “Bác ơi”, và chính đêm hôm ấy, ông, người thân duy nhất của tôi đã ra đi, bỏ lại mình tôi côi cút.
Từ đó tôi tự làm lụng kiếm sống. Mỗi lần nhận được tiền công, tôi đứng lặng trước bàn thờ bố dượng và càng thấm thía ý nghĩa “xem biển” của ông, và như muốn nói với ông: “Bác ơi, con đã nhìn thấy đại dương rồi, con đã nhìn thấy biển cả rồi, thật đấy, bác ơi!”.
(Theo ĐỘC GIẢ VĂN TRÍCH)
Mời các bạn đón đọc 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc Tập 1.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn