Những năm đầu thế kỷ XX, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã tạo ra những biến đổi trên cả bình diện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa mà những yếu tố này đều có những tác động nhất định đến phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam chống lại ách cai trị thực dân. Dựa trên những nền tảng kinh tế, xã hội mới với sự xuất hiện của những giai tầng xã hội mới cũng như sự du nhập của những trào lưu tư tưởng mới mang sắc thái dân chủ tư sản từ các quốc gia khác, phong trào yêu nước đi từ phạm trù phong kiến bắt đầu chuyển hướng sang màu sắc dân chủ tư sản với hai dòng chủ đạo là canh tân và vũ trang bạo động. Tuy vậy, cho đến trước năm 1914, các con đường cứu nước theo khuynh hướng này vẫn không mang lại kết quả cuối cùng và vũ trang bạo động với các cuộc đấu tranh theo những khuynh hướng khác nhau vẫn là khuynh hướng chủ đạo. Nổi lên trong giai đoạn này là các hoạt động yêu nước dưới ngọn cờ của Việt Nam Quang phục hội ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Hội kín ở Nam Kỳ. Vào lúc đó, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918) diễn ra đã lôi cuốn hàng loạt quốc gia vào vòng xoáy, trong đó có nước Pháp. Như một tất yếu, để phục vụ cho cuộc chiến tranh, Pháp đã huy động sức người, sức của từ khắp các thuộc địa của mình dưới nhiều hình thức và bằng mọi biện pháp. Điều này đã gây nên sự oán thán, phẫn uất trong nhân dân mà biểu hiện cụ thể của sự phản ứng chính là các cuộc nổi dậy đấu tranh chống Pháp của các tầng lớp nhân dân.
Trong bối cảnh đó, cuộc vận động khởi nghĩa ở Nam Trung Kỳ diễn ra vào tháng 5.1916 với mục tiêu đánh Pháp, giành độc lập cho đất nước và thành lập một chính phủ mới; tuy nhiên, ngay trước khi bắt đầu, cuộc khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp đàn áp dập tắt.